Nội dung ấn phẩm Nguyễn Thị Lựu - Cuộc đời và sự nghiệp
Nhân kỷ niệm một năm ngày thành lập Hội Nữ trí thức Thành phố (10/10/2014 - 10/10/2015) BBT Website xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn nội dung cuốn sách Nguyễn Thị Lựu - Cuộc đời và sự nghiệp do Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành đầu tháng 9/2015. Cuốn sách này đã được BBT giới thiệu ngày 7/9/2015.
NGUYỄN THỊ LỰU (23.9.1909 - 11.10.1988)
Thường vụ Tổng Công hội Đỏ Xứ ủy Nam Kỳ khu vực Sài Gòn -
Chợ Lớn; Bí thư Ban Phụ vận kiêm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ
Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn; Phó Chủ tịch Phong trào bảo vệ hòa bình
TP. Sài Gòn - Chợ Lớn; Bí thư Ban Trí vận; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Xứ
ủy Nam Kỳ; Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Ủy viên Đảng đoàn Ủy ban
Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Phó Tổng thư ký kiêm Vụ trưởng Vụ Quốc tế
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt -
Xô; Đại biểu Quốc hội các khóa II - III - IV; Chủ nhiệm Ủy ban Thống
nhất Quốc hội Khóa III & IV
- Huân chương Độc lập Hạng I.
- Huân chương Kháng chiến Hạng I.
- Huy hiệu 50 năm
NHỮNG MỐC THỜI GIAN ĐÁNG NHỚ
* Năm 1909
Bà Nguyễn Thị Lựu (Tám Lựu), còn có bí danh Thu, Cửu, có tên khai
sinh là Đỗ Thị Thưởng, sinh ngày 23.9.1909 tại làng Hòa An, quận
Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)
* Năm 1916
Sinh ra trong một gia đình địa chủ khá giả. Bà ngoại tin lời thầy tướng
số, cho rằng cô kỵ tuổi với mẹ, nếu sống chung sẽ có một người chết.
Nghe theo lời thầy bói, bà ngoại thuê vợ chồng một tá điền nuôi dưỡng
cô. Bà Tư Khạo nuôi cô, phải chia sẻ một bầu vú với đứa con trai cùng
tuổi. Cô chỉ được gọi cha mẹ ruột mình bằng cậu mợ; gọi người nuôi
mình là ba má. Năm 1916, cô mới được đón về nhà, sống với cha mẹ
ruột. Sống bảy năm với gia đình cha mẹ nuôi - một gia đình nghèo phải
cắt bớt phần sữa con mình, đổi lấy mỗi tháng 5 giạ lúa; do vậy từ bé,
tình cảm và nếp nghĩ của cô rất gần gũi với người dân lao động nghèo
khổ. Tình cảm hướng về người nghèo ấy khiến cô sớm dấn thân, hòa
nhập vào con đường cách mạng sau này.
* Từ năm 1926- 1927
- Tham gia lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh với tất cả nhiệt tình lòng
yêu nước và bằng sự say mê, khao khát dấn thân của tuổi trẻ.
- Lên Sài Gòn học thêu, tổ chức đấu tranh để nhà trường bán dụng
cụ bằng giá bên ngoài và học viên khi thực hiện tác phẩm tốt nghiệp
không phải trả tiền.
- Tiếp cận với sách báo tiến bộ ở Sài Gòn, nắm bắt tình hình, thời
cuộc qua các tờ báo “Tiếng chuông rè” của Nguyễn An Ninh, tờ
“Việt Nam Hồn” của Phan Bội Châu...
* Năm 1928
- Sớm được giác ngộ cách mạng, thoát ly gia đình, đứng vào hàng ngũ
Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.
- Những năm đầu thế kỷ 20, chuyện người con gái trong một gia đình
quyền quý rời khỏi nhà, tham gia làm “quốc sự” thật không dễ dàng.
Vì quyết định dấn thân, cô gái đẹp, thêu thùa khéo léo ngỡ có một
tương lai an bài trở thành một đại phu nhân hay bà điền chủ bước
vào con đường cách mạng lắm chông gai...
* Cuối năm 1929
Được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng tại Phong Hòa, CầnThơ.
Ông Nguyễn Văn Hanh (Nhuận) và Thân đứng ra giới thiệu, đồng
chí Hà Huy Giáp tuyên bố kết nạp bà vào An Nam Cộng sản Đảng.
Lúc này bà Nguyễn Thị Lựu lấy bí danh là Cửu...
* Năm 1930
Là trưởng ban Phụ vận tỉnh Mỹ Tho, tổ chức các cuộc diễn thuyết,
biểu tình chống sưu cao thuế nặng, rải truyển đơn, lập Hội Phụ nữ
giải phóng tỉnh Mỹ Tho, ra tờ báo Giải phóng...
* Năm 1931
- Đầu năm 1931, Tỉnh ủy Mỹ Tho đưa bà Nguyễn Thị Lựu về Sài
Gòn để bổ sung vào Xứ ủy Nam Kỳ; Ủy viên Ban Thường vụ Tổng
Công hội Đỏ Xứ ủy Nam Kỳ, chỉ đạo Hãng cưa Xóm Dầu, Nhà đèn
Chợ Quán, Đề bô xe lửa, Công hội thợ may và theo dõi tình hình
cuộc đấu tranh của công nhân Hãng dầu Nhà Bè.
- Nhận lời hứa hôn với ông Nguyễn Văn Hanh (bí danh Nhuận) - Phó
Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho...
- Bị Pháp bắt giam vào bót Pô-lô (Chợ Lớn). Trước những trận đòn
khốc liệt, dã man của địch; Nguyễn Thị Lựu vẫn kiên định, bảo toàn
khí tiết người Cộng sản.
- Ông Nguyễn Văn Hanh (Nhuận), người yêu của bà cũng bị Pháp
bắt giam tại bót Pô-lô. Toà đại hình đặc biệt Sài Gòn mở phiên
xử, kéo dài 7 ngày từ ngày 2.5.1933 - 9.5.1933; tuyên án bà 5 năm
tù giam tại Khám lớn Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Hanh (Nhuận)
bị tuyên án tử hình, hạ xuống chung thân khổ sai, bị đày đi Côn
Đảo.
* Năm 1936
- Được trả tự do, mới biết tin người yêu đã hy sinh trong chuyến vượt
ngục Côn Đảo vào cuối năm 1934, cùng với 10 đồng chí, trong đó
có Ngô Gia Tự (1908-1934)- Bí thư đầu tiên của Xứ ủy Nam Kỳ.
- Trở lại hoạt động, bà tham gia nhóm La Lutte (tranh đấu), làm việc
tại tòa soạn báo La Lutte và được bầu vào Ủy ban trù bị Đông Dương
Đại hội.
* Năm 1937
Là người đề xướng và tham gia thành lập tờ báo Le Peuple.
* Từ năm 1938-1939
Làm việc tại tòa soạn báo Dân chúng, cơ quan ngôn luận của Đảng
Cộng sản Đông Dương.
* Đầu tháng 9 năm 1939
Bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ 2, ở nhà tù Phú Mỹ (Thị Nghè -
Gia Định) từ 1939-1941, trại giam Bà Rá (Biên Hòa) từ 1941-1945.
* Ngày 09.3.1945
Nhật đảo chính Pháp, bà cùng một số đồng chí ở trại tù Bà Rá vượt
ngục về Sài Gòn, tham gia hoạt động, vận động quần chúng ủng hộ
Mặt trận Việt Minh lãnh đạo thắng lợi Tổng khởi nghĩa 25.8.1945.
