Các nước nghèo cần 1.000 tỷ USD để chống biến đổi khí hậu

Theo một nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu công bố ngày 30-11, 48 nước nghèo nhất trên thế giới cần 1.000 tỷ USD trong khoảng từ năm 2020 đến 2030 để có thể thực hiện kế hoạch chống biến đổi khí hậu.

Con số trên được Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) có trụ sở tại London, Anh tính toán dựa vào kế hoạch mà các nước kém phát triển nhất thế giới (LDC) cam kết để thực hiện thỏa thuận kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu của LHQ.

Theo ước tính, mỗi năm các nước này sẽ cần hơn 93 tỷ USD, bao gồm 53,8 tỷ USD cho giảm khí phát thải và 39,9 tỷ USD đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan và tình trạng nước biển dâng cao.

Dù thiếu hụt các nguồn lực và kinh nghiệm song nhóm 48 nước nghèo nhất trên thế giới, trong đó có Ethiopia và Zambia, Yemen và các quốc đảo ở Thái Bình Dương, cũng đề ra Kế hoạch Đóng góp quốc gia (INDC) cho thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới.

Theo kế hoạch này, từ năm 2020, nhóm này sẽ bắt đầu cắt giảm lượng khí phát thải thông qua các biện pháp sử dụng năng lượng tái tạo, chế tạo các loạt phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch hơn.

Cùng ngày, tháp Eiffel đã chuyển sang màu xanh, đánh dấu ngày khởi đầu của chiến dịch trồng cây ảo trên biểu tượng nổi tiếng của Paris nhằm ủng hộ nỗ lực phủ xanh trái đất.

Chiến dịch mang tên “Một trái tim, một mầm cây” chính thức bắt đầu với sự tham gia của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và nữ diễn viên người Pháp từng đoạt giải Oscar Marion Cotillard.

Tháp Eiffel đổi màu xanh trong thời gian diễn ra COP-21

Chiến dịch đặc biệt này cho phép mỗi người dùng điện thoại thông minh trồng một cây ảo có khả năng lớn lên theo nhịp tim. Để tham gia, người dùng có thể tải về điện thoại một ứng dụng ghi lại nhịp tim của mình thông qua một phần mềm cảm ứng để dựa vào đó tạo hình cho cây ảo. Sau đó, nhờ công nghệ âm thanh và ánh sáng, tên người dùng và lời nhắn của người dùng sẽ cùng xuất hiện bên cạnh cây ảo trên tháp.

Mỗi cây ảo này sẽ gây quỹ từ 3-10 euro tùy chủng loại và mỗi cây ảo xuất hiện trên Tháp Eiffel sẽ được hiện thực hóa bằng một cây thật được trồng trong chiến dịch phủ xanh trái đất bắt đầu từ năm 2016. Người tham gia sau đó có thể theo dõi quá trình sinh trưởng của cây thật được trồng tại Australia, Brazil, Senegal, Ấn Độ, Pháp, Peru và Ivory Coast.

Do ảnh hưởng của vụ khủng bố ở Paris hôm 13-11, chính quyền Paris cấm người dân tụ tập, tuần hành tại các quảng trường lớn. Để biểu thị chính kiến với Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (COP-21) khai mạc sáng nay 30-11, người dân Paris đã biến Quảng trường Cộng Hòa (Place de la Republique) thành một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt: trưng bày 20.000 đôi giày tượng trưng cho người biểu tình. Những nhân vật nổi tiếng thế giới như đức Giáo hoàng, Tổng Thư ký LHQ, nhiều ngôi sao ca nhạc... cũng gửi giày tới để tham gia.

20.000 đôi giày tại Quảng trường Cộng Hòa, Paris.

Việt Lê; Thứ hai, 30/11/2015, 16:19 (GMT+7).


Phần mềm giao nhận logistic