“Binh chủng đặc công” của cộng đồng toán học Việt Nam

Ngày 20-12, tại Hà Nội đã diễn ra lễ tổng kết 5 năm hoạt động của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020 và thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (NCCCVT).

Thông điệp của lễ kỷ niệm là “Toán học luôn ở xung quanh ta và gần gũi với tất cả mọi người, hãy phấn đấu vì một nền toán học Việt Nam phát triển ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới”. Dịp này, Bộ GD-ĐT trao bằng khen cho Viện NCCCVT về những đóng góp của viện đối với sự phát triển của nền toán học.

GS Ngô Bảo Châu phát biểu tại lễ kỷ niệm

Kỳ vọng vào một nền toán học có chiều sâu

Để đất nước hùng mạnh, phải có một nền khoa học công nghệ tiên tiến, trong đó toán học đóng vai trò không nhỏ. Từ lâu, chúng ta vẫn trăn trở: tại sao trong các kỳ thi Olympic toán học quốc tế, đội tuyển Việt Nam luôn nằm trong tốp 10, nhưng nền toán học Việt Nam lại chưa chứng tỏ hết tiềm lực phát triển của mình. Có phải trí tuệ người Việt Nam không thể đạt được đỉnh cao? Theo GS Ngô Bảo Châu, người đầu tiên của các nước đang phát triển nhận được giải Fields năm 2010, nếu có chiến lược bồi dưỡng nhân tài thích hợp, chúng ta hoàn toàn có thể vươn lên tầm khoa học và công nghệ đỉnh cao.

Tại lễ kỷ niệm, GS Trần Văn Nhung (Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước) kể lại, sau thành công của kỳ thi Olympic toán học thế giới lần thứ 48 tổ chức ở Việt Nam (tháng 7-2007), một hội thảo hợp tác với các nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức tại Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó là Phó Thủ tướng) đặt câu hỏi: “Toán học Việt Nam đang ở vị trí nào?”. Câu trả lời là khoảng thứ 70. Lúc đó đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra yêu cầu là cần có tầm nhìn chiến lược và phương thức cụ thể để nâng cao vị trí nền toán học Việt Nam lên đỉnh cao, làm cho toán học nước ta có thể đóng góp hữu hiệu vào việc phát triển đất nước. Một ban soạn thảo chương trình trọng điểm quốc gia về toán học do GS Trần Văn Nhung làm trưởng ban đã được thành lập. Ngày 17-8-2010, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toán học nước ta có thể xếp vào hàng các nước tiên tiến trên thế giới. Ngày 23-12-2010, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán - giải pháp trung tâm của chương trình ra đời. Có thể nói, chưa bao giờ giới toán học Việt Nam nhận được sự quan tâm nhiều mặt như vậy của Đảng và Nhà nước. 

“Về văn, Việt Nam đã có Trường viết văn Nguyễn Du. Còn về toán, chúng ta có Viện NCCCVT với chương trình trọng điểm quốc gia, đã thực sự tạo nên môi trường học thuật đặc biệt cho những người yêu toán học”, GS Trần Văn Nhung khẳng định. Qua 5 năm, chương trình đã đi được một chặng đường dài và Viện NCCCVT đã đạt được những kết quả và thành công đáng tự hào. Tháng 1-2012, viện ra mắt quốc tế và từ đó chính thức tổ chức các hoạt động khoa học, trở thành một môi trường học thuật và làm việc tiên tiến được cộng đồng toán học trong nước và quốc tế đánh giá cao. Từ ngày thành lập đến nay, viện đã thu hút được 150 lượt các nhà toán học quốc tế đến từ 18 quốc gia, 47 lượt nhà toán học người Việt Nam ở nước ngoài tới làm việc. Trong đó có nhiều GS của các trường đại học danh tiếng trên thế giới đã từng đoạt các giải thưởng cao nhất về toán như giải Fields, Abel hay Fulkerson... Số lượng bài báo, công trình công bố quốc tế tăng 20% mỗi năm. Đặc biệt, viện đã góp phần tạo không khí học thuật và thúc đẩy năng lực nghiên cứu - giảng dạy của giảng viên toán ở các trường đại học và phổ thông. Có thể nói, Viện NCCCVT như là “binh chủng đặc công” của cộng đồng toán học Việt Nam. Tháng 5-2013 Viện NCCCVT đã được Hội Toán học châu Âu công nhận là một “Trung tâm xuất sắc khu vực đang phát triển” giai đoạn 2013 - 2017. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đánh giá, hoạt động của viện đã tác động không nhỏ đến việc nghiên cứu khoa học, tình yêu, niềm khát khao với toán học.

Sẽ đào tạo tiến sĩ Toán học xuất sắc

Trong 2 năm 2014 - 2015, mặc dù nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, đầu tư vào các ngành nói chung đều sụt giảm, nhưng Nhà nước vẫn cố gắng duy trì kinh phí cho Chương trình toán và Viện NCCCVT. Hầu hết các nhà khoa học đều đánh giá, lịch sử Việt Nam chưa có một chương trình nào nói chung và toán học nói riêng lại được quan tâm đến như vậy. Ngay cả về trụ sở làm việc, trong 5 năm qua, viện vẫn “ở nhờ” Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng như nhận xét của GS Trần Văn Nhung: Tuy ở nhờ nhưng vẫn rất khang trang, khách quốc tế đến rất hài lòng. Tất cả những sự hỗ trợ đó, với mong muốn các nhà khoa học tài năng của đất nước, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, ngày càng đóng góp nhiều hơn nữa đến phát triển khoa học - văn hóa - xã hội của đất nước.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, đơn cử như kinh phí hoạt động còn eo hẹp; nhiều hoạt động học thuật chưa đi vào chiều sâu... Tuy nhiên, những thành công bước đầu này là rất đáng ghi nhận. Theo GS Ngô Bảo Châu, trong thời gian tới, ngoài các hoạt động nghiên cứu khoa học, viện sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng toán học trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trước tiên trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, khí tượng thủy văn, giao thông. Đặc biệt, sẽ triển khai Chương trình đào tạo tiến sĩ Toán học xuất sắc, đạt trình độ quốc tế (chương trình này đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt; viện đang xúc tiến thỏa thuận với các đối tác trong và ngoài nước để có thể đào tạo từ năm 2016) .

 Từ năm 2012 đến nay, Chương trình toán học đã cấp trên 23,2 tỷ đồng học bổng cho 682 lượt sinh viên ngành toán và 1.139 lượt học sinh THPT chuyên, mỗi suất học bổng trị giá từ 7,35 - 8,05 triệu đồng cho một học kỳ. Thưởng gần 5 tỷ đồng cho các công trình toán học. Đã tổ chức 7 lớp tập huấn cho 251 lượt giáo viên chuyên toán các trường THPT chuyên trong cả nước. Đã có 9 trường hè toán học với 578 lượt học sinh, 274 lượt sinh viên tham dự. Viện NCCCVT đã quy tụ được một lực lượng đông đảo các nhà toán học hàng đầu thế giới cũng như các nhà toán học nổi tiếng người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài tới nghiên cứu và tham gia các hoạt động học thuật. Do đó các hướng nghiên cứu truyền thống ở Việt Nam được củng cố, phát huy và một số hướng nghiên cứu mới (như toán tài chính, hình học - đại số - số học...) bắt đầu được hình thành.

 

Lâm Nguyễn; Thứ hai, 21/12/2015, 06:55 (GMT+7)

 

 

 


Phần mềm giao nhận logistic