Hội thảo “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030”

Hội thảo do Thư viện Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức vào ngày 28-7. Tham dự Hội thảo có các thành viên Ban soạn thảo Đề án; đại diện một số Bộ, ngành TƯ; các đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL; một số thư viện tỉnh, thành; thư viện Bộ/ngành; thư viện trong lực lượng vũ trang, thư viện đại học, thư viện trường phổ thông; đại diện một số cơ sở đào tạo ngành thư viện; các NXB, nhà sách cùng các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Dự thảo Đề án thể hiện quan điểm chỉ đạo là phát triển văn hóa đọc nhằm tiếp thu tri thức nhân loại, làm giàu thêm vốn tri thức của dân tộc và con người VN; điều chỉnh các biểu hiện lệch lạc, hình thành thói quen, thị hiếu lành mạnh; góp phần xây dựng con người có nhân cách, có tri thức, kỹ năng sống. Các cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo, thư viện và gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người dân đọc sách, xây dựng môi trường đọc thân thiện,... Dự thảo cũng đưa ra những mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, từng nội dung. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là tạo chuyển biến về nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và dư luận xã hội về văn hóa đọc.

Đề án là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng hiệu quả thế hệ người đọc tương lai, thực hiện mục tiêu Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.


Các tham luận tại Hội thảo tập trung các vấn đề sau:

- Đánh giá cao việc xây dựng Đề án nhằm phát triển văn hóa đọc; đồng thời gắn kết và liên thông với phát triển văn hóa, giáo dục trong và ngoài nhà trường, góp phần xây dựng xã hội học tập hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững đất nước.

- Đề nghị, các cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo, thư viện và gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để mọi người có thể đọc sách, tham gia vào việc xây dựng môi trường đọc thân thiện. Theo đó, các xuất bản phẩm phải đảm bảo tính tư tưởng, tính khoa học, chất lượng giáo dục, văn hóa và sự đa dạng, hấp dẫn của ấn phẩm; đảm bảo đủ các loại sách và tài liệu đáp ứng nhu cầu của các đối  tượng, người đọc khác nhau; tăng cường các sách giáo dục kỹ năng sống, sách về các tấm gương tiêu biểu, bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hòa dân tộc, thân ái, nghĩa cử, các sách hạt giống tâm hồn, phổ biến khoa học kỹ thuật, pháp luật. Có biện pháp ngăn chặn, loại trừ sách không phù hợp.

- Kiến nghị điều chỉnh cấu trúc Dự thảo, trong đó nói rõ hơn về thực trạng văn hóa đọc, cơ sở hạ tầng phục vụ văn hóa đọc; mục tiêu dự thảo cũng phải nêu bật mục đích, vai trò của việc đọc sách,…

Căn cứ vào những ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo Đề án sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nội dung Dự thảo trước khi đăng công báo xin ý kiến rộng rãi của người dân để có cơ sở trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2015.

Bảo Khánh tổng hợp


Phần mềm giao nhận logistic