Virginia Rometty: Nữ tướng của IBM

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 100 nhân vật quyền lực nhất trên thế giới năm 2015, dựa vào tầm ảnh hưởng, tác động của những nhân vật này đến tình hình thế giới hay trong một lĩnh vực nào đó. Trong danh sách của Forbes, giới công nghệ đóng góp 12 đại diện, điều này cho thấy tầm ảnh hưởng lớn của giới công nghệ đến với cuộc sống con người và tình hình thế giới hiện nay.

Ginny Rometty, Chủ tịch và CEO hãng máy tính IBM là người phụ nữ duy nhất của giới công nghệ góp mặt trong danh sách này.

Người phụ nữ có sức lôi cuốn

Virginia Marie Ginini Rometty sinh ngày 29/7/1957, hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của IBM, và cũng người phụ nữ đầu tiên đứng đầu công ty này. Trước khi trở thành Chủ tịch kiêm CEO từ tháng 1/2012, Rometty giữ chức Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn và điều hành mảng bán hàng, marketing và chiến lược tại IBM.

Bà từng góp mặt trong danh sách “50 phụ nữ quyền lực nhất trong kinh doanh” do Tạp chí Fortune bình chọn trong 10 năm liên tiếp (xếp thứ nhất vào năm 2012, 2013 và 2014); đồng thời là một trong “100 người quyền lực nhất thế giới” do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2014. Bà cũng có mặt trong danh sách 50 người có ảnh hưởng nhất của Tạp chí Bloomberg Markets vào tháng 9/2012.

Rometty tốt nghiệp khoa kỹ thuật và khoa học ứng dụng tại Đại học Northwestern năm 1979 với bằng danh dự, đồng thời nhận bằng cử nhân về khoa học máy tính và kỹ thuật điện toán trong cùng năm. Trong thời kỳ còn học đại học, Rometty là một thành viên và sau đó trở thành Chủ tịch của hội nữ sinh Kappa Kappa.

Bà Rometty bắt đầu sự nghiệp của mình với IBM vào năm 1981 tại Detroit, sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Northwestern, Michigan. Kể từ đó, bà đã từng bước trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở IBM và nhanh chóng leo lên nhiều vị trí quản lý cấp cao.

Rometty đã lọt vào mắt xanh của Palmisano khi bà được chỉ định theo dõi việc sáp nhập PwC Consulting - chi nhánh tư vấn của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) - vào bộ phận tư vấn của IBM trong thương vụ trị giá 3,9 tỉ USD vào tháng 7.2002. Thương vụ này được thực hiện chỉ 4 tháng sau khi ông Palmisano đảm nhiệm vị trí CEO IBM và được xem là canh bạc rủi ro lớn. Bởi lẽ, các chuyên gia tư vấn PwC Consulting đã quen với cách làm việc tương đối độc lập trong nền văn hóa doanh nghiệp hoàn toàn khác với một tập đoàn làm việc mang tính tập trung như IBM. Giới phân tích cho rằng một nguy cơ rất lớn là các chuyên viên tư vấn sẽ kéo nhau ra đi, để lại PwC Consulting chỉ là một cái vỏ rỗng.

Bản thân Rometty cũng thừa nhận thương vụ là thử thách lớn đối với bà. Tuy nhiên, Rometty đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà đã khiến cho các chuyên gia tư vấn của PwC làm việc ăn ý với các nhà công nghệ tại IBM để đưa ra những dịch vụ chuyên biệt dành cho những ngành khác nhau. Đồng thời, bà còn hỗ trợ lập ra một chế độ lương thưởng mới mà theo đó các nhân viên PwC Consulting được trao các quyền chọn cổ phiếu hấp dẫn. Tỉ lệ người ở lại sau sáp nhập rất cao - có tới hơn 90% chuyên viên PwC đã ở lại trong suốt 3 năm đầu kể từ khi sáp nhập.

Rometty cũng giúp giữ lại các chuyên gia tư vấn PwC bằng cách… đối đầu với Palmisano. Một thực tế là các chuyên gia ở PwC rất không có cảm tình với văn hóa cắt giảm chi phí tại IBM. Khi Palmisano muốn cắt giảm chi phí đi lại bằng cách yêu cầu các nhà tư vấn phải nghỉ tại các khách sạn nhỏ như Holiday Inns, bà đã giúp họ chống lại quyết định này và đã chiến thắng.

Goerge F. Colony, Chủ tịch hãng nghiên cứu Forrester Research, nhận xét: “Ginni Rometty là sự kết hợp giữa khả năng thực hiện và sức lôi cuốn mãnh liệt. Bà đã giúp đưa con người của PwC hòa nhập với IBM”.

Khả năng quan hệ khách hàng của bà là lý do vào năm 2009, Palmisano giao cho Rometty vị trí Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách lực lượng kinh doanh của Tập đoàn. Một phần trách nhiệm của bà là đưa IBM tiến mạnh vào các thị trường đang tăng trưởng nhanh ở nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các thị trường mới nổi khác. Bộ phận thị trường mới nổi hiện chiếm 23% tổng doanh thu của IBM, tăng từ mức 20% khi bà mới đảm nhận vị trí. Theo dự kiến của Tập đoàn, bộ phận này sẽ chiếm tới 30% tổng doanh thu vào năm 2015.

