MỜI HỘI VIÊN THAM GIA GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT VIỆC LÀM

Sáng 8/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM) tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Theo đó, ngày 17/4 Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM sẽ có buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ, hội viên và phụ nữ các giới với đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân TPHCM để lắng nghe ý kiến của cử tri góp ý một số dự án, dự thảo luật, trong đó có Luật Việc làm được Quốc hội ban hành ngày 16 tháng 11 năm 2013.

Với nhiều chính sách của Nhà nước về việc làm, trong đó có chính sách cho lao động nữ, Luật Việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người lao đông. Vì vậy song song với việc cử đại biểu tham dự góp ý tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của Hội LH Phụ nữ, Hội Nữ trí thức TPHCM trân trọng kính mời toàn thẻ hội viên tham gia góp ý Dự án Luật Việc làm. Mọi ý kiến góp ý xin gửi về địa chỉ:  

Email: hoinutrithucthanhphohochiminh@gmail.com hoặc gửi về cho Chi hội trưởng các chi Hội để Thường trực Hội NTT TPHCM tổng hợp ý kiến chuyển về Hội LH Phụ nữ TPHCM sau ngày 17/4.

Một số nội dung trọng tâm cần góp ý như sau:

1/ Cần có những chính sách hỗ trợ gì đối với người bị ảnh hưởng sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong độ tuổi lao động (như tham tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề,…) nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực?

2/ Cần đề xuất kiến nghị những chính sách gì về việc làm trước thực trạng số người bị ảnh hưởng sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhu cầu tìm việc làm tăng cao, tình trạng dôi dư lao động?

3/ Đối với chính sách hỗ trợ việc làm hiện nay (như cho vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng,….) có những khó khăn vướng mắc gì trong quá trình thực hiện? Cần đề xuất bổ sung sửa đổi như thế nào cho phù hợp với thực tiễn tình hình đang đặt ra?

4/ Những góp ý khác.

Cần lưu ý, các góp ý phải cụ thể, không góp ý theo hướng đặt câu hỏi.

Sau đây Ban Biên tập Website xin đăng toàn văn nội dung góp ý của ThS. Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM để hội viên tham khảo.

Góp ý Dự án Luật Việc làm

I/ Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm

Qua hơn 12 năm thi hành  Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, về cơ bản Luật Việc làm đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Việc làm năm 2013 vẫn còn nhiều nội dung bất cập, hạn chế như: Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động. Một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp không còn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương; quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác vv...

Ngoài ra, thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam đang đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm.

Vì vậy, việc ban hành Luật Việc làm mới thay thế cho Luật Việc làm năm 2013 là rất cần thiết.

II/ Một số ý kiến cụ thể

1. Điều 4 Dự thảo

- Khoản 2, đề nghị bổ sung từ “tạo điều kiện”: Cụ thể “Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm…” theo quy định của Hiến pháp năm 2013 “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động”.

- Khoản 8, đề nghị bổ sung chế độ hỗ trợ cho người lao động “sử dụng nhiều lao động nữ, người cao tuổi”, cụ thể: “Hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số”, vì thực tế do đặc thù phụ nữ bị hạn chế trong việc sinh con, nuôi con nhỏ và hạn chế của người cao tuổi nên nhiều doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng lao động nữ, người cao tuổi, trong khi tỷ lệ lao động nữ cũng chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, Nhà nước cần có hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động nữ, người cao tuổi.

2. Điều 5 Dự thảo

Khoản 1, đề nghị bổ sung hành vi cấm “phân biệt về giới”, cụ thể: “Phân biệt đối xử trong việc làm, phân biệt đối xử về giới”.

3. Điều 6 Dự thảo

Một thực trạng hiện nay là việc đào tạo nghề chưa gắn với thông tin thị trường lao động, chưa dự báo được nhu cầu thị trường nên người lao động phải làm trái ngành trái nghề đã học.

Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về dự báo nhu cầu của thị trường, kết nối đào tạo nghề với nhu cầu thị trường.

4. Điều 14 Dự thảo

Việt Nam đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Vì vậy, khuyến khích người cáo tuổi tham gia vào thị trường lao động sau tuổi nghỉ hưu là một giải pháp hữu hiệu mà nhiều quốc gia quan tâm.

Trong thực tế, người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không dễ dàng trong khi các quy định liên quan vẫn khá hạn chế. Việc bảo đảm sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số sẽ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số.

Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về chính sách an sinh xã hội đối với người lao động cao tuổi, bao gồm: (1) Tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế, người lao động cao tuổi thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động; (2) Mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già. (3) Hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát (mất mùa, thiên tai, động đất, chiến tranh, đói nghèo,...) thông qua các khoản tiền mặt và hiện vật do ngân sách nhà nước bảo đảm.

5. Điều 19 Dự thảo

Dự thảo quy định 4 nhóm thông tin đăng ký lao động, tuy nhiên, một số thông tin đăng ký lao động rất cần thiết trong cho cơ sở dữ liệu về người lao động chưa được quy định như một trong những yếu tố đánh giá khả năng làm việc của người lao động là sức khỏe, lịch sử bệnh lý và kinh nghiệm làm việc, lịch sử công việc đã làm không được đề cập trong thông tin lao động. Vì vậy, cần bổ sung thông tin về tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh lý, kinh nghiệm làm việc, lịch sử làm việc.

6. Điều 22 Dự thảo

Đề nghị nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm chứ không chỉ quy định cơ sở dữ liệu về người lao động. Cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm sẽ đầy đủ thông tin về người lao động và việc làm, sẽ giúp kết nối thông tin giữa người lao động với việc làm, giúp Nhà nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạch định chính sách trong đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm…

Mặt khác, Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đây là Đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp, trong đó, yêu cầu việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động phải gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

7. Điều 23 Dự thảo

Khoản 1 Điều 23 đã xác định hệ thống thông tin thị trường lao động là công cụ phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách. Đề xuất bổ sung quy định về tích hợp công nghệ AI, dữ liệu lớn (Big Data), dự báo lao động, nhằm nâng cao khả năng phân tích thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời nêu rõ việc cập nhật dữ liệu theo thời gian thực (real-time), đảm bảo tính đồng bộ, liên thông với hệ thống dữ liệu về an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, đảm bảo nội dung về sự linh hoạt, hội nhập, hiệu quả của Hệ thống thông tin thị trường lao động.

8. Điều 28 Dự thảo

Đề nghị tại khoản 2 Điều 28 cần quy định thêm việc lựa chọn thời gian đóng hàng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng phải được đăng ký với cơ quan bảo hiểm. Quy định này vẫn tạo điều kiện để người sử dụng lao động trong các trường hợp này được linh hoạt lựa chọn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp nhưng vẫn tăng tính trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng bảo hiểm thất nghiệp, vì sự ràng buộc phải đóng đúng thời hạn đã đăng ký. Đồng thời cũng tạo thuận lợi cho các cơ quan bảo hiểm trong công tác quản lý.

9. Về bảo hiểm thất nghiệp (Chương VII Dự thảo)

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; các chế độ còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp. Ngoài ra, cần nghiên cứu quy định về bảo hiểm thất nghiệp để tránh trùng lặp với Luật Bảo hiểm xã hội và chỉ nên đưa nội dung nào có tác động tạo việc làm cho người lao động. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cần có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tác động như thế nào đến thị trường việc làm để có quy định phù hợp và khả thi.


Phần mềm giao nhận logistic