Bị liệt sau tiêm vắc xin, một nhân viên y tế Hàn Quốc được công nhận "tai nạn lao động"

Nữ trợ lý điều dưỡng bị chứng song thị và liệt sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Giới chức Hàn Quốc khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy đây là hậu quả của vắc xin nhưng sẽ tiếp tục điều tra.

Bị liệt sau tiêm vắc xin, một nhân viên y tế Hàn Quốc được công nhận tai nạn lao động - Ảnh 1.

Một nhân viên y tế Hàn Quốc được tiêm vắc xin AstraZeneca tại trung tâm tiêm chủng ở Seoul ngày 26-2 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên tại Hàn Quốc một người gặp các vấn đề về sức khỏe sau khi tiêm vắc xin COVID-19 được công nhận là nạn nhân của tai nạn lao động.

Thông báo của Cơ quan Phúc lợi và bồi thường cho người lao động Hàn Quốc cho biết nữ trợ lý điều dưỡng được tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca vào ngày 12-3. Cô này sau đó gặp phải tình trạng song thị, liệt và được chẩn đoán viêm não cấp.

Việc được công nhận là nạn nhân tai nạn lao động sẽ mở đường cho nữ trợ lý điều dưỡng này nhận các khoản trợ cấp và bồi thường từ Chính phủ Hàn Quốc. Hiện còn 6 trường hợp tương tự đang được xem xét.

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết với các bằng chứng hiện có, chưa thể xác định trường hợp của nữ trợ lý điều dưỡng là do tiêm vắc xin. KDCA cam kết sẽ tiếp tục điều tra khi có thêm thông tin mới.

AstraZeneca đã tránh đề cập đến trường hợp người phụ nữ tại Hàn Quốc khi phản hồi yêu cầu bình luận từ Reuters ngày 6-8.

Hãng này khẳng định an toàn của người được tiêm vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhấn mạnh vắc xin COVID-19 đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc bảo vệ con người trước các biến thể nguy hiểm.

Nhân viên y tế là một trong những nhóm đầu tiên tại Hàn Quốc được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19. Các bệnh viện được yêu cầu khuyến khích nhưng không được bắt buộc nhân viên đi tiêm.

Theo Reuters, Hàn Quốc nằm trong số các nước có các chính sách giảm bớt trách nhiệm cho các hãng sản xuất vắc xin.

Thông qua một quỹ bồi thường, Chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng chi đến 10 triệu won (khoảng 8.747 USD) cho mỗi trường hợp gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng vì vắc xin COVID-19.

KDCA cho biết tổng cộng 1.562 trường hợp, bao gồm 14 trường hợp tử vong, đã được xem xét bồi thường do các tổn hại liên quan việc tiêm vắc xin COVID-19. Trong số này có 983 trường hợp đã được nhận bồi thường nhưng chưa có ca tử vong nào được bồi thường.

Singapore, Úc, Thái Lan và Malaysia là những nước châu Á khác có chính sách bồi thường cho người gặp phải biến chứng sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Thái Lan đã chi 13 triệu baht (389.454 USD) cho 400 trường hợp gặp các vấn đề về sức khỏe sau tiêm. 

TTO - Bảo Duy; 06/8/2021 18:05 GMT+7


Phần mềm giao nhận logistic