Bông hồng Myanmar - biểu tượng dân chủ toàn cầu

Hàng ngàn người đã kéo đến trụ sở của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) ở Yangon để ăn mừng chiến thắng của NLD, nói chính xác là chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh Đảng NLD trong cuộc bầu cử ngày 6/11/2015 vừa qua. Đây được xem là một bước tiến tới dân chủ của đất nước Myanmar.

Aung San Suu Kyi là ai? Tại sao Bà được nhân dân Myanmar yêu mến, kính trọng; được vinh danh là biểu tượng của Dân chủ không chỉ của dân tộc Myanmar mà tất cả nhân loại yêu hòa bình? BBT Website xin giới thiệu khái quát về cuộc đời của người phụ nữ 70 tuổi nhưng tinh thần tràn đầy sức trẻ thanh tân qua sự tổng hợp tin tức, hình ảnh mà các cơ quan truyền thông đã đăng tải trong nhiều năm qua.

Là người nổi tiếng nhất và được yêu mến nhất ở Myanmar

Aung San Suu Kyi sinh ngày 19/6/1945 tại Rangoon (nay là Yangon). Bà là con gái của anh hùng Myanmar, Tướng Aung San, người đã thành lập quân đội Myanmar hiện đại và đã đàm phán để Myanmar được độc lập khỏi Anh năm 1947. Ông bị ám sát trong giai đoạn chuyển tiếp vào tháng 7/1947, chỉ 6 tháng trước độc lập, khi bà Suu Kyi mới hai tuổi.

Những khoảnh khắc sum vầy cuối cùng  của gia đình trước khi cha của Aung San Suu Kyi (bé gái mặc áo trắng) bị sát hại. Ảnh: AP

Năm 1960, bà đến Ấn Độ cùng với mẹ mình là Khin Kyi, người được bổ nhiệm làm đại sứ Myanmar ở Delhi. 4 năm sau, bà theo học Đại học Oxford tại Anh, nơi bà nghiên cứu triết học, chính trị và kinh tế và lấy bằng Thạc sĩ Triết học (M.Phil) về văn học Myanmar. Ở đó, bà gặp người chồng tương lai của mình, tiến sĩ Michael Aris.

"Tôi muốn đảm bảo ông ấy biết ngay từ đầu rằng đất nước có ý nghĩa rất nhiều đối với tôi, và nếu tôi cần quay về Myanmar, thì ông ấy đừng cố gắng xen giữa đất nước của tôi và tôi", Suu Kyi kể về câu chuyện nói với chồng một ngày trước đám cưới của họ, theo một cuộc phỏng vấn năm 2012 của bà với BBC.

Sau một thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản và Bhutan, bà định cư ở Anh để nuôi hai con, Alexander và Kim, nhưng Myanmar luôn nằm trong suy nghĩ của bà.

Khi bà về Yangon năm 1988 để chăm sóc người mẹ bị bệnh nặng, Myanmar đang trong cơn biến động chính trị lớn. Hàng nghìn sinh viên, nhân viên văn phòng và nhà sư đã xuống đường đòi cải cách dân chủ.

"Với tư cách là con gái của cha tôi, tôi không thể làm ngơ trước những gì đang diễn ra", bà nói trong một bài phát biểu tại Yangon ngày 26/8/1988. Bà đã dẫn đầu phong trào chống lại lãnh đạo Myanmar sau đó là tướng Ne Win. Bà được người dân Myanmar gọi là mẹ Suu hay là cô Suu.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình bị giải tán bởi quân đội - những người nắm quyền lực sau cuộc đảo chính ngày 18/9/1988. Bà Suu Kyi bị quản thúc tại nhà vào năm sau.

Tháng 5/1990, chính quyền quân sự tổ chức cuộc bầu cử quốc gia, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng, tuy nhiên, chính quyền từ chối bàn giao quyền kiểm soát.

Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991, con trai đã thay mặt bà đến nhận. Chủ tịch ủy ban trao giải gọi bà là "một ví dụ nổi bật về sức mạnh của những người không có quyền hành".

