Những phụ nữ Việt thành đạt ở nước ngoài

Hiện nay, nhiều trí thức và doanh nhân người Việt, cả nam lẫn nữ, đã có mặt trong các trung tâm khoa học, thương mại của nhiều nước phát triển. Có những nữ trí thức làm việc trong các trung tâm khoa học và cả trong các trung tâm nghiên cứu quân sự lớn của các nước.

Một ví dụ tiêu biểu là cô Lê Võ Phương Mai - cán bộ của trường đại học Cardiff (Anh) - thành viên tổ chức nghiên cứu kinh tế của Liverpool. Năm 12 tuổi, Mai theo bố mẹ sang Nga sinh sống. Tốt nghiệp phổ thông, Mai sang Anh học và tới năm 2007, Mai đã nhận bằng tiến sĩ khi mới 26 tuổi.

Lê Võ Phương Mai cùng các giáo sư của ĐH Cardiff

Không lâu sau, cô đã được nhận học bổng do Hội đồng kinh tế và các ngành xã hội thuộc Bộ Giáo dục Anh cấp. Đây là một trong những học bổng có uy tín nhất ở Anh, mỗi năm chỉ cấp tối đa là 15 suất dành cho lĩnh vực kinh tế.

Về trường hợp của Mai, theo đánh giá của cơ quan xét cấp học bổng thì chủ đề nghiên cứu này có tác động lớn tới nền kinh tế. Cô đã chỉ ra mô hình kinh tế vĩ mô đang được áp dụng phổ biến các nước phát triển có những điểm chưa chuẩn xác và không thể dùng riêng mô hình này để chẩn đoán nền kinh tế, cần phải có một sự thay đổi.

Cô cũng đã chứng minh rằng nền kinh tế Mỹ không thể chỉ dùng mô hình này mà phải thêm những mô phỏng khác thì mới chuẩn xác hơn. Đây là ý tưởng nghiên cứu mới và nó có thể ảnh hưởng lớn đến cách kinh tế vĩ mô được mô phỏng.  Theo cách nói vui của Giáo sư Patrick Minford thì đó là “bom nguyên tử, nếu nổ thì không đùa đâu”.

Cùng với việc hoàn thành nghiên cứu mô hình mới, hiện tại Mai cũng đang thực hiện đề tài mới về bong bóng giá cả đối với các thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán, vật liệu… và cách xử lý của nhà nước. Giờ đây, cái tên Tiến sĩ Lê Võ Phương Mai gắn với ý tưởng thay đổi mô hình kinh tế thế giới không chỉ được giới chuyên gia kinh tế ở Anh chú ý mà cả chuyên gia kinh tế ở nước khác.

Cô cũng thường xuyên giúp đỡ các sinh viên Việt Nam sang Anh học tập, nhất là những sinh viên ham học, hằng năm đều tranh thủ về nước giới thiệu các cơ hội học tập ở Anh cho học sinh, sinh viên.

“Khi đứng trên bục giảng, tôi cảm thấy chạnh lòng vì thấy có ít sinh viên Việt Nam quá, mà đó không  phải do chúng ta thua kém về trình độ. Tôi mong có thể giúp được càng nhiều em sang đây học càng tốt”, cô nói.

Một tấm gương khác là Thu Trang, sau khi hoàn thành bằng Tiến sĩ tại Thụy Sĩ đã nhanh chóng được Đại học Geneva mời ở lại làm việc tại khoa đào tạo nghề của trường. Sau 18 tháng làm việc, cô đã được bổ nhiệm vào vị trí trưởng khoa.

Chuyện của Võ Thị Diệp, sinh ra tại Bạc Liêu và rời Việt Nam vào năm 1979 khi mới 17 tuổi, cũng khá thú vị. Đến Mỹ với vốn tiếng Anh rất hạn chế, cô đã nỗ lực không ngừng để nhận bằng cử nhân hóa học tại Trường Southern Illinois University in Edwardsville.

Sau đó, cô nhận bằng tiến sĩ hóa học của Đại học Missouri rồi gia nhập NASA, chuyên về kỹ thuật vật liệu kết cấu. Tại đây, cô đã ghi dấu ấn bằng việc phát triển và thử nghiệm thành công vật liệu mới dùng cho động cơ tên lửa của tàu con thoi.


