Chúng ta làm gì khi hàng loạt ước mơ tử tế bị từ bỏ?

TT - Trong nghề đọc sách, có một lần Lưu Trọng Lư nhắc đến khái niệm “hưởng thú gấp sách lại”. Ấy là vào khoảng năm 1940, khi ông viết lời tựa cho tiểu thuyết Lan Hữu của Nhượng Tống.

Nhượng Tống là một trường hợp đặc biệt, làm nên cái đặc biệt của văn đàn Việt Nam ở cả hai phương diện: tài năng và số phận. Tài năng ở các mảng biên khảo, sáng tác, dịch thuật với hàng loạt tác phẩm để đời... có lẽ không cần bàn ở đây.

Lan Hữu của Nhượng Tống, bản in 2015 do Tao Đàn liên kết với NXB Văn Học ấn hành - Ảnh: L.Điền

Nhưng chính số phận của ông làm nên khoảng kỳ lạ của văn đàn Việt Nam, đó là khoảng trống vắng tên tuổi ông khiến lớp trẻ sinh ra trước và sau ngày giải phóng miền Nam mỗi khi được hỏi tiểu thuyết tình cảm đầu tiên trong văn học Việt Nam thời 1930 - 1945 thường chỉ có một câu trả lời là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách mà không ai biết Nhượng Tống là ai.

Nhưng văn đàn của Việt Nam đâu chỉ có thế. Lan Hữu của Nhượng Tống do nhà Lê Cường xuất bản năm 1940 mặc dù muộn hơn Tố Tâm 15 năm, nhưng quả thật là áng văn chương bất hủ.

Lan Hữu kể câu chuyện tình, và rằng ngày nay có thể giới trẻ đang quăng mình vào những kiểu cách yêu cuồng sống vội sẽ khó hình dung ra ngày xưa “các cụ” cũng yêu cuồng như thế nào. Nhưng nếu chỉ là sự khác nhau của tâm lý, cách sống theo thời đại, Lan Hữu cũng không thể là một tuyệt tác.

Chính chất văn chương của Nhượng Tống, niềm thiết tha yêu cuộc sống và yêu người mình yêu đến đứt ruột thắt lòng, chính cách thể hiện một thiên tiểu thuyết diễm tình nhưng không sướt mướt, một loại tình cảm trong sáng gặp trái ngang, một kiểu con trai mới lớn đa tình mà không dư hận. Đặc biệt hơn,Lan Hữu dẫn người đọc theo từng tình tiết đẹp đẽ nhẹ nhàng hiếm thấy trong văn chương Việt Nam kể từ sau đó.

Không khí sinh hoạt của gia đình thượng lưu, tâm sự của người trí thức thất thời ở nông thôn, thói quen của học trò lúc bấy giờ, cả những tình cảnh lâm ly như cô Lan vì si tình mà nói dối mẹ mình bị thổ huyết... cũng đều được tác giả dành cho những nét đẹp riêng không lẫn vào đâu được.

Một áng văn chương đẹp, lại còn khéo léo chuyển tải một mạch sống của thế sự, cho thấy những đổi thay trong lòng người và trong thời cuộc. Câu chuyện chàng thư sinh tên Ngọc yêu cả Hữu và Lan mà rồi không đến được với ai chất chứa cả một niềm tiếc nuối lớn lao của một lớp người trẻ tuổi.

Niềm tiếc nuối ấy, câu chuyện tình ấy, nói như Lưu Trọng Lư là “một giấc mộng hằng ngày ở bên gối, mà tưởng như xa vời trong một trời nước xa xôi”.

Phải chăng cuộc đời cũng như trong tình yêu, người ta chân thành với cảm xúc, sống hết mình và có trách nhiệm, nhưng không chắc tâm nguyện có thành hay không, bởi mỗi cá nhân không dự liệu được những khúc ngoặt mà mình bất ngờ rơi vào, lắm khi rất khốc liệt đến mức phải từ bỏ cả ước mơ.

Chúng ta sẽ làm gì khi thấy hàng loạt ước mơ tử tế bị từ bỏ? Điều thực tế ấy qua bàn tay tài hoa của văn nhân lại trở thành như mộng. Như kết cục với hai “nàng thơ” Lan và Hữu trong tiểu thuyết Lan Hữu đều có gia đình riêng, trong khi anh chàng Ngọc - nhân vật xưng tôi - vẫn long đong giữa dòng thế sự, chẳng phải là một giấc mộng mà Nhượng Tống đã gửi bao tâm sự của mình vào đó hay sao?

Và chính “con mắt xanh” Lưu Trọng Lư đã nhìn ra cái điều gan ruột ấy: “Lan Hữu cũng là một ngọn gió hằng năm đến gợi dậy ở trong lòng ta những hình bóng âm u của một chuyện cũ - mà ai ai lại chẳng có một chuyện cũ như thế...?”.

Chính dư vị của văn chương Nhượng Tống mới có thể làm nên cái thú “gấp sách lại” sau khi đọc xong. Bởi lúc bấy giờ người đọc bước từ trang văn ra giấc mộng của đời mình, có khi là lắng nghe cơn gió số phận của mình đang thổi thế nào trong thời cuộc hôm nay.

 Lam Điền; 26/11/2015 10:03 GMT+7


Phần mềm giao nhận logistic