Bà Suu Kyi bị quản thúc ở Yangon trong 6 năm, cho đến khi được thả vào tháng 7/1995. Bà một lần nữa bị quản thúc tại nhà vào tháng 9/2000, khi bà cố gắng đến thành phố Mandalay, bất chấp lệnh hạn chế đi lại.

Bà được thả vô điều kiện vào tháng 5/2002, nhưng chỉ hơn một năm sau đó bà phải ngồi tù, sau một cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ bà và một đám đông do chính phủ hậu thuẫn.

Trong thời gian bị giam, bà Suu Kyi vùi mình nghiên cứu và tập luyện thể lực. Bà ngồi thiền, trau dồi kỹ năng tiếng Pháp và tiếng Nhật, và thư giãn bằng cách chơi piano. Có những lúc bà được gặp các quan chức NLD khác và một số nhà ngoại giao.

Nhưng trong những năm đầu bị giam giữ, bà thường bị cô lập. Bà không được phép gặp hai cậu con trai hoặc chồng, ông chết vì ung thư tháng 3/1999. Chính quyền quân sự cho phép bà đến Anh để thăm chồng khi ông ốm nặng, nhưng Suu Kyi cảm thấy bắt buộc phải từ chối vì sợ sẽ không được phép quay trở lại đất nước.

Giai đoạn bị quản thúc cuối cùng của bà kết thúc vào tháng 11/2010 và con trai Kim Aris được phép đến thăm bà lần đầu tiên trong một thập kỷ.

Đám đông chào đón Aung San Suu Kyi khi lệnh quản thúc đối với bà kết thúc năm 2010; Bà Suu Kyi được chúc mừng sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung ngày 1/4/2012 ( Ảnh AP).

Đầu tháng 2/2011, Quốc hội Myanmar đã bầu ông Thein Sein làm tổng thống dân sự. Sau đó, bà Suu Kyi thực hiện một quyết định quan trọng khi ứng cử vào quốc hội mà trước đây bà chỉ trích là  "không có thật", trong cuộc bầu cử phụ vào tháng 4/2012. Bà và đảng NLD thắng 43 trong số 45 ghế được tranh cử. Vài tuần sau, bà Suu Kyi tuyên thệ tại quốc hội và trở thành lãnh đạo của phe đối lập.

Tháng 5 năm đó, bà lần đầu tiên rời khỏi Myanmar sau 24 năm, để đến Thái Lan, và sau đó là châu Âu. BBC gọi đây là "một dấu hiệu cho thấy bà tự tin rằng các nhà lãnh đạo mới của Myanmar sẽ để bà trở về nước".

Năm đó, bà Suu Kyi nói về sự hối tiếc khi không thể dành nhiều thời gian với gia đình. "Ai cũng muốn ở bên gia đình mình. Tất nhiên, tôi có hối tiếc về điều đó. Hối tiếc về mặt cá nhân", bà nói.

"Tôi muốn nhìn thấy con trai tôi lớn lên. Nhưng tôi không có lưỡng lự gì trước thực tế rằng tôi phải lựa chọn ở lại với người dân của tôi", bà nói.

Mặc dù Đảng NLD giành chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu, bà Aung San Suu Kyi vẫn bị cấm trở thành tổng thống, do một điều khoản hiến pháp cấm bất cứ ai có vợ, chồng hay con là người nước ngoài được giữ chức vụ này. Nhưng hôm 5/11, bà khẳng định sẽ "đứng trên cả tổng thống" nếu Đảng của bà giành thắng lợi.

Tuy Đảng của bà nhận được nhiều sự ủng hộ, bà cũng hứng chịu một số chỉ trích. Những nhà phê bình cho rằng bà đã thất bại trong việc thiết lập quan hệ làm việc tốt với Tổng thống Thein Sein, hoặc thuyết phục quân đội thay đổi các điều trong hiến pháp. Bà còn bị cho là một cái bóng quá lớn che lấp các chính trị gia có tiềm năng, những người có thể thách thức uy quyền của bà.

Bà cũng làm phật lòng một số người ủng hộ nước ngoài vì vấn đề tôn giáo. Tuy nhiên, theo The Times, bà vẫn là người nổi tiếng nhất và được yêu mến nhất ở Myanmar. Không ai khác có thể giành chiến thắng như bà, tờ này viết.

