Tọa đàm: “Hợp tác khu vực và các Hiệp định thương mại thế hệ mới”

Nhân chuyến công tác của đoàn học giả cấp cao Quỹ Châu Á New Zealand đến Việt Nam, sáng ngày 7 tháng 4 năm 2016, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đoàn đã có trao đổi khoa học với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và các hiệp định thương mại thế hệ mới.

 

Ông Simon Murdoch, Phó Chủ tịch Quỹ châu Á New Zealand 
phát biểu tại Tọa đàm

Đến dự buổi Tọa đàm, về phía New Zealand, có: Ông Simon Murdoch, Phó Chủ tịch Quỹ châu Á New Zealand cùng đoàn học giả cấp cao của Quỹ Châu Á New Zealand; Ngài Robbie Taylor, Đại biện lâm thời Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội cùng cán bộ Đại sứ quán. Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế; Lãnh đạo các Ban chức năng giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm; Lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu từ các Viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tọa đàm do ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế và Ông Simon Murdoch, Phó Chủ tịch Quỹ Châu Á New Zealand đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Ông Simon Murdoch giới thiệu sơ lược về Quỹ Châu Á New Zealand, cho biết, Quỹ là tổ chức phi chính phủ hàng đầu của New Zealand hướng tới Châu Á, được thành lập năm 1994. Quỹ được điều hành bởi ban quản trị với các thành viên có kinh nghiệm trong kinh doanh, cộng đồng, học thuật và lãnh đạo; và được hỗ trợ bởi ban cố vấn danh dự đến từ nhiều nước Châu Á, bao gồm các học giả hàng đầu, doanh nhân, chính trị gia và các nhà ngoại giao. Quỹ hoạt động hợp tác với các cá nhân và tổ chức có tầm ảnh hưởng ở New Zealand và Châu Á để tổ chức những diễn đàn cấp cao, các sự kiện văn hóa, hợp tác quốc tế, đưa ra các chương trình đào tạo và cơ hội phát triển chuyên môn. Quỹ hoạt động tại hơn 20 quốc gia ở Châu Á với 7 chương trình về các lĩnh vực:  (1) Văn hóa  và nghệ thuật - Quỹ tổ chức và hỗ trợ kinh phí cho các sự kiện liên quan tới tập quán và văn hóa của các quốc gia Châu Á; (2) Kinh doanh - Quỹ tổ chức các chương trình thực tập cho các sinh viên đại học cũng như sinh viên đã tốt nghiệp của New Zealand muốn có kinh nghiệm làm việc tại Châu Á; (3) Giáo dục - Quỹ cung cấp thông tin, nguồn lực và cơ hội phát triển chuyên môn cho giáo viên và hiệu trưởng để họ có thể trang bị cho học sinh/sinh viên của mình những cơ hội trong tương lai tại Châu Á; (4) Mạng lưới lãnh đạo - Quỹ cung cấp các cơ hội phát triển về chuyên môn cũng như năng lực lãnh đạo cho các chuyên gia trẻ để hỗ trợ họ trong việc đóng vai trò tích cực thúc đẩy mối quan hệ của New Zealand với Châu Á; (5) Truyền thông - Quỹ hỗ trợ các nhà báo New Zealand trong việc tìm hiểu thêm về Châu Á bằng cách trợ cấp đi lại, đưa ra các chương trình thực tập và cơ hội tiếp cận các diễn đàn liên quan đến Châu Á; (6) Nghiên cứu - Quỹ tiến hành các nghiên cứu về xã hội, kinh tế và giáo dục để khuyến khích tranh luận công khai và giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra được các quyết định liên quan tới mối quan hệ giữa New Zealand và Châu Á; (7) Đối thoại kênh II  - Quỹ thường xuyên dẫn đầu phái đoàn New Zealand trong các cuộc tọa đàm với các nhóm chuyên gia, các trường đại học và các tổ chức đối tác hàng đầu ở Châu Á về các vấn đề chính trị, kinh tế chính các vấn đề mang tính chiến lược đối với khu vực.

 
     
 

Toàn cảnh Tọa đàm

ThS. Nguyễn Thanh Hà giới thiệu sơ lược về chức năng, nhiệm vụ của Viện Hàn lâm, các định hướng và quan tâm nghiên cứu của Viện Hàn lâm như chính trị, an ninh, văn hóa, con người, môi trường, đột phá thể chế để cải cách và phát triển...

Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế tặng quà cho Đoàn học giả cấp cao Quỹ Châu Á New Zealand

New Zeland trước đây cũng như Việt Nam hiện nay đã trải qua cải tổ về cấu trúc, mở cửa thị trường thông qua các hiệp định thương mại, cổ phần hóa và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh những cơ hội cũng rất nhiều thách thức cần phải điều chỉnh để phát triển, kết nối chính sách để hỗ trợ thương mại phát triển.

Hai bên cùng nhau thảo luận, trao đổi về cải cách khung pháp luật để tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, tạo ra đội ngũ các doanh nhân mới có chiến lược phát triển để giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập tốt hơn khi TTP có hiệu lực; tác động của các hiệp định thương mại quan trọng như FTA Việt Nam với EU, TTP – đây là 2 FTA thế hệ mới vô cùng quan trọng với sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới. Bên cạnh vấn đề truyền thống là hợp tác trong lĩnh vực thương mại, TPP đề cập đến những vấn đề mới như: doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, quan hệ lao động và nổi lên là vấn đề tự do hiệp hội và công đoàn độc lập cũng như môi trường... Đây là những vấn đề vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. TTP tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường nhưng không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn được hưởng lợi mà bên cạnh đó sẽ có một loạt các rào cản mới Ngoài ra còn có những vấn đề khác như thay đổi thể chế để có thể tận hưởng được cơ hội cũng như vượt qua được thách thức về cam kết liên quan đến: công đoàn độc lập, doanh nghiệp nhà nước, bộ quy tắc về mua sắm công… Đây là những thách thức đối với chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.

Kết thúc buổi Tọa đàm, hai bên cùng nhận thấy rằng đây thực sự là cơ hội có ý nghĩa để các đại biểu thảo luận, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học giữa Viện Hàn lâm và Quỹ Châu Á New Zeland trong tương lai.

Nguồn: Website Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Nguyễn Thu Hà; 08/4/2016


Phần mềm giao nhận logistic