Độc đáo sách đồng và mộc bản thời Nguyễn

(TNO) Sáng nay 24.4, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế khai mạc triển lãm chuyên đề Sách đồng và mộc bản thời Nguyễn và tiếp nhận hiện vật do nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh trao tặng.

Triển lãm đã giới thiệu bộ sưu tập Sách đồng thời Nguyễn gồm 27 bản sách bằng đồng của nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi) và bộ sưu tập 54 mộc bản thời Nguyễn được Phân viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Huế phát hiện và sưu tầm từ chùa Thiên Hòa (thôn Hạ 1, P.THủy Xuân, TP.Huế).

 Một bức mộc bản khắc bài chú bằng chữ Phạn trong nghi lễ của Phật giáo

 Một số bản sách đồng trong bộ sưu tập được giới thiệu

Điểm độc đáo là cả hai bộ sưu tập gồm sách đồng và mộc bản đều là tài liệu ghi chép về văn sớ, văn tế trong các nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng dân gian của Huế và vùng Nam Trung bộ vào khoảng giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.

Đây là những hiện vật mang tính đặc trưng tiêu biểu của nghề chạm khắc, đúc đồng được phát hiện ở nhiều vùng miền khác nhau từ Thừa Thiên-Huế đến các tỉnh Nam Trung bộ.

Các hiện vật sẽ góp phần chuyển tải một phần đời sống tâm linh, tín ngưỡng dân gian của người dân các tỉnh miền Trung; phản ánh sự tinh xảo, điêu luyện trong kỹ thuật chạm khắc và đúc đồng của các nghệ nhân, cũng như cung cấp cho mọi người những thông tin về một giai đoạn lịch sử trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nhân dịp này, nhà sưu tầm cổ vật Lâm Dũ Xênh đã hiến tặng bộ sưu tập gốm Chu Đậu với 69 hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế.

Ngoài bộ sưu tập gốm, ông Lâm Dũ Xênh còn tặng cho bảo tàng một cây đàn tự tạo của một người lính chế độ cũ làm từ chiếc bình đựng xăng của Mỹ. Cây đàn thể hiện khát vọng hòa bình của một người lính do hoàn cảnh lịch sử xô đẩy phải phục vụ trong chiến tranh. Sau ngày đất nước thống nhất, cây đàn đã được bán cho vựa ve chai ở Quảng Ngãi và ông Lâm Dũ Xênh phát hiện rồi mua lại.

 


Phần mềm giao nhận logistic