Những diễn biến đa dạng, phức tạp và trầm trọng của vấn nạn bạo lực gia đình trong thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp bách phải sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo tờ trình của Chính phủ vừa được gửi tới phục vụ phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008. Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam.
“Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Dữ liệu thống kê, nghiên cứu về bạo lực gia đình do các cơ quan, tổ chức thực hiện cho thấy những bức tranh hết sức phức tạp, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau”, tờ trình nêu rõ.
Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐ-TB-XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam phối hợp thực hiện năm 2019 (công bố năm 2020) cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra). Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).
Cũng được thực hiện trong năm 2019, nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu gia đình và giới chỉ ra rằng, 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng các hình thức như đánh, đấm, đạp, tát... Có 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực. Đáng chú ý, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, theo đó trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.
Cũng theo nghiên cứu này, bạo lực gia đình với người cao tuổi diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Các hành vi bạo lực với người cao tuổi như “bỏ mặc không quan tâm về tình cảm” chiếm 10,2%, “không quan tâm, chăm sóc ăn uống, thuốc men” chiếm 8,5% bên cạnh các hành vi khác như bị ép buộc lao động, bị tranh giành tài sản thừa kế, bị đập phá tài sản, tịch thu tiền, bị coi thường, sỉ nhục, quát mắng, dọa nạt. Bạo lực gia đình cũng được xem là một trong những tác nhân chính làm tan vỡ hôn nhân, hạnh phúc gia đình.
Trong khi đó, các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành dược coi là tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành.
ANH PHƯƠNG - SGGPO Thứ Sáu, 15/4/2022 16:27