Biểu tượng của phong trào đấu tranh bất bạo động trong mắt bạn bè, thầy cô giáo

Sinh ra trong một gia đình làm chính trị, Aung San Suu Kyi – trong mắt bạn bè - từ một cô gái trầm tính, giản dị trở thành một phụ nữ tự tin, quyết đoán, một biểu tượng của phong trào đấu tranh bất bạo động của Myanmar.

Malavika Karlekar là một trong những người bạn lâu năm nhất của Aung San Suu Kyi ở Ấn Độ. Họ quen biết nhau từ năm 1960 khi học cùng trường Convent of Jesus and Mary. Họ tiếp tục học cử nhân Khoa học chính trị ở Lady Shri Ram College, rồi sau đó học Chính trị, Triết học và Kinh tế cùng nhau ở St Hugh’s College, Oxford. Bà Karlekar hiện là giảng viên đại học, nhà nghiên cứu kiêm biên tập viên Tạp chí Nghiên cứu giới tính Ấn Độ.

Khi bà Suu Kyi làm nên lịch sử ở Myanmar bằng cách trúng cử vào quốc hội nước này sau gần 3 thập kỉ đấu tranh vì dân chủ, người bạn Karlekar đã kể về bà và tình bạn của họ khi Suu Kyi còn là một cô gái trẻ.

“Tôi nói chuyện với Aung San Suu Kyi vào ngày 15/11/2010 – vài ngày sau khi cô thoát khỏi án quản thúc tại gia. Tôi hiếm khi liên lạc với cô ấy trong suốt 22 năm qua. Lần cuối cùng tôi nói chuyện với Suu qua điện thoại là khi chồng cô ấy qua đời vào năm 1999. Trong tâm trí tôi, đó là sức mạnh của một tình bạn đã kéo dài nhiều thập kỉ, bất chấp những thăng trầm và đổ vỡ trên chặng đường đó.

Năm 1960, khi chúng tôi còn là những cô bé, ngoài thời gian ở trường, chúng tôi thường gặp nhau vào cuối tuần. Tôi nhớ Suu là một cô gái trầm tính và ngoan ngoãn với năng khiếu viết tuyệt vời. Cô tới trường trong chiếc Mercedes của Đại sứ quán, mái tóc tết 2 bên gọn gàng. Bà Aung San (hay còn gọi là Daw Khin Kyi) là đại sứ Myanmar tại Ấn Độ. Suu và bà sống ở số 24, đường Akbar. 5 người bạn thân chúng tôi thường dành những buổi chiều chủ nhật để thưởng thức món Khao Suey ngon lành.

Tôi thường được hỏi là Suu có thể hiện bất cứ phẩm chất nào cho thấy cô là một phụ nữ dũng cảm và nguyên tắc của năm 1988 và sau đó hay không. Thực sự, chúng tôi - những người bạn thân của cô ấy đã nhiều lần nói về điều này và chúng tôi đi đến kết luận rằng, trong khi chúng tôi luôn biết cô là con gái của nhà sáng lập Myanmar hiện đại, thì cô không bao giờ nói về một cuộc sống liên quan nhiều tới chính trị. Thực ra, nếu tôi nhớ đúng thì mối quan tâm của cô là văn học. Nhưng điều làm tôi nhớ hơn về cô là thái độ chính trực và niềm tự hào lớn về dòng giống. “Tôi sẽ không bao giờ được phép quên tôi là con gái của ai” – Suu Kyi thường nói. Lịch sử đã chứng minh cô ấy đúng.

Khi chúng tôi tiếp tục học cùng nhau ở Lady Shri Ram College, rồi sau đó là St Hugh’s College, Oxford, tôi chứng kiến cô ấy trở thành một phụ nữ tự tin, hấp dẫn với những dự định rất rõ ràng và một nụ cười không tắt. Sau đó, chúng tôi dành nhiều ngày cùng nhau khi tôi ở cùng gia đình cô ở Oxford hay khi cô ấy tới Ấn Độ. Chúng tôi nhớ lại những kỉ niệm cũ, nói về những điểm chung của cả hai cũng như nói những câu chuyện tầm phào. Chúng tôi hiếm khi nói về Myanmar hay về chính trị Myanmar.

