Cần chính sách thoáng cho nữ trí thức

(SGGPO) - Ngày nay, nữ trí thức (NTT) góp mặt hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, gia đình, y tế, giáo dục, đào tạo, ngoại giao… Trong bối cảnh đất nước cần nguồn nhân lực chất lượng cao để hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực NTT là một bộ phận tiêu biểu không thể thiếu. Thế nhưng, một số chính sách có vẻ ưu tiên cho nữ lại là rào cản NTT phát triển. Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng đã đến lúc chính sách cần thay đổi để tạo công bằng cho nữ giới.

Tăng tuổi hưu để NTT cống hiến nhiều hơn

Dù có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, nhưng NTT vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn trong công tác và cuộc sống. Nhiều rào cản khách quan, chủ quan khiến NTT không có cơ hội phát huy hết năng lực bản thân. Tiến sĩ Thái Thị Ngọc Dư, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và xã hội (Trường Đại học Hoa Sen), cho rằng đa số NTT đều mong muốn làm việc sau tuổi 55. Và thực tế các nhà quản lý, nhà sử dụng lao động, cộng đồng xã hội, trí thức trẻ đều đồng ý rằng NTT trong độ tuổi 56 - 60 có đầy đủ năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, có đủ sức khỏe thì nên để tiếp tục làm việc.

Đồng quan điểm này, TS Trần Thị Rồi (Trường Đại học Luật TPHCM) chỉ ra những nhà khoa học, nhà nghiên cứu là nữ đạt độ chín về chuyên môn khi 55 tuổi. Vậy tại sao phải bắt họ nghỉ hưu? Theo bà, phụ nữ ngày nay sinh ít con, ăn uống đầy đủ, có hiểu biết để sinh hoạt, thể dục điều độ, do đó sức khỏe tốt, tuổi thọ ngày càng được tăng lên. “45 tuổi tôi vẫn có thể tham gia học tiến sĩ được, bởi thời điểm này các con tôi đã lớn, tôi đủ chín để tiếp cận những nền văn minh, khoa học. Vậy tại sao quy định lại không cho phép? Đến 55 tuổi tôi muốn tiếp tục cống hiến thì phải làm đơn xin kéo dài thời gian làm việc theo từng năm. Điều này thật không công bằng. Theo tôi cần có sự bình đẳng trong quy định tuổi về hưu để phụ nữ được cống hiến nhiều hơn”, TS Trần Thị Rồi nêu quan điểm.

Phụ nữ có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước (Trong ảnh là một kỳ họp của HĐND TPHCM khóa VIII). Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Trần Phi Phượng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM) phân tích: Khi còn trẻ, phụ nữ phải đầu tư cho kiến thức, gia đình, sinh con… Đây là rào cản phụ nữ phát triển sự nghiệp. Nhưng đến 55 tuổi, phụ nữ sẽ ổn định về gia đình, trình độ và họ cần được làm việc. Vì vậy, nên mở rộng tuổi hưu cho nữ lên bằng với nam giới. Còn Thạc sĩ Nguyễn Thị Khánh Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nữ trí thức TPHCM, đề xuất: “Để tạo được vị thế cho NTT thì phải tạo sự bình đẳng giới trong quy định tuổi nghỉ hưu. Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng NTT luôn bị thiệt thòi trong đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm so với nam giới”.

Bình đẳng cả trong suy nghĩ

Với vai trò kép, NTT gặp nhiều khó khăn khi phải vừa thực hiện vai trò người vợ, người mẹ, vừa phải thực hiện chức năng của một nhà khoa học, quản lý, kinh doanh, ngoại giao… Do đó, không ít NTT phải bỏ sự nghiệp để giữ hạnh phúc gia đình, hoặc an phận núp dưới bóng chồng con. Điều này dẫn đến hiện tượng lãng phí chất xám, nguồn nhân lực NTT.

Hiện nay tại TPHCM, nhiều NTT là chủ doanh nghiệp, doanh nhân giỏi, là nòng cốt trong các phong trào tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội… Không ít những công trình khoa học kỹ thuật làm rạng danh nền y học, giáo dục nước nhà là những bác sĩ, nhà khoa học nữ. Nhiều NTT được phong tặng danh hiệu cao quý, đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế. Trong số một triệu trí thức hiện nay thì tỷ lệ nữ đã chiếm 50%. Theo báo cáo của văn phòng ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) và tỷ lệ NTT được khảo sát ngẫu nhiên tại 6 đơn vị (Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, Báo Phụ nữ TPHCM, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Bệnh viện Từ Dũ, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Nhà Văn hóa Phụ nữ TP) thì tỷ lệ lao động nữ có trình độ đại học là 20,3%, trong khi nam giới chỉ có 15,7%. Điều này cho thấy vị thế, vai trò của phụ nữ, nhất là NTT trong công cuộc phát triển hiện nay.

Thế nhưng, rào cản để NTT phát triển không chỉ ở chính sách mà định kiến giới còn ở ngay cả trong gia đình và bản thân người phụ nữ. Không ít phụ nữ ưu ái con trai hơn con gái. Bởi họ còn suy nghĩ, con gái học cho nhiều sau này cũng chỉ ở nhà lo cho chồng con. PGS-TS Đỗ Thị Thạch, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nhận định: “Đã đến lúc NTT thay đổi nhận thức và hành vi để đảm bảo quyền cho mình. Bên cạnh đó Đảng và nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho phụ nữ nói chung và NTT nói riêng để NTT có cơ hội vươn lên khẳng định mình”.

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bình đẳng giới (Sở LĐ-TBXH TPHCM), một số chính sách tưởng giúp phụ nữ nhưng lại làm cho họ mất dần cơ hội. Ví dụ như quy định cấm phụ nữ làm việc trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm, nhưng thực tế tại các chợ đầu mối, lực lượng nữ vẫn làm công việc khuân vác nặng nhọc và vì vướng quy định nên các chị không được hưởng các chế độ như nam giới. Bà Thanh cho rằng đã đến lúc chính sách cần thay đổi.

Thái Phương; Thứ tư, 30/3/2016, 08:58 (GMT+7)


Phần mềm giao nhận logistic