Đi biển một mình

“Đi biển một mình” là tập truyện ngắn của nhà văn Kim Quyên kể về phận buồn của mười lăm nhân vật nữ. Chiều ngày 5/3/2016, Nhà văn đã có buổi ra mắt giới thiệu sách tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Đông đảo bạn bè đồng nghiệp, nhà văn, nhà thơ đã đến chúc mừng và chia sẻ cảm kích về tập sách.

Nhà văn Trầm Hương: “Với mười lăm truyện ngắn nhỏ, xinh cũng vừa đủ chuyển tải vẻ đẹp nữ tính, thân phận người phụ nữ, nỗi cô đơn dài dằng dặc của đời người, chất ngọc kết tinh từ lòng nhân hậu lắng đọng sau những đổ vỡ, bất hạnh. Hiểu cuộc đời chị Kim Quyên nên tôi biết những gì chị viết ra không thể khác được. Văn chị đôn hậu, chân chất, mộc mạc và giản dị như chính trải nghiệm cuộc đời mà  chị đã sống, đã thở. Có người nói chị Kim Quyên viết thật thà quá, hiền quá, tự nhiên quá. Tôi cho đó là một lợi thế của chị. Bởi hiền, thật thà mà văn tự nhiên đi vào trái tim con người, không qua cái ma mị, lắt léo, đánh đố của chữ nghĩa. Gu văn chương cũng như kiến trúc, mỹ thuật, tùy theo cảm nhận của mỗi người. Có người thích kiến trúc cổ điển, nhiều họa tiết, rườm rà, nhiều đường cong lượn, có người thích tối giản. Người thích những chiếc bình pha lê lấp lánh, men sứ bóng loáng, người thích đất nung thô mộc. Văn chương của chị Kim Quyên gợi tôi nhớ đến vẻ đẹp của chiếc bình đất nung cắm lô xô những bông hoa sọ nhái rực nắng gió phương Nam. Đọc nhà văn Kim Quyên, tôi càng thận trọng để nhận xét nhà văn này viết có văn hay không văn. Văn là gì? Đọc một tác phẩm của ai đó mà ta rung cảm, thấy thương yêu con người hơn, hướng thiện hơn, muốn được sống tốt hơn. Vậy đó có phải là văn không?. Đọc những trang viết cho ta sự hoang mang, sỗ sàng chữ nghĩa, lắt léo, đánh đố, không đầu không đũa, bí hiểm không biết tác giả nói gì thì đó là văn và cách tân hay sao?! Thiết nghĩ, người viết văn đạt đến độ trong sáng, giản dị, làm đẹp giàu thêm chữ nghĩa không phải là chuyện dễ. Đọc nhà  văn Kim Quyên, gấp sách lại, nước mắt tôi chảy ra vì thấy mình trong đó, đồng cảm với thân phận phụ nữ, những người đi biển một mình, người đi tìm hạnh phúc trong vô vọng, những người phụ nữ tận hiến thời thanh xuân để trở thành người thừa tuổi xế chiều, người con gái ở ngã ba sông không biết đâu là cái bến dành cho mình và những bông hoa cuối mùa tàn úa mà lòng vẫn đau đáu được yêu thương…”.

Nhà báo - nhà thơ Trần Đỗ Liêm cũng tràn đầy cảm xúc cảm thông: “Chủ đề tư tưởng của Kim Quyên trong “Đi biển một mình”  không xa lạ với cuộc sống, đó là thân phận người phụ nữ Nam bộ nói riêng hay Việt Nam nói chung trong xã hội hiện đại dù đang được coi là bình đẳng vốn luôn bị thiệt thòi, bị đối xử thiếu bình đẳng… Dù trên bề nổi người ta nói nhiều về sự bình đẳng, sự trân trọng. Nhưng ở góc khuất của cuộc đời các thiệt thòi, đau đớn, khổ cực có khi bị người đời bỏ qua, có khi ngay tại chính người phụ nữ đã nhiễm tư tưởng cam chịu từ ngàn xưa mà lặng lẽ âm thầm tự “Đi biển một mình”, không chia sẻ cho ai dù là “nửa kia” của mình.

Nhưng người đọc cũng nhận ra ở tư tưởng của chị đó là niềm tự hào, sự kiêu hãnh của người thực hiện bản năng thiên chức cao quý trời sinh của  giới mình đó là duy trì nòi giống loài người, đó là họ luôn là người giữ cho bếp lửa,  tình thương yêu trong gia đình luôn nồng đỏ, ấm áp..., mỗi khi có gió bấc mưa phùn giá lạnh tràn qua.

Kim Quyên khéo lựa chọn tình tiết và nhân vật để thể hiện ý tưởng của mình là những người gần gũi, rất đời thường (như nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Market) để chuyển tải ý tưởng chủ đề của mình. Khi thì chị chọn nhân vật là đứa con gái, khi thì nhân vật là cô thôn nữ, nhiều truyện chị đã lấy ngay cuộc sống éo le của cả nhân mình để thể hiện ý tưởng cho tác phẩm.

Kèm theo chủ đề thân phận phụ nữ chị cũng rất tâm huyết với chủ đề cuộc sống xã hội hiện tại đang ở thời kỳ chuyển mình, nó đan xen giữa tích cực với tiêu cực, nó giằng co níu kéo giữa văn hóa truyền thống và văn hóa du nhập, cũng như văn hóa  mới xuất hiện cùng với kinh tế thị trường đang hình thành và tác động mạnh mẽ vào xã hội chúng ta.

“Văn là người”, người chị, tâm tính chị thế nào thì văn của chị như thế ấy. Xin giới thiệu với bạn đọc nếu ai chưa gặp nhà văn Kim Quyên, nhưng đã đọc tác phẩm của chị thì gần như chị là nguyên mẫu của những nhân vật chính trong truyện… Chị là người có cuộc sống nội tâm rất cao.

Đọc “Đi biển một mình” chúng ta càng hiểu và thương nữ văn sĩ Đồng bằng Sông Cửu Long nhiều hơn, mong cho chị luôn được hạnh phúc và có nhiều tác phẩm với những mảng sáng về sự vươn lên vượt qua nghịch cảnh mà số phận tưởng như an bài với những người phụ nữ kém may mắn trong xã hội.

Khánh Tâm tổng hợp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Phần mềm giao nhận logistic