Chính sách Khoa học xã hội tại Canada
GS-TS. Lương Văn Hy*
Độc lập với quản lý nhà nước
Thứ nhất, nhà nước Canada không có những viện và cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội trong guồng máy nhà nước. Khi cần đến KHXH để giải quyết những vấn đề chính sách, nhà nước có thể thành lập ủy ban hoạt động trong một vài năm, thường có một số các nhà làm chính sách cũng như các nhà khoa học xã hội từ các đại học làm thành viên. Hoặc nhà nước cũng có thể ký hợp đồng (contract) với các nhà khoa học xã hội hay các Trung tâm/Viện nghiên cứu (hầu hết nằm ở các đại học), để nghiên cứu, tổng hợp thông tin, và đề xuất giải pháp cụ thể. Lý do quan trọng là ở Canada, cũng như Mỹ, Anh Quốc, Úc, và một số nước khác, từ lâu đã có những đại học nghiên cứu (research university) mạnh, với một đội ngũ những nhà nghiên cứu kiêm giảng viên mạnh và với những Viện và Trung tâm nghiên cứu nằm trong các đại học nghiên cứu này.
Chính phủ hay các quan chức của chính phủ không và không thể can thiệp vào các quyết định tài trợ cho các đề án nghiên cứu khoa học. |
Thứ hai, chính sách của nhà nước Canada rất coi trọng KHXH cơ bản, điều đó được thể hiện qua cơ chế tài trợ nghiên cứu khoa học (grant). Nhà nước Canada tài trợ cho KHXH chủ yếu thông qua Hội đồng KHXH và nhân văn Canada (Social Sciences and Humanities Research Council of Canada, SSHRC). Hàng năm, chính phủ Canada rót tiền trực tiếp vào SSHRC và để Hội đồng tự quyềt định các khoản tài trợ cho những đề án có giá trị khoa học cao mà Hội đồng đã xét duyệt. Những năm gần đây, mức tài trợ hàng năm của chính phủ Canada cho SSHRC vào khoảng 350 triệu dollars Canada một năm, với khoảng 80% cho khoa học xã hội và 20% cho các ngành nhân văn1. (Tỷ lệ này một phần phản ảnh thực trạng là nghiên cứu khoa học xã hội thường đòi hỏi dữ liệu được thu thập một cách khoa học từ cuộc sống và việc thu thập dữ liệu này nói chung tốn kém hơn ở các ngành nhân văn nhiều). Về cơ cấu, Hội đồng Khoa học xã hội và nhân văn Canada có các tiểu ban theo từng chuyên ngành hay nhóm ngành, mỗi tiểu ban có khoảng 10 thành viên, đều là các giáo sư của các đại học, có nhiệm kỳ giới hạn, có toàn quyền quyết định về việc tài trợ cho các đề án nghiên cứu khoa học. Các đề án này của các nhà nghiên cứu nộp lên SSHRC để xin tài trợ sẽ được gửi đi cho nhiều giáo sư ở các đại học trong và ngoài nước (phần lớn là ngoài nước) phản biện kín và cho điểm. Các tiểu ban quyết định tài trợ dựa vào tiềm năng đóng góp cho khoa học của các đề án. Ứng dụng không phải là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Rất nhiều đề án khoa học cơ bản không đề cập đến ứng dụng thực tiễn vẫn được tài trợ tốt vì tiềm năng đóng góp cho sự phát triển của khoa học xã hội về lâu dài, chứ không phải để giải quyết những vấn đề trước mắt cho xã hội.
Minh bạch khi xét duyệt tài trợ
Hội đồng KHXH và nhân văn Canada nhận tiền của chính phủ, nhưng vận hành hoàn toàn độc lập với chính phủ. Qua trải nghiệm của tôi tại một trong những tiểu ban của Hội đồng này, chính phủ hay các quan chức của chính phủ không và không thể can thiệp vào các quyết định tài trợ cho các đề án nghiên cứu khoa học. Chính phủ có thể khuyến khích nghiên cứu một vài vấn đề mà chính phủ ưu tiên cao bằng cách rót thêm tiền cho một vài mảng đề tài (thí dụ như văn hóa và xã hội những người bản địa, người di dân vào Canada và tiến trình thích nghi với xã hội Canada, hay kinh tế số [digital economy], vv.). Cũng để giảm thiểu tác động của những yếu tố khác phi khoa học đến quyết định tài trợ, một thành viên của một tiểu ban phải tự động và tạm thời ra khỏi phòng họp khi một đề án khoa học của một đồng nghiệp cùng đại học với thành viên này, hay đã từng cộng tác với thành viên này, hay đã từng là nghiên cứu sinh hay thầy dạy của thành viên này, được tiểu ban thảo luận. Thành viên này cũng không được bỏ phiếu cho điểm trong những trường hợp này. Mức độ cạnh tranh khá cao, và trong những năm gần đây, chỉ khoảng một phần tư những đề án nộp cho Hội đồng Khoa học Xã hội và Nhân văn Canada được tài trợ, với thời gian tài trợ thường là từ 3 đến 5 năm cho 1 đề án và tối đa là 400 ngàn dollars Canada cho một đề án nghiên cứu. Cách tài trợ này bảo đảm cho khoa học được phát triển mà không chịu sự chi phối của những yếu tố phi khoa học, và cũng tạo điều kiện cho sự phát triển nghiên cứu và khoa học, cả khoa học cơ bản chứ không chỉ khoa học ứng dụng, ở một số đại học nghiên cứu hàng đầu ở Canada.
