Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng
Ngày 9/12, tại Bắc Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng thư viện trường học và đề xuất giải pháp để phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện trường học và chính sách thúc đẩy phong trào đọc sách, hình thành thói quen đọc sách, tiến tới xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng; đồng thời là nơi để các nhà khoa học, các thầy giáo, cô giáo chia sẻ kinh nghiệm, nêu gương, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong việc phát huy, đẩy mạnh phong trào đọc sách tại gia đình, nhà trường và cộng đồng, giáo dục kỹ năng và phương pháp đọc cho mọi người dân.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Những hạn chế của học sinh hiện nay là thiếu các kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn, thiếu kỹ năng sống và làm việc theo nhóm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế đó, trong đó có nguyên nhân là học sinh ít có thói quen thường xuyên đọc sách. Việt Nam cũng chưa xây dựng thói quen đọc có hệ thống, hầu như chưa tiến hành giáo dục kỹ năng đọc có hệ thống từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học. Các chương trình khuyến đọc trên phạm vi quốc gia chưa hình thành được như tổ chức tháng đọc quốc gia, tổ chức định kỳ các hội chợ sách trên qui mô quốc gia...
Trong một báo cáo của Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên để đọc chiếm tới 44%, đọc thường xuyên chỉ chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 - 10% dân số. Thư viện Quốc gia Việt Nam có khoảng 50 nghìn bạn đọc thường xuyên; thư viện cấp tỉnh chỉ có khoảng 1 - 2 nghìn bạn đọc, cấp huyện 500 - 600 bạn đọc; thư viện, phòng đọc cấp xã khoảng 100 - 200 bạn đọc.
Phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công. Mục đích cuối cùng của phát triển văn hoá đọc là phát triển thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc cho mọi thành viên trong xã hội. Nếu văn hóa đọc không phát triển được thì mục tiêu học tập của mỗi người dân sẽ không thể thực hiện được và không có xã hội học tập.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong phát triển văn hóa đọc hiện nay là chưa có những quy định cụ thể để nâng cao nhận thức cũng như sự đầu tư của các lực lượng trong xã hội vào phát triển văn hóa đọc, coi phát triển lĩnh vực này có tầm quan trọng như các lĩnh vực khác của đời sống văn hóa; xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng là một quá trình lâu dài, có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ với nhiều yếu tố tác động như môi trường xã hội, trình độ dân trí, phương thức tiếp cận thông tin, thị hiếu... và có sự tham gia của nhiều bộ, ban, ngành trong việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Quang Thạch , Giám đốc Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng, người khởi xướng Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam, tủ sách do phụ huynh đóng góp đặt tại các lớp học là giải pháp giúp học sinh nông thôn có sách, nâng cao chất lượng giáo dục trên quy mô quốc gia. Mô hình này đã được nghiên cứu thiết kế từ 2002-2007 và hiện nay, mô hình này được nhân rộng bằng phiên bản khác là Tủ sách Học đường với hơn 300 tủ sách… Các Tủ sách này đã tạo ra “hệ sinh thái đọc” giúp học sinh học tập chủ động, tri thức lĩnh hội được tương tác, niềm đam mê khám phá và đời sống tâm hồn được nuôi dưỡng và hiện thực hóa các chủ trương đổi mới giáo dục. Hệ thống tủ sách đến từng lớp học cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nền tảng nhân văn và sáng tạo quốc gia, mà nhà nước không mất bất cứ khoản ngân sách nào.
Hệ thống thư viện cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Một số đại biểu đề xuất cần rà soát và ban hành tiêu chuẩn thư viện trường học thay thế cho phù hợp nhằm đáp ứng điều kiện khác nhau ở các vùng miền. Nguồn nhân lực làm công tác thư viện cũng cần được quan tâm hơn. Cần xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất việc thực hiện chế độ phụ cấp độc hại cho nhân viên thư viện trường học, bố trí tiết thư viện cho học sinh trong thời khóa biểu, thực hiện thống nhất chế độ cho thư viện phục vụ học 2 buổi/ngày, thực hiện chế độ làm thêm giờ đối với nhân viên thư viện và các nhân viên khác khi đi làm ngày thứ 7, đề xuất để nhân viên thư viện được hưởng lương theo đúng trình độ đào tạo vì hiện nay nhiều nhân viên có trình độ đại học vẫn hưởng lương trung cấp... để đảm bảo đời sống và thu hút được người có trình độ làm tại thư viện các trường.
Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức phát động thành lập “câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông trên toàn quốc”. Các câu lạc bộ này nhằm tạo sân chơi cho học sinh có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và trao đổi về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm nghiên cứu khoa học; giúp đỡ học sinh trong việc tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học, sản phẩm khoa học vào thực tiễn. Các câu lạc bộ này được tổ chức chặc chẽ, có ban chủ nhiệm và chương trình hoạt động phù hợp, hiệu quả. Hình thức hoạt động sẽ đa dạng, gồm các phiên họp chính thức, các buổi tọa đàm, hội thảo, hoạt động thực hành, tiếp cận thực tế, hoạt động ngoại khóa… Những câu lạc bộ này sẽ giúp học sinh có cơ hội hoàn thiện các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, tư duy và làm việc theo nhóm. Đây là những kỹ năng không thể thiếu trong công tác nghiên cứu khoa học và các sinh hoạt trong đời sống. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức triển khai mô hình câu lạc bộ này một cách thiết thực, hiệu quả.
Theo TTXVN; Cập nhật 07:27 ngày 10/12/2015
- Ra mắt nền tảng số giúp phát hiện sớm rủi ro an toàn thông tin
- Hội thảo Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy Khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA): Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024