* Năm 1946
Công tác ở Tỉnh ủy Châu Đốc, tham gia Ban Dân vận thị xã Châu
Đốc; gầy dựng, tiếp tay với các chị em làm tờ báo Phụ nữ Cứu quốc
mang tên “Anh Thư” của Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Châu Đốc.
* Năm 1948
Được Xứ ủy Nam Kỳ điều lên Sài Gòn, tham gia thành lập Đảng bộ
Sài Gòn - Chợ Lớn.
* Năm 1949
Được giao nhiệm vụ Bí thư Ban Phụ Vận kiêm Hội trưởng Hội Phụ
nữ Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.
* Năm 1954
Đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Phong trào Bảo vệ hòa bình Sài Gòn -
Chợ Lớn, phụ trách Tiểu ban đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève.
* Năm 1955
Thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định; bà tổ chức vận
động thành lập Ban Trí vận. Bà được phân công là Trưởng ban; các
thành viên là ông Lê Văn Huấn, dược sĩ Phạm Thị Yên.
* Năm 1959
- Ủy viên Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Được phân công là thành viên thường trực Ban chỉ đạo Biên soạn Dự thảo
Luật Hôn nhân và Gia đình do đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng ban.
* Năm 1960
- Đại biểu Quốc hội khóa 2.
- Được phân công làm Vụ trưởng Vụ quốc tế Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo các tổ chức sau:
* Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam
* Ủy ban Đoàn kết nhân dân Á Phi của Việt Nam
* Ủy ban đấu tranh cho nền độc lập Algerie
- Và các Hội Hữu nghị như:
* Hội Hữu nghị Việt – Xô (Phó chủ tịch)
* Hội Hữu nghị Việt – Trung
* Hội Hữu nghị Việt – Indonesia
* Hội Hữu nghị Việt – Pháp
* Hội Hữu nghị Việt – Mông…
- Đồng thời, bà còn được cơ cấu là Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên
hiệp Phụ nữ Việt Nam.
- Cùng đồng chí Xuân Thủy, cụ Lê Đình Thám dự Hội nghị Hòa
bình thế giới, tại Stockholm (Thuỵ Điển) với danh nghĩa là đại diện
Phong trào Bảo vệ Hòa bình thành phố Sài Gòn Chợ Lớn.
* Từ năm 1961-1971
- Đại biểu Quốc hội khóa 3. Kiêm Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất
Quốc hội.
- Phó Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phụ trách
Văn phòng Ban thư ký gồm công tác các ủy ban ở các địa phương,
công tác đấu tranh thống nhất, công tác quốc tế của Mặt trận và công
tác kết nghĩa Bắc Nam...
* Từ năm 1971 – 1979
- Đại biểu Quốc hội khóa 4. Kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất
của Quốc hội khóa 4.
- Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
* Từ tháng 7 năm 1979 – Tháng 10 năm 1988
- Nghỉ hưu.
- Thành viên Tổ sử Phụ nữ Nam bộ
- Thành viên sáng lập Bảo tàng phụ nữ Nam bộ (một trong 13 vị nữ
lão thành cách mạng)
* Ngày 11 tháng 10 năm 1988
Bà Nguyễn Thị Lựu từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.
Dù hạnh phúc lứa đôi không trọn vẹn, Bà vẫn ở vậy một mình khi
người yêu đã hứa hôn vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đại dương nhưng
cuộc đời và sự nghiệp của Bà rạng rỡ đôi đàng về cách mạng, về tình
yêu, lòng thủy chung, kiên cường, bất khuất; vượt qua những thử thách
nghiệt ngã,...
Tên Nguyễn Thị Lựu được đặt cho trường Trung học Cơ sở ở phường
4 và một con đường trong Thành phố Cao Lãnh.
PHẦN 1: Cuộc đời NGUYỄN THỊ LỰU & sự nghiệp
1. Hạt mầm yêu nước
Một tiểu thư khuê các, xinh đẹp, xuất thân trong một gia đình địa
chủ giàu có; người con gái ấy đã có được một tương lai do cha mẹ dựng
lên và kỳ vọng: Học sơ học Pháp Việt, học nghề thêu may, lấy chồng
nơi môn đăng hộ đối, làm vợ, làm mẹ, sống theo khuôn mẫu tam tòng
tứ đức ngàn đời đã định sẵn. Nhưng cô gái tên Đỗ Thị Thưởng, chào
đời ngày 23.9.1909 tại làng Hòa An, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay
là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã không khép mình vào cái
khuôn đã định sẵn ấy. Năm lên 9 tuổi, vào một buổi chiều tháng bảy,
khi các bạn mừng rỡ ào ra khỏi trường do thầy cho nghỉ học ăn mừng
mẫu quốc thắng trận, tâm tư cô bé Thưởng bị khuấy động dữ dội về hai
chữ “mẫu quốc”, mà “mẫu quốc” thắng trận là gì, thắng ai, điều ấy có
quan hệ gì đến ngôi trường làng xa xôi của cô? Cô bé chạy ào về nhà,
mang thắc mắc ấy, hỏi cha. Nghe cha giải thích, cô mới biết đất nước
mình bị Pháp xâm chiếm, đô hộ. Một câu hỏi bật lên từ cô bé mới 9 tuổi:
- Sao mình không đánh Pháp, giành lại nước hả ba?!
Người cha thở dài, nói với con đó là việc khó. Rồi khi nghe mẹ kể
chuyện chạy giặc hồi nhỏ, cô bé Thưởng càng căm ghét Tây.
Sách báo tiến bộ tác động mạnh mẽ vào tâm hồn cô gái. Cô kể lại
trong hồi ký:
“Đi học xa nhà, được tiếp xúc với nhiều bè bạn, tầm hiểu biết của
tôi ngày càng khá hơn. Lại được tự do xem sách báo, thoát khỏi sự để
ý của gia đình. Nhớ lúc ở nhà, khi muốn xem quyển sách nào thì cũng
phải qua sự kiểm duyệt của hai anh tôi. Khi nào được hai anh công
nhận là sách tốt thì mới được xem. Mà loại sách được gọi là tốt theo
quan điểm của các anh thì đại loại kiểu tam tòng tứ đức. Truyện Kiều
thì các anh cấm ngặt, không cho em gái xem!”.
Thoát khỏi sự “kềm kẹp” của hai người anh, cô được xem và
thích thú đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Ngô Tất Tố, Á Nam
Trần Tuấn Khải, Tản Đà... Cô thú nhận:
“Tôi rất thích xem những quyển sách viết về xã hội, hoặc thơ ca
có ý nghĩa cách mạng. Cái cảnh nghèo giàu, cái đau khổ của nông dân
trước sự bóc lột của bọn địa chủ trong tiểu thuyết đã ảnh hưởng đến
tâm hồn tôi rất lớn. Sự bất công của xã hội càng ngày như càng thôi thúc
lòng yêu nước của tôi. Tôi thường mơ tưởng đến những mẫu người
hiên ngang, bất khuất, dám hy sinh vì đại nghĩa, dám chịu khổ đau để
cứu lấy nước nhà. Và nhiều lần tôi tự hỏi, phải làm gì trước cảnh Pháp
chiếm nước mình, còn tự xưng là nước mẹ của mình? Tấm gương Hai
Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung Nguyễn Huệ,
như những hình tượng sáng ngời thường làm lòng tôi trăn trở”.
