Những quy định có hiệu lực từ tháng 1-2016

NLĐO - Lao động thời vụ không làm quá 12 giờ/ngày, 1 tháng được nghỉ 4 ngày; cá nhân có quyền lựa chọn đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch; giảm dự trữ bắt buộc cho nhiều ngân hàng. Đó là một số luật quan trọng và chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 1-2016.

Thủ tục đăng ký hộ tịch đơn giản

Luật Hộ tịch năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy định xác nhận vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch sau: khai sinh, kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; khai tử. Ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bao gồm thay đổi quốc tịch; xác định cha, mẹ, con; xác định lại giới tính; nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn; công nhận giám hộ; tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự). Ghi vào sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.

Đối tượng áp dụng Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH là NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12-36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn Ảnh: Bảo Nghi

Luật quy định chỉ cấp 2 loại bản chính giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn. Các sự kiện hộ tịch khác được cấp trích lục hộ tịch, bản chính trích lục được chứng thực bản sao.

Cá nhân có quyền lựa chọn đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống; có quyền lựa chọn phương thức đăng ký như nộp hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến trong điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tincho phép.

Giờ làm việc tiêu chuẩn cho người lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơiđối với người lao động (NLĐ) làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng.

Theo đó, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong 1 ngày không quá 12 giờ; riêng đối với NLĐ làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 9 giờ. Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng được quy định như sau: Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong 1 tuần không được quá 64 giờ; NLĐ làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 48 giờ. Tổng số giờ làm thêm trong 1 tháng không quá 32 giờ; NLĐ làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 24 giờ.

Trường hợp quyết định áp dụng giới hạn giờ làm thêm theo tháng thì đồng thời tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn trong 1 tuần không quá 56 giờ; NLĐ làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không quá 42 giờ. Tổng số giờ làm thêm trong 1 năm đối với mỗi NLĐ không quá 300 giờ. Hằng tuần, NLĐ được nghỉ ít nhất 1 ngày (24 giờ liên tục). Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 10-2-2016.

Tạo khả năng hỗ trợ các tổ chức tín dụng

Ngày 4-12-2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 23/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 28-1-2016.

Theo quy định trước đó, trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét quyết định giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc cho các tổ chức tín dụng đến mức tối thiểu 0%. Thông tư 23 tiếp tục kế thừa cơ chế trên, đồng thời mở rộng với quy định: đối với tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, tổ chức tín dụng tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc cụ thể cho từng tổ chức tín dụng.

Với quy định trên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có thêm cơ chế tạo khả năng hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là với những trường hợp nhận hoặc được chỉ định tham gia tái cơ cấu ngân hàngyếu kém thời gian qua.

Thu, nộp quỹ phòng chống thiên tai

UBND TP HCM vừa ban hành kế hoạch thu - nộp quỹ phòng chống thiên tai trên địa bàn năm 2015. Theo đó, 3 đối tượng phải đóng góp cho quỹ phòng chống thiên tai, gồm: các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập (doanh nghiệp - DN); công dân từ đủ 18 đến hết 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam và NLĐ khác. Mức thu của các DN tối thiểu là 500.000 đồng/đơn vị/năm, tối đa là 100 triệu đồng/đơn vị/năm, được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của DN. Đối với công dân, nếu là cán bộ, công chức, viên chức... thì đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản. Nếu là lao động trong các DN thì đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng. Những NLĐ khác có mức đóng 15.000 đồng/người/năm.

Cơ quan quản lý quỹ phòng chống thiên tai TP (trực thuộc Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP) chịu trách nhiệm tổ chức thu quỹ đối với các công ty cổ phần, DN nhà nước, công ty TNHH do Cục Thuế TP quản lý và DN có vốn đầu tư nước ngoài. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức thu quỹ đối với tổ chức, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các loại hình DN khác. UBND phường xã, thị trấn tổ chức thu quỹ đối với NLĐ khác trên địa bàn và được trích 0,5% trên tổng số thu chi trả cho đối tượng đi thu.

Trường Hoàng; 22/12/2015 21:49


Phần mềm giao nhận logistic