Sự đồng cảm từ trải nghiệm của người thân

Tôi thật sự đồng cảm với những cảnh báo của tổ chức Tim mạch Úc về chế độ ăn kiêng low-carb có thể hại cho sức khỏe. Bởi lẽ từ câu chuyện của gia đình mà tôi sẽ kể sau đây là những lý giải, minh chứng rất thật về điều đó.

Tôi có người em gái là công chức của chính phủ Australia. Năm 2003 tôi đi du học tại Melbourne, khi lên Canberra thăm gia đình cô em gái, điều làm tôi rất sốc, lo lắng và đau lòng là từ một người khỏe mạnh có da, có thịt, em gái tôi đã trở thành một người ốm yếu, thân hình gầy guộc. Vì sợ má tôi và các anh chị em ở Việt Nam lo lắng nên mãi về sau tôi mới biết em gái tôi bị ung thư đường ruột, vì vậy khi thức ăn vào cơ thể không thể hấp thụ và luôn trong tình trạng tiêu chảy.

Nhưng thật kỳ diệu, sau khoảng năm năm tình trạng sức khỏe của em gái tôi ngày một tốt hơn, người mập mạp trở lại, không còn tình trạng tiêu chảy và thật vui là bác sĩ thông báo đã ngăn chặn được tế bào ung thư.

Điều gì làm nên phép màu đó? Tìm hiểu tôi được biết trong quá trình điều trị, các bác sĩ của bệnh viện Canberra đã yêu cầu em gái tôi phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng hàng ngày là không được ăn thịt, dầu mỡ, tinh bột và hạn chế tối đa đường. Thực đơn hàng ngày mà em gái tôi thường dùng từ năm 2003 cho tới tận bây giờ luôn là khoai lang luộc, rau luộc, canh chua cá, cá nướng, cá hấp, các loại rau củ trộn như món gỏi nhưng không dầu mỡ, sữa đậu nành, trái cây gồm bưởi, thơm, táo (em gái tôi vốn không thích ăn trái cây).

Chứng kiến bữa ăn hàng ngày cứ lặp đi lặp lại những món ăn như thế chúng tôi rất xót xa nhưng cũng vô cùng cảm phục nghị lực phi thường của cô ấy. Mặc dù sự thèm ăn cơm, thịt, đồ chiên luôn ám ảnh cô ấy trong từng bữa ăn của chồng, con nhưng em gái tôi chưa  một lần tặc lưỡi với ý nghĩ  là “ăn một chút thì có sao đâu!” Chính sự tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ, kết hợp với buổi sáng đi bơi, buổi chiều đánh cầu lông mà sức khỏe của em gái tôi đã được hồi phục. Tuy nhiên các bác sĩ cũng cảnh báo là không được để bệnh tái phát, nếu tái phát thì không thể chữa trị được nữa. Và đó là lý do mà cho đến hôm nay em gái tôi vẫn tuân thủ chế độ dinh dưỡng như thời kỳ còn đang điều trị bệnh.

Cùng thời điểm em gái tôi phát bệnh thì người đồng nghiệp nữ (người Úc) của cô ấy cũng mắc phải căn bệnh giống hệt em gái tôi, nhưng chị ấy đã tâm sự với em gái tôi rằng: “Tao không thể nào nhịn ăn thịt mỗi ngày”. Vì vậy mà cùng phát bệnh giống nhau, cùng một  ê kíp bác sĩ thực hiện pháp đồ điều trị bệnh như nhau nhưng cách đây vài năm người nữ đồng nghiệp ấy đã giã từ cuộc sống. Trong khi đó sức khỏe của em gái tôi vẫn ổn định, tiếp tục làm việc và được đề bạt ở vị trí quản lý cao hơn.

Thật đúng như ông bà mình đã dạy: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”, một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học sẽ góp một phần quan trọng trong phòng, chống các loại bệnh tật.

Khánh Tâm


Phần mềm giao nhận logistic