Báo động khoảng cách giàu - nghèo

Bài 2: Giảm thiểu các yếu tố gây bất bình đẳng

Trong những năm qua, cả nước đã đạt được thành tích nổi bật về tăng trưởng và giảm nghèo. Nghịch lý là thu nhập trung bình tăng và số người nghèo giảm nhưng… khoảng cách giàu nghèo lại gia tăng.

Chi phí khám chữa bệnh nằm ngoài danh mục BHYT, chi phí ăn ở và đi lại đang là gánh nặng đối với người bệnh nghèo

Chỉ giảm nghèo là chưa đủ

Gần 30 triệu người Việt Nam đã vượt chuẩn nghèo chính thức, từ thập niên 1990 đến nay. Năm 2009, Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐTB-XH), nhận xét: Có thể nói, ít có vấn đề xã hội nào mà có nhiều chính sách, nhiều nguồn lực đầu tư như xóa đói giảm nghèo trong mấy chục năm vừa qua. Kết quả về giảm nghèo của Việt Nam cũng được coi là một trong những kết quả ấn tượng nhất và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, chỉ giảm nghèo là chưa đủ.

Theo TS Đào Quang Vinh, có rất nhiều yếu tố tác động dẫn tới sự chênh lệch mức sống như hiện nay. Trước hết, mức độ tiếp cận thụ hưởng các thành quả tăng trưởng của các nhóm người dân trong xã hội là khác nhau. Tác động của các biến động vĩ mô cũng khiến khoảng cách giàu - nghèo ngày càng doãng ra. Ông Vinh phân tích, khi giá cả tăng lên, thì người nghèo chịu đầu tiên, vì hàng ngày đã phải chi nhiều tiền mua lương thực thực phẩm. Còn người giàu, họ có nhiều thu nhập để bù vào chỗ giá cả tăng đó. Rồi khủng hoảng, mất việc làm thì đầu tiên vẫn là người có trình độ thấp, người nghèo, nông dân chịu tác động. Giờ lại thêm biến đổi khí hậu, thời tiết nắng hạn, lũ lụt thất thường… vẫn lại là người ở vùng quê, vùng biển bị tác động trước. Theo TS Đào Quang Vinh, dù có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng chưa thể bù lại được các sự tác động và người nghèo luôn là người chịu thiệt đầu tiên. Khoảng cách giàu - nghèo cứ tăng dần.

Chi tiêu công giữ vai trò quan trọng đảm bảo mọi nhóm dân trong xã hội có cơ hội bình đẳng hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế. Hai mảng lĩnh vực quan trọng liên quan đến con người là y tế và giáo dục. Thực tế cho thấy, dù có mức chi tiêu công cao cho hai lĩnh vực này, song lại chưa có sự công bằng và hợp lý. Hiện nay, chi tiêu công cho các trung tâm y tế xã, dù được coi là lũy tiến, vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ tổng chi tiêu công cho y tế. Trong khi đó, chi tiêu công cho bệnh viện và các trợ cấp y tế lại lớn hơn nhiều. TS Đào Quang Vinh phân tích, nhiều chính sách an sinh xã hội đưa ra, trong thực tiễn, người thụ hưởng nhiều hơn lại… là người giàu. Ví dụ, các dịch vụ y tế chủ yếu ở các tuyến trên (là tuyến tỉnh, Trung ương) và tốt hơn hẳn, nhưng đắt đỏ hơn và chủ yếu người khá giả mới tiếp cận được. Còn ở tuyến xã, phường, nơi chủ yếu người nghèo sử dụng, thì dịch vụ thấp hơn hẳn. Tương tự, trong giáo dục, con em nhà khá giả, sinh sống ở các đô thị được tiếp cận trường lớp đầy đủ hơn so với trẻ em học ở các lớp ọp ẹp, rách nát ở các làng, bản xa xôi. Như vậy, người giàu càng có điều kiện học tập tốt hơn, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, càng có điều kiện có việc làm tốt hơn nên thu nhập tốt hơn và mức sống của họ cứ tăng lên và ngược lại với người nghèo.

Trong giáo dục, Việt Nam là một trong hai quốc gia (cùng Malaysia) đang phát triển ở châu Á có mức chi cho giáo dục cao hơn mức bình quân toàn cầu 5,2% GDP. Theo nghiên cứu của chuyên gia Nguyễn Thị Ngọc Anh, các quốc gia khác vẫn dưới mức bình quân này thì Việt Nam chi tiêu công cho giáo dục liên tục tăng, từ 3,3% năm 2000 lên 5,5% GDP năm 2012. Tuy nhiên, có sự không công bằng và hợp lý khi có đến 73% ngân sách giáo dục được dành cho chi thường xuyên (lương giáo viên, bảo trì cơ sở vật chất); phần còn lại được chi cho “phần mềm” giáo dục như tập huấn giáo viên và học liệu rất ít, trong khi đây lại chính là những khoản chi quan trọng để có nền giáo dục chất lượng. Học phí tăng tiếp tục là rào cản giáo dục đối với người nghèo. Một khảo sát năm 2013 cho thấy, học sinh phải đóng 15 loại phí trong và ngoài nhà trường, như: học phí, xây dựng, mua trang thiết bị, quỹ lớp, giáo khoa, văn phòng phẩm, đồng phục, căn tin, đậu xe, học thêm, bảo hiểm, quỹ hội phụ huynh, quà, phong bì… Do đó, tiền tự túc của hộ gia đình cho giáo dục vẫn cao, chiếm khoảng 30% tổng chi cho giáo dục và càng tăng lên ở các bậc học cao hơn. Việc phụ thuộc nhiều hơn vào chi tự túc ở bất cứ cấp học nào cũng tạo ra gánh nặng tài chính cao hơn nhiều đối với các hộ thu nhập thấp.