Đậu sơ học Pháp Việt, cô học trò Đỗ Thị Thưởng được mẹ cho lên
Sài Gòn ở với người anh để tiếp tục việc học. Và đây là tâm thế của một
cô gái mới lớn nhưng quan tâm đến thời cuộc, vận mệnh đất nước:
“Lên Sài Gòn, tôi có dịp tiếp xúc với bạn bè và đọc thêm nhiều
sách báo. Lúc này nhóm của anh Nguyễn An Ninh đang hoạt động sôi
nổi. Và trong lúc tôi như bị thu hút bởi những hoạt động ấy thì tiếng
bom ở Sa Diện của Phạm Hồng Thái, câu chuyện truyền miệng về Cô
Bắc, Cô Giang, tin tức cụ Phan Bội Châu xuất dương… như những
kích động lớn lao càng làm tôi tự hỏi: cụ Phan Bội Châu xuất dương
tìm đường cứu nước, ông Nguyễn An Ninh học giỏi, vì yêu nước mà
không làm cho việc Tây, đi vận động, truyền bá những tư tưởng yêu
nước phải bị tù tội, còn mình ghét Tây, muốn đuổi nó đi thì phải làm
gì đây? Câu hỏi này tôi chưa tự giải đáp được thì cuộc truy điệu cụ
Phan Châu Trinh được tổ chức tại Sài Gòn”.
Cô học trò Đỗ Thị Thưởng là nhân chứng lễ tang cụ Phan Châu
Trinh - Một đám tang lớn chưa từng có ở Sài Gòn, thể hiện sự giác ngộ
của quần chúng và tấm lòng của đồng bào dành cho một chí sĩ yêu
nước thương dân. Đám tang chí sĩ Phan Châu Trinh đã trở thành cuộc
biểu dương lực lượng của quần chúng, như nhà sử học Trần Viết Ngạc
mô tả trong tham luận hội thảo 80 năm ngày mất Phan Châu Trinh
vào năm 2006:
“...Ngay sau khi Phan Châu Trinh từ biệt bạn hữu thân thiết rồi lịm
dần đi lúc 9 giờ 30 tối ngày 24.3.1926, một ban tang lễ đã được gấp rút
thành lập... Một phong trào yêu nước sôi nổi đã phát triển khắp các thành
phố, thị trấn bất chấp sự đe dọa và đàn áp (của thực dân Pháp). Hà Nội,
Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ,
Hội An, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Bến Tre,
Ba Tri, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long Xuyên, Cao Lãnh,
Hương Điểm, Rạch Giá, Tây Ninh... đâu đâu cũng tổ chức lễ tang, truy
điệu. Phnom Penh, Paris..., Việt kiều cũng hưởng ứng. Tại Sài Gòn.... từ tờ
mờ sáng 4.4.1926, đồng bào từ khắp thành phố và vùng phụ cận đổ về trung
tâm. Họ nhanh chóng tập hợp theo đoàn thể, xếp thành từng khối, chuẩn bị
diễu hành. Đám tang đi theo lộ trình: 54 Pallerin (Pasteur), qua Norodom
(Lê Duẩn), Paul Blanchy (Hai Bà Trưng) rồi thẳng xuống Phú Nhuận (Phan
Đình Phùng) đến nghĩa trang Gò Công tương tế ở Tân Sơn Nhất. Đám tang
đã đi đến cuối đường Hai Bà Trưng ngày nay mà các đoàn quần chúng còn
đứng lại ở đại lộ Norodom! Chứng kiến đám tang vĩ đại được tổ chức trang
nghiêm trật tự, ngoại kiều ở Sài Gòn bảo nhau là “Dân tộc Việt Nam đã tỉnh
giấc, thức dậy rồi!” (...) Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào
cách mạng ở An Nam bằng tiếng Anh, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Năm 1926
có một sự thức tỉnh toàn quốc tiếp theo cái chết của một nhà quốc gia chủ
nghĩa lão thành Phan Châu Trinh. Khắp trong nước đều tổ chức lễ truy điệu
(...) Trong lịch sử người An Nam chưa hề được chứng kiến một việc to lớn
như vậy bao giờ”.
Những ngày ở Sài Gòn năm ấy, cô Đỗ Thị Thưởng trở thành nhân
chứng đám tang chí sĩ Phan Châu Trinh. Không chỉ tận mắt chứng kiến
một “đám tang vĩ đại” mà cô gái ấy còn hòa vào dòng người trong lễ
truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh. Đám tang của “một người con của đất
nước, sớm qua đời khi mộng ước lớn lao chưa thành đạt” dù mấy mươi
năm đã trôi qua nhưng in đậm trong ký ức Nguyễn Thị Lựu:
“ Sài Gòn trong những ngày ấy như lắng xuống. Không khí u
buồn hằn rõ trên nét mặt mọi người - ngoại trừ bọn cộng tác với Pháp
- những nhân sĩ trí thức, những sinh viên, đã gặp nhau bàn bạc thực
hiện lễ truy điệu cụ Phan. Trước sự đàn áp và dè chừng của bọn thực
dân, lễ truy điệu chỉ tổ chức đơn sơ mà trang trọng. Mọi người bày tỏ
lòng thương tiếc cụ bằng hình thức diễu hành thầm lặng. Từng đoàn
người ăn mặc tề chỉnh, âm thầm đi trên các nẻo đường. Phía trước bao
giờ cũng có hình cụ Phan, lồng khuôn trang trọng, với vòng hoa tang
bao phủ.
Lúc ấy tôi đang ở nhà anh tôi tại đường La Reynière. Khi đoàn
tưởng niệm đi qua, tôi liền nhập vào. Tôi thể hiện lòng mến tiếc một
người con của đất nước, sớm qua đời khi mộng ước lớn lao chưa
thành đạt. Tôi đã tham gia truy điệu cụ Phan lần ấy với tất cả nhiệt
tình yêu nước và bằng sự say mê của tuổi trẻ lúc bấy giờ. Đi trong
cuộc biểu tình thầm lặng nhưng lòng tôi đang có cơn bão nổi. Tôi có
nhiều dự định sau đó nhưng chưa kịp thực hiện thì má tôi lên rước về
quê. Thật là buồn, nhưng biết làm sao hơn!”.
Về quê, cô gái mang trong người hạt mầm lòng yêu nước cứ thao
thức nghĩ về thời cuộc. Tin tức hoạt động yêu nước vẫn dội vào tâm
hồn cô. Cô từ chối đi dạy học, ngõ ý xin mẹ lên Sài Gòn học thêu, nung
nấu trong lòng một hoài bão mà mẹ cô không hề biết:
“Thấy con biết lo cho tương lai của mình để tránh khỏi kiếp nhọc
nhằn như đời mình gánh chịu bao năm, má tôi rất bằng lòng. Nhưng
má đâu biết được ý định sâu kín của tôi. Tôi muốn được như con chim
sổ lồng tung cánh ra khoảng trời cao rộng để tâm hồn mình có điều
kiện tiếp thu cái mới, may ra tìm được chân lý của cuộc đời...”
Phụ nữ Sài Gòn dự lễ tang cụ Phan Châu Trinh năm 1926. Ảnh tư liệu
2. Thời thiếu nữ khao khát lý tưởng dấn thân
Cô gái mang trong người dòng máu yêu nước, nghĩa khí Nam
Kỳ sớm được giác ngộ cách mạng, thoát ly gia đình, đứng vào hàng
ngũ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội năm 1928. Đây
là tâm trạng của Nguyễn Thị Lựu (Cô Tám Lựu)(1) khi tiếp cận những
tài liệu, sách báo tuyên truyền, điều lệ hoạt động của Việt Nam Thanh
niên cách mạng đồng chí hội:
“Tôi cho rằng trong sách có rất nhiều ánh sáng. Một thứ ánh
sáng thật diệu kỳ, chẳng những chỉ rõ con đường mà còn mở cho tôi
một lối ra lâu nay đang bế tắc...
