Cảnh báo hệ quả biến đổi khí hậu

(SGGPO) - Biến đổi khí hậu có thể làm giảm giá trị tài sản tài chính toàn thế giới lên đến 2.500 tỷ USD trong trường hợp nhiệt độ Trái đất tăng dưới 2,5°C (so với thời kỳ tiền công nghiệp). Trong trường hợp nhiệt độ Trái đất tăng cao hơn 2,5°C, thiệt hại có thể lên đến 24.000 tỷ USD, tương đương 17% tổng tài sản của thế giới. Nhật báo Anh The Guardian dẫn lời giáo sư Simon Dietz thuộc Trường Kinh tế London, tác giả chính của công trình nghiên cứu này cho rằng các quỹ toàn cầu nên nhận thức được vấn đề này và ông cũng khuyên các nhà dầu tư dài hạn cũng phải nhận thức rằng đầu tư trong môi trường khí thải CO2 thấp sẽ an toàn hơn. 

Ngân hàng Anh và Ngân hàng Thế giới cũng đã cảnh báo về những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra và nhóm G20 đã yêu cầu Hội đồng ổn định tài chính quốc tế điều tra vấn đề này. Vào tháng 1-2016, Diễn đàn kinh tế thế giới cho biết thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra là mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2016. Tác động của biến đổi khí hậu mang tính chất rủi ro lớn. Vì vậy, theo ông Ben Caldecott, Giám đốc chương trình tài chính bền vững tại Đại học Oxford, các nhà đầu tư có thể làm nhiều hơn nữa để có thể giúp làm giảm nguy cơ của nền kinh tế toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra bằng cách hỗ trợ các hành động đầy tham vọng để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
 
Những thiệt hại về tài sản do thiên tai ngày càng khắc nghiệt, trực tiếp gây ra và gián tiếp làm giảm thu nhập của những người sống trong các khu vực bị hạn hán, lũ lụt và nhiều hình thức thời tiết cực đoan khác do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.
 
Nghiên cứu trên cũng cho thấy, nếu thế giới hành động quyết liệt để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thì những tổn thất tài chính sẽ giảm về tổng thể, nhưng những tài sản khác như tài sản của các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch cũng sẽ mất giá trị. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng hầu hết các công ty khai thác mỏ than, dầu và khí đốt sẽ không thể phát triển nếu toàn cầu muốn giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C. Tổng vốn hóa thị trường cổ phiếu của các công ty nhiên liệu hóa thạch hiện nay là khoảng 5.000 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn như Quỹ thịnh vượng của Na Uy - quỹ lớn nhất thế giới, đã bắt đầu bán bớt cổ phiếu của các công ty thải nhiều khí CO2 như các công ty than.
 
Các nhà đầu tư cũng đã được cảnh báo về việc đầu tư mới vào ngành công nghiệp khai thác than và các nhà máy điện chạy bằng khí đốt sau năm 2017. Theo một nghiên cứu khác, để đáp ứng mục tiêu không làm tăng nhiệt độ Trái đất quá 2°C, bất kỳ nơi nào trên thế giới sẽ không thể xây thêm nhà máy điện phát thải khí CO2, trừ khi nhà máy này sau đó bị đóng cửa hoặc có trang bị thêm hệ thống “nhốt” khí thải CO2. Các nhà kinh tế và khoa học tại Đại học Oxford kết luận: Nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư vào các dự án có liên quan đến khí thải CO2 cần phải đặt những câu hỏi về triển vọng hoạt động của các dự án và đánh giá nguy cơ bị đình chỉ hoạt động trong tương lai vì tác động của biến đổi khí hậu không còn là lời cảnh báo mà nó đang diễn ra từng ngày.

Khánh Minh; Thứ tư, 06/4/2016, 10:48 (GMT+7)

 

 


Phần mềm giao nhận logistic