Đường tự do
Hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một thiên lịch sử hào hùng với biết bao chiến công oanh liệt. Chiến tranh đã đi qua trên mảnh đất Việt thân yêu để lại với đời Mùa thu nay tươi đẹp của hòa bình hạnh phúc. Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, Mùa thu năm 1945 mãi mãi đẹp như một bản hùng ca đời đời bất diệt; là niềm hạnh phúc lớn lao đến thiêng liêng; là kết quả tất yếu từ khát vọng tự do của cả dân tộc.
Lẽ thường, một cuộc cách mạng là sự vùng lên của nô lệ ở thế gian và những ai cực khổ bần hàn như lời bài quốc tế ca, tuy nhiên đối với cách mạng Việt Nam, điều đó đúng nhưng chưa đủ; ở đây còn có những con người đang sống trong vinh hoa phú quý nhưng sẵn sàng từ bỏ mọi quyền lợi cá nhân, ”…Lên đường dẻo bước, khoác ba lô/Mang theo ý chí người dân Việt/Thà chết không làm vong quốc nô”. Có lẽ họ đã tìm được con đường tự do chính là con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra cho dân tộc Việt Nam.
- Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Cách mạng Việt Nam đã trải qua những khó khăn, khó khăn đầu tiên là đường lối”.
- PGS-TS. Sử học Phạm Xanh: “Được lòng dân thì có tất cả. Mất lòng dân là mất tất cả”.
- PGS-NGND. Lê Mậu Hãn: “Cách mạng ở đâu cũng chặt đầu vua, như cách mạng Pháp là một ví dụ. Ở Việt Nam vua trở thành công dân”.
Huế - Kinh đô cũ của triều đại phong kiến Nhà Nguyễn, nơi hội tụ của các nho sĩ, trí thức tinh hoa của dân tộc. Với những đặc điểm chính trị phức tạp, các thế lực xâm lược luôn âm mưu chia rẽ dân tộc ta để dễ bề cai trị, nhằm dập tắt ý chí độc lập của nhân dân, các đường lối mạng của các nhà yêu nước trước đó chưa đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân Việt Nam. Vậy con đường nào là ngọn hải đăng soi sáng khi tổ quốc còn chìm đắm trong đêm đen của một thời kỳ lịch sử bế tắc, không lối thoát?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Cách mạng Tháng 8/1945 thì ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại đoàn kết dân tộc, và muốn đại đoàn kết dân tộc thì phải đặt mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc”.
Bản kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch nay được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử
Cuộc cách mạng Tháng 8/1945 trên mảnh đất Kinh kỳ này đã đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân và vua quan phong kiến bù nhìn. Tổ quốc Việt Nam tự do chưa được bao lâu lại rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Ngày 25/9/1945, với sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng ở Nam Bộ mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta một lần nữa. Hoàn cảnh lịch sử đã buộc nhân dân Việt Nam phải lựa chọn con đường làm nô lệ cho ngoại bang hay con đường tự do cho dân tộc?
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
PGS-TS. Sử học Phạm Xanh: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 đó nó tác động rất lớn vào tiến trình lịch sử của Việt Nam chúng ta”.
Bác Hồ và các chiến sỹ vệ quốc quân tại Sơn Dương (Tuyên Quang) trong những ngày toàn quốc kháng chiến
Có một điều đặc biệt thú vị là từ khi cách mạng còn trong bóng tối những thanh niên trí thức, con em các quan lại, quý tộc đại thần Triều Nguyễn, Hoàng thân quốc thích của một vương triều vừa mới xụp đổ lại tích cực tham gia khởi nghĩa từ những ngày đầu, tin tưởng vào một con đường, hướng về một bóng cờ đang ẩn hiện trong đêm trước bình minh dân tộc.