Lê Thị Mỹ Lệ

Lê Thị Mỹ Lệ, doanh nhân người Việt, Giám đốc hệ thống nhà hàng Miền Tây, thì lại đang khá thành công tại London (Anh). Hiện nay việc kinh doanh của cô đã ổn định với 4 nhà hàng mang tên Miền Tây tại Anh. Cô cho biết:

“Mong muốn cuối đời của tôi là được đóng góp cho quê hương. Khi nhà hàng Miền Tây 3 phát triển, lợi nhuận tôi sẽ chia cho những nhân viên Việt đã giúp tôi lâu năm, số còn lại sẽ quyên về nước làm từ thiện. Gần đây tôi cũng về nước học làm bánh mì với dự định sẽ mở một công ty bánh mì Sài Gòn tại London để tạo thêm công việc cho những sinh viên mình sang đó du học. Lợi nhuận thu được cũng sẽ được đóng góp cho quê hương”.

Lệ đang có kế hoạch sẽ mở một xưởng mây tre tại Việt Nam nhằm giúp những người tàn tật có thêm thu nhập và đem nghệ thuật làm đồ thủ công của người Việt giới thiệu ở nước ngoài.

Nguyễn Thị Kim Anh - đại diện Công ty TNHH Minh Long - tuy đã sinh sống tại Anh khá lâu, nhưng lại quyết định thành lập công ty ở Việt Nam trước và đang xúc tiến thành lập công ty tại Anh. Công ty của cô kinh doanh mặt hàng thủ công - mỹ nghệ. Tại Việt Nam, cô cho biết sẽ mua hàng của những cơ sở sản xuất, những làng nghề thủ công sang bán ở Anh.

Nguyễn Thị Hà - Giám đốc công ty Ha Beauty Nails Supply, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức - thì lại là một trong những người đầu tiên có công đưa ngành làm móng (nails) vào Đức và cũng là người đầu tiên mở công ty cung cấp trang thiết bị máy móc về ngành nails tại đây. Cô cũng đã mở một gian hàng đồ nails rộng lớn tại Berlin với doanh số bán hàng là 1 triệu euro mỗi năm.

Christine Hà

Một gương mặt Việt kiều nối tiếng khác là Christine Hà, sinh năm 1979, đang sống tại bang Texas, Mỹ. Christine mắc phải căn bệnh hiếm gặp khiến cô mất dần thị lực và bị mù hẳn từ năm 2007. Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành tài chính và quản lý thông tin của Đại học Texas nhưng Christine không thể đi làm vì vấn đề thị lực.

Với niềm đam mê lớn với việc nấu nướng, cô đã lập một trang web cá nhân để đăng tải các công thức nấu ăn của mình. Trang web của Christine nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong cộng đồng những người yêu bếp núc ở Mỹ.

Cô đã vượt qua các thí sinh khác để giành ngôi vị quán quân Vua đầu bếp Mỹ năm 2012. Nghị lực của Christine Hà trong suốt quá trình thi đã khiến khán giả xem truyền hình khắp thế giới xúc động.

Michelle Phan

Một cô gái trẻ khác là Michelle Phan, sinh năm 1987, sinh sống ở bang Florida, Mỹ. Cô là nhà trang điểm người Mỹ gốc Việt nổi danh thế giới.Những video của Michelle Phan hiện đã có hàng triệu lượt xem. Tuy không phải là nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí nhưng danh tiếng mà Michelle Phan có được đã giúp cô trở thành gương mặt đại diện trên mạng của những hãng mỹ phẩm nổi tiếng.

Cô đã cho ra mắt một thương hiệu mỹ phẩm của riêng mình có tên EM Michelle Phan với đại từ nhân xưng “em” rất dễ thương. Michelle Phan từng nhận được giải thưởng Ngôi sao mới của tạp chí chuyên về làm đẹp Womens Wear Daily và lọt vào top Những gương mặt đáng chú ý dưới tuổi 30 của tạp chí Marie Claire.

Nini nguyễn

Nini Nguyễn sinh ra tại Việt Nam, sau đó sang Mỹ định cư cùng cha mẹ. Vốn yêu thích thời trang nhưng vì không giỏi tiếng Anh, Nini không được bất cứ hãng thời trang nào nhận vào làm việc. Cô đành khởi nghiệp bằng nghề lao công và sau này làm nhân viên bán hàng của các hãng bán lẻ thời trang.

Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Nini là khi cô quyết định trở thành nhà thiết kế thời trang. Khách hàng tìm tới Nini Nguyễn rất đông, trong đó có cả những người nổi tiếng, đặc biệt là nữ ca sĩ Rihanna. Hiện giờ, Nini Nguyễn đang là nhà thiết kế chính cho phong cách thời trang ấn tượng của nữ ca sĩ người Barbados.

Lê Mỹ An

Lê Mỹ An là nhiếp ảnh gia gốc Việt từng vinh dự nhận được giải Mac Arthur Fellowship - giải “Thiên tài” của Mỹ. Sang Mỹ định cư từ năm 1975, những tác phẩm ảnh của người phụ nữ 53 tuổi này chủ yếu lấy cảm hứng từ chiến tranh bởi chính cô đã có những trải nghiệm về nó.

Cũng trong lĩnh vực nghệ thuật còn có một gương mặt khác là Lại Thanh Hà. Cô sinh năm 1965 tại Việt Nam và định cư tại Mỹ từ năm 1975. Tốt nghiệp Đại học Texas chuyên ngành báo chí, Hà làm phóng viên cho tờ tin tức The Register. Chính nhờ công việc này mà kỹ năng viết tiếng Anh của Hà đã tiến bộ nhanh chóng. Sau gần 2 năm làm phóng viên, Hà nghỉ việc và bắt đầu tập trung cho sáng tác.

Lại Thanh Hà

Cuốn sách đầu tay của cô là một tác phẩm dành cho thiếu nhi có tên “Inside Out & Back Again” (Từ trong ra ngoài và bắt đầu lại - 2011). Cuốn sách nhanh chóng gây được tiếng vang, giúp Hà đoạt giải National Book Award - một giải thưởng thường niên lâu đời và uy tín nhằm tôn vinh những tác phẩm văn học xuất sắc của các tác giả Mỹ.

Không thể không nhắc đến Võ Thị Diệu Hằng, con gái cố nhà văn, nhà giáo Võ Hồng. Cô đã được vinh danh là Hiệp sĩ thông tin của Việt Nam. Từ nhiều năm nay cô đã dành toàn bộ nguồn lực tài chính và sức lực của mình để xây dựng trang web vietsciences.free.fr, một trang web hữu ích cho trí thức và sinh viên người Việt trong và ngoài nước.

Cả bộ sách giáo khoa Vi sinh vật học khá dày của chúng tôi cũng đã được cô đưa lên trang web này để giúp các sinh viên nghèo không có điều kiện mua bộ sách giáo khoa này.

Lâm Lệ Hoa

Về phụ nữ Việt tham gia quyền bính ở nước ngoài phải kể đến Lâm Lệ Hoa (Le Lam). Cô là phụ nữ Australia đầu tiên và cũng là người châu Á đầu tiên giữ chức vụ thị trưởng thành phố Auburn, New South Wales.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều nữ doanh nhân người Việt hoặc gốc Việt đang nổi danh trên trường quốc tế. Họ là những tấm gương vượt khó vươn lên và đóng góp không nhỏ cho nước nhà.

Theo doanhnhanvietnam.org.vn; Cập nhật: 17:16 23/12/2015

Cô gái gốc Việt: "cứu tinh" của người bị hiếp dâm ở Mỹ

Cô gái gốc Việt 24 tuổi Amanda Nguyễn, từng bị cưỡng hiếp 2 năm trước và đang là nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, là người tiên phong thay đổi đạo luật bảo vệ những người bị xâm hại tình dục ở nước này.

Amanda Nguyễn hiện đang làm việc như người liên lạc của Nhà Trắng tại Bộ Ngoại giao

Ngày 23.2, thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện đã giới thiệu một dự luật mới để tiêu chuẩn hóa các quyền lợi cho những người bị xâm hại tình dục. Dự luật là nỗ lực mới nhất để sửa chữa một hệ thống truy tố tội phạm tình dục mà nhiều người cho rằng đã không còn phù hợp. Đây là dự luật quốc gia đầu tiên của Mỹ tập trung trực tiếp vào việc nâng cao sự bảo vệ pháp lý cho những người bị xâm hại tình dục.

