Tổng hợp ý kiến của hội viên Hội Nữ trí thức Thành phố góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. HCM lần thứ X (2015-2020)
Sáng ngày 03 tháng 10 năm 2015 tại trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, (số 32 Trần Quốc Thảo – Phường 7, Quận 3) Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh đã họp mặt kỷ niệm một năm ngày thành lập Hội (10/10/2014 - 10/10/2015). Đến dự cuộc Họp mặt có các đồng chí lãnh đạo một số cơ quan TW - TP: Đ/c Nguyễn Thị Ngọc Yến, UV Đoàn Chủ tịch - Trưởng Ban công tác phía Nam TW Hội LHPN Việt Nam; Đ/c Võ Thị Ánh Tuyết, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh; Đ/c Đinh Thị Bạch Mai, Thành ủy viên - Chủ tịch Hội LHPN Thành phố; NSUT Quỳnh Liên, Chủ nhiệm CLB Nữ nghệ sĩ TP; đại diện Ban lãnh đạo Trường Quốc tế Mỹ (Đơn vị đồng hành cùng Hội Nữ trí thức tp trong tất cả các hoạt động xã hội, từ thiện),...cùng các chị em hội viên Hội NTT TP. HCM.
PGS-TS. Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP phát biểu chào mừng và cáo cáo tóm tắt một số kết quả trọng tâm sau một năm thành lập Hội; đồng thời Chủ tịch Hội cũng gửi lời cảm ơn đến tập thể BCH Hội, các Chi Hội trưởng cùng các hội viên đã luôn thống nhất cao và thực hiện tốt các hoạt động do Ban Thường vụ, Ban Thường trực chỉ đạo. Đặc biệt PGS-TS Trương Thị Hiền đã chân thành cảm ơn Ban Thường vụ Hội LH Phụ nữ Thành phố đã luôn hỗ trợ các hoạt động của Hội Nữ trí thức; cảm ơn các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã đồng hành cùng Hội trong các hoạt động xã hội, từ thiện suốt một năm qua.
Cuộc họp mặt đã dành thời gian để tập trung góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. HCM lần thứ X (2015-2020). Đồng chủ trì có các đồng chí:
- PGS - TS. Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Thành phố;
- Đ/c Đinh Thị Bạch Mai, Thành ủy viên - Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Thành phố (Hội viên Hội Nữ trí thức TP);
- Đ/c Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LH Phụ nữ Thành phố - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nữ trí thức Thành phố.
Nội dung các ý kiến tập trung các vấn đề sau:
1. Nhất trí cao về bố cục toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị và cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị. Trong đó, phần kiểm điểm tổng kết đánh giá 5 năm đã đi qua khá là sâu sắc, tạo được xúc cảm tích cực; đặc biệt là phân tích đánh giá thẳng thắn những hạn chế, khuyết điểm và chỉ ra những nguyên nhân vừa mang ý nghĩa tạo sức thuyết phục, vừa là cơ sở khoa học (xác định lý luận và thực tiễn) trong xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm tới.
2. Về Chủ đề Đại hội
- Đề nghị bổ sung tiêu chí “GIÁO DỤC” trước tiêu chí KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ. Theo đó là “XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH; HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC, XÂY DỰNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, NGHĨA TÌNH; GIỮ VỮNG VAI TRÒ ĐẦU TÀU VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI; SỚM TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG TRUNG TÂM LỚN VỀ KINH TẾ, TÀI CHÍNH, THƯƠNG MẠI, GIÁO DỤC, KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ CỦA KHU VỰC ĐÔNG NAM Á”.
Vì nếu chỉ tính về tổng số các trường đại học, học viện, cao đẳng tại TP thì chiếm khoảng 24,3% so với cả nước; tỷ lệ này tương đương so với Thành phố Hà Nội. TP.HCM có 100 Học viện, Trường ĐH, Trường CĐ (tính cả 4 trường ĐH là cơ sở 2 tại TP); Hà Nội có 97 Học viện, Trường ĐH, Trường CĐ. Nhiều trường đại học của TP (kể cả dân lập) đã, đang đào tạo sinh viên quốc tế đến từ nhiều châu lục trên thế giới, tại nhiều khoa của nhiều trường ĐH đã trực tiếp giảng dạy cho sinh viên bằng tiếng Anh; chưa kể là sắp tới TP còn có thêm một số trường đại học danh tiếng thế giới, mà trong tương lai gần là Trường Đại học tư thục phi lợi nhuận Fulbright, sẽ sử dụng giáo trình, chương trình đào tạo của Trường Quản lý Harvard Kennedy của Hoa Kỳ đối với các khóa đào tạo một năm sau đại học về kinh tế học ứng dụng và chính sách công,...
Với những thực lực, tiềm năng khả thi và lợi thế cạnh tranh về ổn định chính trị so với nhiều nước trong khu vực, kết hợp với tình cảm thân thiện, hiếu khách của người TP sẽ là điểm đến tin cậy của giáo dục đại học mà sinh viên nhiều nước quan tâm lựa chọn. Do vậy, TP có đủ tự tin để phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục lớn của khu vực Đông Nam Á, và một khi trở thành trung tâm giáo dục lớn của khu vực Đông Nam Á, hoặc trong quá trình đi đến cũng sẽ tạo ra nhiều lợi thế quan trọng, góp phần tích cực hơn trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần của NQ TW 5 khóa VIII. Vì lẽ GD là chìa khóa vạn năng, là loại phương tiện quan trọng bậc nhất giúp nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của con người.