Mặt trận Huế, những ngày kháng chiến chống Pháp có những chiến sĩ vệ quốc đoàn nhỏ tuổi mang tên Đội thiếu niên trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân. Những trái tim bé nhỏ nhưng nóng hổi tinh thần yêu nước với những cuộc đời viết nên một thế hệ thiếu niên bất tử. Trong hàng ngũ đó Vĩnh Mẫn là chú bé nhỏ xíu. Năm 14 tuổi, Vĩnh Mẫn đã gia nhập lực lượng Việt Minh; 18 tuổi vào học ở trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, và cái tên Phan Thắng đã gắn bó với ông cả cuộc đời cách mạng, gối đất nằm sương, nếm mật nằm gai. Vị Chính ủy Cửa Việt, Trưởng Ban Tuyên huấn đoàn tàu không số trên con đường biển huyền thoại, vận chuyển vũ khí từ hậu phương ra tiền tuyến lớn, ông cùng Lữ đoàn 125 đã góp phần quan trọng làm xoay chuyển thế trận chiến tranh ở Việt Nam. Trở về sau cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại, vị Hoàng thân bộ đội Cụ Hồ gần 75 tuổi Đảng vẫn giữ mãi lời thề trong tim: Trung với nước, hiếu với dân.
Ông Vĩnh Mẫn, nguyên giải phóng quân Vệ quốc đoàn: “Đoàn tàu không số chuyên môn hoạt động ở biển Đông và đi sâu vào lòng địch, thì quá trình này chúng tôi lại hiểu thêm được ý nghĩa, sự nghiệp vĩ đại của biển Đông nó như thế nào? Và tôi lại hiểu thêm được một điều: Tổ quốc ta cao hơn cả, miền Bắc, miền Nam là một nhà, thì đất nước ta, biển ta, ta cứ đi”.
Có điều, không phải ai cũng biết tên ông được ghi trong danh sách của Tôn Nhân phủ; Thân phủ là Bửu Trác từng giữ chức Thống chế Nhất phẩm Triều đình Khải Định. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ phải chịu đói rét, học trường của thực dân, tôi chưa bao giờ bị giam cầm tra tấn, nhưng trong giới Hoàng tộc không phải ai cũng chỉ lo cho bản thân của mình”.
Khi Pháp tái chiếm cố đô Huế, nhiều người trong Hoàng tộc, vì nền độc lập non trẻ của dân tộc đã tham gia kháng chiến, họ sát cánh cùng quân và dân Huế chiến đấu ngoan cường. Vị Hoàng thân Vĩnh Tập, người cộng sản trẻ tuổi này cùng 16 đồng đội, trong đó có Ưng Tuệ, Tôn Thất Xuân, đều là con các vị đại thần, Hoàng gia thà bị thiêu cháy chứ không đầu hàng giặc trong cuộc chiến bảo vệ Thành Huế. Nơi đây, mảnh đất từng ôm ấp hài cốt 17 chiến sĩ Vệ quốc đoàn, với họ sống là hy sinh, là quyết tử cho tổ quốc. Nhiều người xuất thân là vậy, nhưng họ đã không tiếc tuổi xanh dâng hiến đời mình cho mùa xuân của đất nước để lại khúc tráng ca bất tử bên dòng Hương Giang.
Ông Vĩnh Mẫn và ông Nguyễn Viết Nhu trước mộ 17 chiến sĩ Trung đoàn 9
Ông Nguyễn Viết Du, nguyên giải phóng quân Vệ quốc đoàn: “Trung đội 9, Trung đội đặc biệt đó của tiểu đoàn giải phóng quân, 17 chiến sĩ này tham gia chiến đấu và cuối cùng trên đường rút về đến chỗ này thì bị bao vây chặt, lực lượng của bọn Pháp mạnh hơn ta rất nhiều, nhưng ta vẫn phải chiến đấu, các đồng chí đã nằm xuống đây, trong đó có chỉ huy là anh Nguyễn Mạnh Giao, Chính trị viến là anh Vĩnh Tập, con một nhà Hoàng tộc”.
Trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến, nhiều thân sĩ trí thức danh tiếng đã từ bỏ mọi cuộc sống thuận lợi mà mặc nhiên mình được hưởng bước ra trận với lý tưởng cao đẹp nhất là đem lại cảnh thanh bình cho đất nước.
Anh hùng Lao động - Liệt sĩ - Giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910 – 1967)
Ông Đặng Nhật Minh, con trai cố giáo sư – Bác sĩ Đặng Văn Ngữ: “Cha tôi là người Huế, thành phần tiểu tư sản trí thức, mẹ tôi là người Huế, thành phần quan lại phong kiến. Cả hai đều đi theo cách mạng. Khởi đầu do cha tôi trong những ngày du học ở Nhật tình cờ đọc được lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh bèn từ bỏ tất cả các công việc nghiên cứu khoa học để về nước tham gia vào sự nghiệp chung của dân tộc. Cha tôi đã từ Nhật Bản đáp tàu thủy về Thái Lan tìm gặp đại diện của Chính phủ ta ở Bangkok để xin về nước tham gia kháng chiến. Chẳng có một tổ chức nào giới thiệu móc nối, ông làm việc đó như một lẽ tự nhiên chỉ vì một động cơ duy nhất: Lòng yêu nước”.