Rõ ràng, lúc ở Sài Gòn, tôi đã đọc rất nhiều sách của cụ Phan Bội
Châu và những người có tên tuổi khác, nhưng vẫn còn thắc mắc trong
lòng. Hình như những cuốn sách ấy chỉ giải quyết có phân nửa những
điều tôi mơ ước. Đánh đuổi Tây rồi làm gì nữa?! Làm sao giải quyết
được những cái bất công trong xã hội, chuyện người bóc lột người
như trường hợp địa chủ và nông dân tá điền ở quê tôi? Nói cho cùng,
tôi thấy những điều cụ thể ra chưa ổn thỏa, chưa trọn vẹn. Còn cái
văn kiện mà tôi đã đọc mấy hôm nay, hoàn toàn giải đáp được cho
tôi những ưu tư. Chẳng những tôi thấy rất rõ chuyện phải làm hiện
nay mà còn cảm nhận được cả những chuyện phải làm trong tương
lai. Mình có lối ra rồi. Sau khi đánh đuổi Tây giành lại nước, thực hiện
một cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, sau đó tiến lên làm cuộc cách
mạng vô sản, thủ tiêu chế độ người bóc lột người. Chính tài liệu của
Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã nói: Trước làm cách
mạng quốc gia, sau làm cách mạng quốc tế. Tôi hết sức yên tâm với
những bước đi này của cách mạng Việt Nam ta...”.
Yên tâm khi đã tìm ra chân lý, lao vào hoạt động cách mạng
nhưng với định kiến, ràng buộc nữ giới vào khuôn phép, lễ giáo
phong kiến, với “tam tòng tứ đức” thời bấy giờ, quả là một thử thách
cho cô Tám Lựu:
“Tôi nhớ một hôm đang họp tại nhà cậu Mảng(2), bỗng có khách
đến mua hàng (nhà Mảng bán chạp phô trong xóm). Tôi hết hồn, sợ
gặp bà con của tôi. Tôi và anh Phong, theo chỉ dẫn của Mảng, chạy vào
buồng của cậu ấy để lánh mặt. Buồng chật hẹp, chỉ vừa đủ để một cái
giường. Trong lúc bất cập, không còn cách nào khác, tôi và anh Phong
cùng chun vô mùng trốn. Ngồi đó mà tôi cứ nom nớp lo sợ, lỡ có ai vô
bắt gặp, nhất là sợ vợ Mảng, biết ăn nói làm sao? Con gái gì mà chun
vô mùng với một người con trai trong phòng kín? Phần lo sợ, phần
thấy nét mặt nhăn nhăn của anh Phong thật muốn tức cười. Cũng
may, người đến rồi lại ra đi, chuyện gặp gỡ giữa chúng tôi chẳng ai
hay biết...”
Cảm giác buổi đầu tiên được vào tổ chức Đảng in dấu sâu đậm
trong ký ức cô Tám Lựu:
“Tôi chuẩn bị cho buổi gặp mặt ngày chủ nhựt theo như lời mời
của anh Phong. Biết nói gì đây trước một sự thật đến với mình đúng
với ước mơ? Biết bày tỏ cách nào cho hết nỗi lòng thầm kín hằng ấp
ủ? Cuộc họp những ai? Quen hay lạ? Anh chị em ấy nhìn mình ra sao?
Bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên dồn dập, làm lòng mình sao như thấp
thỏm, sao như đợi chờ.
Sáng hôm ấy, tôi dối má đi chợ mua hàng, cố tranh thủ để đến
đúng hẹn. Ra đi mà lòng cứ hồi họp. Không biết những người mình
sẽ gặp như thế nào đây. Nào ngờ, khi tôi đến nơi, lại gặp cậu Mảng,
anh Cảnh (người anh bạn dì của tôi làm giáo viên ở trường ấy) và anh
Sa, cũng là giáo viên. Té ra, những người cách mạng đang ở quanh tôi
mà tôi lại hoài công tìm kiếm đâu đâu. Tôi với các anh, tuy là bà con,
gặp nhau hằng ngày, nhưng sao hôm nay tôi thấy mình mới vừa quen
biết, và thái độ nghiêm túc trước một điều quá lớn, quá thiêng liêng
làm cho tôi như chững chạc thêm. Có lẽ các anh thấy được điều ấy nên
cứ mãi nhìn tôi. Ngày ấy tôi được kết nạp vào Thanh niên Cách mạng
Đồng chí Hội.
Lần sau họp mặt, anh Cảnh giới thiệu tôi với các anh có mặt gồm
anh Cảnh bí danh là Diện, anh Sa bí danh là Ánh, anh Giai bí danh
là Hòa, anh Tư Ý bí danh là Tiêu, anh Tư Lầu bí danh là Lộ, Mảng bí
danh là Hồng, còn tôi bí danh là Thu. Gặp nhau tay bắt mặt mừng,
chuyện trò sôi nổi. Hôm đó, các anh phân công tôi phụ trách công tác
Phụ nữ.
Chi bộ lúc ấy có bảy người được xếp tên thành một câu có ý
nghĩa: Thu Hòa Ánh Diện Hồng Tiêu Lộ. Trong bảy đồng chí có anh
Sa là người làng Mỹ Trà còn lại sáu người đều ở làng Hòa An. Ngay
từ hôm ấy, tôi bắt đầu hoạt động, lần lượt tổ chức một số các chị vào
Phụ nữ Giải Phóng, gồm chị Bông (do anh Cảnh giới thiệu), là người
ở cùng xóm với anh) chị Tước (do anh Phong giới thiệu). Cậu Mảng
giới thiệu em ruột của cậu là cô Đầy. Ngoài ra còn có Đồng cháu tôi và
chị Chanh. Sau đó, các anh họp bàn, hướng dẫn tôi thực hiện một số
công tác, và bắt đầu thực hiện “Vô sản hóa”.
Trận đầu tiên phụ nữ ra quân là tẩy chay chủ tiệm Chệt Cái- một
chủ tiệm người Hoa vì ông ta hay quát nạt khách hàng, hiếp đáp
người buôn bán nhỏ. Trận này chị Tước được cử ra đấu tranh công
khai, giành thắng lợi nhưng cô Tám Lựu phải xử lý tình huống:
“Sau cuộc đấu tranh này, chị Tước bị lộ nên tôi tổ chức cho chị
thoát ly. Còn lại Đầy, anh Ánh giao tôi phụ trách bồi dưỡng để kết nạp
vào Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội”.
Nhiệm vụ cách mạng trong những ngày trứng nước đầu tiên thật
nặng nề, được đặt trên đôi vai người phụ nữ trẻ, yếu ớt, mảnh mai.
Những năm đầu thế kỷ 20, chuyện người con gái rời khỏi nhà, đi sớm
về khuya, tham gia chuyện “quốc sự” thật không dễ dàng. Cô Tám
Lựu kể về những khó khăn trong những ngày ở nhà lén người thân
hoạt động cách mạng. Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất của cô Tám Lựu
là phải đối phó với chính người thân yêu nhất của mình, như những
dòng cô tâm sự trong hồi ký:
“Anh Cảnh thường xuyên tiếp xúc với tôi để trao đổi về công
tác vì tôi với anh là bà con, nên anh đến nhà gặp tôi gia đình không
chút nghi ngờ. Lúc đầu, mỗi khi đi họp thì anh Cảnh đến xin phép
má tôi cho tôi đi chơi, hoặc chị Cảnh đến rủ đi may hàng, mua vải.
