Tranh luận cách tân áo dài: Mặc áo phải sướng cái đã
TT - Một đoạn thơ mô tả vẻ đẹp căng tràn của một tà áo dài đẹp: “Vạt rộng Nam phần chao cánh gió. Vòng eo Trung bộ thắt lưng ngà. Trái tim Hà Nội nhô vòng ngực”.
Phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài tại khai mạc Lễ hội áo dài lần 3 ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Chỉ đặt ra duy nhất một câu hỏi “Chọn áo dài truyền thống hay cách tân?”, nhưng cuộc tọa đàm về áo dài diễn ra sáng 18-3 tại báo Tuổi Trẻ lại mở ra nhiều khía cạnh thú vị khác, thậm chí sôi nổi vượt xa sự kỳ vọng ban đầu của những người tổ chức.
Một cuộc tọa đàm được mở ra theo hình thức bàn tròn nhưng có sự tham gia rất đa dạng: đại diện cho người kinh doanh áo dài có Công ty cổ phần tập đoàn Trung Thủy với thương hiệu Miss Áo Dài bề dày hơn 20 năm; đơn vị sản xuất chất liệu, vải may áo dài quen thuộc với nhiều người tiêu dùng là Công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn; người nghiên cứu chuyên sâu về áo dài có nhà thiết kế (NTK) Sỹ Hoàng; trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu áo dài đầu tiên ở VN sau năm 1975 ở Sài Gòn có nhà báo Thế Thanh; đại diện người thiết kế trẻ đưa áo dài vào đời sống có NTK Tiến Doãn; đại diện Sở Du lịch TP có ông Phạm Huy Bình và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng - đại diện cho những người yêu chuộng, mặc áo dài như “ăn cơm mỗi ngày”.
Đâu phải bây giờ mới cách tân!
Là một NTK danh tiếng nhưng đồng thời là người dày công bỏ thời gian, tiền bạc, tâm sức đi tìm hiểu về nguồn cội, lịch sử áo dài, NTK Sỹ Hoàng cho rằng chẳng phải đến thời kỳ này người ta mới nghĩ đến chuyện cách tân mà áo dài đã có một cuộc cách tân còn mạnh mẽ hơn, bạo liệt hơn vào thế kỷ trước.
“Vào những năm 1930, áo dài tân thời ra đời đã phá vỡ mọi chuẩn mực thời trang trong xã hội. Từ một chiếc áo dài lùng thùng, áo tứ thân mặc với yếm, cốt là để che đi mọi đường cong của cơ thể người phụ nữ thì áo dài tân thời khi cải biên chỉ còn hai thân, mặc kèm với quần thay cho mặc váy.
Những người theo Nho, Khổng lúc bấy giờ đã cực lực phản đối và cho rằng những người phụ nữ mặc áo tân thời để tôn vinh vòng 1, vòng 2, vòng 3 là đáng khinh miệt và không thể chấp nhận được!
Thế nhưng nhờ sự cách tân này mà đến thập niên 1940-1950, chúng ta mới có một kiểu áo dài truyền thống, được chấp nhận như chuẩn mực của áo dài cho đến tận bây giờ.
Vào giữa thập niên 1950, áo dài lại tiếp tục được làm mới với cổ thuyền cốt để khoe những chiếc cổ kiêu kỳ, đẹp đẽ. Rồi đến thập niên 1960-1970, dưới trào lưu của văn hóa hippi Mỹ, áo dài một lần nữa được cách tân với vạt ngắn hơn, phóng khoáng, thoải mái hơn.
Và có thể nói, áo dài hiện nay mà người ta đang gọi là áo dài cách tân, áo dài mới thực chất là sự trở lại của thời trang áo dài thập niên 1970, rất thịnh ở Sài Gòn” - NTK Sỹ Hoàng phát biểu.