Khoa học thì không có tổ quốc, nhưng nhà khoa học thì có một tổ quốc để phục vụ, Pastuer, một nhà bác học nổi tiếng thế giới từng nói như vậy. Khi du học ở Nhật Bản, nhiều thế lực người Pháp, người Nhật, người Mỹ muốn thu hút sử dụng tài năng của Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhưng ông luôn nghĩ mình là người Việt Nam cần phải làm gì cho tổ quốc. Như tất cả những người Việt Nam yêu nước, Giáo sư Ngữ không muốn làm người đứng ngoài cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc mình. Việt Nam, một đất nước nhiệt đới nóng ẩm hàng năm không biết bao nhiêu người phải dã từ cuộc sống vì bệnh sốt rét. Là người thầy thuốc, giáo sư Đặng Văn Ngữ không đành lòng ngồi nhìn nhân dân, bộ đội ta bị sốt rét, ông quyết tâm xin vào chiến trường, nơi gian khổ nhất, nghiên cứu các giải pháp phòng, chống sốt rét cho quân và dân ta, đảm bảo cho một trong 3 nhu cầu cấp bách lúc bấy giờ: ăn mặc, đạn dược và thuốc men. Ngày 01/4/1967, GS. Đặng Văn Ngữ đã ngã xuống trên rừng Trường Sơn như bất cứ một người lính nào đã ngã xuống vì sự nghiệp thiêng liêng của tổ quốc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ để lại rất nhiều những tấm gương lớn, tấm gương của trí thức Việt Nam, họ được đào tạo rất chính quy, họ có được đời sống vật chất rất đầy đủ, nhưng họ sẵn sàng hy sinh tất cả để dấn thân đi theo sự nghiệp cách mạng”.
Sự kiện Hoàng đế Bảo Đại thoái vị, bàn giao chính quyền cho cách mạng trong hòa bình là sự kiện có ý nghĩa nhất của Huế trong thế kỷ XX. Không những thế, vị cựu Hoàng còn được mời ra làm cố vấn cho chính phủ mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Một nông nhân, một công dân, một trí thức khi nghe tiếng Nguyễn Ái quốc – Hồ Chí Minh mà đi theo cách mạng đã là chuyện quý, nhưng một vị Hoàng đế khi biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm từ bỏ ngai vàng để được làm công dân của một nước độc lập là điều chưa có tiền lệ. Sự cảm hóa kỳ diệu đó có được chính là từ phẩm cách đặc biệt của một vị lãnh tụ, đường lối cách mạng chính nghĩa, hợp lòng dân và bài học dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dù trải qua nhiều biến thiên thời cuộc, nhưng ngay trước khi qua đời vào năm 1997, cựu Hoàng Bảo Đại với Hồi ký có tên Con rồng An Nam, và trong một cuộc phỏng vấn cuối cùng với nhà báo, sử gia nổi tiếng người Pháp Fédéric Mittérand, ông vẫn xác nhận không hối tiếc, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với Chính phủ cách mạng lâm thời của Hồ Chủ tịch lúc đó.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc: “Ngay cả câu nói của ông Bảo Đại khi thoái vị: Thà làm dân của nước độc lập còn hơn làm vua của một nước nô lệ. Thì trong không khí ấy đó là lời nói rất thật. Bác Hồ nói bàn tay có ngón dài, ngón ngắn, nhưng nó cùng nằm trên một bàn tay, cùng trên một cơ thể. Tức là Bác nhìn thấy tất cả những yếu tố có thể tạo nên sự không thống nhất, sự chia rẽ,…nhưng mà vẫn giữ lấy cái căn cốt của nó là một cơ thể, một quốc gia”.
PGS-NGND. Lê Mậu Hãn: “Cái giá trị lịch sử, giá trị pháp lý Vua Bảo Đại thoái vị bàn giao chính quyền, bên cạnh sức mạnh nổi lên thì giá trị pháp lý làm cho chính quyền cách mạng tháng Tám thành công, vững vàng”.
