Tạo thêm sân chơi thực hành

Hướng tới mục tiêu đổi mới giáo dục, nhiều trường học ở TPHCM đã  tạo ra sân chơi trau dồi kỹ năng sống, ứng dụng kiến thức đã học vào đời sống. Tuy nhiên, so với yêu cầu, học sinh vẫn còn ít cơ hội trải nghiệm, sáng tạo và tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Trải nghiệm và sáng tạo

Những ngày cuối năm 2015 và giáp Tết Bính Thân 2016, ở nhiều trường học không chỉ diễn ra lễ hội mừng xuân với chủ đề yêu thương, sẻ chia mà còn tạo ra sân chơi bổ ích, giúp học sinh có cơ hội sáng tạo, thể hiện năng khiếu như nấu ăn, cắm hoa, gói bánh tét… Trút bỏ áp lực học hành, được làm những gì mình thích và đam mê, học sinh không chỉ bộc lộ năng khiếu, sở trường riêng mà còn định hình nghề nghiệp tương lai của mình. Tại hội thi khéo tay - kỹ thuật dành cho học sinh bậc THCS, hàng trăm học sinh háo hức trổ tài, tạo ra những sản phẩm sinh động, phong phú. Không chỉ thể hiện sự khéo tay thông qua việc cắm hoa, trang trí cây cảnh ngày tết, nhiều học sinh còn thể hiện sự sáng tạo thông qua những sản phẩm ứng dụng kỹ thuật, kiến thức công nghệ vào thực tiễn. Theo nhận định của thầy Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TPHCM, việc tạo ra sân chơi khéo tay - kỹ thuật sẽ giúp học sinh tự tin, năng động, vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học vào cuộc sống. Đây là một trong những nội dung thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục, tăng tính thực hành, giảm bớt lý thuyết của ngành GD-ĐT TPHCM.

Những sân chơi thực hành giúp học sinh trau dồi kỹ năng sống

Tương tự, tại hội thi “Đầu bếp trẻ lần 2 cấp thành phố” dành cho học sinh THPT, nhiều học sinh đã trổ tài nấu nướng các món ăn truyền thống và trình làng những chiếc bánh chưng, bánh tét đẹp mắt. Theo Thảo Linh, học sinh Trường THPT Gia Định, trước khi đến với cuộc thi này, em không biết nấu nhiều món ăn và chỉ nấu những món đơn giản. Nhưng từ khi trải nghiệm ở sân chơi này, được tiếp xúc với những đầu bếp nổi tiếng, chuyên gia ẩm thực, Thảo Linh đã tích lũy thêm về ẩm thực và nuôi dưỡng đam mê nấu ăn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Cuộc thi đầu bếp trẻ không chỉ tạo cơ hội cho các em thực hành, tăng kỹ năng ứng dụng những kiến thức đã học ở môn công nghệ, học nghề mà còn góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh bậc THPT. Nếu có khả năng và đam mê, các em sẽ trở thành đầu bếp trẻ trong tương lai”.

Cần cơ chế đặc thù

Có thể nói, trong năm 2015, ngành GD-ĐT TPHCM đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tạo nhiều sân chơi trải nghiệm phong phú, tăng tính thực hành cho học sinh các cấp. Đó là những sân chơi thể hiện trí tuệ, sự sáng tạo của học sinh về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin. Đặc biệt, ở sân chơi “Giờ lập trình” - thu hút hàng ngàn học sinh tham gia - không chỉ giúp các em nâng cao kỹ năng lập trình, sáng tạo mà còn định hướng cho đam mê theo đuổi nghề nghiệp trở thành kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin trong tương lai. Riêng chương trình “Lớn lên cùng sách” đã lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến hàng ngàn học sinh và giúp các em phát triển nhân cách, đạo đức làm người.

Tuy nhiên, nhìn lại, nhiều chuyên gia giáo dục vẫn cho rằng học sinh ở TPHCM vẫn phải gồng mình chịu nhiều áp lực học lý thuyết, đối phó với thi cử vì chương trình phổ thông quá nặng. Vì thế, các em không có nhiều thời gian để sáng tạo, ứng dụng những gì đã học vào thực tiễn. Góp ý tại hội thảo khoa học “Giáo dục - đào tạo TPHCM sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW”, nhiều ý kiến cho rằng tiến độ đổi mới giáo dục của TP vẫn chậm và chưa tạo ra sự đột phá xứng tầm. Dù TPHCM đã đầu tư nguồn lực cho giáo dục khá lớn, nhưng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn riêng. Đó là thiếu nguồn tài chính để đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, chậm hiện đại hóa trường lớp, trang thiết bị dạy học, thiếu đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, tâm huyết với mục tiêu đổi mới giáo dục…

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng đặt vấn đề: Nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục là chuẩn bị cho học sinh hành trang hội nhập quốc tế “học để biết, để làm, để chung sống”. Vậy chúng ta phải dạy cái gì, dạy như thế nào để học sinh lĩnh hội được kiến thức cần thiết và trang bị đầy đủ để trở thành công dân toàn cầu? Cũng theo TS Hồ Thiệu Hùng, muốn hội nhập với thế giới, nền giáo dục Việt Nam cần hình thành tính lương thiện trong từng công dân nhỏ tuổi. Như thế giáo dục đạo đức phải đặt lên hàng đầu, phải dạy học sinh sống trung thực, có nhân cách, biết ứng xử văn minh. Không những thế, cần dạy học sinh tính dũng cảm, dám phản biện để tự tin đấu tranh với thói hư, tật xấu ngay trong trường học và ngoài xã hội. Còn theo TS Huỳnh Công Minh thì để đào tạo học sinh phát huy năng lực cá thể, năng động, tự tin, cần phải đổi mới phương pháp dạy và học, tạo môi trường sáng tạo cho cả thầy lẫn trò.

Song với thực trạng cơ sở vật chất còn thiếu, sĩ số lớp học quá đông, đời sống giáo viên chưa thể cải thiện… thì TPHCM khó tạo ra sự đột phá về đổi mới giáo dục như kỳ vọng. Một rào cản khác là TPHCM luôn tiên phong áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến, sáng tạo đạt hiệu quả, nhưng chưa có cơ chế riêng để bứt phá, chủ động thực hiện các chương trình đổi mới giáo dục của một đô thị đặc biệt. Đúc kết ý kiến, nguyện vọng của nhiều nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, TS Đinh Phương Duy, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, đề nghị: TPHCM cần có cơ chế đặc thù để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, tạo ra môi trường tích cực, phát huy tâm huyết, tài năng của hiệu trưởng - những nhà “quản trị giáo dục” hiện đại.

Khánh Hà; Thứ tư, 03/02/2016, 09:41 (GMT+7)

 


Phần mềm giao nhận logistic