Ông nói tiếp: “Cách tân áo dài là điều đáng mừng. Áo dài cách tân thoải mái, tiện lợi cũng là cách giải phóng người phụ nữ, khiến họ cảm thấy năng động hơn vì có thể mặc áo dài đi làm mà vẫn giữ được sự nữ tính cần thiết. Cứ cách tân đi rồi sự cách tân ấy sẽ được sàng lọc bởi thời gian và người tiêu dùng”.
Trong khi đó, NTK Tiến Doãn lại cho rằng cần phải có sự rạch ròi khi gọi một trang phục là áo dài. “Khi bạn nói bạn mặc áo dài thì phải là một cái áo dài thật sự, phải có được sự thanh lịch chứ không thể vạt trước là áo dài, vạt sau là...váy rồi gọi trang phục đó là áo dài cách tân được”, Tiến Doãn nói.
Nhà báo Thế Thanh cũng đồng ý khi cho rằng áo dài mang trong mình sự thiêng liêng nhất định, bà ủng hộ sự cách tân nhưng không cổ vũ cho sự cách tân tùy tiện.
Nghệ sĩ Hải Phượng lại dùng một hình ảnh ví von sinh động cho việc cách tân áo dài: “Cách tân áo dài cũng như việc ta xây một cái nhà. Cửa sổ có thể màu xanh, cửa ra vào màu đỏ nhưng quan trọng nhất, nền móng của ngôi nhà vẫn phải vững vàng”.
Xuất phát từ chính thực tế khi đi vào phục vụ du khách may áo dài tại VN, bà Dương Thanh Thủy - đại diện Công ty cổ phần tập đoàn Trung Thủy - kể ra một ví dụ.
Đó là khi khách hỏi muốn đặt may một bộ áo dài truyền thống VN, bà vô cùng lúng túng khi không thể trả lời được câu hỏi: thế nào là một bộ áo dài truyền thống? Áo dài tứ thân, áo của thập niên 1930 hay 1940 hoặc 1960?”. Theo bà, muốn làm mới trước tiên cần hiểu rõ và chuẩn xác về cái cũ.
Đây cũng là ý kiến đã mở ra hàng loạt tranh luận sôi nổi của tất cả diễn giả khác: vậy liệu nên có hay không một chuẩn mực về áo dài truyền thống? Và cách tân đến đâu thì vẫn còn là áo dài?
Nhiều đề xuất, gợi ý đưa ra, để cuối cùng đi đến một mẫu số chung: truyền thống nhưng không rườm rà, cách tân nhưng đừng tùy tiện. Còn nói như NTK Sỹ Hoàng, chưa lúc nào như lúc này, đây chính là thời điểm mà các NTK, nhà sản xuất, phân phối sản phẩm áo dài phải nhảy vào cuộc để định hướng người tiêu dùng theo một số chuẩn mực nhất định.
Bộ sưu tập áo dài Ước vọng hòa bình in hình Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Ảnh tư liệu. |
Mặc áo dài phải “sướng” trước đã!
Tất nhiên sướng ở đây trước hết là cho người mặc, nhưng thực tế người nhìn cũng sẽ “sướng lây” khi được ngắm một tà áo dài mềm mại, duyên dáng.
Ông Thái Tuấn Kiều - đại diện Công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn - hứng khởi đọc ngay một đoạn thơ để mô tả vẻ đẹp căng tràn của một tà áo dài đẹp: “Vạt rộng Nam phần chao cánh gió. Vòng eo Trung bộ thắt lưng ngà. Trái tim Hà Nội nhô vòng ngực”.
Ông cho rằng áo dài hay lắm khi hình dáng chiếc áo cũng hệt như dáng hình chữ S của bản đồ nước Việt. Và để giữ được vẻ đẹp này trong mắt bạn bè bốn phương, một khía cạnh khác vô cùng thiết thực cũng cần được quan tâm: đó là mặc áo dài sao cho mượt mà, đẹp mắt mà vẫn thoải mái, tiện dụng.
“Mặc làm sao để trước hết người mặc phải cảm thấy “sướng” cái đã! Với đặc điểm của áo dài và khí hậu nóng ẩm của VN, chúng tôi đã có những loại vải có độ co giãn tốt, thấm hút mồ hôi.
