Nghiên cứu phòng chống ung thư từ bộ gen của voi

(Ảnh minh họa)

 

VTV.vn - Loài voi có một cơ chế mạnh để tiêu diệt những tế bào bị hư hại có thể tiến triển thành tế bào ung thư.

Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố một phát hiện mới mở ra triển vọng về hướng nghiên cứu mới giúp ngăn ngừa bệnh ung thư ở người. Sau một quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định, loài voi có một cơ chế mạnh để tiêu diệt những tế bào bị hư hại có thể tiến triển thành tế bào ung thư.

Dù kích thước cơ thể to lớn và có số lượng tế bào nhiều gấp 100 lần so với con người nhưng ung thư ở loài voi là khá hiểm, chỉ khoảng 5% so với 11 đến 25% ca mắc ung thư ở người. Chính vì vậy, nhóm các bác sĩ ung bướu khoa nhi tại Viện Ung thư Hunstman thuộc Trường đại học Utah Mỹ đã cộng tác với vườn thú Hogle của bang Utah và Trung tâm bảo tồn voi tìm hiểu về cơ chế này. Theo các nhà khoa học, voi được cho là có 20 bộ gen P53, trong khi con người chỉ có một. Đây là loại gen được cho là có một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Các nhà khoa học đã lấy máu từ những con voi xiếc đã nghỉ hưu và nghiên cứu xem gen P53 có phải trực tiếp bảo vệ voi khỏi bệnh ung thư không và làm thế nào loài voi lại có thêm 38 bản sao biến dị của gen P53 trong khi con người chỉ có hai bản sao loại gen này. Nhờ số lượng đông đảo các gen P53, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở loài voi chỉ là 15%; tỷ lệ này ở con người lớn hơn nhiều.

Theo các nhà khoa học, đây mới chỉ là giai đoạn đầu của việc nghiên cứu về cơ chế hoạt động của gen P53 trên voi và sẽ phải mất nhiều năm các nhà khoa học mới xác định được nó có thể được nhân rộng một cách an toàn trên người hay không. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu, vì sao loài voi lại có nhiều gen P53 đến vậy và hy vọng rằng, cơ chế này có thể giúp những thế hệ tương lai phòng tránh bệnh ung thư.

 

Quốc Anh (Ban Thời sự); Cập nhật 07:05 ngày 29/10/2015


Phần mềm giao nhận logistic