Những “trái ngọt” đầu mùa

(SGGPO) - Có thể nói, 100 dự án lọt vào vòng chung kết của cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức vào ngày 23-4 chính là thành quả gieo mầm, kích thích ý tưởng sáng tạo của giáo viên và “nhúng” học sinh vào thực tiễn để rèn luyện các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21.

Học sinh Trường THPT Đức Trí quận 1 giới thiệu về dự án “Sống khỏe, sống vui, sống có ích”

Bất ngờ với những ý tưởng sáng tạo

Là một trong những dự án tạo ấn tượng mạnh tại vòng chung kết, dự án “Hạnh phúc màu da cam” của học sinh Trường THPT Đinh Thiện Lý thu hút sự chú ý của nhiều giáo viên lẫn học sinh các trường khác. Để chuyển tải thông điệp yêu thương đến xã hội, lên án hậu quả chiến tranh tàn khốc với những di chứng chất độc da cam vẫn hiện hữu ở nhiều nơi, 145 học sinh khối 8 và 11 của trường này đã tham gia dự án. Không chỉ đi thực tế từ Làng Hòa Bình đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, gặp gỡ những nhân chứng, nhờ sự tiếp sức, hướng dẫn của giáo viên, các em còn tiếp xúc với những người tham gia các vụ kiện, đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam, những mạnh thường quân đã hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam... Suốt 63 ngày làm dự án, với 44 sản phẩm liên kết lại, các học sinh đã vận dụng linh hoạt kiến thức liên môn gồm Văn, Tin học, Sinh vật, Hóa học để cho ra thành phẩm. Không những thế, các em còn trải qua nhiều bước, từ tham dự các buổi chuyên đề viết kịch bản, làm phim, tìm hiểu về chất dioxin đến hành trình làm phim phóng sự, thu thập tư liệu thực tế... Từ kiến thức liên môn, kết hợp nhiều kỹ năng sáng tạo khác, các em đã tạo ra một đoạn phim phóng sự, poster gửi gắm thông điệp về chất độc da cam lay động lòng người. Và sức lan tỏa của dự án chính là thông điệp yêu thương, tạo ra hạnh phúc màu da cam bằng cách mở rộng phạm vi và kết nối với các tổ chức xã hội, gây quỹ từ thiện, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Thuyết trình về dự án này, em Phạm Ngọc Minh Anh, học sinh lớp 8 Trường Đinh Thiện Lý, nói: “Tham gia dự án này và được trải nghiệm thực tế, chúng em trưởng thành hơn. Khi không gian lớp học mở rộng, kiến thức của chúng em cũng mở rộng, nâng cao hơn và có thêm cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, xử lý những vấn đề mà cuộc sống đặt ra”.

Tương tự, nhóm học sinh lớp 10A16 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) tự tin và say sưa thuyết trình về đề tài “Địa danh lịch sử tại thành phố của em”, còn nhóm học sinh Trường THCS Dương Bá Trạc (quận 8) thì giới thiệu về dự án “Thành phố tôi yêu” với nhiều hình ảnh phong phú về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của TPHCM. Nhờ sự trợ giúp của giáo viên hướng dẫn, ngoài vận dụng kiến thức liên môn Sử, Địa, Văn, Tin học, kể cả Anh văn vào dự án, học sinh còn thể hiện sự sáng tạo, thích thú được trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh. 

Với thông điệp “Hãy cùng bảo vệ sông ngòi, bảo vệ cuộc sống của chúng ta!”, nhóm học sinh Trường THCS Khánh Bình (quận 8) đã chọn đề tài “Khi dòng sông lên tiếng”, thông qua những hình ảnh thu thập từ những dòng sông đang bị bức tử vì rác, vì chất thải, vì sự vô ý thức của con người. Hưởng ứng chủ trương dạy học liên môn Lý, Hóa, Sinh…, nhiều giáo viên đã hướng dẫn học sinh làm các dự án về chủ đề bảo vệ môi trường sống, nguồn nước sạch, tái chế các vật dụng đã qua sử dụng.

Sân chơi bổ ích 

Đặc biệt, nhiều dự án của học sinh bậc tiểu học cũng gây ngạc nhiên đối với ban giám khảo, như dự án bảo vệ môi trường của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) hay dự án “Con đã lớn” của Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11). Nhìn những cô học trò lớp 5 gấp quần áo gọn gàng, lặt rau muống, làm việc nhà khá thành thục, nhiều học sinh lẫn phụ huynh tham quan dự án “Con đã lớn” đều trầm trồ, thán phục. Cô Trương Hồ Trâm Anh, giáo viên hướng dẫn học trò thực hiện dự án, cho biết: “Dự án này giúp các em ý thức được “mình đã lớn”, có thể làm được một số việc phụ giúp cha mẹ sau giờ học. Và qua facebook, dự án hướng dẫn luôn về kỹ năng thực hành công việc nhà từ nấu cơm đến lặt rau, rửa chén, cách sống tự lập…”. Với những học sinh bậc THCS và THPT thì các em lại quan tâm đến những vấn đề thời sự và thiết thực hơn như “Nào ta cùng buýt”, “Tôi yêu tiếng nước tôi”, “Sử dụng điện đúng cách và trách nhiệm”, “Sống khỏe, sống vui và sống có ích”, “Rượu bia ơi”, “Học sinh nói không với thuốc lá”…

Không chỉ tạo ra sự bất ngờ, nhiều dự án đã chạm vào trái tim, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đến với sân chơi sáng tạo này, cả giáo viên lẫn học sinh có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm dự án. Theo nhận xét của chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên (Sở GD-ĐT), cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” được tổ chức lần đầu tiên này có nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng táo bạo - sáng tạo và nó chạm vào từng ngóc ngách, góc khuất của cuộc sống. Khi được khai sáng ý tưởng, tạo cơ hội để sáng tạo, giáo viên lẫn học sinh đều hứng thú tham gia và đầu tư bài bản để cho ra sản phẩm đạt chất lượng, sức lan tỏa cao. Cũng theo ban giám khảo, học sinh của TPHCM rất sáng tạo và nhiều dự án gây sự bất ngờ về ý tưởng, cách thực hiện. 

Tự thực tế dạy học sáng tạo, tích hợp, kết hợp kiến thức liên môn vào dự án, chúng ta đã khắc phục những hạn chế của giáo dục truyền thống - truyền bá kiến thức một chiều, và giúp học sinh trang bị kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21. Đó là sự tự tin, làm việc nhóm, thuyết trình, năng động, sáng tạo, thực học, thực hành…

 

Theo nhận định chung của các giáo viên hướng dẫn dự án, cơ hội tham gia vào dự án đã giúp học sinh lĩnh hội và mở rộng thêm kiến thức nhờ cọ sát, trải nghiệm thực tế. Không chỉ có ý tưởng sáng tạo, năng động tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn rồi đối chiếu, phân tích, đánh giá, đưa ra cảnh báo, các em còn sử dụng thành thạo các ứng dụng tin học, kỹ thuật quay phim, chụp hình...

 

Khánh Bình; Thứ hai, 25/4/2016, 09:28 (GMT+7)


Phần mềm giao nhận logistic