Dự luật này được đưa ra nhờ nỗ lực phi thường của Amanda Nguyễn, một viên chức Bộ Ngoại giao 24 tuổi gốc Việt, tới Nhà Trắng giúp xây dựng bản thảo.

Amanda đã trở thành một nhà hoạt động tích cực sau khi "đấu tranh" với hệ thống pháp lý khó khăn khi bị hiếp dâm khoảng 2 năm trước.

"Quá nhiều người cảm thấy hệ thống này dường như đã thất bại", Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen của New Hampshire, nhà tài trợ chính của dự luật nói. "Chúng ta cần một bộ luật cơ bản về quyền của những người bị xâm hại tình dục."

Đạo luật Quyền của những người bị xâm phạm tình dục tổng hợp những quyền lợi hợp pháp đã tồn tại ở nhiều bang khác nhau nhưng chưa tổng quát. Đạo luật đảm bảo những người bị xâm hại tình dục sẽ được gặp tư vấn viên, và được cung cấp những thông tin toàn diện về các sự lựa chọn pháp lý. Đối với cá nhân nộp bộ dụng cụ kiểm chứng hiếp dâm (rape kit), dự luật sẽ cho họ quyền được biết bằng chứng ở đâu và các kết quả xét nghiệm như thế nào.

Trong thời gian rảnh rỗi, Amanda Nguyễn đã đứng đầu, lập một tổ chức gọi là Rise - nhóm các tình nguyện viên và các nhà hoạt động tích cực, đưa các vấn đề về quyền của nạn nhân xâm hại tình dục trước Quốc hội Mỹ.

Khoảng hai năm trước, Amanda Nguyễn đã bị cưỡng hiếp và nộp bằng chứng cho bang Massachusetts thông qua một bộ dụng cụ kiểm chứng hiếp dâm. Luật Massachusetts cho Amanda 15 năm để quyết định có nên theo vụ kiện hay không. Nhưng ở bệnh viện, cô lại được nhận một tờ thông tin nói rằng trừ khi cô có "yêu cầu mở rộng", nếu không, chính quyền sẽ phá hủy bộ dụng cụ kiểm chứng hiếp dâm của cô chỉ trong sáu tháng.

Các luật lệ này khiến cô rất khổ sở để nộp đơn yêu cầu mở rộng – tờ thông tin không giải thích nộp như thế nào. Sau đó, cô vội vã tìm bộ dụng cụ kiểm chứng hiếp dâm để có thể nộp đơn yêu cầu đúng người thụ lý. Cô tìm kiếm điên cuồng trong sáu tháng nhưng không có kết quả.

"Hệ thống pháp lý này khiến cho tôi ngày nào cũng phải nhớ đến câu chuyện mình đã bị hiếp dâm.” Amanda nói. Sau đó cô bắt đầu tìm kiếm xem ở các bang khác, luật pháp như thế nào.

Cô lên một danh sách hơn 20 quyền lợi mà những người bị xâm hại tình dục có trong nhiều bang và thấy rằng mức độ bảo vệ khác nhau rất nhiều.

Amanda lập tức hành động. Cô gọi bạn bè, người quen, và những người ủng hộ thành một mạng lưới trực tuyến của các tình nguyện viên và cuối cùng gõ lên một bản thảo cho dự luật.

Trong vòng hai tháng thành lập, nhóm Rise của cô đã khiến các nhà lập pháp tiểu bang Massachusetts giới thiệu một dự luật có chứa hàng chục quyền mới cho những người bị xâm hại tình dục.

"Kêu gọi của Amanda nhận được nhiều hỗ trợ, sau đó là tạo nên một dự luật, đã chứng minh khả năng tuyệt vời của cô ấy" Shaheen cho biết.

Amander Nguyễn hiện đang làm việc như người liên lạc của Nhà Trắng tại Bộ Ngoại giao. Mong muốn cuối cùng của cô là được làm chuyên gia về vũ trụ của NASA. "Cuộc sống của tôi được vạch ra ở trên sao Hỏa" cô cười và chia sẻ.

"Giữa việc chấp nhận sự bất công hay viết lại luật pháp, tôi đã chọn viết lại luật pháp”.

Theo Dân Việt; Cập nhật: 21:26 25/02/2016

 


Phần mềm giao nhận logistic