Nghệ nhân, doanh nhân Phan Thị Thuận: Từ khôi phục nghề tổ đến “tướng dâu tằm”
Trải qua hơn 40 năm thăng trầm với con tằm, cái kén, đã có lúc, tưởng chừng như “đứt ruột” với nghề tằm tơ, nhưng bằng tình yêu tha thiết với nghề truyền thống của gia đình, nghệ nhân Phan Thị Thuận bằng chính đôi bàn tay nhỏ bé, đã vực dậy cả một “thủ đô dâu tằm” từng bị lãng quên.
Từ nỗi niềm đau đáu nghề Tổ mai một…
Là thế hệ thứ 3 trong một gia đình có nghề chân truyền ở Phùng Xá, Mỹ Đức (Hà Tây cũ), bà Phan Thị Thuận được chứng kiến những thăng trầm của nghề tằm tơ quê hương. Thời Pháp thuộc, bà cô của bà đã có công mang những chiếc máy dệt đầu tiên về làng khi kí hợp đồng sản xuất tơ hóa học với các ông chủ xí nghiệp người Pháp. Rồi những năm 70 của thế kỷ trước, Xí nghiệp Tơ tằm Mỹ Đức (nay là Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam) phát triển thịnh vượng với vùng nguyên liệu hàng chục ngàn héc ta dâu ven sông Đáy.
Nhưng đến năm 1984, ngành dâu tằm “thất sủng”, nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén, hợp tác xã chặt phá toàn bộ diện tích trồng dâu, hàng loạt thợ bỏ nghề. Bà vẫn kiên quyết bám trụ, có xin lá bờ rào hay ròng rã đạp xe 22km mua dâu lá nông trường Thanh Hà (Kim Bôi, Hòa Bình) bà cũng không nản chí.
Chủ trương phá dâu chuyển sang trồng lúa đã gần như xóa sổ toàn bộ diện tích dâu trên đất Phùng Xá, thấy bà bươn bải khắp nơi tìm lối thoát cho dâu tằm, nhiều người ái ngại lẫn xì xèo cái sự “cố chấp đến gàn dở” ấy.
Từ hội ươm tơ mi ni với quy mô 7 hộ gia đình chỉ cung cấp cho làng lụa Vạn Phúc, Hàng Ngang, Hàng Gai ngày ấy, đến nay đã trở thành công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức với 600m2 diện tích xưởng, 15 thợ thạo nghề làm việc thường xuyên, hàng trăm thợ mùa vụ nhằm đáp ứng lượng đơn hàng đều đặn từ khắp thế giới.
Dù cho, không thể trở lại thời kỳ “hoàng kim” như mong muốn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhưng nhờ có công rất lớn của nghệ nhân Phan Thị Thuận mà nhắc đến Mỹ Đức, người ta nhớ ngay đến những sản phẩm thủ công tơ lụa cao cấp nức tiếng khắp trong và ngoài nước.
Là chủ của công ty ăn nên làm ra, song ở người phụ nữ lục tuần ấy vẫn mang những nét tần tảo đặc trưng xứ Đoài
… đến những phát kiến có một không hai
Nhiều năm về trước, bà Phan Thị Thuận đã nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới với sáng tạo vê và nối kén bằng tay. Quan sát bà làm việc, thấy đôi tay gầy guộc ấy nâng niu, chăm bẵm từng con tằm, cái kén mới cảm thấy một cái kén hỏng cũng khiến bà đau như con ốm.
Bà cho biết: “Trước đây, xơ kén, né kén vỏ, kén thủng, kén đôi, các lõi ruột bị coi là phế phẩm trong nghề, rất lãng phí trong khi chất liệu này hoàn toàn đẹp và có chất lượng cao nếu biết cách chế xuất”. Vì vậy, bà đã tỉ mẩn nấu, ngồi vê và nối kén bằng tay. Mặc dù công đoạn này yêu cầu người thợ phải có tay nghề cao, tốn nhiều công sức nhưng bù lại cho ra những sợi tơ đều đặn và đẹp mắt.
Một người thợ giỏi, mỗi ngày cũng chỉ có thể vê được hai lạng sợi vào các suốt. Mỗi khung cửi gỗ truyền thống phải cần có hàng trăm cây suốt như vậy mới dệt nên một tấm khăn thô, lụa thô đầy chất cảm.
Anh Nam- con trai nghệ nhân Phan Thị Thuận nối bước mẹ gắn bó bền chặt với nghề truyền thống của quê hương
Kỹ thuật thủ công này, có thể nói đã tạo ra một “cuộc cách mạng” về nguyên liệu cho ngành sản xuất dâu tằm, giải quyết đầu vào một cách triệt để. Hơn nữa, từ đó đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm thế mạnh của công ty: chăn, gối, khăn tơ tằm, vải đũi thô, len tơ tằm, khăn xốp…
Sáng kiến nổi bật biến con tằm thành những công nhân tay nghề cao và đặc biệt trung thành đã khiến một lần nữa tên nghệ nhân Phan Thị Thuận được xướng tên trong các giải thưởng vinh danh cao quý của nước nhà. Kỹ thuật mền bông tơ tằm tự dệt đã được bà đăng kí thương hiệu độc quyền.
