Việt Nam cần phát triển dịch vụ xã hội và công tác xã hội chuyên nghiệp

(SGGPO) - Ngày 11-1, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Nâng cao chất lượng đào tạo công tác xã hội với chuyên ngiệp hóa dịch vụ công tác xã hội” do Trường ĐH Lao động Xã hội cơ sở TPHCM hợp tác với một số tổ chức, trường ĐH nước ngoài tổ chức.

Hội thảo đã qui tụ nhiều nhà khoa học nước ngoài ( Hoa Kỳ, Anh, Nga, Singapore, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên các học viện, trường ĐH, CĐ có đào tạo cử nhân công tác xã hội (CTXH).

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Khánh Bình

Kể từ khi Đề án Phát triển công tác xã hội quốc gia được Chính phủ phê duyệt vào năm 2010, nghề CTXH chính thức được công nhận là một nghề mới mang tính chuyên nghiệp. Hiện cả nước 76 trường ĐH,CĐ, trung cấp tham gia đào tạo nhân viên CTXH và mỗi năm cung ứng khoảng 2.500 - 3.000 nhân viên CTXH. Tuy tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng đào tạo nhân viên CTXH của Việt Nam còn yếu và thiếu tính chuyên nghiệp. Theo PGS.TS Bùi Anh Thủy, Giám đốc Trường ĐH Lao động- Xã hội cơ sở II, ngoài thiết kế chương trình đào tạo ở các bậc học theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, gắn đào tạo với kiểm huấn, thực hành thì Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề CTXH để tiếp cận chuẩn quốc tế.

Với mức độ gia tăng dân số, bạo lực gia đình và tình trạng phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại tình dục; nhóm đặc thù như người già, người tàn tật, người yếu thế…cần sự trợ giúp, can thiệp, Việt Nam rất cần phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội và nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH, Doãn Mậu Diệp, đến năm 2020, Việt Nam cần đào tạo hơn 60.000 nhân viên CTXH với các trình độ khác nhau và việc phát triển nghề CTXH theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế sẽ góp phần giải quyết, phòng ngừa các vấn đề xã hội, qua đó đảm bảo nền an sinh xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế -xã hội bền vững.

Với nhiều tham luận, ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, hội thảo đã trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tế của Việt Nam và các quốc gia nhằm tìm ra những giải pháp thích hợp trong đào tạo nguồn nhân lực làm CTXH, mở rộng mô hình cung cấp các dịch vụ xã hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

 Khánh Bình; Thứ hai, 11/01/2016, 17:16 (GMT+7)


Phần mềm giao nhận logistic