Coi nhẹ giáo dục nhân cách và giá trị cá nhân

Đó là thực trạng mà các nhà khoa học, giáo dục cảnh báo, đồng thời khuyến nghị phải xây dựng hệ giá trị chuẩn mực để phát triển nhân cách học sinh. Tuy nhiên, trước nhiều chuẩn mực bị xô lệch, hệ giá trị bị khủng hoảng, nhà trường cần dạy những đức tính, định hướng giá trị mới cho học sinh như thế nào?

Đồng phục hóa… mọi thứ

Trong các báo cáo, tham luận tại hội thảo khoa học “Hệ giá trị - mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục” do Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, Hiệp hội Các trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ), Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM và Trường ĐH Sư phạm TPHCM phối hợp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng trường học đang xem nhẹ giáo dục nhân cách và tính cá nhân của người học. Hệ quả kéo dài này là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng báo động: đạo đức xã hội suy đồi, văn hóa học đường xuống cấp, tội phạm ở tuổi vị thành niên gia tăng…

Phân tích thực tế và chỉ ra lỗ hổng trong chương trình giáo dục phổ thông, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: “Dù hô hào đổi mới giáo dục, lấy người học làm trung tâm nhưng 16 năm nay, chúng ta chưa hề thiết kế các giá trị giáo dục cũng như chưa bao giờ tôn trọng tính cách cá nhân của học sinh”. Cũng theo ông, mục tiêu giáo dục mà chúng ta đặt ra quá xa vời, hướng đến con người quá lý tưởng nhưng lại bỏ quên những giá trị nền tảng, cốt lõi mà ai làm người cũng phải có. Đó là sự tử tế, tính lương thiện, tính trung thực, có ý thức, trách nhiệm...

Tương tự, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cũng chỉ ra nhược điểm lớn nhất của giáo dục nước ta là thiếu coi trọng giáo dục nhân cách học sinh; trước hết phải dạy làm người, rồi mới hướng họ vào hoạt động cống hiến như thế nào. Theo ông Nguyễn Quang Kính, nguyên Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, trường học ở nước ta vướng vào khuynh hướng xem nhẹ tính cá nhân, nhấn mạnh tính xã hội. Vì thế, dẫn đến những bất cập như cào bằng, áp đặt theo khuôn mẫu. Tệ hại hơn, vì coi tính thống nhất hơn là duy nhất nên có những yêu cầu “đồng phục” về tư duy, thái độ, thậm chí là biểu hiện tình cảm. Do xem nhẹ tính cá nhân nên trường học chưa chú trọng phát triển tư duy, năng lực sẵn có của từng học sinh, sinh viên. Đây cũng là nguyên nhân gây ra đào tạo thừa, tỷ lệ thất nghiệp cao vì sản phẩm đều giống nhau, mắc lỗi như nhau.

Học sinh thời nay phải tự tin, sáng tạo (ảnh: Học sinh Trường Võ Trường Toản TPHCM trong giờ học ngoại ngữ)

Xác định giá trị cốt lõi như thế nào?

Dẫn chứng hàng loạt hiện tượng xuống cấp, suy đồi trong đời sống xã hội như cướp hoa, hôi bia, hiện tượng rút ruột các công trình…, GS Trần Ngọc Thêm (ĐH Quốc gia TPHCM) trăn trở: “Điều này buộc chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao?”. Cũng theo ông, hiện tượng xấu đang tràn lan trong xã hội là do sự xung đột, khủng hoảng giá trị giữa văn hóa truyền thống và hiện đại. Có thể nói, triết lý truyền thống của chúng ta là “con ngoan, trò giỏi” đã tạo ra những sản phẩm giáo dục giống nhau, thụ động và chỉ biết bắt chước. “Con ngoan là phải biết vâng lời, cãi cha mẹ là con hư. Còn trò thì cứ làm đúng theo khuôn mẫu bài giảng của cô giáo thì điểm cao, sáng tạo chút là bị trừ điểm…”. Ông chua chát diễn tả về sản phẩm giáo dục theo kiểu robot ở Việt Nam và kiến nghị phải hình thành bản lĩnh tự giáo dục cho trẻ em, cũng như định hướng hệ giá trị cốt lõi cho người học. Theo đó, các giá trị xã hội phải phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại hội nhập toàn cầu và cuộc cách mạng 4.0 như dân chủ và pháp quyền, nhân ái - yêu nước, trung thực - bản lĩnh, trách nhiệm - hợp tác, khoa học - sáng tạo.

Lo ngại về sự đảo lộn các giá trị văn hóa, gia đình, coi nhẹ văn hóa học đường, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cảnh báo điều này sẽ dẫn đến “phân rã văn hóa” trong giáo dục. Trước thực tế xã hội, gia đình biến động, nhiều chuẩn mực bị xô lệch, văn hóa xấu, hành vi tiêu cực, thực dụng lấn át, chúng ta phải có nhiệm vụ trang bị nền tảng nhân cách, giúp người học nhận dạng được đúng - sai, tốt - xấu. Như thế, chương trình giáo dục phổ thông mới phải coi trọng giáo dục các giá trị từ bên trong, tức là hình thành các giá trị trong suốt quá trình sống, học tập tại trường và ngoài xã hội.

Là thành viên Ban Xây dựng chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT, TS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì cách tiếp cận từ mô hình kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học sẽ phải khác. Cụ thể, cấu trúc chương trình, sách giáo khoa phổ thông sẽ thay đổi, trong đó học sinh sẽ học theo hai giai đoạn gồm căn bản (từ lớp 1 - 9) và định hướng nghề nghiệp (lớp 10 - 12). Ở lớp 11 - 12, học sinh chỉ học tối thiểu 5 môn, tùy thuộc vào sở thích, định hướng ngành nghề của mình. “Mục tiêu đổi mới này sẽ giảm áp lực học hành, thi cử và nó sẽ góp phần hình thành những giá trị, chuẩn mực nhân cách mà chúng ta mong đợi”, TS  Bùi Mạnh Hùng hy vọng.

Phát biểu tại hội thảo này, bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, nhấn mạnh Đảng và Nhà nước đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Thế nhưng, quan điểm đúng đắn này chưa được các cấp, các ngành lẫn lãnh đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ. Ngành giáo dục phải tự đặt mình vào vị trí hàng đầu của công cuộc chấn hưng văn hóa, coi mục đích tối thượng của giáo dục là “phát triển con người - dạy và học làm người” chứ không chỉ đơn thuần cung cấp nguồn nhân lực. Theo bà, việc xây dựng chương trình, chuẩn bị viết sách giáo khoa cho các cấp phổ thông phải quán triệt mục tiêu cốt lõi này. Phải xem hệ giá trị - phát triển nhân cách người học là mục tiêu phổ quát trong tiến trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông và các hoạt động giáo dục.

Khánh Bình; Thứ sáu, 16/12/2016, 08:54 (GMT+7); Nguồn: SGGP Online

 


Phần mềm giao nhận logistic