Thúc đẩy hợp tác trong giới luật gia của các nước ASEAN

(SGGPO) - Ngày 2-4, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị Hội đồng điều hành Hiệp hội Luật gia các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 38. Hội nghị do Hội Luật gia Việt Nam đăng cai tổ chức. Gần 250 đại biểu đến từ 10 nước trong khối ASEAN gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar.

Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, trong nỗ lực chung của cả nước góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng ASEAN, TPHCM luôn là địa phương tích cực trong việc triển khai các hoạt động hợp tác song phương, đa dạng với các nước thành viên ASEAN trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư – văn hóa. Đến nay TPHCM đã thiết lập quan hệ kết nghĩa với 6 địa phương trong ASEAN. Ông khẳng định TPHCM đã, đang và sẽ tiếp tục làm hết sức mình để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ và gắn kết mối quan hệ với các địa phương trong khu vực, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, ổn định và thịnh vượng.

Hội nghị Hội đồng điều hành Hiệp hội Luật gia các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 38

Trong phần khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ALA của Việt Nam phát biểu: Sự phát triển của ALA, đặc biệt khi cộng đồng các quốc gia ASEAN chính thức tồn tại từ năm 2015, đòi hỏi nhiều nỗ lực khác nhau (bao gồm nỗ lực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, luật pháp); sự phát triển của cộng đồng các quốc gia ASEAN cần đến nền tảng pháp luật thích hợp. “Chúng ta không thể có một cộng đồng với thị trường chung phát triển nếu không có hệ thống pháp luật thương mại tương thích; cũng không thể có một cộng đồng dựa trên một trụ cột an ninh chung nếu không có hệ thống pháp luật đảm bảo ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, đặc biệt là tội khủng bố trong từng quốc gia và trong toàn thể cộng đồng. Để có cộng đồng ASEAN vững mạnh và bền vững, chúng ta cần đạt được những tầm cao mới trong việc phát triển hệ thống pháp luật của mỗi nước và từng bước nhất thể hóa pháp luật. Trong sự phát triển của cộng đồng các quốc gia ASEAN, giới luật gia ASEAN có vai trò to lớn. Chúng ta chính là những nhân tố thúc đẩy sự đoàn kết, hợp tác mạnh mẽ của cộng đồng vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực”, ông Quyền bày tỏ.

Hiệp hội Luật gia các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN LAW ASSOCIATION – ALA) được thành lập vào tháng 2-1979 tại Jakarta (Indonesia), là một tổ chức phi chính phủ lớn ở khu vực Đông Nam Á, là tổ chức của những người làm công tác pháp luật trong khu vực. Các mục tiêu chủ yếu của ALA là: thúc đẩy quan hệ, sự hợp tác gắn bó và sự hiểu biết lẫn nhau trong giới luật gia của các nước ASEAN; đảm bảo một khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác khu vực; đảm bảo các thiết chế tổ chức cho sự hợp tác của ASEAN nhằm loại bỏ xung đột, cố gắng giải quyết tranh chấp qua con đường trọng tài hay giải quyết các tranh chấp pháp lý phát sinh từ các hợp đồng liên quốc gia trong phạm vi ASEAN… Cho đến nay, ALA có 10 hiệp hội luật gia thành viên chính thức, bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar.

Tại Hội nghị Hội đồng điều hành ALA lần thứ 38, các đại biểu thảo luận và thông qua Biên bản cuộc họp Hội đồng điều hành ALA lần thứ 37 (tổ chức vào năm 2015 tại Philippines); thảo luận nhóm của 6 ủy ban thuộc ALA (Ủy ban Pháp luật Quốc tế, Ủy ban Nghề luật, Ủy ban Luật Thương mại, Ủy ban Giáo dục pháp luật, Ủy ban Thông tin pháp luật, Ủy ban giải quyết tranh chấp bằng phương pháp thay thế) và Nhóm Thương mại và Đầu tư về các vấn đề pháp luật …

Đặc biệt, các đại biểu sẽ thảo luận về kế hoạch tổ chức Hội nghị Đại hội đồng ALA lần thứ 13 tại Singapore vào năm 2018 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN – Những cơ hội và thách thức đối với cộng đồng pháp luật”.

Ái Chân; Thứ bảy, 02/4/2016, 14:36 (GMT+7)

 

 

 


Phần mềm giao nhận logistic