Cấp “sổ đỏ, sổ hồng” theo Thông tư 09/2021/TT-BTNMT: Dễ quản lý, thuận lợi cho dân

Bộ TN-MT vừa có Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT (gọi tắt là Thông tư 09) sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Trong đó, có nhiều điểm mới liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, áp dụng từ ngày 1-9-2021.

Một dự án khu dân cư ở thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) để hoang hóa lâu ngày do vướng thủ tục cấp “sổ đỏ”

Một dự án khu dân cư ở thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) để hoang hóa lâu ngày do vướng thủ tục cấp “sổ đỏ”

Đơn giản thủ tục

Thông tư 09 của Bộ TN-MT bổ sung nhiều điểm mới xoay quanh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (còn gọi là “sổ hồng”). Khoản 5 Điều 11 Thông tư 09 quy định, trong trường hợp dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai, thì khi người dân nộp hồ sơ liên quan lĩnh vực đất đai sẽ không phải nộp các giấy tờ để chứng minh nhân thân như CMND, CCCD, sổ hộ khẩu... Đồng thời, khoản 2, 3 Điều 1 Thông tư 09 bổ sung trường hợp đăng ký biến động được cấp “sổ hồng” là: Thửa đất được tách ra để cấp riêng “sổ hồng” đối với trường hợp “sổ hồng” đã được cấp chung cho nhiều thửa; thay đổi diện tích đất ở trong thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở do xác định lại diện tích đất ở theo quy định.

Các quy định trước đây chưa cụ thể hóa quyền lợi của người dân khi bị Nhà nước thu hồi đất, thì Thông tư 09 quy định cụ thể hơn và bổ sung một số trường hợp hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp được hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm... Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, sau khi Nhà nước thu hồi vẫn còn đất nhưng không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng thì được xem xét thu hồi nếu người sử dụng có đơn đề nghị. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi phần đất còn lại này được thể hiện trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Giảm dần sự phiền hà 

Luật sư Đào Xuân Sơn (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận xét, Thông tư 09 là động thái tích cực của Bộ TN-MT nhằm hiệu chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thực tiễn và tháo gỡ nhiều vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về đất đai trên thực tế. 

Trong khi đó, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TPHCM), cho rằng, Thông tư 09 đã bảo đảm nhiều quyền lợi cho người sử dụng đất, tránh được nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, tránh xảy ra tình trạng tiêu cực… Cụ thể, Thông tư 09 quy định trường hợp chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thuộc trường hợp phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất. “Trước đây, người dân chỉ cần đăng ký biến động tại Văn phòng đăng ký đất đai là có thể chuyển mục đích sử dụng đất, trái với quy định của Luật Đất đai năm 2013. Do đó, Thông tư 09 đã thay đổi để phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Đây là điểm mới đáng ghi nhận”, luật sư Trần Minh Hùng phân tích. 

Theo luật sư Trần Minh Hùng, những quy định được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là “sổ đỏ”) mới khi đăng ký biến động cũng đảm bảo quyền lợi của dân như: Thay đổi diện tích đất ở trong thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở do xác định lại diện tích đất ở theo quy định (khoản 2 Điều 1); thửa đất được tách ra để cấp riêng giấy chứng nhận đối với trường hợp “sổ đỏ” đã được cấp chung cho nhiều thửa (khoản 3 Điều 1)… “Tuy nhiên, cùng với việc triển khai áp dụng Thông tư  09, bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ vào việc quản lý, công khai thủ tục hành chính và kết quả giải quyết hồ sơ cho người dân. Việc này sẽ làm hạn chế rắc rối khi người dân thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước, đồng thời thể hiện tính minh bạch trong quá trình cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tránh tiêu cực trong một bộ phận lãnh đạo, quản lý”, luật sư Trần Minh Hùng nhấn mạnh.

Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho thấy, trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt trong các năm 2015-2019, hiện có 56 dự án với gần 29.100 căn nhà và căn hộ officetel (trong đó phần lớn là căn hộ chung cư) bị chậm cấp “sổ hồng”. Từ đó dẫn đến các hệ quả tiêu cực như không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà, giảm nguồn thu ngân sách, xảy ra tranh chấp, kiện tụng… 

 

ĐỨC TRUNG; ​SGGP Thứ Tư, 22/9/2021 07:14


Phần mềm giao nhận logistic