Lễ Công bố Báo cáo Phát triển con người Việt Nam năm 2015 về tăng trưởng bao trùm và Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2015

Ngày 05 tháng 02 năm 2016, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm - VASS) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Báo cáo Phát triển con người Việt Nam năm 2015 về tăng trưởng bao trùm và Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2015.

Đồng chủ trì Lễ công bố có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP. Tham dự buổi lễ có các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu, trường đại học và các đại sứ quán ở Hà Nội; đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ và nhiều nhà nghiên cứu. Nhiều cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và Hà Nội cũng đến đưa tin về buổi lễ.

Kể từ năm 2001 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp cùng với UNDP xây dựng 4 Báo cáo quốc gia về phát triển con người. Với tiêu đề “Đổi Mới và phát triển con người”, Báo cáo quốc gia về phát triển con người đầu tiên của Việt Nam công bố năm 2001 đã đánh giá chặng đường 15 năm Đổi Mới của Việt Nam thông qua lăng kính phát triển con người. Sau 15 năm, với tiêu đề “Tăng trưởng vì mọi người”, Báo cáo thứ tư về phát triển con người của Việt Nam được công bố ngày hôm nay có nội dung chính là nhìn lại chặng đường 30 năm Đổi Mới và định hình mô hình tăng trưởng mới qua lăng kính phát triển con người nhằm bảo đảm mọi công dân Việt Nam phát huy đầy đủ tiềm năng và tận hưởng cuộc sống thịnh vượng. Đồng thời đưa ra những định hướng cho tương lai thông qua phân tích về tăng trưởng bao trùm – tăng trưởng nhanh, bền vững và không bỏ ai lại phía sau nhằm đạt được những kết quả mới về phát triển con người ở Việt Nam. Đây chính là chìa khóa để đạt tiến bộ toàn diện về phát triển con người.

Thay mặt đoàn chủ tọa, phát biểu khai mạc tại buổi lễ, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn cho biết: Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng cả về tăng trưởng kinh tế và phát triển con người ở giai đoạn đầu và giữa những năm Đổi Mới. Quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam mang tính bao trùm với những lợi ích và cơ hội được chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam có xu hướng chững lại, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tăng trưởng đã giảm sút và khoảng cách giữa các vùng, miền, các tỉnh và các nhóm dân cư khá lớn…Điều này đang đặt ra những thách thức đối với một nước có thu nhập trung bình như Việt Nam là thực hiện thành công việc chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình tăng trưởng mới, dựa vào tăng năng suất. Theo đó, Báo cáo tập trung khuyến nghị các hành động chính sách thiết thực để mở rộng việc làm có năng suất, cải thiện hiệu quả và nâng cao tính công bằng của hệ thống giáo dục và y tế cũng như gia tăng diện bao phủ của hệ thống an sinh xã hội sao cho đảm bảo được quỹ đạo mang tính bao trùm – phương thức phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế cũng như nhu cầu phát triển tương lai của đất nước…

Trong phát biểu khai mạc, Bà Pratibha Mehta đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tập trung vào cả nhóm người nghèo và nhóm thu nhập trung bình thấp, những người có thu nhập không cao hơn nhiều so với chuẩn nghèo, những người làm việc trong khu vực không chính thức, người di cư đến đô thị và nông dân cũng như cơ hội phát triển của các nhóm người nghèo và phát huy tối đa năng lực của họ. Theo đó, năng suất lao động của những nhóm người này đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển thành công ở Việt Nam. Thông qua phát hiện chính của Báo cáo, bà Pratibha Mehta khẳng định sự phát triển và thành công của Việt Nam phụ thuộc vào khả năng xây dựng một nền kinh tế vì mọi người và công bằng, bắt nguồn từ khả năng cung cấp việc làm đầy đủ, cơ hội và bảo trợ cho tất cả mọi người.

Tại buổi lễ, đại diện nhóm soạn thảo, TS. Nguyễn Thắng – VASS và Ông Nguyễn Tiên Phong - UNDP đã trình bày Báo cáo Phát triển con người Việt Nam năm 2015 về tăng trưởng bao trùm tập trung phân tích chi tiết ba trụ cột chính sách: (1) Mở rộng việc làm có năng suất; (2) Cải thiện hệ thống dịch vụ giáo dục và y tế; (3) Đổi mới hệ thống an sinh xã hội. Qua đó, cho thấy nền kinh tế, giáo dục và y tế, bảo trợ xã hội đã có những chuyển đổi tích cực và thành tích đáng kể trong 30 năm qua, kể từ khi bắt đầu Đổi Mới. Tuy nhiên, Báo cáo cũng nhấn mạnh những vấn đề đang nổi lên và khuyến nghị Việt Nam cần một loạt cải cách để đẩy nhanh tăng trưởng bao trùm và thúc đẩy phát triển con người trong tương lai.