Đến năm 1988, Suu Kyi nổi lên như một chính trị gia. Vào một ngày – một trong những dịp hiếm hoi tôi có thể liên lạc được với Rangoon qua điện thoại. Chúng tôi nói về bản thân mình và cuộc sống đã đưa chúng tôi đến đâu.

Suu nói: “Mình tới gặp bác sĩ để kiểm tra, ông ấy đã rất ngạc nhiên về sự thon thả của mình. Mình nghĩ rằng những năm bị ép buộc nghỉ ngơi đã giúp mình có ngoại hình đẹp”. Tôi không nói được gì, chính trị gia nào có thể nói về việc bị quản thúc tại gia, giam giữ và cô lập là sự ép buộc nghỉ ngơi? Chỉ có những người có khiếu hài hước kì quặc và sự lạc quan – cả 2 phẩm chất mà Aung San Suu Kyi đều có rất nhiều”.

Margaret MacMillan – Hiệu trưởng St. Anthony’s College đã nói về thời gian Aung San Suu Kyi theo học tại Oxford – nơi bà gặp người chồng quá cố Michael Aris.

Giáo sư MacMillan nói: “Tất cả chúng ta ở Oxford có liên kết với một con người đặc biệt”.

“Đó là một câu chuyện tình yêu thực sự. Chỉ tới khi cô trở về Myanmar, mang theo công việc của cha mẹ – điều đã khiến cuộc sống của cô thay đổi” – giáo sư MacMillan nói.

“Khi kết hôn với Aris, cô luôn nói với anh rằng cô phải đặt Myanmar lên trên hết, và tôi nghĩ rằng anh ấy hiểu điều đó” – ông nói thêm.

“Chúng tôi hi vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi có thể gặp lại cô ấy. Cô ấy là người mà tôi nghĩ có thể là Nelson Mandela của Myanmar”.

 

Bà Suu Kyi trong một cuộc phỏng vấn với Reuters năm 1989 tại nhà riêng ở Rangoon, Myanmar. Ảnh Reuters.

 

Những chuyến công du kiến tạo sự ủng hộ nền dân chủ của dân tộc Myanmar

Tại Na Uy

Bà Aung San Suu Kyi  đến dự  và  phát biểu tại lễ nhận giải Nobel, sau 21 năm bà được công bố đoạt Giải - Ảnh: Reuters.

Năm 1991, khi Ủy ban quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho bà Suu Kyi thì bà không thể đến nhận do bị giam lỏng tại nhà ở Myanmar. Người chồng Michael Aris và hai con trai của bà đã thay mặt nhận Giải.

Chiều 16/6/2012 tại thủ đô Oslo của Na Uy, lãnh đạo phe đối lập Myanmar - bà Aung San Suu Kyi, đã chính thức nhận giải Nobel Hòa bình dành cho mình. Phát biểu tại lễ nhận giải Nobel, bà Suu Kyi tập trung vào chủ đề giải thưởng này và hòa bình có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với bà.

“Trong những ngày bị giam lỏng, tôi đã nghĩ mình không còn tồn tại. Việc được trao giải Nobel Hòa bình như khiến tôi được sống lại, kéo tôi về với một cộng đồng lớn hơn. Và quan trọng là giải thưởng đã thu hút sự chú ý của thế giới trong cuộc đấu tranh dân chủ và dân quyền tại Myanmar. Chúng tôi đã không bị lãng quên” - bà Suu Kyi nói.

Trao đổi với CNN ngay trước buổi lễ về khái niệm “hòa bình”, bà nói: “Với tôi, hòa bình chính là dựa trên định nghĩa của Myanmar về hòa bình. Nó có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn những yếu tố tiêu cực đe dọa hòa bình thế giới. Cho nên, hòa bình không có nghĩa là kết thúc chiến tranh, mà còn là tất cả những yếu tố đe dọa đến hòa bình, như phân biệt đối xử, bất bình đẳng, đói nghèo”.