Nhưng cách này cũng không thể làm hoài được. Nếu họp tối, tôi xin
phép má tôi đi coi hát, má tôi lại cho hai đứa nhỏ đi theo, sợ con gái
đi khuya bất tiện, bởi nhà tôi cách xa thị trấn gần một cây số. Tuy
vậy, tôi vẫn nghĩ ra cách là mua vé và cho tiền hai đứa nhỏ ăn quà,
dặn chúng nó khi vãn hát ra nhà chị Năm Đỏ - chị Năm Đỏ là em
thầy giáo Sa lúc này là đối tượng tôi đang tuyên truyền để kết nạp
vào Phụ nữ Giải Phóng - chờ tôi về cùng một lượt. Cách này riết rồi
cũng không thể làm hoài được - thế là cuộc đấu tranh thầm lặng với
gia đình bắt đầu.
Trong nhà, các anh chị tôi đi làm việc, chỉ còn tôi là con út ở với
má, với một chị giúp việc và một anh làm vườn. Phòng ngủ của má
tôi và tôi liền nhau, chỉ cách một tấm màn. Mỗi lần đi họp ban đêm,
tôi không khóa cửa phòng, cứ giả vờ ngủ sớm, đợi má tôi vô mùng
rồi rồi lén mở cửa ra đi. Mấy lần đầu, đi trót lọt. Đến lần thứ ba, cũng
làm thế, không ngờ má thấy tôi đi ngủ sớm, đích thân bà đi coi lại cửa
nẻo. Gặp cửa phòng không khóa, bà khóa lại rất cẩn thận. Tôi nằm đó
mà rối trong lòng. Làm sao đi ra được? Tìm mãi rồi cũng có cách. Tôi
trèo ra ngoài bằng cửa sổ. Vì cửa sổ thì gài bằng cây chốt, nên trèo ra
rất dễ. Sáng hôm sau, má bảo tôi:
- Con ngủ mà quên khóa cửa, rủi kẻ trộm nó biết thì nguy, con
gái mà hớ hênh dữ…
Tôi yên trí, hồi hôm má không biết chuyện tôi trèo cửa sổ, và cứ
tiếp tục ra khỏi nhà bằng con đường ấy mỗi lần đi họp đêm. Tôi đem
chuyện này trao đổi với cậu Mảng. Thấy chuyện con gái đi đêm của
tôi bắt đầu gặp khó khăn, cậu Mảng bàn để sau này sắp xếp lại, họp
đêm tại nhà cậu ấy. Như vậy tôi đỡ phải đi xa, nếu không có thể bị lộ.
Nhưng đâu phải chỉ có họp chi bộ mà còn phải đi tuyên truyền, vận
động, tiếp xúc với chị em, còn thực hiện Vô sản hóa nữa.
“Vô sản hoá” là gì? Thế hệ được sống ngày hôm nay có thể lạ lẫm
với khái niệm này, nhưng “Truyên thống cách mạng của Phụ nữ Nam
bộ thành đồng” giải thích rất rõ, về những người phụ nữ sớm có mặt
trong tổ chức tiền thân của Đảng:
“Đến năm 1925, ở Nam bộ chưa có chánh đảng cách mạng. Việt Nam
Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, phải đến
1926, 1927 mới gây dựng được cơ sở ở Nam bộ. Cơ sở Thanh niên ở Nam bộ
gây dựng sau mà bỗng lớn mạnh nhờ có Tôn Đức Thắng đem toàn lực Công
hội của mình vào. Công hội đó đã được gây dựng ba bốn năm trước. Những
phong trào quần chúng lắm khi ồ ạt và rộng lớn ở Sài Gòn và lục tỉnh hồi
1925, 1926 xung quanh cuộc đòi thả cụ Phan Bội Châu, lễ tang Phan Châu
Trinh, đưa yêu sách cải cách dân chủ nhân dịp toàn quyền Varenne sang
Đông Dương, phản đối nhà cầm quyền bắt giam Nguyễn An Ninh. Những
phong trào ấy ồ ạt, rộng lớn thật nhưng căn bản là tự phát. Chính trong
phong trào tự phát đó, những người học trò đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc ở
Nam bộ tuyển người ưu tú vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí
Hội - tiền thân của Đảng Cộng sản, trong số người ưu tú đó có một số chị
em. Hầu hết chị em đều xung quanh tuổi đôi mươi, chí nguyện theo gương
Trưng, Triệu. Nhiều chị em có tốt nghiệp tiểu học, đi làm cô giáo, thường là
con nhà truyền thống yêu nước trước nay, con nhà thi lễ nữa, mà sẵn sàng
rời gia đình đi dự lớp học đào tạo cán bộ tận Quảng Châu như chị Nguyễn
Trung Nguyệt, sẵn sàng đi vào làng mạc, phố lao động, nhà máy để tuyên
truyền cách mạng và tổ chức đấu tranh như chị Sáu Nhỏ, chị Hân, chị Lựu,
chị Đầy và hàng chục chị khác. Thuở đó, phụ nữ còn trẻ mà rời gia đình, rời
trường học, đi làm cách mạng chuyên nghiệp là hiếm có, gan dạ khác thường,
tạo nên một truyền thống lớn cho đông đảo chị em tham gia cách mạng và
kháng chiến trong những năm 30 và 40...
Các thế hệ sau ca tụng cô giáo Nguyễn Thị Nhỏ (Sáu Nhỏ) theo chỉ thị
yêu cầu của Kỳ bộ Thanh niên, rời nhà trường Bến Tre, lên Sài Gòn, đi gánh
than, gánh hồ, làm cu-li Hãng rượu Bình Tây để hoạt động cách mạng trong
giới phụ nữ. Cũng ngợi khen chị Nguyễn Thị Lựu, đậu tiểu học, con nhà dư
ăn dư để, chân giày chân dép, tô điểm phấn son, mà khi giác ngộ cách mạng,
không ngần ngại chấm dứt phong cách tiểu thơ để cùng đi cấy với nông dân
để làm việc tuyên truyền của Thanh niên, chịu đựng sự nghi ngờ, rầy la của
mẹ mà không dám hở môi. Ba chị em của Trần Thị Hân đều vào Thanh niên
cách mạng Đồng chí Hội, riêng Hân đậu tiểu học đang làm cô giáo mà đủ can
trường chịu khó làm phu Hãng dầu Nhà Bè, tổ chức bãi công, đứng lên diễn
thuyết trong một cuộc đấu tranh của thợ bị đế quốc đàn áp đẫm máu. Ở đâu
có nhiều phụ nữ lao động bị áp bức bóc lột thì có các chị đến, cùng sống, cùng
làm, cùng chiến đấu, đem lại niềm tin vào công cuộc giải phóng phụ nữ”.