3. Về Hạn chế, yếu kém của 5 năm đã qua
3.1. Về hạn chế yếu kém thứ 2 (ý đầu tiên), đề nghị bổ sung sau câu: Quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường; là cụm từ: nhiều tuyến đường, khu dân cư mới đang báo động nguy cơ xuống cấp.
Cần đánh giá hạn chế, yếu kém cụ thể như vậy để trong thời gian tới có sự quan tâm triệt để trong tính toán các giải pháp đồng bộ hơn trong quy hoạch phát triển đô thị nhằm đảm bảo tính bền vững của những quy hoạch vì để quy hoạch, xây mới được một con đường, một khu dân cư khang trang đẹp đẽ, hiện đại là mất rất nhiều công sức, tiền của, thời gian,…vậy mà lại để nó xuống cấp một sớm, một chiều thì thật là lãng phí, trong khi chúng ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ là phải Cần, Kiệm,…? Nguyên nhân của tình trạng xuống cấp là công tác quản lý đô thị lỏng lẻo, cho phép đăng ký kinh doanh, nhưng có bắt buộc cam kết là không lấn chiếm hè phố? Không làm mất vệ sinh hè phố? Không quét rác xuống cống? Có triệt để thực hiện việc phạt hành chính khi vi phạm? Và quan trọng là chính quyền, ngành chức năng tại chỗ có nhìn thấy nguy cơ xuống cấp hay không để có biện pháp phòng ngừa, xử lý?
Một nguyên nhân nữa là bản thân những người vi phạm, họ không phải là người tại chỗ (thường là thuê nhà để kinh doanh, hầu hết là người các địa phương khác đến TP làm ăn), nhiều người chưa quen với nếp sống văn minh đô thị nên cần phải có sự tuyên truyền, giáo dục, thậm chí là xử lý vi phạm hành chính để răn đe, tạo thói quen trong tiềm thức về lối sống văn minh trong cộng đồng đô thị; vì một khi trình độ nhận thức, hành vi văn hóa không theo kịp với sự tăng trưởng kinh tế thì không bao giờ tạo được sự phát triển bền vững.
3.2. Về hạn chế yếu kém thứ 6 (đoạn 4) đề nghị Báo cáo Chính trị nên bổ sung thêm phần đánh giá chất lượng sinh hoạt của Chi bộ, nhất là Chi bộ khu phố (là nền tảng, cơ sở); đánh giá năng lực lãnh đạo, trình độ lý luận của Bí thư, tập thể chi ủy để qua đó thấy rõ hơn nguyên nhân tại sao “Công tác phòng ngừa, vận động, thuyết phục, đấu tranh, phê phán và xử lý các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị còn hạn chế” như nhận định của Dự thảo Báo cáo trong phần này. Theo đó, cũng nên phân tích và bổ sung vấn đề này vào phần đánh giá nguyên nhân chủ quan của những hạn chế yếu kém.
3.3. Về hạn chế yếu kém thứ 6 (ý đầu của đoạn 5), nên thay cụm từ “một số” bằng cụm từ “không ít” trong câu: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” thì mới sát với thực trạng tình hình của nhiều cơ sở đảng hiện nay.
3.4. Về hạn chế yếu kém thứ 6 (ý cuối của đoạn 7), nên đánh giá cụ thể, rõ ràng hơn về mức độ ít hay nhiều đối với “Tình trạng quan liêu, vô cảm, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức”. Nhận định “vẫn còn” và “trách nhiệm của người đứng đầu còn thấp” là quá chung chung, không rõ ý, không thuyết phục.
4. Về Mục tiêu "Xây dựng Đảng bộ thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á".
Nhất trí với các nội dung trên. Tuy nhiên đề nghị bổ sung thêm tiêu chí “Giáo dục” trước tiêu chí “khoa học-công nghệ...” như phần lý giải của Chủ đề Đại hội đã nêu ở mục 1.
5. Về các chỉ tiêu chủ yếu
Các chỉ tiêu thể hiện được mục tiêu tổng quát, tuy nhiên đề xuất bổ sung thêm các tiêu chí cụ thể về xây dựng Thành phố “Văn minh – Hiện đại – Nghĩa tình”, Thành phố “Thân thiện với trẻ em”; quan tâm chăm lo an sinh xã hội, bình đẳng giới, tạo nguồn cán bộ nữ.
6. Về Nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu trong 5 năm tới
6.1. Nhiệm vụ thứ 3: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo
- Đề xuất chú trọng xây dựng xã hội học tập, nâng cao thiết chế học tập tại cộng đồng, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành 01 “Thành phố học tập”.
- Mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh thực sự là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Thành phố cần có những chính sách cụ thể, tạo môi trường thân thiện để thu hút các Trường Đại học nước ngoài đào tạo tại Việt Nam các ngành công nghiệp mũi nhọn, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
- Quan tâm đầu tư Trường nghề để tạo điều kiện cung cấp lao động đã qua đào tạo, góp phần giảm nghèo, tái nghèo bền vững.
6.2. Nhiệm vụ thứ 5: Phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đề nghị bỏ tiêu chí “đi đầu” trong 6 tiêu chí: “luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình”. Vì “dám chấp nhận thử thách” cũng bao hàm ý nghĩa là “đi đầu” rồi, cách sử dụng từ “đi đầu” quá ngắn gọn trong ý trên dễ bị hiểu lầm là tự tôn cục bộ địa phương; hơn nữa nó cũng không nhất quán so với Chủ đề Đại hội chỉ là “…đầu tàu về kinh tế” chứ không đi đầu chung chung, không đi đầu trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, đề nghị bổ sung thêm tiêu chí “văn minh” sau tiêu chí “nghĩa tình” để nhất quán với Chủ đề Đại hội là “…xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình…”. Trong xu thế hội nhập mạnh với khu vực và thế giới, chúng ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn nguy cơ, hậu quả khôn lường của sự thiếu văn minh và sâu xa hơn là thiếu nền tảng văn hóa. Đối với đô thị, nhất là đô thị lớn nhất cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh thì yếu tố văn minh là rất cần thiết để tạo sự phát triển bền vững. Bởi lẽ văn minh là đối lập với hoang dã man rợ, lạc hậu; là sự kết hợp đầy đủ các yếu tố tiên tiến của thời đại; nó duy trì, vận hành và tiến hóa xã hội loài người. Các yếu tố của văn minh có thể hiểu là di sản tri thức, tinh thần và vật chất của con người được tích lũy qua các thời đại (kể từ khi loài người hình thành), thiếu nó là thiếu đi một mắt xích quan trọng trong cỗ máy vận hành xã hội; vậy nên muốn xây dựng TP văn minh thì bắt đầu từng con người của TP phải văn minh, trong đó Đảng phải giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt như Bác Hồ đã từng khẳng định: Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no.
Đồng thời các ý kiến cũng đề nghị một số vấn đề sau:
- Nên nhấn mạnh thêm về vai trò của người phụ nữ trong xây dựng văn hóa gia đình - người gieo trồng, kết nối và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới. Bởi lẽ vai trò vô cùng quan trọng của phụ nữ là “người mẹ, người thầy đầu tiên của con người” như Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ chính trị Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới đã khẳng định; và tiếp tục được khẳng định lại một lần nữa tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nưo71c.
- Các ý kiến băn khoăn trước những thông tin trên các trang mạng xã hội, các loại hình truyền thông “đội lốt nghệ thuật phản cảm”, núp bóng dân chủ, nhân quyền chống phá Đảng, nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm hoang mang, mất lòng tin trong nhân dân với chế độ,... Vì vậy, Đảng, Chính quyền, ngành chức năng và hệ thống chuyên chính vô sản của Thành phố cần có biện pháp quản lý, chế tài và trực diện đấu tranh một cách thẳng thắn trước những thông tin sai lệch, những luận điệu xuyên tạc lịch sử một cách vô căn cứ.
- Cần quan tâm nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa tại biên giới, hải đảo. Tăng cường quảng bá các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc bằng giải pháp “Vừa xây, vừa chống”: xây văn hóa cách mạng - chống văn hóa độc hại, lai căng. Theo đó, các ý kiến cũng mong muốn lãnh đạo Thành phố và cả hệ thống chính trị quan tâm đầu tư kinh phí để phát triển mô hình “Nhạc cách mạng xuống phố” do Hội Âm nhạc Thành phố đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Thông qua mô hình này sẽ góp phần tích cực thực hiện những định hướng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (ngày 15/01/2014) là tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với mục tiêu chung là: Giải phóng mạnh mẽ năng lực sáng tạo của mọi người dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ nhằm đưa dân tộc Việt Nam phát triển và hạnh phúc; làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội; trở thành nền tảng vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Từ trái qua: NSUT Quỳnh Liên, Chủ nhiệm CLB Nữ nghệ sĩ TP; và bà Nguyễn Thị Lan, UV BCH Hội Nữ trí thức TP.
7. Về Bảy Chương trình đột phá
Đề nghị quan tâm chất lượng nguồn nhân lực nữ để giảm khoảng cách bất bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, đồng thời phát huy nguồn nhân lực nữ có chất lượng cao trong tham gia vào sự nghiệp phát triển đất nước. Vì vậy, Đảng cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực nữ chất lượng cao một cách hợp lý và thỏa đáng (cần bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên). Tạo nhiều điều kiện để cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học kỹ thuật đảm bảo sự tiến bộ, bình đẳng về mọi mặt và tương xứng với tiềm năng; song song với những quan tâm về xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ của Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương.
Thực hiện: Khánh Tâm - Như Phương - Thủy Tiên;
Hình ảnh: Bích Vân.
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/8 đến 14/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 18/7 đến 31/7/2024