Tại Anh

Toàn thể  các dân biểu hai viện Quốc hội Anh vỗ tay đón bà Aung San Suu Kyi tại Điện Westminster trong chuyến thăm lịch sử, bắt đầu lúc 15 giờ, giờ London ngày 21/6/2012.

Trong bài diễn văn tại Điện Westminster – một vinh hạnh thường chỉ dành riêng cho các nguyên thủ quốc gia, bà kêu gọi Anh Quốc tiếp tục trợ giúp Myanmar tiến bước trên con đường tới dân chủ. Bà nói điều quan trọng là "trao quyền cho nhân dân Myanmar" đúng lúc nước bà "gặp thời điểm khó khăn nhất".

Đây là lần trở lại đầu tiên của bà sau khi rời nước Anh 24 năm trước đây để về nước lãnh đạo phong trào dân chủ.

Bà đã hội đàm với Thủ tướng David Cameron và gặp Thái tử Charles. Trước đó, Bà đã từng gặp ông Cameron hồi tháng 4/2012 khi ông trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thăm Myanmar sau khi các lãnh đạo quân sự nước này đồng ý cho phép bà và đảng của bà ra ứng cử trong cuộc bầu cử bổ sung vào Quốc hội. Kể từ đó, ông Cameron đã ủng hộ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Myanmar với lập luận rằng Tổng thống Thein Sein của nước này thật lòng muốn cải cách.

Cùng ngày 21/6/2012, tin từ Phủ Thủ tướng Anh cho hay ông David Cameron đã ngỏ lời mời Tổng thống Thein Sein thăm Anh.

Trong bài diễn văn nhận bằng nhận bằng tiến sỹ danh dự ngành luật dân sự tại Đại học Oxford, bà nói những kỷ niệm thời bà học ở Oxford đã rất có ý nghĩa với bà trong suốt thời gian bà bị chính quyền quân sự quản chế.

Phải 19 năm sau khi Đại học Oxford công bố trao bằng tiến sỹ danh dự này cho bà thì giờ đây bà mới được cầm nó trên tay.

Tại Hàn Quốc

Theo AFP/ Đài RFA, chiều 28/1/2013, Thủ lĩnh phe đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi đã đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm bốn ngày để tiếp xúc với các chính trị gia và nghệ sỹ hàng đầu của quốc gia có quan hệ mật thiết với Myanmar này.

Bà Suu Kyi được Tổng thống Lee Myung-bak tiếp đón và có cuộc gặp riêng với Tổng thống  vừa đắc cử Park chung-hee. 

Mục đích của các cuộc gặp là để thảo luận về tiến trình xây dựng dân chủ của Myanmar và những đóng góp mà Seoul có thể làm. 

Cũng tại Hàn Quốc, bà Suu Kyi đã nhận giải thưởng nhân quyền (được trao tặng từ hồi 2004, thời điểm bà còn bị quản thúc tại gia); Bà cũng là khách mời danh dự tại lễ khai mạc Đại hội thể thao Olympic đặc biệt mùa Đông 2013 ở khu nghỉ dưỡng trên núi Pyeongchang, đồng thời có những bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển Toàn cầu và Đại học Quốc gia Seoul.

Tại Nhật Bản

Sáng 13/4/2013, hàng chục người ủng hộ trong đó có hơn 150 người dân Myanmar sống tại Nhật đã tới sân bay quốc tế Narita gần Tokyo, vẫy cờ và nồng nhiệt chào đón chủ nhân giải Nobel Hòa bình, đồng thời là lãnh đạo phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi tới thăm Nhật Bản trong chuyến thăm kéo dài một tuần. Đây là lần đầu tiên sau 27 năm bà sang thăm Nhật Bản.


Bà Aung San Suu Kyi đã có mặt tại sân bay quốc tế Narita trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân Nhật và người Myanmar sinh sống tại Nhật

Cùng ngày, bà đã tới thăm những người dân Myanmar đang định cư tại Nhật và kêu gọi viện trợ cho Myanmar trong cuộc họp với các quan chức chính phủ Nhật Bản.

