Đổi mới đào tạo ngành công tác xã hội

(SGGPO) - Tuy số lượng tuyển sinh đào tạo ngành công tác xã hội (CTXH) ở các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đang tăng nhanh nhưng chất lượng đầu ra chưa cao, tính chuyên nghiệp còn yếu. Làm thế nào để phát triển nghề mới này và đáp ứng đòi hỏi chuyên nghiệp hóa dịch vụ CTXH?

“Bùng nổ” nhưng vẫn thiếu

Cùng với tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, xã hội Việt Nam đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, bất bình đẳng và ảnh hưởng đến nền an sinh xã hội. Bên cạnh những áp lực về gia tăng dân số, tỷ lệ dân số già hóa nhanh, thực trạng phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, ngược đãi, bị xâm hại tình dục…, thì nhóm đặc thù như người già, người tàn tật, người yếu thế… rất cần sự trợ giúp, can thiệp kịp thời. Thế nhưng, không chỉ thiếu đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp, có trách nhiệm, Việt Nam cũng chưa phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội đa dạng, đáp ứng nhu cầu bức thiết của cộng đồng. Đó là chủ điểm nóng được xới lên tại Hội thảo khoa học quốc tế “Nâng cao chất lượng đào tạo công tác xã hội với chuyên nghiệp hóa dịch vụ công tác xã hội” do Trường ĐH Lao động Xã hội cơ sở TPHCM hợp tác với một số tổ chức, trường ĐH nước ngoài tổ chức.

Theo ông Nguyễn Hải Hữu, Chủ tịch Hội Các trường đào tạo ngành CTXH, nhờ có Đề án số 32 của Chính phủ về phát triển nghề CTXH, ngành mới này “bùng nổ” về số lượng đào tạo. Trong 5 năm gần đây đã có 76 trường ĐH, CĐ, trung cấp nhập cuộc và mỗi năm cung ứng cho xã hội thêm 2.500 - 3.000 nhân viên CTXH ở các trình độ khác nhau. Tuy nhiên, do chương trình, chất lượng đào tạo khác nhau và điều kiện còn thiếu, nhất là đội ngũ giảng viên yếu về năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp, cộng thêm thiếu thực hành, thiếu đội ngũ kiểm huấn viên (người thầy dạy thực hành) nên đầu ra chưa đảm bảo yêu cầu về kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp. Đó là chưa kể ngành đào tạo này chưa gắn với sử dụng, trong đó nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp đã khiến sức hấp dẫn giảm. Ngoài ra, thu nhập thấp cũng khiến đội ngũ nhân viên CTXH chưa yên tâm trụ với nghề.

Các chuyên gia nước ngoài trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghề công tác xã hội.

Cả nước hiện có khoảng 80.000 người hành nghề CTXH nhưng làm việc theo kinh nghiệm, thiếu kỹ năng cần thiết nên hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội chưa cao. Chính vì thế, để cải thiện nguồn nhân lực CTXH, thực hiện Đề án 32 của Chính phủ, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo nhân viên CTXH hơn nữa. Vậy làm thế nào để các cơ sở đào tạo trong cả nước đáp ứng yêu cầu này và từng bước tiếp cận chuẩn mực của thế giới về nghề CTXH? Phân tích những bất cập trong bức tranh đào tạo ngành CTXH ở Việt Nam, PGS-TS Bùi Anh Thủy, Giám đốc Trường ĐH Lao động Xã hội cơ sở TPHCM, cho rằng cần thiết kế chương trình đào tạo ở các bậc học theo hướng đổi mới, chuẩn hóa đầu ra tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp. Ngoài gắn đào tạo với kiểm huấn, thực hành, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề CTXH để tiếp cận chuẩn quốc tế. Và cùng với việc mở rộng đào tạo trình độ cử nhân, Trường ĐH Lao động Xã hội cơ sở TPHCM và nhiều trường ĐH có uy tín khác đã bắt tay đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ CTXH. Ghi nhận thực tế này, PGS-TS Nguyễn Khắc Bình (Vụ Giáo dục đại học) cho biết sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ đưa vào danh mục mã đào tạo cấp IV trình độ tiến sĩ CTXH và biên soạn các tài liệu CTXH chuyên sâu.

Chuyên nghiệp hóa và đa dạng hóa

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp, đến năm 2020, Việt Nam cần đào tạo trên 60.000 nhân viên CTXH với các trình độ khác nhau và việc phát triển nghề CTXH theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế sẽ góp phần giải quyết, phòng ngừa các vấn đề xã hội. Qua đó đảm bảo nền an sinh xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ đã đề ra. Phân tích thực trạng CTXH ở Việt Nam, nhiều tham luận, ý kiến của các nhà nghiên cứu, giảng dạy đều có chung luận điểm phải thay đổi nhận thức về nghề CTXH và tôn vinh giá trị của nó. Dù đã có nhiều khởi sắc nhưng nghề CTXH ở nước ta chưa được đề cao, thậm chí là mờ nhạt. Vì thế, chưa phát huy vai trò làm “bà đỡ”, làm giảm áp lực căng thẳng của xã hội và nâng đỡ những mảnh đời yếu thế, hoàn cảnh đặc biệt, bị phân biệt đối xử… hòa nhập vào cộng đồng. Kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy, chỉ có khoảng 10% cán bộ làm việc trong các tổ chức cung cấp dịch vụ xã hội biết đến dịch vụ CTXH. Tương tự, người dân và cộng đồng cũng chỉ biết đến chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước, chứ ít biết đến dịch vụ CTXH khác. Đó chính là nguyên nhân khiến cho dịch vụ CTXH chậm phát triển, chưa lan tỏa, hỗ trợ cộng đồng theo nhu cầu.

Từ kinh nghiệm của Singapore và chia sẻ khó khăn của Việt Nam, chuyên gia JohnAng cho rằng, không thể đòi hỏi đào tạo đủ đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp mới phát triển dịch vụ CTXH. Chính phủ Singapore cho phép thành lập hội, nhóm từ những nhân viên đủ ngành nghề, thành phần và họ đã chung tay hỗ trợ, giải quyết các vấn đề của cộng đồng mình bằng nhiều hình thức rất hiệu quả. Tương tự, tiến sĩ Antonina Dashkina, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục - Nhân viên CTXH Liên bang Nga, cũng chia sẻ kinh nghiệm vượt khó để phát triển mang lưới nhân viên CTXH ở Nga cũng như nhiều nước khác. Với phương thức xã hội hóa, huy động nguồn lực, tiềm lực của xã hội, tổ chức phi chính phủ, nước Nga bắt đầu “nhóm lửa” từ những tổ chức tình nguyện và phát triển nghề này lớn mạnh, hiệu quả. Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ của Nga cũng đổi mới cách đào tạo nghề CTXH theo hướng chuyên nghiệp, tiếp cận chuẩn quốc tế và đến nay họ đã phát triển mạng lưới nhân viên CTXH rộng khắp với trên 600 ngàn người.

Không chỉ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đào tạo nghề CTXH tại Việt Nam, hội thảo còn tiếp nhận kinh nghiệm quý báu của các nước về phát triển CTXH theo nền kinh tế thị trường và mô hình cung cấp các dịch vụ xã hội theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Khánh Bình; Thứ tư, 13/01/2016, 08:51 (GMT+7)


Phần mềm giao nhận logistic