Khi nhan sắc mê đắm trang văn

Đầu tháng 11-2015, có hai phụ nữ nhan sắc thế hệ 7X ở TPHCM cùng lúc ra mắt tác phẩm mới và giao lưu với bạn đọc. Nếu như Nguyễn Thu Phương trở lại làng văn sau 9 năm im lặng với tập truyện thứ 14 của mình thì Nguyên Trân lại mới trình làng tập thơ đầu tay.

Nguyễn Thu Phương đa năng và đa… sắc màu

Nguyễn Thu Phương là một tên tuổi quen thuộc của đời sống văn học, sân khấu lẫn phim ảnh gần 20 năm qua. Bắt đầu sáng tác từ năm 1995, chị là cây bút đa năng, xông xáo, thường xuyên xê dịch, chịu khó tìm tòi sáng tạo, có nhiều kịch bản sân khấu và phim được dàn dựng. Chị còn tham gia cộng tác, đạo diễn, biên tập, làm MC nhiều chương trình truyền hình. Sức làm việc của người phụ nữ đẹp quê Bình Dương này đến cánh mày râu cũng phải nể.

Thoạt nhìn cứ tưởng phim trường và sân khấu là sự ưu tiên của Nguyễn Thu Phương, nhất là 9 năm qua chị không ra mắt cuốn sách mới nào kể từ tập truyện thứ 13 xuất bản năm 2006. Thế nhưng, văn chương vẫn là “tình yêu thứ nhất”, mà giữa bộn bề công việc với những chuyến đi liên tục trên khắp đất nước, chị vẫn tranh thủ viết, kết quả là tập truyện ngắn Khỏa thân trắng vừa ra mắt do NXB Hội Nhà văn phối hợp Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành.

Với 11 truyện ngắn, dày hơn 200 trang, điều gây ấn tượng đầu tiên của tập Khỏa thân trắng là những cái tên truyện ánh lên sắc màu: San hô đỏ, Người đội mũ đỏ, Khỏa thân trắng, Phiêu linh trắng, Nắng trên đồi xanh. Có truyện cái tên vừa dài vừa nhiều màu: Xe đỏ, sông xanh, đêm trắng và bùa yêu. Đây không phải vô tình mà dường như là chủ ý của Nguyễn Thu Phương nhằm tạo dựng không gian thẩm mỹ riêng ngay từ cái tên truyện, nó cũng phù hợp với cuộc sống “đa sắc” của người phụ nữ đa đoan đầy ắp giấc mơ nghệ thuật này. Chính chị cũng đã “thú nhận” trong lời mở đầu sách: “Ai đó vẫn thường nói văn là người, cuộc sống của chính tôi có vẻ như cũng nhiều màu. Và nữa, rất nhiều những chuyến đi, đan cài trong nhiều bối cảnh. Quan trọng nhất là tình yêu, mười một câu chuyện tình lãng mạn, ngọt ngào, éo le, khúc mắc, đẹp đẽ, hư ảo hay chân thực, trẻ trung hay từng trải, đơn phương hay đa chiều, thi vị hay thực tế, đứt gãy hay trải dài, và có vẻ hơn thế nữa... Nhiều khi cứ tẩn mẩn nghĩ, vì tôi có “nhược điểm” là trí nhớ không được tốt, không thể ghi nhớ rất nhiều tình huống, chi tiết cụ thể, những chuyện hay, vui, thú vị, đặc sắc, những bài học ý nghĩa đã gặp trong các chuyến đi, thì chẳng có cách lưu giữ nào tốt hơn là ghi lại bằng hình ảnh và trang viết”.

Nhờ biết cách lưu giữ sự trải nghiệm và bằng bút pháp tinh tế, không sa đà vào kiểu kể chuyện lê thê, nhàn nhạt hoặc miêu tả tình dục “phô” để câu khách, nên “mười một câu chuyện tình lãng mạn” của nhà văn Nguyễn Thu Phương đều đáng đọc. Một cô gái du lịch cùng bạn bè trên biển, bất ngờ bị giông bão, tàu vỡ chìm, trôi dạt vào một hòn đảo lạ, được một chàng trai cứu vớt, rồi tình yêu đẹp như cổ tích “một đêm” đã đến giữa biển trời bao la trong truyện Không dấu vết. Với truyện Khỏa thân trắng thì ngược lại, không gian là núi rừng, chỉ có hai con người là một nam nghệ sĩ nhiếp ảnh cùng một nữ sinh viên đi thực tế chuẩn bị luận án tốt nghiệp về đời sống cộng sinh. Dưới cơn mưa rừng, tình cờ những bức ảnh khỏa thân đã đến với ống kính, phối cảnh sự tuyệt mỹ thân thể tròn đầy mờ ảo của thiếu nữ và thiên nhiên hoang sơ, mà kết quả là những tác phẩm nghệ thuật đích thực đã chào đời. Cái hay, cái khéo của tác giả là đưa người đọc vừa chạm đến “bờ vực” của vẻ đẹp khao khát bản năng và giữ họ lại để thăng hoa cùng trí tưởng tượng, chứ không đẩy người đọc đến sự thỏa mãn tầm thường của dục vọng. Với bút pháp ấy, nhà văn Nguyễn Thu Phương nhất định sẽ tiếp tục đi xa trên hành trang văn học.

