Phụ nữ và mối nguy trầm cảm

Phụ nữ có nguy cơ trầm cảm cao gấp đôi nam giới. Trầm cảm là một cơn sóng ngầm trong đời sống hiện đại, không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn hệ lụy tới gia đình và xã hội nhưng lại chưa được hiểu đúng.

Bệnh tinh thần, khó phát hiện

Ngoài yếu tố di truyền thì áp lực từ cuộc sống cũng là mối nguy hại đẩy không ít người đến những nỗi buồn lo khó giải thích. Hiện nay, người phụ nữ trong xã hội hiện đại luôn phải đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong gia đình và ngoài xã hội.

Áp lực trong công việc, mâu thuẫn khó giải quyết, bế tắc trong cuộc sống, những cú sốc tâm lý như thất tình, ly hôn, thi rớt, mất việc, người thân qua đời ... đều có thể dẫn đến chứng trầm cảm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 10% - 15% dân số bị bệnh trầm cảm. Tại Việt Nam, tỷ lệ trầm cảm trong cộng đồng là 24,3% ở độ tuổi 25-55 và 47% ở người trên 55 tuổi. Phụ nữ bị trầm cảm cao gấp hai lần so với nam giới và thường vào những giai đoạn chuyển tiếp từ thanh niên sang trưởng thành và giai đoạn chuyển dần sang tuổi già, chuẩn bị về hưu, phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, phụ nữ có thai hoặc mới sinh con nhỏ...

Tuy nhiên, các biểu hiện ban đầu của trầm cảm lại rất mơ hồ như lo âu, chán nản, buồn bã, không tha thiết bất cứ cái gì. Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM: “Thông thường khi thấy đau, cụ thể như đau đầu, đau chân... thì người ta mới đi khám, chứ ai lại đi khám vì buồn chán. Ngay cả với triệu chứng mất ngủ triền miên thì bệnh nhân đều đến các bệnh viện đa khoa khám hoặc tin lời quảng cáo mua thuốc trị mất ngủ, thay vì tìm gặp các bác sĩ tâm thần nhưng do tâm lý e ngại, chủ quan hoặc không tin mình mắc bệnh trầm cảm”.

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng cho biết thêm, bệnh trầm cảm gồm 3 giai đoạn: nhẹ, vừa và nặng; trong đó giai đoạn đầu rất khó phát hiện, nhiều trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu đau khắp cơ thể, chóng mặt, đau đầu, đau khớp, đau tim... nhưng đến các bệnh viện đa khoa chụp chiếu không phát hiện được, chữa mãi không khỏi nhưng vẫn không chấp nhận việc tìm đến các bệnh viện tâm thần. Vì vậy, hầu hết bệnh nhân đến khám vì rối loạn trầm cảm thì bệnh đã ở mức nặng.

Vai trò của gia đình 

Theo Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Trần Thị Hồng Nhi: “Sau phụ nữ, trẻ em cũng dễ mắc bệnh trầm cảm. Căn bệnh này có thể để lại hậu quả lâu dài và nặng nề cho trẻ về mặt phát triển xã hội, phát triển cảm xúc và học tập, nhưng rất khó nhận biết. Những dấu hiệu cho thấy trẻ mắc bệnh trầm cảm là chậm phát triển về nhận thức và hoạt động, thiếu tập trung chú ý và trí nhớ kém, hay cáu gắt. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ chủ yếu xuất phát từ gia đình, như chất lượng quan hệ trong gia đình giảm; phụ huynh hay áp đặt, tạo áp lực học tập; ít giao tiếp, thay đổi môi trường sống đột ngột; tiền căn từ gia đình có người mắc trầm cảm hoặc do một cú sốc như thi cử thất bại, cha mẹ ly hôn... Điều trị trầm cảm cho trẻ đòi hỏi rất nhiều thời gian, nỗ lực và sự kiên trì của cha mẹ.

Một buổi tư vấn tâm lý cộng đồng

Trầm cảm là bệnh tâm lý làm suy giảm khả năng nhận biết, vận động, khiến cho người bệnh luôn ở trong trạng thái bế tắc, dễ suy sụp, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị trong thực tế còn thấp do phần đông xã hội vẫn còn thiếu kiến thức cũng như có định kiến với loại bệnh này. Bệnh nhân thường ngại vào viện tâm thần để khám, trong khi chưa có bệnh viện dành riêng cho bệnh trầm cảm.

Theo bác sĩ Trần Duy Tâm, chuyên gia y tế cộng đồng, điều trị trầm cảm là công việc liên ngành, gồm bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên viên tâm lý, nhân viên xã hội. Họ vừa dùng thuốc chữa trị, vừa hỗ trợ tâm lý và rất cần sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình của bệnh nhân. Mặc cảm và sự thiếu hiểu biết về bệnh trầm cảm cũng khiến bệnh nhân tự ti và không tìm thấy lối thoát cho bản thân. Ngoài ra, sự nỗ lực của gia đình và xã hội cũng góp phần hạn chế bệnh trầm cảm, động viên các bệnh nhân tìm thấy niềm lạc quan.

 

Theo hướng dẫn của các chuyên gia đến từ Mỹ, một liệu pháp trị liệu tâm lý cho người trầm

cảm vừa được triển khai thí điểm tại Khánh Hòa và Đà Nẵng. Khi áp dụng liệu pháp tâm lý

này, bác sĩ sẽ đưa ra các gợi ý để bệnh nhân tự trang bị kiến thức và kỹ năng vượt qua khó

khăn. Do được chăm sóc tại cộng đồng nên bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn so với ở bệnh

viện. Sau Khánh Hòa, Đà Nẵng, nhóm dự án đang có kế hoạch mở rộng liệu pháp này ra

các tỉnh, thành khác.

 

Phan Chiếu; Thứ bảy, 12/12/2015, 10:37 (GMT+7)

 

 


Phần mềm giao nhận logistic