Là một trong số phụ nữ đầu tiên đứng trong tổ chức tiền thân
của Đảng, cô Tám Lựu có những kỷ niệm sâu sắc trong những ngày
tham gia phong trào đầu tiên này của Đảng:
“Tưởng cũng nên nói rõ về “Vô sản hóa” lúc ấy. Theo chủ trương
của trên lúc bấy giờ, các thành viên Cách mạng Đồng chí Hội đều phải
thực hiện vô sản hóa, tức là muốn từ bỏ giai cấp của mình, để đứng
vào hàng ngũ giai cấp vô sản thì phải tự mình cải tạo mình, phải gột
rửa sạch chẳng những về tư tưởng phi vô sản mà còn cả về nếp sống
và thói quen hàng ngày của giai cấp tiểu tư sản, vả lại muốn hòa nhập
với người nghèo để tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng cơ sở, mình
cũng phải ăn ở, đi đứng, sinh hoạt giống như bà con mới được. Thực
hiện điều ấy đối với cá nhân tôi không khó, nhưng với nề nếp tiểu tư
sản của gia đình tôi thì thật vô cùng khó khăn. Vô sản hóa có nghĩa
là tôi phải sống khác xa nếp sống của gia đình mình… Lúc trước, mỗi
khi ra khỏi nhà là phải mặc áo dài, đầu tóc gọn gàng, trời nắng hay
không nắng cũng phải kẹp theo cây dù, chân đi dép, chưa kể phải
mang bóp, choàng khăn, lại còn trang điểm ít phấn, tí son là khác. Nay
mỗi lần đi, tôi mượn quần áo của chị giúp việc. Thấy lạ, má rầy. Tôi
không đợi má dứt lời đã đi mất. Một hôm đi họp về khuya, tôi vừa
leo cửa sổ vào nhà đã thấy má đốt đèn sáng choang, khói hương nghi
ngút trên bàn thờ, khấn khứa: “ Vong hồn ba nó linh thiêng về phù
hộ cho con nó biết ăn năn hối cải, nghe lời dạy dỗ của tôi. Từ ngày
ba nó mất đến nay, tôi lo nuôi con khôn lớn, cho ăn học nên người.
Nhưng nay nó đủ lông đủ cánh, không còn nghe lời tôi nữa, rủi lỡ
bước sa chân, chửa hoang đẻ lạnh, thiệt hại một đời…”. Tôi ôm má
khóc nức nở: “Má, con xin thề với má, con không làm gì để nhục nhã
cho mẹ cha, xấu hổ cho gia đình ta đâu. Má tin con nghen má!”. Thật
ra, nhiều lúc tôi muốn nói thật cho má tôi biết là mình đi đâu, làm gì,
để má tôi yên tâm. Nhưng vì nguyên tắc bí mật nên đành phải làm
thinh, ngồi khóc. Tôi đem chuyện này kể cho các anh nghe, các anh
nói: “Chị muốn giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc trong đó có
chị thì trước hết phải tự giải phóng mình thoát khỏi sự ràng buộc của
gia đình mới được.
Tôi đã suy nghĩ nhiều đêm về sự tự giải phóng này. Và sau cùng,
tôi đã quyết định”.
Đó là quyết định thoát ly, rời gia đình làm cách mạng chuyên
nghiệp. Quyết định ấy thật giằng xé, đau khổ và cả oan khuất đối với
một cô gái sinh ra trong gia đình nề nếp, sống theo những nguyên tắc
của đạo lý Khổng Mạnh từ ngàn xưa. Một quyết định không dễ dàng,
đòi hỏi lòng can đảm để bứt phá, lòng tin tuyệt đối vào con đường
mình đã chọn lựa. Và đây là tâm sự của cô Tám Lựu năm ấy:
Trong cuộc sống, nếu có những trường hợp làm ta thỏa mãn
với những đột biến thắng lợi bất ngờ, thì cũng có những sự kiện
làm mình khổ đau, trăn trở. Cái quyết định tự giải phóng mình đến
với tôi lúc này là điều cần thiết. Không còn cách nào khác, để vừa
thực hiện được mộng ước của mình, vừa để gia đình – nhứt là má
tôi – khỏi phải khổ tâm vì những dư luận gàn dở. Càng về sau, dư
luận bên ngoài càng bất lợi cho gia đình tôi. Người ta đồn với nhau
rằng, tôi đi tu, không biết tu đạo gì mà phải chịu khổ hạnh, đầu trần,
chân đất, đi sớm, về khuya, ăn mặc tệ hơn người nghèo khổ. Lại có
người cho rằng tôi lấy người ở - nhà tôi lúc ấy có một anh làm vườn
– chắc là đã có thai… Những điều này làm nỗi khổ của má tôi càng
lúc càng tăng. Riêng tôi chẳng màng, lòng tôi cứng rắn. Nhưng thấy
má tôi khổ tâm, tôi cũng không yên lòng. Trong lúc đó, vì vô sản hóa
được thực hiện với phương thức còn ấu trĩ, dễ làm tính tò mò của
mọi người bị kích động. Và cái quyết định tự giải phóng mình của
tôi xem ra phù hợp chẳng những về mặt khách quan mà còn cả về
chủ quan nữa. Tôi đem chuyện này báo cáo với các anh. Chi bộ họp
quyết định đưa tôi đi dự lớp chính trị ở Sài Gòn. Nhân dịp này, thoát
ly để tránh né dư luận. Tôi nghĩ, rất có thể người ta sẽ cho là tôi đi
phá thai cũng nên.
Việc tổ chức đưa tôi đi, theo kế hoạch bán công khai. Tôi xin
phép má - cũng nói dối - là đi thăm anh Năm tôi, lúc ấy đang làm
việc tại Tòa án Châu Đốc. Mọi việc sắp xếp được giữ kín đến giờ chót.
Nhưng những ngày gần ra đi thì cuộc đấu tranh thầm lặng giữa lý
tưởng cách mạng và tình cảm gia đình, nhứt là tình mẹ con lại ngày
càng gay gắt. Tôi cảm thấy lòng mình ray rứt không yên khi nghĩ đến
mẹ già lúc biết tôi đã lừa dối, đã lợi dụng lòng tin yêu tha thiết của bà.
Ngày đi đã gần kề, chị Sáu Điếc (chị đồng chí Phụng) đến gặp
tôi phổ biến kế hoạch và hẹn ngày đồng chí Phát đến đưa tôi đi. Tôi
xin với má là đi lên thăm anh Năm tôi ít ngày. Má tôi cũng muốn cho
đi để khỏi phải chứng kiến cảnh đi khuya, đi đêm, mà cho tới bây giờ
vẫn còn là những nghi ngờ và một cái gì không trong sáng ở tôi. Bà
rất sẵn sàng.
- Con cứ đi chơi cho khuây khỏa. Mày đi nửa tháng hoặc một
tháng gì cũng được. Vậy mà má thấy yên lòng hoặc là… Mày ở nhà
cứ đi đêm đi hôm như thế.
Thấm thoát, đã đến ngày hẹn. Chỉ còn một đêm gần mẹ nữa mà
thôi. Rồi ngày mai, ngày kia, và cả sau này, chưa biết tôi còn có dịp trở
lại nhà không.
Ai biết được mình sẽ ra sao khi đã ra đi như cánh chim bay, dấn
thân trên đường dài nguy hiểm”.