Nguyên Trân hồn nhiên với “Cỏ không tên”

Nếu như Nguyễn Thu Phương tương đối “thâm niên” thì Nguyên Trân là cái tên hoàn toàn mới lạ trong làng văn. Điều giống nhau ở họ là cả hai đều mặn mà nhan sắc, tất bật công việc với những chuyến xê dịch không ngừng và đam mê cháy bỏng với trang viết.

Vốn là học sinh chuyên văn, mê làm thơ từ thời sinh viên quan hệ quốc tế ở Hà Nội, nhưng công tác của một giảng viên và cán bộ đối ngoại đã choáng hết thời gian, mãi gần đây Nguyên Trân mới “tỉnh ngộ” lao vào sáng tác. Những bài thơ trong tập Cỏ không tên (NXB Hội Nhà văn năm 2015) hoàn chỉnh trong vòng hai năm qua nhưng thực ra nhiều bài chị đã dồn nén, ghi chép từ lâu trong sổ tay.

Nguyên Trân tâm sự rằng chị không có ý định trở thành nhà thơ, mà chỉ muốn nhờ thơ để gửi gắm
tâm sự của mình với con người cùng cây cỏ thiên nhiên. Yêu cuộc sống da diết, những khi đối diện với nỗi buồn cô đơn hoặc trước bao vô cảm bất trắc của đời sống, chị muốn đối thoại với lòng mình mong tìm được câu trả lời qua thơ: Nỗi buồn như đá tảng chực lăn xuống vực/ Vỡ òa ra thành trăm mối tơ vò/ Nảy bưng lên như rớt phải lò xo/ Chạm thịt da em đầy đau đớn (Dây tình).

Với Nguyên Trân, thơ của chị chủ yếu sáng tác trong đêm sau những ngày dài di chuyển trên xe hoặc bộn bề với công việc cơ quan và gia đình. Chị chỉ sống được với chính mình, cho mình, lúc màn đêm buông xuống: Chỉ còn lại một mình với đêm/ Nỗi đơn côi như từ xa vọng lại/ Xé bóng tối (Mơ hoa); Len lén tiếng thở dài/ Đêm như chùng não ruột/ Len lén chạm bờ vai/ Gió đâu về lạnh buốt… (Len lén đêm). Một nỗi cô đơn đầy nữ tính của người đàn bà xuân sắc với bao suy tư dằn vặt và những câu hỏi không dễ có đáp án: Gót hài lướt nhẹ thinh không/ Vướng miền mê đắm má hồng chót phai/ Tay đan mộng thắm mày ngài/ Đối gương thầm hỏi sương mai chốn nào? (Khúc tự tình). Và càng về khuya thì cảnh vật càng trở về với vẻ đẹp tinh khôi, tình yêu càng được đánh thức, hạnh phúc càng muốn sẻ chia: Đèn khuya chợt vọng bóng hình/ Hương khuya thoảng đọng giấc mình với ta/ Hiên khuya nhắn hạt mưa tà/ Thềm khuya còn lắng mượt mà môi run… (Lối khuya).

Hai người phụ nữ nhan sắc, hai tính cách, hai số phận, hai con đường khác nhau đến với văn chương, nhưng ở Nguyễn Thu Phương và Nguyên Trân đều có niềm mê đắm với cái đẹp nhiều vỉa tầng của cuộc sống đầy trắc ẩn. Nhờ đó mà nỗi cô đơn của họ được sẻ chia, cảm hứng sáng tạo của họ có sức lan tỏa.

Hàn Phong; Cập nhật Chủ nhật, 15/11/2015, 11:30 (GMT+7)

 


Phần mềm giao nhận logistic