Vào năm 2010, bà tiếp tục được giao thêm mảng chiến lược và marketing. “Bà ấy là nhà điều hành còn hơn cả tuyệt vời. Ở bất kỳ vai trò lãnh đạo nào, bà đều nâng cao được năng lực kết nối giữa IBM với khách hàng”, Palmisano nói.

Kết quả của nhiều năm xây dựng tầng lớp kế thừa

Theo bà Rosabeth Kanter, Giáo sư Trường Kinh doanh Harvard, sự kế thừa tại IBM là kết quả của quá trình lên kế hoạch kỹ càng và dài hạn của Hội đồng Quản trị Công ty. Bà Kanter cho biết, Rometty không chỉ nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại IBM trong suốt sự nghiệp của mình, mà bà còn nhận được nhiều sự dẫn dắt và được làm việc với những nhân vật cấp cao toàn cầu. “Không giống như những công ty khác đã bất ngờ thông báo tên các vị CEO mới gần đây như Hewlett-Packard, IBM đã thực hiện việc chuyển giao binh quyền rất nhẹ nhàng và trơn tru trong nhiều năm”, bà Kanter nói.

Các chuyên gia phân tích cũng xem việc chỉ định Rometty là một dấu hiệu cho thấy sự ổn định. “Tôi không nghĩ sẽ có nhiều thay đổi và đó là điều tốt. Dàn lãnh đạo đã làm việc rất ăn ý với nhau trong nhiều năm. Đặc biệt với việc Palmisano vẫn giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị, tôi cho rằng chiến lược sẽ vẫn nhất quán”, Brad Zelnick, chuyên gia phân tích tại Macquarie Capital USA ở New York, nhận định.

Rometty cũng đã nói rõ rằng sẽ vẫn đi theo con đường mà Công ty đã vạch ra vì bà cũng có góp phần xây dựng nên nó. “Tôi là người đứng đầu mảng chiến lược tại IBM và cùng với các đồng nghiệp của mình, xây dựng nên kế hoạch phát triển 5 năm. Ưu tiên của tôi là tiếp tục thực hiện nó”, bà nói.

Có thể thấy, kinh nghiệm của bà trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ và sáp nhập hoàn toàn phù hợp với định hướng chiến lược đặt ra bởi Palmisano - người cho biết vào năm ngoái Tập đoàn sẽ tăng thêm 20 tỉ USD vào doanh thu từ giữa năm 2010 đến năm 2015 bằng cách bành trướng vào các lĩnh vực như điện toán đám mây và phân tích (IBM đã đạt 100 tỉ USD doanh thu trong năm 2010).

Với sự kế thừa đã được lên kế hoạch và một IBM đang tăng trưởng bền vững không có nghĩa là thách thức dành cho Rometty sẽ ít đi. Thách thức lớn nhất của Rometty là nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ của IBM dưới thời của Palmisano. Kể từ khi Palmisano trở thành CEO vào năm 2002, IBM đã liên tục thiết lập kỷ lục về lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận mỗi cổ phiếu (EPS) và dòng tiền mặt. Trong suốt thời kỳ tại vị của Palmisano, IBM đã tăng EPS lên gấp gần 5 lần, tạo ra hơn 100 tỉ USD tiền mặt và đầu tư hơn 50 tỉ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Điều đặc biệt là ông đã tạo ra hơn 100 tỉ USD giá trị cổ đông kể từ năm 2002 thông qua việc gia tăng mức vốn hóa thị trường của IBM và mức cổ tức chi trả cho cổ đông.

Theo Charles King, trưởng chuyên gia phân tích tại Pund-IT, Rometty không chỉ phải tiếp tục thực hiện các chiến lược mà IBM đang triển khai, mà còn phải chuẩn bị sẵn sàng cho Công ty trước những thay đổi không ngừng trong ngành công nghệ. “Một lợi thế là bà đảm nhận trách nhiệm CEO giữa lúc IBM đang tăng trưởng rất ổn định nhưng mặt khác, bà cũng đang đối mặt với những đối thủ lớn nhất như HP và Oracle. Nhiều đối thủ hoặc đang loạng choạng (như HP) hoặc đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong ngắn hạn, điều đó cho Rometty một khoảng thời gian ngắn để nghỉ giải lao nhưng bà không thể trông đợi các đối thủ sẽ tiếp tục loạng choạng như thế mãi”, King nói.

Điều đó có nghĩa là Rometty sẽ phải sẵn sàng chấp nhận nhiều rủi ro hơn để bành trướng IBM vào những lĩnh vực mới như Palmisano đã dám từ bỏ bộ phậnmáy tính cá nhân đang sinh lợi cách đây 6 năm (IBM bán bộ phận này cho Lenovo vào năm 2005) - động thái đã đưa IBM trở thành đại gia trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ hiện nay.

Nguồn: Nhịp cầu đầu tư


 

 

 


Phần mềm giao nhận logistic