Riêng áo dài, vạt có thể ngắn hơn, tay áo có thể may tay lỡ, nút áo dài có thể thay bằng dây kéo. Vậy là giữa quốc phục của chúng ta - là áo dài đã có sự kết hợp với âu phục - dây kéo để tạo nên một trang phục thoải mái hơn” - ông Kiều nhấn mạnh.
Đồng diễn áo dài tại TP.HCM trong khuôn khổ Lễ hội áo dài 2016. -Ảnh: Quang Định. |
Có hơn một nửa số trang phục trong nhà là áo dài, nghệ sĩ Hải Phượng kể: “Khi chúng tôi đi lưu diễn nước ngoài, có rất nhiều người nước ngoài mặc áo dài, nhưng chỉ cần nhìn cách ngồi là ta có thể biết ngay bạn có phải là người VN hay không?
Một động tác kéo tà ào sau lên phía trước cho khỏi nhăn là bỗng thấy phụ nữ VN ý tứ, tế nhị vô cùng. Bởi thế, theo tôi, áo dài chỉ đẹp khi người ta giữ được sự thanh lịch và giữ được cái hồn của áo”.
Đồng tình với quan điểm này, NTK Tiến Doãn nói thêm: “Đã gọi là áo dài thì đương nhiên chiếc áo phải có một độ dài nhất định. Tôi nghĩ áo dài đẹp nhất là khi độ dài ít nhất phải chạm gối, để khi người mặc di chuyển, tà áo bay sẽ làm điểm nhấn của trang phục”.
Gọi một số thiết kế áo dài bây giờ không khác gì tủ kính trưng bày “hàng” khi chọn sai chất liệu như may áo dài bằng voan hay các loại vải quá mỏng gây nhức mắt, bà Thế Thanh tin rằng: “Áo dài chỉ đẹp trong một sự hấp dẫn kín đáo mà thôi”.
Trong khi đó, NTK Sỹ Hoàng lại đưa ra một vài gợi ý hữu ích cho việc lựa chọn chất liệu may áo dài: “Vải may áo nên chọn những loại có độ bay, rũ và mát nhất định để tạo sự mềm mại. Với chọn lựa này, người mặc sẽ thấy dễ chịu hơn, bớt nóng bức, còn người ngắm cũng không phải thấy cảnh thiếu nữ mặc áo dài mà xăn tay áo, xăn tà tận bụng, cởi phanh hàng nút cho... đỡ nực, trông rất thiếu thẩm mỹ!”.
Tiếp xúc trực tiếp và nắm rõ nhu cầu của khách quốc tế khi may áo dài, bà Thanh Thủy chia sẻ một bí quyết trong xu hướng chọn áo dài hiện nay.
Đó là để giải quyết được vấn đề người ốm mặc áo dài nào, cao mặc thế nào, tròn người mặc ra sao, thấp người chọn gì thì áo dài dáng rộng, không chiết eo là giải pháp được nhiều người lựa chọn.
Áo dài trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM). -Ảnh tư liệu. |
Nội lực áo dài
Đến một lúc nào đó, với những người say sưa cùng áo dài, đam mê là từ không còn đủ rộng để bao hàm tất cả tình cảm nữa, mà nói như NTK Sỹ Hoàng là tình cảm khi ấy đã chuyển thành “thương lắm áo dài ơi”!
Bởi chỉ khi đã hiểu tường tận, đã ăn ngủ và dành phần lớn cuộc đời người cho sự nghiệp áo dài, người ta mới hiểu rằng áo dài không đơn thuần chỉ là vẻ đẹp, là truyền thống, đôi khi nó còn mang trong mình sức mạnh khó lý giải bằng lời.
Nhiều diễn giả tham gia trong tọa đàm đã lặng người khi nghe câu chuyện về nội lực của áo dài mà Sỹ Hoàng chia sẻ:
“Khoảng hai tháng sau khi bảo tàng áo dài của chúng tôi mở cửa, chúng tôi vinh dự được đón tiếp một đoàn tham quan là những nữ tử tù Côn Đảo. Họ đem tặng cho bảo tàng ba chiếc áo dài còn nguyên vẹn, tinh tươm, điều lạ lùng là ở chỗ: những chiếc áo dài đã theo họ trong những năm tháng nơi địa ngục trần gian Côn Đảo.