Ngoài ra, bà Suu Kyi cũng tới Kyoto thuộc miền trung của Nhật nơi bà từng học đại học ở đây ba thập kỷ trước (1985 - 1986). Tại đây, Bà đã phát biểu tại các trường đại học danh tiếng thuộc Kyoto và Tokyo. Bà đã bày tỏ niềm vui khi được tới thăm đất nước Phù Tang vào đúng dịp mùa hoa anh đào nở, tuy nhiên do thời tiết ấm lên bất thường nên hoa đào chủ yếu là không còn nhiều. Được biết, cha của bà cũng từng sống tại Nhật một thời gian trong khoảng những năm 40 của thế kỷ 20.

Mặc dù cho rằng “hòa bình tuyệt đối là mục tiêu không thể đạt được”, nhưng bà Suu Kyi khẳng định “chúng ta vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình… Những nỗ lực chung sẽ giúp đoàn kết các cá nhân, các quốc gia bằng lòng tin và tình hữu nghị, giúp cộng đồng của chúng ta an toàn và tử tế hơn”.

Tổ quốc là trên hết

Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC năm 2011 với Ann Pasternak-Slater - người học cùng trường với San Suu Kyi. Bà nói: "Tôi đã nhìn thấy con người xinh xắn này ở phòng bên cạnh và tôi nghĩ cô ta thật đáng yêu. Suu Kyi gây ấn tượng bởi tấm khăn quanh cổ, chiếc áo choàng không tay bó sát cùng với mái tóc thắt đuôi ngựa. Cô ấy có khuôn mặt đẹp và đôi mắt sáng toát ra sự thanh khiết, với một đóa hoa cẩm chướng tươi tắn lúc nào cũng cài trên tóc".

Cựu phu nhân Patricia Gore-Booth - có chồng từng là đại sứ Anh tại Myanmar - đã trở thành "mẹ nuôi" của Suu Kyi trong thời gian cô nghiên cứu ở Anh. Bà kể lại: "Trong những ngày nghỉ, Suu Kyi đến ngụ tại căn phòng trên cùng của tòa nhà. Như một thành viên của gia đình chúng tôi, cô ấy luôn chu toàn trách nhiệm. Suu Kyi được trang bị kiến thức về gia đình phương Tây nhưng không quên ứng xử theo truyền thống Myanmar, lúc nào cũng nhẹ nhàng cúi chào khi gặp người lớn hơn".

Suu Kyi đã gặp Michael Aris - một học giả về văn hóa Tây Tạng - qua những người bạn và tình cảm giữa họ trở nên nồng nàn trong thời gian cô ở New York (Mỹ). Rồi họ cưới nhau. Bạn bè nói về Suu Kyi như một người có sức lôi cuốn và kiên định, còn Aris thì luôn tự hào và ủng hộ vợ hết mình.

Thant Myint-U, cháu trai của cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant, có đến thăm nhà vợ chồng Suu Kyi năm, ba lần. Mỗi lần gặp nhau, họ ngồi uống trà, chuyện trò về đất nước Myanmar suốt nhiều giờ...

Giờ đây, thân phận của Aung San Suu Kyi đã thay đổi. Từ khi được tự do năm 2010 sau 15 năm bị quản thúc tại gia, Suu Kyi - thủ lĩnh đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ - đã tạo ra mối liên kết không ai nghĩ đến với Tổng thống Thein Sein để thúc đẩy dân chủ và cải cách ở Myanmar. Mọi thứ đang trở nên suôn sẻ, bà Aung San Suu Kyi đã là nghị sĩ, chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu ngày 6/11. Và không biết tuyên bố của ông Thein Sein có trở thành hiện thực khi ông nói rằng sẽ chấp nhận bà làm tổng thống năm 2015 nếu người dân bỏ phiếu cho bà?

Nhưng như Mahatma Gandhi, Martin L. King và Nelson Mandela từng cho thấy: Khi một thủ lĩnh giàu phẩm hạnh và nội lực thì sức mạnh bất bạo động có thể bóp nát cả một quân đội.

Khánh Tâm tổng hợp


 


Phần mềm giao nhận logistic