Cô gái dấn thân làm cách mạng ấy trước đêm rời nhà ra đi còn cố
thêu cho xong bức tranh để lại cho mẹ làm kỷ niệm. Cô quyến luyến
từng lối đi trong vườn, góc sân, thảo bạt ngoài bến sông... Nghĩ đến
mẹ, cô trải qua những phút yếu lòng, sợ mẹ đau buồn khi hay tin
mình bỏ đi, sợ mẹ sẽ cô đơn trong những ngày xế bóng, khi đau yếu
không biết ai chăm sóc, đỡ đần... Cô giằng xé giữa đi và ở. Nhưng rồi
cô mím chặt đôi môi, kiên định với sự chọn lựa, dấn thân của mình:
“Cuộc đấu tranh nào cũng đòi hỏi sự quyết tâm và thành quả
của thắng lợi thường phải trải qua những chặng đường – đôi khi phải
chịu hằn lại những niềm đau trên cơ thể con người. Cũng như tôi, tôi
đang đau cái đau của đất nước, tôi đang khổ cái khổ của đồng bào,
và gần gũi hơn hết là nỗi khổ của mẹ tôi, người mẹ suốt đời chưa bao
giờ được thư thả. Nỗi khổ của cha mẹ nuôi tôi suốt đời cho đến chết
không được mảnh áo lành. Lòng dặn lòng phải cứng rắn, phải biết
chọn hướng đi đúng như tôi đã khẳng định từ lâu. Tôi trở vào nhà,
vứt bỏ những suy nghĩ mông lung của phút yếu lòng, gởi trả niềm suy
tư riêng lẻ cho mây trời, gió sông. Trước mắt, tôi phải làm cho xong
những việc cần làm để an lòng bước lên đoạn đường đấu tranh đầy
gian khổ”.
Cuối cùng thì cô viết cho mẹ lá thư trong nước mắt:
“ Má kính yêu,
Lúc má nhận thư này là lúc con đã đi xa, không còn ở bên má
để thần tỉnh mộ khang(3), quạt nồng ấp lạnh, xin má tha tội bất hiếu cho
con, và má hãy yên lòng tin lời thề của con đối với má. Không bao giờ
con làm điều gì nhục nhã cho gia đình ta. Con ra đi là vì con thấy xã
hội bất công, kẻ thì giàu sang, lầu son gác tía, người thì nghèo khổ,
chiếu đất màn trời, như má đã thấy. Làm thế nào để san bằng bất công
đó hở má? Đó là suy nghĩ và ý muốn của con…”
Cô Tám Lựu bước lên chiếc xe đò, đi đến nơi có những đồng chí
đã đợi cô cho cuộc hành trình. Phía sau lưng cô là quê hương, phía
trước là con đường mênh mang, xa tắp. Nước mắt trào ra, cảnh vật hai
bên đường nhòa đi trước mắt cô...
3. Những giằng xé đi vào “Vô sản hoá”
Vì quyết định dấn thân, cô gái đẹp, thêu thùa khéo léo ngỡ có
một tương lai an bài trở thành một đại phu nhân hay bà điền chủ bước
vào con đường cách mạng lắm chông gai. Chông gai đầu tiên là người
nữ chiến sĩ cách mạng phải vượt qua là cuộc cách mạng của gia đình.
Đó là cuộc chiến đấu dai dẳng, đau đớn, như tâm sự của cô Tám Lựu:
“Má tôi giấu không cho anh Tư biết việc đi đêm hôm của tôi. Anh
báo động cho chị Ba và anh Năm tôi biết, và ba người đều giấu mẹ,
không cho bà hay về cái thơ tôi đã gởi cho mẹ. Chị Ba tôi lúc này đang
đấu giá rạch ở Hồng Ngự.
Ba tháng sau, không thấy tôi về, má tôi nhớ, bà gởi thơ cho anh
Năm biểu cho tôi về chơi vài hôm, nếu muốn đi nữa thì má sẽ cho đi.
Trong lúc đó, các anh chị tôi đi các chùa tìm tôi, nghĩ là tôi đi tu, vì
trong thơ tôi có đoạn “Con ra đi vì muốn xóa bỏ bất công của xã hội
để mọi người được bình đẳng, hạnh phúc như nhau…”
Bên trong gia đình là vậy, bên ngoài dư luận thì người ta to nhỏ
rằng tôi lấy người ở, có thai đi đẻ. Cái tin đó tới tai má tôi. Bà càng
sanh nghi, nhớ lại lúc tôi hay đi đêm, tuy không nói với ai, nhưng bà
vẫn nghi đó là sự thật, nên càng đau khổ âm thầm. Chịu không nổi với
sự giằng xé tâm hồn, nhục nhã lương tâm, má tôi ngã bịnh.
Trong lúc đó thì tôi đang dự lớp ABC Cộng sản chủ nghĩa ở Sài
Gòn. Sau khi mãn lớp, tôi được phân công qua Khánh Hội tổ chức
một quán cơm để bán cho anh em công nhân khuân vác ở bến cảng,
đồng thời để cho đồng chí Lý Tự Trọng làm cơ sở liên lạc với nước
ngoài. Cơ quan này do đồng chí Trực (tức Ngọc) phụ trách. Hằng
ngày, tôi đi chợ, nấu ăn. Tiếng là quán cơm, nhưng chỉ bán cho anh
em công nhân khuân vác ở bến tàu, nhân dân lao động trong vùng,
còn lại là đang thực hiện vụ tiếp tế cho các đồng chí kéo xe của ta
đang thực hiện “Vô sản hóa” ở Sài Gòn. Lúc đó, các anh thường
đi vô sản hóa bằng cách đi làm nông, kéo xe kéo, đi khuân vác. Số
đồng chí này, ăn cơm tại quán, chúng tôi cho ghi sổ nợ (để đối phó).
Nhưng nợ khỏi phải trả vì chúng tôi đã lấy tiền lời được vào sở phí
ăn uống của anh em...”
Là một trong những người phụ nữ đầu tiên đến với Đảng, cô
Tám Lựu có nhiều kỷ niệm sâu sắc với những người tiên phong. Một
trong những con người đó là ông Lê Quang Sung. Ông sinh năm 1905,
tên thật là Lê Hoàn, quê xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng
Nam. Giữa năm 1928, Lê Quang Sung cùng Đỗ Quỳ và Cao Hồng
Lãnh được cử ra nước ngoài dự khóa huấn luyện chính trị. Về nước,
ông vào Sài Gòn làm công nhân ở hãng FACI, chuyên sửa chữa tàu
biển. Ông là Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Chợ Lớn. Từ năm 1930, ông
đã cùng sát vai hoạt động với bà Nguyễn Thị Nhỏ (Sáu Điếc) và một
số đồng chí khác như cô Tám Lựu, lãnh đạo các cuộc đấu tranh của
công nhân Hãng rượu Bình Tây; của công nhân Bình Đăng, Bình Trị
Đông đòi giảm sưu thuế. Đầu năm 1931, cơ sở Xứ ủy Nam Kỳ, Thành
ủy Sài Gòn, Tỉnh ủy Gia Định, Chợ Lớn bị vỡ trước sự đánh phá ác liệt
của địch, Lê Quang Sung bị bắt giam cùng với Ngô Gia Tự, Nguyễn
Chí Diễu, Nguyễn Thị Lựu cùng một số đồng chí khác ở Khám Lớn
Sài Gòn. Sau 2 năm bị giam giữ, ngày 9 tháng 5 năm 1933, thực dân
Pháp mở phiên tòa xét xử 121 chiến sỹ cộng sản; 9 người bị kết án tử
hình, trong đó có Lê Quang Sung. Sau đó ông bị đày ra Côn Đảo...
Cuối năm 1934 đầu năm 1935, chi bộ nhà tù tổ chức chuyến vượt biển
về đất liền. Lê Quang Sung cùng Ngô Gia Tự được bố trí đi chuyến
này. Chẳng may, thuyền gặp bão tố, bị đắm, tất cả những người trên
thuyền đều hy sinh...