Sự thành công của Mùa thu cách mạng đã tác động đến số phận mỗi con người. Từ các vị đại thần Hoàng Triều Kinh đô Huế: Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn đến Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe; hành trình từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, đó là hành trình của một vị quan trong chế độ thực dân phong kiến đi về với dân tộc, chọn chỗ đứng về với nhân dân. Phạm Khắc Hòe đã vượt qua mọi thử thách sóng gió, nhiều khó khăn gian khổ nhưng vẫn một lòng gắn bó với nhân dân, tin tưởng vào cách mạng, như ông đã từng viết trong Hồi ký của mình: “Tôi vô cùng tự hào đã chọn con đường Bác đã vạch ra cho toàn thể đồng bào, tôi tự thề với mình sẽ phấn đấu suốt đời noi gương Bác, cố gắng vươn lên không ngừng, hiến dâng tất cả tâm hồn và thể lực của mình cho tổ quốc, cho dân tộc”.
Ông Phạm Khắc Lãm, con trai nguyên Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Triều đình Huế Phạm Khắc Hòe: “Ông Hòe, ông cụ đã từ Triều đình Huế lên chiến khu Việt Bắc một cách nhẹ nhàng, một cách thanh thản và với niềm vui sướng”.
Khó có thể kể hết được tên tuổi con cháu nội, ngoại Hoàng gia quan lại trí thức dưới chế độ cũ đã trút bỏ cuộc sống lá ngọc cành vàng, sẵn sàng gánh chịu gian khổ hy sinh tham gia cách mạng, cống hiến lớn trong nhiều lĩnh vực: quân sự, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội như Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Hải Triều, Lê Quang Long, Tôn Thất Vỹ, Tôn Thất Dương Kỵ, hay như Tôn Thất Cảnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng khen: Một nhà trung nghĩa muôn thuở thơm danh. Điều đáng nói là họ đi theo cụ Hồ từ khi cách mạng còn trong trứng nước.
Từ trái qua: Anh hùng Lao động - Liệt sĩ - Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909 -1968); Anh hùng Lao động - GS. Tôn Thất Tùng (1912 – 1982 - người mặc complet trắng bên trái) hướng dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954); Đại tá – GS- Bác sĩ Tôn Nữ Ngọc Toàn.
Giáo sư Tôn Thất Tùng viết trong hồi ký: “Cách mạng Tháng Tám bùng nổ ở Hà Nội như một ngọn lửa hồng. Cùng với anh em Việt minh, chúng tôi giành chính quyền ở Bệnh viện Phủ Doãn. Chỉ cần nổ ba phát súng là ông chánh y tế Nhật và ông phó y tế Pháp bỏ chạy; ông trước với lưỡi gươm dài lòng thòng, ông sau với cái cặp đầy hồ sơ (…). Một hôm tôi được mời gấp đến xem bệnh cho một “lão đồng chí”. Bước vào phòng, tôi thấy một ông già gầy xanh nhưng có đôi mắt rất sáng. Đó là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Và từ cuộc gặp đầu tiên hôm ấy, tâm hồn tôi chuyển biến theo cách mạng dưới ánh sáng đôi mắt Bác Hồ”.
Đại tá – GS- Bác sĩ Tôn Nữ Ngọc Toàn trong Hồi ký viết cho độc giả là thanh thiếu niên Pháp đã lý giải điều kỳ lạ này: “Chúng tôi thuộc dòng dõi Hoàng gia, giống như nhiều gia đình Hoàng tộc Việt Nam, chúng tôi là những người yêu nước, lòng trung thành với tổ quốc cũng là đạo lý của gia đình tôi, nó đã bắt rễ sâu trong tim tôi. Người Việt Nam không cam lòng nhìn người Nhật lẫn người Pháp cai trị đất nước mình, chúng tôi muốn độc lập. Với các bạn cùng lớp chúng tôi hát to bài xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Với tôi, mặc dù mẹ không đồng tình, bà nói rằng việc binh đao là của nam giới, nhưng tôi vẫn quyết tâm tham gia quân đội ở Huế từ tháng 9/1945”.
