Các thiết chế văn hóa tại TPHCM: Đầu tư chưa xứng tầm
Hệ thống các thiết chế văn hóa tại TPHCM hiện đang trong tình trạng vừa thiếu vừa xuống cấp nghiêm trọng. Là một trung tâm văn hóa của cả nước nhưng TPHCM được đánh giá là phát triển văn hóa chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của thành phố, chưa thể hiện tốt vai trò nền tảng xã hội, đầu tư phát triển thiết chế văn hóa còn yếu… Đó là ý kiến nhận định của phần lớn các đại biểu nêu ra tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, do Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức.
Cơ sở vật chất: Vừa thiếu vừa xuống cấp
Trên địa bàn TPHCM hiện nay hệ thống thiết chế văn hóa các cấp đang dần xuống cấp, đa số đều sử dụng cơ sở vật chất cũ đã có từ trước 1975, nhiều đơn vị nghệ thuật không có rạp hát đúng chuẩn để phát huy hiệu quả hoạt động, thiếu trang thiết bị và thiếu đội ngũ cán bộ có năng lực. Bà Đặng Hồng Linh, Trưởng phòng Văn hóa gia đình, Sở VH-TT TPHCM cho biết: “Thành phố có 8 đơn vị biểu diễn nghệ thuật nhưng cơ sở vật chất của các đơn vị chưa xứng tầm là nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Nhà nước. Trung tâm văn hóa TPHCM nhiều năm qua chỉ đáp ứng chức năng hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu hoạt động tại chỗ cho người dân. Hiện chỉ có Nhà hát Nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang là có Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo (nhưng hiện cũng không sử dụng được), Nhà hát kịch thành phố có rạp Công Nhân để diễn, còn lại các đơn vị nghệ thuật đều chưa có nhà hát riêng ổn định. Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM xây từ trước 1975 nay đã cũ kỹ, lạc hậu. Hệ thống bảo tàng trên địa bàn, trừ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được xây mới, số bảo tàng còn lại sử dụng cơ sở vật chất cũ từ trước 1975 hiện cũng xuống cấp, phát triển hạn chế”.
Đồng tình với nhận định trên, Th.S Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng: “Tồn tại của hệ thống thiết chế văn hóa tại TPHCM hiện nay là việc xây dựng mới các thiết chế văn hóa chưa tương xứng với hoạt động của thành phố lớn như TPHCM, chưa bắt kịp sự phát triển chung của các khu đô thị, khu dân cư mới, nguồn nhân lực ngành văn hóa hạn chế cả về lượng lẫn chất”. Theo PGS-TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, từ khi có Nghị quyết trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đến nay đã hơn 15 năm, với thực lực của một thành phố đóng góp ngân sách nhà nước hàng năm 30%, có GDP luôn ở mức 20% của cả nước, vậy mà hệ thống thiết chế văn hóa phát triển rất chậm, vừa thiếu vừa yếu, chủ yếu dựa vào vốn cũ có sẵn. Một số thiết chế xuống cấp nghiêm trọng, nhất là nhà hát, rạp chiếu phim, có thiết chế không hiệu quả, có thiết chế hoạt động không đúng tính năng. Thiết chế văn hóa dành cho những ngành nghệ thuật chuyên nghiệp, nhất là nghệ thuật dân tộc và nghệ thuật hàn lâm chưa được quan tâm đúng mức… Sau hơn 40 năm giải phóng, thành phố chưa xây dựng được công trình nào định chuẩn về biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao, công trình mang tính biểu trưng cho văn hóa thành phố hoặc đáp ứng các sự kiện văn hóa nghệ thuật mang tầm quốc tế.
Xã hội hóa: đừng để người làm nghề tự bơi!