“Báo cáo” kết quả nghiên cứu: coi trọng xuất bản
Khác với nghiên cứu theo hợp đồng, trong tài trợ khoa học, nhà khoa học được tài trợ chỉ cần một thông báo rất ngắn đến cơ quan tài trợ là đã hoàn tất đề tài nghiên cứu. Hội đồng KHXH và Nhân văn Canada không đòi các nhà khoa học nhận tài trợ nộp báo cáo hay sản phẩm khoa học cho Hội đồng mà chỉ cần công bố những kết quả nghiên cứu trên những tạp chí chuyên môn và in sách (các nghiên cứu khi xuất bản thành sách hay tạp chí được đánh giá cao khi phải qua tiến trình phản biện kín của một số nhà khoa học ở các nơi trên thế giới - người phản biện cũng không biết tác giả là ai và tác giả cũng không biết người phản biện là ai, để giảm thiểu tác động của những yếu tố ngoài khoa học vào việc thẩm định kết quả nghiên cứu). Tuy công bố dưới dạng bài trong tạp chí chuyên ngành là phổ biến, nhưng trong KHXH, một dạng công bố cũng phổ biến là sách và các chương sách. Tiến trình phản biện kín cho các bài tạp chí khoa học hay sách rất mất thời gian, vì ngay cả khi một bài được các người làm phản biện kín đánh giá chung là tốt, các tác giả cũng thường phải tu sửa và nộp lại bài của mình để được xem xét lần nữa trước khi được đồng ý in. Trong KHXH, ở những tạp chí khoa học và nhà xuất bản rất có uy tín, từ lúc nộp bài đến lúc in thường phải mất từ 1 đến 3 năm. Do đó, nếu là một đề tài nghiên cứu 3-5 năm thì may ra có bài hay chương sách đã được in từ những kết quả nghiên cứu ban đầu. Nhưng nếu là đề tài 1-2 năm thì kỳ vọng khi kết thúc đề tài, nhà khoa học có bài tạp chí hay sách xuất bản mà đã qua phản biện kín gắt gao là không hợp lý. Và một khi đề tài kết thúc, có thể vẫn còn rất nhiều bài và chương sách hay sách được in ấn từ một công trình nghiên cứu, nhất là từ những công trình nghiên cứu khoa học cơ bản. Do đó, để đánh giá hiệu quả của một công trình nghiên cứu thì không thể xem số bài đã được xuất bản khi công trình kết thúc. Kết quả của một công trình nghiên cứu được thẩm định qua việc 5-10 năm sau khi kết thúc, có bao nhiêu bài tạp chí khoa học và sách/chương sách đã được xuất bản qua tiến trình phản biện kín, và tác động của những bài và chương sách này trong khoa học qua việc được trích dẫn đến mức nào. Trong bối cảnh này, một tiêu chí quan trọng khi quyết định tài trợ là người lập đề án đã có bao nhiêu bài tạp chí khoa học và chương sách/sách đã được đăng sau khi đã qua tiến trình phản biện kín.
Ngoài SSHRC, Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế (International Development Research Centre - IDRC) của Canada cũng tài trợ cho nghiên cứu KHXH nhưng lại đưa tiêu chí ứng dụng của nghiên cứu KHXH lên hàng đầu khi xét tài trợ. IDRC tập trung tài trợ cho nghiên cứu phát triển, từ nghiên cứu về nông nghiệp đến môi trường đến kinh tế hay thể chế văn hóa xã hội liên quan đến phát triển. Chính phủ Canada tài trợ cho IDRC khoảng 190 triệu dollars Canada hàng năm trong những năm gần đây. IDRC cũng tập trung tài trợ cho các nhà nghiên cứu ở các nước đang phát triển (trong một số trường hợp, có sự hợp tác với các nhà khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ở Canada).
Phạm trù Khoa học xã hội |
------------
* Nguyên Trưởng khoa Nhân học, Đại học Toronto, Canada.
1 Ngân sách này gồm cả một khoản tiền khá lớn dùng để cấp học bổng cho học viên Cao học, nghiên cứu sinh Tiến sĩ và hậu Tiến sĩ.
2 Các nhà nhân học sinh thể nghiên cứu về tác động của gen và sinh học nói chung đến thể dạng, hành vi, và sức khỏe của con người và các loài linh trưởng, trong quá khứ (từ góc độ tiến hóa) cũng như hiện tại.
GS-TS. Lương Văn Hy; Cập nhật ngày 08:59-20/9/2016; Nguồn: http://tiasang.com.vn
- Lý do chỉ 65 trên 958 giải Nobel được trao cho phụ nữ
- Chưa từng có trong lịch sử, Pháp trở thành nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới sửa Hiến pháp vì chị em phụ nữ nhân dịp lễ 8/3
- Tác giả đoạt giải văn chương Nhật Bản sử dụng AI trong tiểu thuyết, độc giả tranh cãi
- Nhật Bản đóng cửa hơn 8.500 trường học vì dân số già
- Vì sao phụ nữ hiện đại ngày càng ngại kết hôn?
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024