Đường sách TPHCM sẵn sàng ra mắt

(SGGPO) - Vào lúc 15 giờ thứ bảy 9-1, Đường sách TPHCM nằm trên trục đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM - con đường sách chính quy hoạt động thường xuyên đầu tiên của cả nước - sẽ chính thức đi vào hoạt động. Sự kiện này sẽ trở thành một dấu mốc đối với với việc phát triển văn hóa đọc không những của TPHCM mà còn của cả nước.

Nhiều sự kiện về sách

Ngoài 20 gian hàng nơi các đơn vị có thể tổ chức giới thiệu sách, trưng bày ấn phẩm mới thì ở phía bên kia đường là hai khu cà phê sách. Đây là khu vực không chỉ để khách tham quan dừng chân nghỉ ngơi mà còn là nơi tổ chức các buổi ra mắt sách, giao lưu tác giả tác phẩm, tọa đàm, trao đổi về sách… Phía đầu đường sách, hướng Nhà thờ Đức Bà là ba kiosque kiểu cổ. Đây là nơi bày bán các loại báo chí, văn hóa phẩm. Tiếp đó là khu trưng bày, triển lãm sách báo theo chủ đề phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của thành phố. Đường sách còn dành một không gian làm sân chơi sách cho thiếu nhi - nơi các em nhỏ có thể mượn sách, đọc sách, tham gia các hoạt động với sách và một hoạt động rất khác biệt là tổ chức cho các em trao đổi sách với các đơn vị hoặc trao đổi với nhau. Đây cũng là lần đầu tiên một hoạt động trao đổi sách cho thiếu nhi được xây dựng thường niên. Đặc biệt, ở phần cuối đường sách (giáp với đường Hai Bà Trưng) là một loạt các gian di động, nơi mua bán, trao đổi sách cũ như dòng sách thời bao cấp, sách Liên Xô…

Ngay trong tháng khai mạc, hàng loạt sự kiện đã được lên kế hoạch như cuộc triển lãm “Văn thơ kháng chiến” (từ ngày 9-1 đến hết ngày 17-1) gồm các sách báo thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với nhiều tài liệu quý như bản thảo đánh máy và bản in đầu tác phẩm Việt Bắc của Tố Hữu năm 1954; tập thơ vè của tướng Vương Thừa Vũ để phổ biến kinh nghiệm chiến đấu cho bộ đội… Tại khu vực này, Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM sẽ đặt một máy scan sách chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc muốn phục chế những bản sách quý hiếm, hết thời hiệu bản quyền (với sự cho phép của người sở hữu).

Tiếp sau đó là triển lãm báo chí xưa và nay với chủ đề “Mừng xuân, mừng Đảng, mừng đất nước nở hoa” ( từ ngày 18-1 đến 30-1) trưng bày các loại báo, tạp chí, giai phẩm xuân từ trước 1975 đến nay. Triển lãm sẽ có toàn bộ các ấn bản báo chí Xuân 2016 và khách tham quan có thể tham dự bình chọn ấn bản báo xuân đẹp nhất. Trong thời gian tết cổ truyền sẽ là cuộc triển lãm “Thiệp xuân” với các mẫu thiệp của các nhà làm thiệp trong nước.

Các đơn vị có gian hàng sách cũng lên kế hoạch tổ chức hàng loạt các sự kiện văn hóa đọc như giao lưu ra mắt tác phẩm Tổng tập Ca Văn Thỉnh (NXB Tổng hợp TPHCM); tọa đàm sách Fantasy của Chibooks; talkshow bàn về dạy sử và học sử của Phương Nam Books; Đêm nhạc “Những ca khúc từ sách” của các tác giả trẻ… Các sự kiện nhiều đến mức, bên cạnh trang web riêng của đường sách, có ý kiến cho rằng nên có thêm các bảng thông báo sự kiện trong tuần, trong tháng đặt ở hai đầu đường sách để bạn đọc nắm được thông tin.

Những công đoạn cuối cùng hoàn thành đường sách, để kịp ra mắt người dân TPHCM

Nơi của những ước mơ

Dù rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả xã hội của đường sách nhưng có thể nói khó có mô hình văn hóa nào chất chứa nhiều mong ước như thế. Thái Hà Books háo hức giới thiệu một loạt các sản phẩm mới như EHON, sách tranh minh họa kiểu mới dành cho giáo dục trẻ thơ; Non book, dòng sản phẩm cho văn hóa đọc nhưng không phải là sách như đệm đọc sách, giá để sách, đồ sứ liên quan đến tác phẩm… Rồi những không gian “Trà sách”; không gian bạn trẻ với sách… Thậm chí đường sách còn là nơi đầu tiên triển khai những tác phẩm từ Trại điêu khắc quốc tế vừa được tổ chức tại TPHCM với hai bức tượng đặt ở hai đầu đường được dùng làm mốc cho đường sách.

Mô hình đường sách trong nước cũng như trên thế giới đều xuất phát từ hình thức tự phát, một vài cửa hiệu sách xuất hiện rồi dần dần mở rộng thành phố sách, đường sách. Thế nhưng, đường sách lại khác khi bắt nguồn từ ý tưởng của người làm sách và được thực hiện dựa trên quy hoạch của chính quyền TP. Tất cả các vấn đề như phương thức hoạt động, quản lý kinh doanh, chính sách góp vốn… đều hoàn toàn mới lạ, những người thực hiện đều phải mày mò tự thực hiện, vừa làm vừa chỉnh sửa trong khoảng thời gian rất gấp rút chỉ chưa đầy 3 tháng tính từ khi bắt đầu triển khai. Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, thành viên ban điều hành đường sách, mọi vấn đề đều phải mày mò thực hiện.

Theo thông tin chính thức, chi phí thực hiện phần thô mỗi gian sách là từ 387 triệu đồng đến 476 triệu đồng. Ngoài ra, các gian mỗi tháng sẽ đóng một khoản phí từ 7 đến 10 triệu đồng để duy trì hoạt động của đường sách như bảo vệ, vệ sinh, bảo trì… Để quản lý hoạt động này, ban điều hành đã thành lập một công ty trực thuộc Hội Xuất bản để quản lý theo mô hình doanh nghiệp. Tất cả những điều trên đều không có tiền lệ, phải tự các đơn vị thực hiện đến đâu sửa đến đó.

Theo ông Lê Hoàng, dù mang tính xã hội hóa, các đơn vị tự bỏ tiền thực hiện, nhà nước chỉ ủng hộ về chủ trương, chính sách thì đường sách cũng không chấp nhận việc tùy ý, dễ dãi trong chọn lựa đơn vị tham gia. Để có thể mở gian hàng tại đường sách các đơn vị bắt buộc phải đáp ứng 5 tiêu chí gồm: Là đơn vị đang tham gia hoạt động xuất bản, phát hành; có thương hiệu, uy tín, không bị điều tiếng trong lĩnh vực xuất bản; có năng lực tổ chức các sự kiện ngoài hoạt động xuất bản; có khả năng tài chính; chấp hành các yêu cầu trong quá trình hoạt động đường sách.

Tường Vy; Thứ sáu, 08/01/2016, 11:59 (GMT+7)


Phần mềm giao nhận logistic