Không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn, TPHCM còn là trung tâm hội nhập, phát triển, giao lưu văn hóa hết sức năng động. Khi chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, chính TPHCM là đơn vị đi đầu sáng tạo nhiều mô hình hoạt động xã hội hóa đầy sức sống. Thế nhưng, lâu nay các sân khấu xã hội hóa vẫn phải tự đi tìm kiếm mặt bằng và đa phần phải đi thuê lại mặt bằng để diễn. Do phải thuê lại mặt bằng giá cao, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng không thể bỏ vốn lớn để đầu tư nâng cấp khiến các sân khấu xã hội hóa mất dần khán giả. Bao khó khăn bủa vây, sân khấu xã hội hóa phải “gồng mình” theo từng suất diễn khiến những người làm nghề chán nản. Việc tự thân vận động trong nhiều năm qua đã khiến các sàn kịch xã hội hóa hoạt động lệch hướng. Các sàn kịch trụ cột như IDECAF, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, 5B, kịch Sài Gòn, Nụ cười mới… đều rơi vào tình trạng không đủ khán giả trong khi Nhà nước không có kế hoạch hỗ trợ cụ thể, kịp thời để các sân khấu duy trì hoạt động và phát triển đúng định hướng. NSND Hồng Vân, Giám đốc Sân khấu kịch Phú Nhuận, tâm tư: “Kịch xã hội hóa tại TPHCM rất cần sự phối hợp tổ chức giữa chính quyền với các nhà tổ chức biểu diễn của các sân khấu đang hoạt động hiệu quả. Nhà nước không thể để chúng tôi tự làm mà cần thiết phải triển khai mô hình và chiến lược hỗ trợ cụ thể”. Chị nói thêm: “Hãy giao nhiệm vụ cho chúng tôi. Cụ thể như chương trình “Đưa sân khấu đến học đường” chẳng hạn. Nếu chúng ta không đào tạo được một thế hệ nhận thức đầy đủ, thụ hưởng văn hóa thì những công trình hoành tráng để làm gì, phục vụ cho ai?”.
Không ít trăn trở, Th.S - nghệ sĩ Hữu Luân, Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TPHCM, thẳng thắn: “Chúng ta cần dũng cảm để nhìn lại quá trình sân khấu, biểu diễn nghệ thuật trong hơn 40 năm qua. Có nhiều lý do đưa ra, rằng khán giả quay lưng với sân khấu biểu diễn, rằng thiếu kịch bản hay, thiếu đầu tư, rằng không có rạp cho các vở diễn hoành tráng, rằng thiếu kinh phí… Chúng ta không thiếu kinh phí để đầu tư, tuy nhiên, do tư tưởng nâng cao chiến lược kinh tế được đặt lên hàng đầu khiến chúng ta sơ sẩy, xem thường việc nâng cao tri thức văn hóa cho cộng đồng xã hội. Ngoài một vài sân khấu, rạp hát đủ cho một số nghệ sĩ đến với nghề, phần đông còn lại diễn ở đâu, đó là sân khấu phục vụ du lịch, là phòng trà, quán nhậu. Phải chăng chúng ta đã đi lệch hướng truyền đạt và hướng dẫn văn hóa hay thiết chế văn hóa theo định hướng mới quá chậm? Tôi cho là cả hai”.
Trân trọng những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM ghi nhận: “Phải nói rằng, thành phố có đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa nhưng sự đầu tư này chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Nhà nước phải hà hơi, tiếp sức cho xã hội hóa, thu hút xã hội hóa phát triển là yêu cầu chính đáng. Và không chỉ hà hơi tiếp sức, các chính sách còn phải vạch ra cả lộ trình, tạo cơ chế cho xã hội hóa phát triển. HĐND TP sẽ làm hết mình để giải quyết câu chuyện này”.
Minh An; Chủ nhật, 20/3/2016, 09:46 (GMT+7)
TTO - "Với thực lực của một TP đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng năm xấp xỉ 30%, có GDP luôn ở mức 20% của cả nước. Vậy mà hệ thống văn hóa TP phát triển rất chậm, chưa đồng bộ, vừa thiếu, vừa yếu”
Nhà hát TP.HCM. - Ảnh tư liệu. |
Ngày 17-3, HĐND TPHCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình".
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết thẳng thắn phân tích những mặt còn hạn chế trong đời sống văn hóa tại TPHCM.
40 năm giải phóng, TPHCM xây dựng được biểu trưng văn hóa nào?
Phó giáo sư tiến sĩ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy, chuyên viên cao cấp Viện nghiên cứu phát triển TP cho biết ông cảm thấy chua xót khi đã bao nhiệm kỳ ra nghị quyết, chủ trương để xây dựng một số thiết chế văn hóa thiết yếu, trọng tâm nhưng rồi đến nay vẫn chưa thấy hình hài các thiết chế này ra sao.
Trong khi nhà hàng khách sạn, cao ốc, tòa tháp chọc trời mọc lên mỗi ngày, nhất là ở khu trung tâm. Thực tế đó làm cho nhiều người chua chát đặt câu hỏi: “40 năm kể từ khi giải phóng, TPHCM đã xây dựng được biểu trưng, biểu tượng văn hóa nào?”.