Đối tượng nghèo chịu nhiều áp lực

Trong y tế, Chính phủ đã dành nhiều nỗ lực đầu tư cho y tế. Tổng ngân sách theo kế hoạch cho y tế tăng gần gấp đôi về giá trị tiền, từ 64.000 tỷ đồng (năm 2011) lên 117.000 tỷ đồng (2015). Tổng chi y tế theo GDP tăng từ 5,2% năm 1995 lên 6,9% năm 2012. Tuy nhiên, tới 90% ngân sách y tế được dành cho chi thường xuyên (lương và chi phí vận hành cơ sở vật chất); trong khi đó, dịch vụ công có rất ít tiến triển và nâng cao hiệu quả, chưa giảm chi phí dịch vụ.

Dù độ bao phủ của BHYT tăng nhanh, song phần lớn tổng chi cho y tế (48%) lại là tiền tự túc của các gia đình, cao hơn nhiều so với mức dưới 30% mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất và cao hơn hầu hết các nước trong khu vực. Hẳn nhiên, chi trả tự túc cao sẽ dẫn tới vấn đề nghèo hóa vì bệnh tật. Tại Việt Nam, năm 2012, có tới gần 584.000 hộ gia đình bị rớt xuống nghèo và lún sâu vào nghèo đói do trong nhà có người mắc bệnh. Các hộ gia đình nghèo thường phải bán tài sản, vay nợ và giảm chi cho giáo dục để có tiền ứng phó với các cú sốc về sức khỏe.

Xã hội hóa trong giáo dục và y tế, bằng cách chuyển đổi các trường học, trạm xá và bệnh viện thành các “doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ công”, theo các chuyên gia, đang tạo ra vấn đề lớn về tính bình đẳng. Một người dân chia sẻ: “Người ta nói không phân biệt giàu - nghèo nhưng khi người giàu đóng góp nhiều hơn cho trường, con họ sẽ được quan tâm hơn. Cán bộ quản lý trường thường đưa cho chúng tôi cuốn sổ đóng góp của phụ huynh, chúng tôi không thể đóng góp vài ngàn đồng và càng không dám nói “không” vì sợ hậu quả xấu cho con cái”. Thạc sĩ Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, những dấu hiệu bất bình đẳng thể hiện rõ trong xã hội hóa.

Theo nghiên cứu của Oxfam Việt Nam, Việt Nam dựa chủ yếu vào thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT), thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế xuất nhập khẩu. Thu thuế CIT tăng từ 3,1% lên 4,71% GDP (không tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ dầu khí). Tuy nhiên, từ năm 2011, quy mô thu thuế CIT đã giảm và đến năm 2015, tổng thu từ thuế CIT dự tính khoảng 4,35% GDP. Ngược lại, trong giai đoạn 2001 - 2010, tỷ lệ thu thuế VAT lại tăng từ 4,02% lên 7,98% GDP. Đây là vấn đề rất đáng chú ý. Bởi, thuế VAT tăng thường tạo gánh nặng lớn nhất (theo tỷ lệ tương ứng) cho người nghèo, vì người nghèo có khuynh hướng là chi tiêu phần lớn hay thậm chí là tất cả thu nhập kiếm được cho các nhu cầu hàng ngày của cuộc sống. Mặc dù thu nhập kém hơn nhưng với cùng một loại hàng hóa người nghèo phải trả VAT như người giàu; bởi vì mức thuế VAT không tính đến khả năng chi trả của người tiêu dùng. 

Tránh và trốn thuế cũng là những vấn đề nghiêm trọng. Theo Tổng cục Thuế, 720/870 công ty nước ngoài tại Việt Nam đã có những hành vi gian lận thuế trong năm 2013 và 923 công ty trong nước đã trốn thuế. Các thanh tra viên thuộc Tổng cục Thuế đã yêu cầu 720/870 công ty nước ngoài trả gần 400 tỷ đồng (19 triệu USD) tiền thuế truy thu và tiền phạt trốn thuế.

Theo TS Đào Quang Vinh, các chính sách điều tiết và tái phân phối, chúng ta có làm nhưng thật sự chưa đạt hiệu quả cao. Các khoản thu thuế thu nhập cá nhân, thuế về tài sản, hiện nay cả nước thu chưa được nhiều. Nhiều người có nhiều căn nhà cho thuê, hay có các nguồn từ đầu tư kinh doanh, thừa kế… song phần lớn, cơ quan quản lý chưa biết được chính xác quy mô “tảng băng” này. Mọi người khai báo, tiền lương và thu nhập ở mức rất là thấp, vậy tại sao nhiều người vẫn mua nhà, mua xe, vẫn sắm hàng hóa xa xỉ? - TS Đào Quang Vinh đặt câu hỏi và cho rằng, rõ ràng khoản chênh lệch rất lớn và nếu làm tốt, hoàn toàn có thể có được khoản thuế từ các “tảng băng khủng” như vậy. Có vấn đề “nhạy cảm” là nhiều người làm giàu không theo một quy luật làm ăn kinh tế bình thường. Chẳng hạn, có những người vì có được một cơ hội nào đấy, có mối quan hệ nào đấy mà có được dự án về bất động sản và “đổi đời” trở thành đại gia. Điều đó góp phần cho bất bình đẳng, tạo nhiều ẩn ức, suy nghĩ trong xã hội.

Đường Loan; Thứ năm, 13/4/2017, 10:32 (GMT+7); Nguồn: SGGP Online

 


Phần mềm giao nhận logistic