Những văn phòng thân thiện

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và khuyến khích tăng tỷ lệ phụ nữ đi làm, một số công ty tại Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt hơn trong công việc như cho phép người lao động mang con đến chỗ làm hay có thể làm việc tại nhà.

Ở công ty chuyên về dịch vụ quà tặng Sow Experience, khoảng 30 nhân viên có thể vừa làm vừa chơi với con mình khi rảnh rỗi. Một nhân viên nữ tại công ty này cho biết cô từng rất đắn đo khi đi làm việc lại sau khi sinh con vì không thể tìm một chỗ giữ con ưng ý. Nhưng với chính sách làm việc linh hoạt tại Sow Experience, cô quyết định đến đăng ký làm việc khi vừa trông con vừa có thể kiếm tiền. Con trai của cô còn học được cách giao tiếp với mọi người khi được mẹ đưa đến chỗ làm. Sow Experience đã có chính sách linh hoạt này từ năm 2013, công ty đã thiết kế một góc rộng khoảng 40m², có thảm, đồ chơi, để các nhân viên mang con đến. Lũ trẻ được chơi đùa thoải mái nhưng vẫn an toàn nhờ vào hệ thống giám sát.

Ông Taku Nishimura, Chủ tịch của Sow Experience, cho rằng hàng ngày nhìn những đứa trẻ vui đùa trong công ty cũng là cách giảm căng thẳng hiệu quả. Cha mẹ chúng yên tâm khi làm việc đã giúp tăng hiệu quả công việc lên rất nhiều.

Sumitomo Forestry lại có một chính sách khác khi đồng ý để khoảng 20 trong số 4.500 nhân viên được làm việc từ xa qua một hệ thống được nối mạng với công ty. Hầu hết trong số này là các nhân viên nữ có con nhỏ chưa đến tuổi đi học hoặc phải chăm sóc cho cha mẹ lớn tuổi. Mỗi tuần, các nhân viên này sẽ đến nhận một số lượng công việc cụ thể và được phép làm việc tại nhà khoảng vài tiếng đến vài ngày.

Còn công ty dịch vụ tiệc cưới Escrit đã mở một kênh thông tin trên mạng mang tên Maricrit cho các nhân viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực này đã rời việc vì con nhỏ có thể đăng ký các công việc phù hợp với thời gian. Bằng cách này, Escrit không tốn quá nhiều chi phí để tuyển dụng và đào tạo người mới, người lao động cũng cảm thấy thoải mái hơn trong công việc.

Câu chuyện giảm áp lực trong công việc của người Nhật Bản luôn là một trong những đề tài được xã hội Nhật rất quan tâm. Thống kê của chính phủ  được công bố trong thời gian gần đây cho thấy các trường hợp “karoshi”- một thuật ngữ tiếng Nhật có nghĩa là tử vong do làm việc quá sức tăng vọt lên 1.456 ca trong năm tài khóa 2014-2015 kết thúc vào tháng 3 năm 2015.

Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản cho phép công nhân viên chức nghỉ 18 ngày lễ chính thức mỗi năm. Nhưng trên thực tế, mỗi năm người lao động nước này chỉ được nghỉ chưa tới 9 ngày. Theo số liệu từ Bộ Y tế và An sinh Nhật Bản, khoảng 16% người lao động không nghỉ ngày nào trong năm với 365 ngày công liên tục. Nước này còn đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả y tế, dịch vụ xã hội và xây dựng do tỷ lệ sinh giảm, dân số già.

Thống kê cho thấy, 70% phụ nữ có con tại Nhật Bản sẽ phải bỏ công việc vì quan niệm phụ nữ có con rồi không nên làm việc nữa khiến tình trạng thiếu hụt lao động còn trầm trọng hơn. Cũng vì lẽ đó, các chuyên gia xã hội cho rằng, việc ra đời của những văn phòng thân thiện, tuy chỉ đang ở con số khá khiêm tốn nhưng đã phần nào làm giảm áp lực gia tăng lên lực lượng lao động tại Nhật Bản.

Thanh Hằng; Thứ sáu, 06/5/2016, 08:07 (GMT+7); Nguồn: SGGPO


Phần mềm giao nhận logistic