Ông Phan Xuân Biên phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Mai Hương |
Đi tìm câu trả lời, ông Phan Xuân Biên dẫn chứng mới đây, Thành ủy TPHCM đề ra mục tiêu tập trung xây dựng một số công trình trọng điểm thiết chế văn hóa thiết yếu… trong đó có Nhà hát giao hưởng Nhạc, vũ kịch; Nhà hát tổng hợp nghệ thuật đa năng ; Nhà hát tạp kỹ đa năng Phú thọ; Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và một số sân khấu kịch, cải lương xã hội hóa. Đây là những công trình đã được bàn khá lâu.
TP đầu tư mấy chục tỷ đồng mua nhạc cụ hiện đại cho giàn nhạc giao hưởng nhưng nơi chứa và sử dụng nó lại chưa có nên hiệu quả chưa cao và cũng nảy sinh nhiều dư luận trái chiều. TP bàn thảo, cất nhắc vị trí để xây nhà hát giao hưởng thật hiện đại nhưng rồi vẫn chưa chốt được.
Ông Biên nhận định: Với thực lực của một TP đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng năm xấp xỉ 30%, có GDP luôn ở mức 20% của cả nước vậy mà hệ thống văn hóa TP phát triển rất chậm, chưa đồng bộ, vừa thiếu, vừa yếu”.
Ông Trần Ngọc Thêm tại Hội thảo ngày 17-3 - Ảnh: Mai Hương |
Làm văn hóa theo kiểu của Liên Xô mấy chục năm về trước
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương nhận định căn bệnh chính hiện nay trong đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa của chúng ta là đầu tư dàn trải, bao cấp, hời hợt làm mà không quan tâm đến nhu cầu thật sự của người dân.
“Bởi thế nên mới có những công trình như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa có xác mà không có hồn; xây vỏ mà không xây ruột, có khi xây ruột rồi lại không phân người quản lý coi sóc. Rồi thì nhà nước cấp đất để xây nhưng xây trúng nhằm chỗ người dân không tiện đến, không ai muốn đến”- ông Thêm thẳng thắn.
Theo ông Thêm, bao nhiêu năm rồi mà chúng ta vẫn cứ xây nhà văn hóa, xây trung tâm văn hóa theo cái kiểu mà Liên Xô làm mấy chục năm về trước. Nhà nước cứ nghĩ những việc như thế là có ích cho dân rồi cứ thế mà làm, không chịu điều tra, khảo sát coi dân thật sự cần gì.
Dẫn chứng bằng những con số cụ thể, giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng hệ thống bảo tàng hiện có của TPHCM vẫn chưa thu hút được nhiều người dân đến thăm. Theo kết quả một cuộc khảo sát, Trung bình, mỗi ngày các bảo tàng chỉ đón khoảng 80 lượt khách.
Bảo tàng đông khách nhất thì được mỗi ngày trên một trăm người, bảo tàng ít khách thì chỉ được tầm 35 khách.
“Chúng ta phải suy nghĩ: Tại sao những công trình, dự án do tư nhân đầu tư, quản lý thì đông khách như Suối Tiên, Đầm Sen. Còn cái gì của nhà nước đầu tư thì không hiệu quả?”- ông Trần Ngọc Thêm đặt vấn đề.
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) được xây dựng lại từ nền của rạp Hưng Ðạo cũ với số vốn huy động 132 tỉ đồng, khai trương tháng 4-2015 - Ảnh tư liệu. |
Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP đồng quan điểm: “Đi các nước, bạn tự hào mời mình đi bảo tàng, đi thư viện. Còn mình - bạn đến chỉ mời đi siêu thị, nhà hàng. Đó là một thực tế đáng suy nghĩ”.
Đi vào phân tích nguyên nhân, ông Hòa cho rằng bên cạnh cơ sở vật chất, điều quan trọng là chất lượng nghệ thuật của chương trình.
“Cứ nhìn vào nhà hát lớn TP hiện có của chúng ta đã có được bao nhiêu suất diễn thu hút người dân? Tôi cho rằng cơ sở vật chất cái gì thiếu thì xây, nhưng quan trọng phải tận dụng khai thác cho tốt những cơ sở đã có”- ông Hòa đề xuất.
Bàn thêm về giải pháp, giáo sư Trần Ngọc Thêm đề xuất Nhà nước chỉ nên nhúng tay đầu tư thật căn cơ để làm những công trình quan trọng, khả năng thu lợi nhuận ít, tư nhân không mặn mà nhưng không thể không làm, chẳng hạn như các bảo tàng. Còn lại các thiết chế văn hóa hướng đến nhu cầu giải trí, có lợi nhuận thì nên để tư nhân tham gia đầu tư.
- Ra mắt nền tảng số giúp phát hiện sớm rủi ro an toàn thông tin
- Hội thảo Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy Khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA): Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024