Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

NDĐT - Sáng ngày 27-11, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành hơn 84%. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

 

Thêm quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định về tội phạm và hình phạt, gồm 26 chương, 426 điều.

Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân và phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo BLHS sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay, quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là nội dung mới trong lần sửa đổi này. Đây là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn. Việc bổ sung quy định này vào BLHS là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Kết quả lấy ý kiến nhân dân và lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bằng phiếu cho thấy, đa số đều tán thành việc bổ sung quy định TNHS và phạm vi chịu TNHS của pháp nhân như dự thảo BLHS. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào dự thảo BLHS quy định về TNHS của pháp nhân.

Cụ thể, sửa đổi quy định về cơ sở TNHS (Điều 2), về khái niệm tội phạm (Điều 8); quy định các hình phạt đối với pháp nhân (Điều 33); điều kiện chịu TNHS của pháp nhân (Điều 75).

Về phạm vi chịu TNHS của pháp nhân, trên cơ sở ý kiến nhân dân và ĐBQH, qua tổng kết thực tiễn xử lý vi phạm hành chính và tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, Điều 76 dự thảo quy định 31 tội danh mà pháp nhân bị xử lý hình sự thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Chương các tội phạm về môi trường (Chương XIX).

Theo UBTVQH, việc quy định cụ thể các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) nhằm bảo đảm tính minh bạch, nhân đạo trong xử lý đối với đối tượng này theo tinh thần của Hiến pháp và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Quy định như dự thảo còn có tác dụng phòng ngừa tội phạm đối với người chưa thành niên. Do đó, đề nghị cho tiếp thu theo hướng quy định cụ thể các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS nhưng rà soát để tránh bỏ lọt tội phạm.

Đồng thời, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát khoản 2 Điều 12 để bổ sung thêm các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS gồm: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội mua bán người (Điều 150); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265).

Bỏ hình phạt tử hình đối với bảy tội danh

Qua thảo luận tại tổ và tại hội trường, đa số ĐBQH cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc giảm hình phạt tử hình là cần thiết. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bỏ hình phạt tử hình đối với bảy tội danh như Dự thảo BLHS.

Cụ thể là: Tội cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch.

Trong số các tội danh trên, một số ĐBQH không tán thành, hoặc đề nghị cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình ở Tội cướp tài sản và Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

Giải trình của UBTVQH cho biết, đối với Tội cướp tài sản, nếu hành vi phạm tội cố ý xâm phạm tính mạng của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị xử lý về Tội cướp tài sản và Tội giết người (đã có hình phạt tử hình).

Đối với Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, trước đây tội danh này thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Trong lần sửa đổi năm 1999, Quốc hội đã quy định tội danh này thuộc Chương các tội xâm phạm an toàn công cộng và trật tự công cộng. Nếu không có mục đích chống chính quyền nhân dân, việc quy định hình phạt tù 20 năm, tù chung thân cũng là nghiêm khắc và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm. Trường hợp phạm tội có mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ bị truy cứu TNHS về Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nước CHXH Việt Nam (Điều 114); nếu nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì sẽ bị truy cứu TNHS về Tội khủng bố (Điều 299), các tội danh này thuộc Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và đều có hình phạt cao nhất là tử hình. Do vậy, không nhất thiết phải giữ hình phạt tử hình ở Điều 168 và Điều 303.

Về quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình (Điều 40), UBTVQH nhận thấy, việc quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta. Vì vậy, đề nghị cho giữ như Dự thảo (khoản 2 và khoản 3 Điều 40).

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý điểm c khoản 3 Điều 40 theo hướng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Kết quả xin ý kiến ĐBQH bằng phiếu cho thấy, đa số ĐBQH tán thành quy định này. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 dự thảo.

Về quy định đối với người chưa thành niên phạm tội (Chương XII), có ý kiến đề nghị, cần quy định rõ “biện pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự” là biện pháp tư pháp hình sự.

Theo UBTVQH, xuất phát từ đặc điểm của độ tuổi cũng như yêu cầu tăng cường trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc giám sát, giáo dục người chưa thành niên, việc áp dụng các biện pháp xử lý mang tính chất thay thế hình phạt và biện pháp tư pháp như: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn là phù hợp với điều kiện tâm - sinh lý và yêu cầu giáo dục, phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội. Do đó, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định tại các điều: 92, 93, 94, 95 của Dự thảo.

Có ý kiến cho rằng, việc quy định cụ thể định lượng đối với các tội về ma túy sẽ làm tăng hình phạt tử hình, trái với định hướng sửa đổi BLHS lần này.

Theo đánh giá của UBTVQH, đối với các tội danh về ma túy, việc định lượng cụ thể các chất ma túy dưới các dạng vật lý khác nhau (rắn, lỏng hoặc lá, rễ, thân, cành, hoa, quả,…) là cần thiết, nhằm tạo cơ sở cho việc phân hóa xử lý và áp dụng hình phạt tương xứng. Để bảo đảm định hướng cải cách tư pháp về giảm hình phạt tử hình, hình phạt này chỉ áp dụng đối với trường hợp sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251), vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250) thì chỉ có thể áp dụng hình phạt tử hình đối với người chủ mưu, cầm đầu, người vận chuyển số lượng ma túy đặc biệt lớn. Do đó, đề nghị QH cho giữ quy định về các tội về ma túy như Dự thảo.

Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7- 2016.

Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 và Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực.

Cùng ngày, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự.

Ngân anh; Thứ sáu, 27/11/2015 - 11:24 AM (GMT+7)
 

Phần mềm giao nhận logistic