Tọa đàm: Mô hình kinh tế và xã hội của Cuba trong bối cảnh mới

Nhân chuyến công tác tại Việt Nam của TS. Rulvislei Gonzalez Saez, Bộ Ngoại giao Cuba - một chuyên gia đã có rất nhiều nghiên cứu và bài viết về Việt Nam, sáng ngày 25 tháng 3 năm 2016, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam tổ chức chức tọa đàm với chủ đề “Mô hình kinh tế và xã hội của Cuba trong bổi cảnh mới”.

PGS.TS. Phạm Văn Đức và Ngài Herminio Lopez Diaz 
đồng chủ trì Tọa đàm

Tọa đàm vinh dự được đón PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ngài Herminio Lopez Diaz, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cuba tại Việt Nam. Tham dự Tọa đàm có các đại biểu: Lãnh đạo các Ban chức năng giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm; Lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cao cấp, các nghiên cứu viên đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại diện của Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao; Đại diện Vụ Châu Phi-Trung Đông-Mỹ Latin, Ban Đối ngoại Trung ương. Đặc biệt, về phía Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam có các cán bộ ngoại giao hiện đang công tác tại Sứ quán. Tọa đàm do PGS.TS. Phạm Văn Đức và Ngài Herminio Lopez Diaz đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Văn Đức nhiệt liệt chào mừng TS. Rulvislei Gonzalez Saez và cám ơn sự giúp đỡ của Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam trong việc tổ chức buổi trình bày về một chủ đề hết sức có ý nghĩa; nhấn mạnh đây là hoạt động mở đầu cho chương trình hợp tác mới giữa Viện Hàn lâm và Đại sứ quán Cuba trong tương lai. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khẳng định những điểm chung giữa hai nước cũng như tình đoàn kết, giúp đỡ tận tình của nhân dân Cuba đối với Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay cả hai nước đang trong quá trình đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việt Nam tiến hành đổi mới từ 1986 đến nay đã được 30 năm, còn Cuba mới tiến hành đổi mới từ năm 2011, mặc dù thời gian đổi mới mới được 5 năm nhưng những kinh nghiệm của Cuba cũng sẽ hết sức bổ ích đối với Việt Nam trong quá trình tiếp tục đổi mới hiện nay.

       
TS. Rulvislei Gonzalez Saez trình bày tại Tọa đàm

Tiếp lời PGS.TS. Phạm Văn Đức, Ngài Herminio Lopez Diaz cảm ơn Viện Hàn lâm đã cho phép TS. Rulvislei Gonzalez Saez trình bày về tình hình kinh tế xã hội của Cuba hiện nay. Từ năm 2011, Cuba đã bắt đầu quá trình đổi mới sâu rộng, mô hình phát triển kinh tế xã hội, phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm được Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI thông qua. Đối với Cuba, việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về những kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam trong 3 năm gần đây và những bài học là điều Cuba hết sức quan tâm tìm hiểu. Mối quan tâm đó thể hiện trong chuyến đi của Đoàn chuyên gia kinh tế cao cấp của Việt Nam do Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm dẫn đầu sang Cuba năm 2015 theo lời mời của Chính phủ Cuba để trao đổi kinh nghiệm của Việt Nam về quá trình đổi mới kinh tế. Kết quả của chuyến đi đó rất thành công, đã có rất nhiều bài phát biểu của các chuyên gia kinh tế Việt Nam cũng như trao đổi của chuyên gia kinh tế Việt Nam với các bộ, ngành, các thành viên của Ủy Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Cuba về phát triển kinh tế xã hội. Đại sứ quán Cuba được Chính phủ giao tiếp tục tìm hiểu sâu hơn nữa về kinh nghiệm cải cách và đổi mới kinh tế của Việt Nam; sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục trao đổi đoàn trong tương lai, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nghiên cứu của Viện Hàn lâm và các viện nghiên cứu chuyên ngành.

Trong tham luận của mình, TS. Rulvislei Gonzalez Saez đã đề cập tới 3 vấn đề chính:

(1) Cập nhật về mô hình kinh tế xã hội Cuba: Bãi bỏ dần dần trợ cấp; Thông qua Luật An sinh xã hội mới, tăng độ tuổi nghỉ hưu lên 60 với nữ và 65 với nam; Sắp xếp lại và phân định chức năng của các cơ quan chính phủ ở trung ương; Giảm đầu tư và nhập khẩu; Các biện pháp tiết kiệm năng lượng nghiêm ngặt; Tăng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; Cho phép mở rộng các việc làm tư nhân lên 181 (hoạt động vào 2010). Hạn chế chủ yếu trong việc củng cố lĩnh vực đang nổi lên này là sự thiếu hụt một thị trường bán buôn và các kênh tín dụng nhỏ. Quá trình này dẫn tới những thay đổi quan niệm quan trọng nhất trong nền kinh tế; Thừa nhận sự cần thiết khách quan về việc mở rộng mối quan hệ thương mại - tiền tệ; Phân cấp bộ máy quản lý kinh tế nhà nước; Tỷ trọng lớn hơn cho tiêu dùng cá nhân và hợp lý hóa chi tiêu xã hội.

(2) Tình hình kinh tế của Cuba hiện nay: 17/12/2014, Mỹ và Cuba khôi phục quan hệ ngoại giao; Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố; Ngày 20/7/2015, Cuba và Mỹ mở lại các Đại sứ quán; Đàm phán hướng tới thỏa thuận Hợp tác và Đối thoại Chính trị song phương khởi động tháng 4/2014; EU và Cuba hoàn tất đàm phán Thỏa thuận Hợp tác và Đối thoại Chính trị song phương (PDCA) ngày 11/3/2016. Các loại hình như du lịch, bảo hiểm, dịch vụ tài chính phát triển.

 
     
 

Toàn cảnh Tọa đàm

Để cải thiện điều kiện sống và hỗ trợ hoạt động kinh tế độc lập, giấy phép hỗ trợ người dân Cuba sẽ cho phép: (i) khu vực tư nhân sử dụng vật liệu xây dựng, thiết bị và công cụ để xây dựng hoặc sửa chữa các tòa nhà thuộc sở hữu tư nhân, bao gồm nhà ở thuộc sở hữu tư nhân, doanh nghiệp, nơi thờ cúng, và các tòa nhà sử dụng cho các mục đích xã hội hay giải trí của khu vực tư nhân; (ii) các công cụ và thiết bị cho hoạt động nông nghiệp tư nhân; và (iii) các công cụ, thiết bị, vật tư, dụng cụ để dùng cho các nhà doanh nghiệp khu vực tư nhân.

(3) Viễn cảnh mới về tình hình kinh tế xã hội của Cuba trong tương lai: GDP đầu người tăng trưởng hằng năm, du lịch phát triển, sản lượng công nghiệp tăng nhanh. Các đối tác thương mại chính gần đây của Cuba có: Bolivar, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Canada, Hà Lan, Brazil, Italia, Đức, Liên bang Nga…

Sau khi nghe TS. Rulvislei Gonzalez Saez trình bày, rất nhiều câu hỏi nêu lên đã được diễn giả giải đáp một cách thuyết phục. Tọa đàm là dịp để các đại biểu thảo luận, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giúp hiểu rõ hơn về đời sống chính trị, mô hình kinh tế và xã hội của Cuba trong bổi cảnh mới.

Nguồn: Website Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Nguyễn Thu Hà; 25/3/2016


Phần mềm giao nhận logistic