Có biết bao cuộc đời những cách mạng tiền bối vô cùng phong
phú, sống động đã bị chôn vùi vào đại dương, chìm trong những lớp
bụi thời gian; may nhờ có những hồi ức của những người đồng chí
mà câu chuyện về một Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Chợ Lớn được
biết đến:
“Trong số đồng chí này có đồng chí Sung - tên thật là Lê Quang
Sung một “cậu ấm”, con của một quan huyện. Anh lấy bí danh là
Kỉnh. Anh chạy xe kéo. Hằng ngày anh có nhiệm vụ đến đưa tôi đi
chợ Cầu Ông Lãnh để mua đồ cho bếp ăn, vì chợ này rẻ hơn nhiều chợ
khác. Cứ sáu giờ là có mặt anh. Một hôm, hơn bảy giờ mà anh chưa
tới. Tôi chờ tới tám giờ anh cũng chưa tới. Tôi sốt ruột, phần sợ anh bị
bắt, phần sợ trễ giờ đi chợ về nấu ăn không kịp. Đến tám giờ hơn, anh
mới đến. Vừa gặp tôi là anh nói:
- Chị chờ lâu sốt ruột phải không? Hôm nay xui quá chị ơi!
- Cái gì mà xui vậy anh Kỉnh? Tôi chờ sốt cả ruột.
- Tôi đang ôm gộng xe lang thang trên đường - anh Kỉnh nói -
chợt nghe một người khách gọi. Dừng xe lại, mới hay là thằng ở của
gia đình tôi ngoài Bắc. Vừa thấy mình là nó đã bù lu bù loa:
- Ối giời ơi, sao cậu lại ra thế này? Ở nhà ông bà tìm cậu khắp nơi,
ối giời ơi, cậu về thôi cậu ơi!
Thế là nó nhảy đến ôm chầm lấy tôi. Người đi đường thấy vậy
bu quanh. Tôi hoảng quá. Mình cũng chẳng biết phải làm sao, bèn nói
qua loa:
- Gì mà rùm lên thế? Đi nào. Cậu đưa con đi. Bây giờ về đâu, lẹ
lên, tao còn đi rước mối…
Nó cứ chần chờ, e ngại. Mình phải thảy cả đồ đạc nó lên xe rồi
kéo tay nó lên để mà chạy. Thay vì nó lên ngồi, nó lại không dám,
đòi chạy bộ với mình mới chết chứ. Tôi giận quá, ẵm nó quăng lên
xe, rồi cất gộng chạy riết. Nhà nó gần Chợ Lớn phải đưa tới nơi, bỏ
nó xuống, hẹn gặp lại để thăm hỏi chuyện gia đình rồi mới trở lại
đây được.
Tôi tức cười cho hoàn cảnh trớ trêu - con ông quan huyện gặp
người ở - ấy, nên khích lệ anh:
- Không sao đâu. Anh không trở lại thì nó biết đường đâu mà tìm
anh. Thôi, đi chợ để trễ…
Hôm đó, tôi phải dành thêm cho anh một cái hột vịt lộn để bù lại
sức anh đã phải chạy từ Chợ Lớn về để đón tôi”.
Những ngày đầu tiên đến với Tổ chức Đảng, cô Tám Lựu có
nhiều kỷ niệm gắn bó với người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng:
“Hoạt động được một thời gian thì đồng chí Trực bị bắt (bị bắt ở
một địa điểm khác). Đồng chí nhắn tin về với vợ báo cho tôi hay. Đồng
chí Lý Tự Trọng liền báo cáo lên trên và cấp trên cho lệnh giải tán
quán cơm. Tôi và đồng chí Lý Tự Trọng về công tác ở cơ quan Kỳ bộ.
Thời gian này, chúng tôi phải dời chỗ ở lung tung, nay chỗ này, mai
chỗ khác. Thấy khó thoát khỏi cặp mắt dòm ngó của bọn mật thám,
chúng tôi thường mướn nhà tại những xóm lao động, đông dân, để
làm cơ quan”.
Những ngày hoạt động cách mạng đầu tiên ấy, cô Tám Lựu và
những đồng chí của mình gần như tự lực mưu sinh, vừa lo hoạt động.
Nhiều lúc, cô Tám Lựu và các đồng chí lâm vào cảnh quẫn bách. Tiền
nhà thuê mấy tháng trời cũng chưa trả được, chủ nhà đòi đuổi đi.
Ngay trong những ngày đi sâu vào đời sống công nhân, hưởng ứng
phong trào “Vô sản hoá”, cô Tám Lựu cũng gặp những cảnh trớ trêu
như đồng chí của mình, thật khó xử:
“Một buổi sáng, tôi đọc báo thấy một cái tin đăng nơi mục nhắn
tin. Tin chỉ có mấy dòng:
“Em. Má đau nặng. Em phải về gấp. Anh Năm Châu Đốc.”
Đang ngồi, tôi bật dậy như chiếc lò xo. Đúng là tin anh Năm tôi
nhắn đây rồi. Anh đang làm thơ ký tại Tòa án Châu Đốc. Nỗi lo bất
chợt làm tôi bối rối. Má tôi đau nặng. Trời ơi, cái điều tôi hằng lo lắng
bây giờ đã xảy ra. Tôi chưa biết phải làm sao thì anh Dụng từ ngoài
bước vào. Thất sắc mặt tôi, anh hỏi:
- Cái gì mà coi như thất thần vậy chị?
Tôi đưa tờ báo cho anh xem.
- Anh coi nè. Anh Năm tôi ở Châu Đốc nhắn tôi đó. Làm sao bây
giờ? Má tôi đau nặng…
Anh Dụng coi xong ngồi xuống ghế trước mặt tôi, vẻ đăm chiêu:
- Có đúng là anh Năm không chị?
- Đúng. Anh tôi đang làm việc ở Châu Đốc. Vì không biết địa chỉ
của tôi nên anh nhắn như thế.
- Chị có nghĩ đây là cái bẫy của gia đình không?
- Cũng có thể. Nhưng cái tin má tôi đau nặng làm tôi lo quá. Làm
sao bây giờ…
Tôi chợt nảy ra một ý nghĩ. Tôi nói với anh Dụng:
- Hay là tôi đề nghị anh như vầy. Anh bàn với các anh coi được
không.
Anh Dụng nhìn ngay mắt tôi. Hình như anh thầm xét những
điều tôi đang nghĩ trong đầu. Tôi tiếp:
- Các anh cho tôi liên lạc với anh Năm nghen?
- Chị định về à?
- Không. Tôi sẽ gởi thơ cho anh ấy lên đây gặp tôi.
- Tại đây à?
- Không. Tại nơi nào đó cũng được mà. Cho ảnh biết tôi ở đây sao
được. Theo tôi, điều này có hai cái lợi. Một là, tôi được biết tin đích
xác về má tôi. Tôi sẽ không bị chi phối bởi sự lo âu trong công tác. Hai
là, nhân gặp anh Năm, tôi sẽ xin một số tiền để mình có mà giải quyết
khoản thiếu hụt lâu nay. Anh nghĩ sao?
- Rủi anh Năm bắt chị về luôn thì sao?
- Tôi đối phó được!”.
Cuối cùng, cô Tám Lựu tìm cách hẹn gặp anh Năm của cô ở Sở
thú, với tâm trạng bị giằng xé, ngổn ngang. Cảnh làm sao đẹp được
khi lòng cô rối bời:
“Nếu trong một trạng thái yên lành, có lẽ lòng tôi sẽ nhẹ nhàng
trước khung cảnh hiền hòa của một vùng cây xanh yên tĩnh. Nhưng
tôi đang đi trong sự lo âu cùng cực. Không biết anh Năm tôi có được
thơ không? Nếu tính theo thời gian bưu điện lúc ấy, còn dư tới hai
ngày
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024