Theo các tác giả của Báo cáo, để tăng việc làm có năng suất, Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tăng hiệu suất kinh tế và sự kết nối công nghệ cũng như nuôi dưỡng sáng tạo. Để cải thiện hệ thống giáo dục và y tế, Việt Nam cần cải thiện chất lượng và mở rộng tiếp cận giáo dục trước tiểu học, giáo dục bậc cao và đào tạo nghề; đồng thời cần tiến hành đánh giá toàn diện các cải cách xã hội hóa trước khi nhân rộng. Để đổi mới hệ thống bảo trợ xã hội, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp khuyến khích để đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; hệ thống bảo hiểm xã hội tự chi trả và xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội dựa trên nguyên tắc “vòng đời”.

Đại diện UNDP, ông Richard Marshall, Cố vấn chính sách UNDP tại Việt Nam đã trình bày tổng quan Báo cáo Phát triển toàn cầu năm 2015. Bên cạnh việc báo cáo tình hình phát triển con người quốc tế, bản báo cáo toàn cầu còn đánh giá thế giới việc làm và đóng góp cụ thể của việc làm cho phát triển con người. Báo cáo đưa ra nhiều thông điệp bổ sung về việc làm có năng suất, trong đó việc làm được hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm cả các hoạt động được trả công và không trả công. Báo cáo cho thấy công việc nội trợ không công, chủ yếu do phụ nữ thực hiện khi chăm sóc gia đình, có vai trò quan trọng cho phát triển con người không khác gì việc làm được trả công. Báo cáo cũng trình bày các cơ hội và đe dọa từ cuộc cách mạng số và hội nhập toàn cầu nhanh chóng.

Báo cáo kết luận rằng, việc làm có thể thúc đẩy phát triển con người khi các chính sách giúp mở rộng cơ hội việc làm có hiệu quả, thu nhập phù hợp và thỏa đáng, nâng cao tay nghề và tiềm năng của người lao động và đảm bảo quyền lợi, an toàn và phúc lợi cho họ. Báo cáo cũng đặt mục tiêu đạt được một Khế ước xã hội mới, một Thỏa thuận toàn cầu và Chương trình nghị sự về việc làm bền vững.

 

Các đại biểu tham dự buổi lễ đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Báo cáo Phát triển con người năm 2015 Việt Nam và Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2015 cũng như và sự nỗ lực của nhóm soạn thảo Báo cáo Phát triển con người Việt Nam. Các ý kiến đóng góp tập trung nhiều vào Báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2015 và cho rằng, Báo cáo cần bổ sung một số điểm nhấn trong từng lĩnh vực cụ thể: việc làm, y tế, giáo dục, tăng trưởng kinh tế; cần phân tích sâu sắc những vấn đề khó định lượng liên quan đến sự bất ổn xã hội tác động đến giá trị xã hội; tính hiệu quả nguồn lực nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công… nhằm hoàn thiện hơn nữa chất lượng của Báo cáo.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến bình luận, đóng góp cho Báo cáo, phát biểu kết luận, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, những thông tin chính thức của Báo cáo Phát triển con người năm 2015 sẽ đưa ra những thông điệp, nhiều kiến nghị và chính sách đúng thời điểm Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội cho giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị triển khai Chương trình Nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó trọng tâm là tăng trưởng bao trùm và xóa bỏ đói nghèo. Bên cạnh đó, Giáo sư Chủ tịch nêu rõ nhiệm vụ chính của Báo cáo cần chú trọng trên các trụ cột chính, nhất là việc làm có hiệu suất mang tính bao trùm, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả xã hội trước sự thay đổi nhanh của bối cảnh quốc tế. Đây là luận cứ quan trọng góp phần cụ thể hóa đường lối chính sách phát triển Việt Nam, đặc biệt là sau Đại hội Đảng lần thứ XII. Ngoài ra, Giáo sư đưa ra một số góp ý cho Báo cáo, đặc biệt trên một số nội dung cụ thể và thiết thực nhất nhằm xây dựng chính sách cho sự phát triển của Việt Nam…

Đồng thời, Chủ tịch Viện Hàn lâm đánh giá cao sự hợp tác giữa Viện Hàn lâm và UNDP cùng các đồng nghiệp, chuyên gia trong quá trình nỗ lực chuẩn bị Báo cáo. Qua đó hướng tới củng cố và thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên mang tính chiều sâu, chất lượng và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Lễ công bố đã thành công tốt đẹp. Những phát hiện và khuyến nghị chính sách của Báo cáo sẽ là những đóng góp quý báu đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và các bên liên quan trong lĩnh vực phát triển nhằm tăng trưởng vì mọi người và không để ai bị bỏ lại phía sau trong tương lai Việt Nam.

Nguyễn Thu Trang; 05/02/2016; Nguồn: Website Viện Hàn lâm KHXH VN


Phần mềm giao nhận logistic