Nga nghiên cứu thuốc chống ung thư dựa trên bọt biển

Nhà khoa học Đại học Liên bang Viễn Đông đang tiến hành nghiên cứu. (Ảnh: DVFU/Sputniknews)

Một nhóm nhà khoa học trẻ của Nga đang nghiên cứu thuốc chống ung thư dựa trên bọt biển.

Đại học Liên bang Viễn Đông (FENU) của Nga ngày 21/3 cho biết một nhóm nhà khoa học trẻ của trường này đang nghiên cứu một loại thuốc chống ung thư thế hệ mới dựa trên sắc tố của động vật thân lỗ (bọt biển) có tác dụng ngăn không cho tế bào ung thư phát triển.

Giảng viên cao cấp về hóa hữu cơ Maxim Zhidkov cho biết nhóm nghiên của của ông đã lần đầu tiên tổng hợp được chất Alkaloid từ động vật thân lỗ Fascaplysinopsis (thuộc họ Thorectidae), sống ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương từ năm 1988. Hiện nhóm đang sửa đổi cấu trúc faskaplizin để nâng cao chỉ số điều trị của sắc tố màu đỏ này, mở ra hướng đi đầy hứa hẹn trong việc điều chế một loại thuốc chống ung thư thế hệ mới.

Theo nhóm nhà khoa học nói trên, vấn đề duy nhất còn tồn tại là các hợp chất tự nhiên cần thiết chỉ có thể thu được với số lượng rất nhỏ, do đó họ đang nỗ lực để có thể phát triển phương pháp tổng hợp các hợp chất tự nhiên với số lượng cần thiết, góp phần đảm bảo cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng.

Hiện việc nghiên cứu các hợp chất tự nhiên để chế tạo thuốc chống ung thư trong ống nghiệm gần như đã được hoàn tất. Sắp tới, các nhà khoa học của FENU sẽ bắt đầu nhân rộng thử nghiệm các hợp chất này  trên các sinh vật sống.

Theo TTXVN; Cập nhật 15:49 ngày 22/3/2016


Phần mềm giao nhận logistic