Bà đã bỏ ra 1 năm ròng rã, thức trắng ngày đêm để theo dõi, nghiên cứu từng thói quen, tập tính của con tằm, từ đó thử nghiệm và cho ra đời kỹ thuật độc đáo duy nhất trên thế giới mà không có công nghệ kỹ thuật tinh vi nào làm được: mền bông tơ tằm tự dệt. Từ thành công này, bà tiếp tục sáng tạo các mặt hàng khác như: túi, ví, đệm…
Những tay thợ với kỹ thuật tinh vi nhất thiên hạ cần mẫn rút ruột dệt mền bông
Thay thế tất cả các cách tạo ra chăn truyền thống, bà tạo ra tấm tơ (mền bông) bằng cách trải tằm chín lên các khung nang với kích thước đặt sẵn. Những chú thợ sẽ mất ngày đầu tiên để “dò đường” làm tổ trên mặt phẳng. Ba ngày tiếp theo, khi bụng nặng tơ, chúng bắt đầu rút ruột, nhả hết 400-500m sợi tơ. Do không có né nên chúng tạo thành một chiếc tổ khổng lồ tự cán phẳng. Bà cũng phải tính toán kỹ lượng sao cho tằm không nhả tơ đè lên nhau, đến khi kết thúc chu kỳ, ruột tằm héo hon thì tấm tơ cũng hoàn thành. Tấm mền được tẩy theo phương pháp truyền thống sẽ cho ra đời một sản phẩm tuyệt hảo, hoàn toàn thiên nhiên: mềm mại, tơi xốp, ấm áp, không hề bị xô lệch, vón cục như thông thường.
Ngoài ra, với sáng kiến mới mẻ này, đã mang lại số phận mới cho con tằm sau khi kết thúc đời thợ tần tảo. Thay vì bị ươm chín rồi đổ bỏ như trước, chúng trở thành nguồn thực phẩm sạch, tươi ngon và an toàn tuyệt đối cung cấp cho người dân địa phương.
Như vậy, bà đã tận dụng được triệt để tất cả nguồn nguyên liệu thiên nhiên này tạo ra những sản phẩm thủ công độc đáo, chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Đúng như kỳ vọng khi đặt tên thương hiệu Silk4world, các bạn hàng quốc tế từ Mỹ, Australia, Đức, Ả Rập Xê út… ngày một tìm đến bà đặt hàng nhiều hơn.
Mặc dù thương hiệu tơ lụa Mỹ Đức đã đi khắp thế giới thì bà vẫn trăn trở khôn nguôi khi mà chính người Việt Nam - nguồn thị trường trong nước nhiều tiềm năng lại không khai thác được. Hàng Trung Quốc chất lượng thấp đổ về dồn dập cạnh tranh khốc liệt, chiếm lĩnh khách hàng nội địa. Bà mạnh dạn thực hiện một phương thức kinh doanh mới để thu hút chính người dân địa phương sử dụng sản phẩm của mình. Bà đã đưa ra biện pháp khuyến mãi cực kỳ hiệu quả: Tặng quần áo, khăn lụa cho người thân, bạn bè. Mỗi người đến chơi tết nhà bà Thuận năm ấy đều được “lì xì” một sản phẩm lụa chất lượng cao.
Chính sự mạnh tay tặng hàng trăm bộ đồ, khăn lụa đã tạo nên tiếng vang về chất lượng hàng hóa tơ lụa Mỹ Đức. Nhận thức của người tiêu dùng thay đổi rõ rệt khi có sự so sánh giữa chất lượng sản phẩm và chủ động “người Việt dùng hàng Việt”.
“Tằm có lứa, ruộng có mùa/ Chăm làm trời cũng đền bù có khi”. Câu ca dao xưa đã ứng với cuộc đời của bà. Sau hơn 40 năm chật vật, quyết tâm bám trụ, khôi phục nghề chân truyền, đến nay, khi tới Phùng Xá, đâu đâu cũng nghe tiếng may dệt, cũng ngửi thấy mùi thơm tơ tằm từng ngõ xóm.
Cương quyết với phương châm hoạt động: “Sản phẩm tốt nhất từ nguyên liệu tốt nhất” và cái tâm làm nghề trong sáng đã giữ vững được vị trí của Dâu tơ tằm Mỹ Đức suốt thời gian qua.
Bà đã nhận được không ít giải thưởng như: năm 2005, Huy chương vàng toàn quốc cho sản phẩm khăn thô tơ tằm làm từ những con kén phế; Giải sản phẩm tiêu biểu năm 2006; sản phẩm tiêu biểu 1000 năm Thăng Long; giải thưởng top 100 bảng vàng Thăng Long thương hiệu nổi tiếng chân chính lần thứ hai; top 20 sản phẩm dịch vụ người tiêu dùng tin cậy; …
Đình Nam; Thứ ba, ngày 3 tháng 11 năm 2015 | 12:43
Nguồn "thoidai.com.vn"
- TPHCM chúc mừng GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhận "Giải Nobel Châu Á"
- Toàn cầu chỉ 5 phụ nữ đoạt giải toán học cao nhất trong 90 năm qua
- 3 nghiên cứu ứng dụng đoạt Giải thưởng Nhà Khoa học nữ xuất sắc 2023
- Nữ sinh 13 tuổi đỗ đại học, 19 tuổi học tiến sĩ
- 5 điều làm nên giải Nobel Y Sinh của bà Katalin Karikó sau 40 năm nhiều cay đắng
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024