Quần áo thường ngày mà họ mặc không bộ nào còn lành lặn sau những đợt tra tấn dã man, chỉ có áo dài là nguyên vẹn vì họ gìn giữ áo còn hơn da thịt của mình. Rồi một ngày các chị bảo nhau: thôi thì đằng nào mình cũng chết, mình phải chết thật tử tế!
Vậy là hôm sau đến phòng thẩm vấn họ vấn tóc gọn gàng, mặc lên mình chiếc áo dài lành lặn, đàng hoàng đối diện với kẻ thù. Và điều kỳ diệu xảy ra khi cai tù bữa đó đã không dám động đến họ.
Tôi nghĩ áo dài lúc đó không còn là một tấm lụa mong manh, mảnh dẻ nữa mà đã thật sự trở thành một tấm áo giáp, mang đến cho họ sức mạnh, bảo vệ nhân phẩm, phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt trong cuộc chiến.
Đáng trân trọng hơn khi chúng tôi xin phép được lưu lại tên tuổi của người tặng áo, họ đã từ chối với lý do: họ chỉ là những người may mắn được sống sót trở về, còn hàng trăm, hàng ngàn bạn tù khác đã hi sinh một cách vô danh, họ mới xứng đáng được lưu lại tên tuổi!”.
“Trong một hoàn cảnh khốc liệt như thế, áo dài vẫn song hành đi cùng lịch sử, được người ta trân quý như thế, điều đó ý nghĩa hơn bất cứ một giai thoại nào.
Những câu chuyện đó, sức mạnh kỳ diệu nhưng có thật về nội lực mạnh mẽ của áo dài đó, nếu chúng ta không ghi chép, kể lại cho con cháu chúng ta thì sẽ muộn mất, bởi những nhân chứng ấy nay cũng chẳng còn nhiều” - NTK xúc động nhấn mạnh.
Cuộc tọa đàm kéo dài hơn hai giờ với đủ mọi cung bậc: xúc động, hăng hái, rộn ràng... dường như vẫn chưa đủ epphê bởi sự say mê, nhiệt huyết của những người tham dự.
Một cuộc hẹn cho lần sau, thậm chí lần sau nữa đều được ủng hộ bởi những khách mời, vì câu chuyện về áo dài chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở đây khi “thời điểm vàng” của áo dài trong năm nay chỉ mới bắt đầu.
Hay nói đầy lạc quan và chờ đợi như ông Phạm Huy Bình, phó giám đốc Sở Du lịch TP: “Biết đâu chúng ta sẽ có một lễ hội áo dài tưng bừng hơn, từ Nam ra Bắc với hàng loạt hoạt động thiết thực, đưa áo dài vào đời sống vào năm sau?”.
“Tham vọng xuất khẩu áo dài trên phương diện kinh tế là khó thực hiện, nhưng xuất khẩu được hiểu là áo dài mang lại giá trị cộng thêm về văn hóa lại là điều khả thi và chúng ta hoàn toàn làm được. |
||
Bà DƯƠNG THANH THỦY |
“Đi kèm với những nỗ lực quảng bá là việc tìm tòi để ứng dụng những loại vải mới như sợi vải Nhật Bản có khả năng co giãn, thấm hút vượt trội, tạo sự thoải mái nhất có thể để “nóng, khó chịu” không còn là lý do người mặc từ chối áo dài" |
||
Ông THÁI TUẤN KIỀU |
Minh Trang; 20/3/2016 10:52 GMT+7
- Ra mắt nền tảng số giúp phát hiện sớm rủi ro an toàn thông tin
- Hội thảo Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- TPHCM sẽ có kho học liệu số cho học sinh
- Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy Khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA): Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/8 đến 14/8/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 18/7 đến 31/7/2024