Ngày ấy con gái bước ra khỏi nhà quá ngày là cả xóm đã dị nghị, vậy mà nàng tiểu thư Tôn Nữ Ngọc Toàn đã bước qua lễ nghi phong kiến của Hoàng gia để chọn con đường đi theo cách mạng. Bà Tôn Nữ Ngọc Toàn, nguyên Giải phóng quân – Vệ quốc đoàn nhớ lại: “Chúng tôi học đến lúc đấy đã biết băng bó, thấy cô giáo đi, mọi người đi, rồi cũng khóc đòi đi. Mấy anh này cũng đi, học trò cứ nhìn nhau, thấy bên kia mấy anh đi thì tụi mình cũng đi chứ, thế là đăng ký đi. Ở nhà thì bà cụ tôi lúc đầu bảo: Con trai con lứa thì nó đi lính, còn mình là con gái nhà lành ai lại đi lính tráng. Nhưng tôi nói: không phải chỉ có các anh đâu mẹ ơi, cô giáo cũng đi xếp bút nghiên”.
Ông Nguyễn Viết Du, nguyên Giải phóng quân – Vệ quốc đoàn: “Cái lý tưởng là chỉ có yêu nước thôi, đến khi cách mạng lên một cái là tìm mọi cách để mà được đi bộ đội, dù chưa đến tuổi”.
Ông Vĩnh Mẫn, nguyên giải phóng quân Vệ quốc đoàn: “Chỉ trong vòng 100 thước, bốn gia đình con quan cả đều kéo nhau đi theo cụ Hồ”.
Tại sao những gia đình dòng dõi có vị trí lớn trong Hoàng tộc, vậy mà khi Triều đình bị lật đổ họ không chống đối mà lại tham gia kháng chiến ngay từ lúc cách mạng còn non trẻ, đất nước trong tình thế hết sức khó khăn, hiểm nghèo? Nhiều nhà nghiên cứu cách mạng Việt Nam lý giải hiện thực đó là tinh thần dân tộc.
Ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa TW: “Giới sử học thì thường hay nói nhiều là Triều Nguyễn đã có những ông vua để mất nước vào tay Pháp, thì điều đó là đúng. Thế nhưng mà có một sự thật nữa cũng cần phải nói rõ là sau đó cũng rất nhiều ông vua đã đứng lên chống Pháp. Chí ít cũng có ba ông vua: Vua Hàm Nghi, vua Thành Thái, vua Duy Tân đã Chống Pháp và bị Pháp đày đi ra nước ngoài. Có lẽ trong lịch sử chống chủ nghĩa thực dân thì không có nước nào mà một lúc cả ba ông vua đều chống thực dân và đều bị đày như thế cả. Vì vậy mà con cháu họ thì vẫn tiếp tục chủ nghĩa yêu nước đó”.
Từ ngàn xưa với Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung,…dân tộc Việt Nam nối tiếp truyền thống dựng nước và giữ nước. Chính với truyền thống quý báu đó mà những người trong Hoàng tộc họ Nguyễn cũng như mọi tầng lớp nhân dân đã đi theo cụ Hồ, theo ngọn cờ đại nghĩa ngay từ khi chính quyền cách mạng còn non trẻ với vô vàn thử thách cam go, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết một cách hết sức sâu sắc nhưng rất là giản dị rằng lúc nào chúng ta đoàn kết thì giữ được nước; lúc nào chúng ta chia rẽ, mất đoàn kết thì chúng ta mất nước. Cách mạng tháng Tám thành công, chúng ta thấy khối đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện hết sức là hào hùng, lúc đó các tổ chức cứu quốc ra đời, đương nhiên có những người cộng sản, có những người ở tầng lớp khác nhau, những người lao động, những công nhân, nông dân, thợ thuyền, trí thức,v.v…Nhưng chúng ta còn thấy ngay cả tầng lớp quan lại (đương nhiên cũng có một bộ phận họ không theo kịp). Và có lẽ không đâu bằng cái đất Huế này là thể hiện rõ nhất. Và chính vì thế mà chúng ta giành được độc lập, giữ được độc lập trong một điều kiện cực kỳ khó khăn, và chúng ta còn nhớ một sự kiện hy hữu trong lịch sử ngoại giao thế giới là một vị Chủ tịch nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng sang nước Pháp không phải với hơn một tuần là thượng khách mà sau đó còn ở lại sống như một người dân hòa cùng với cuộc sống của người dân, về nhà một người dân ở để làm gì? Để gặp gỡ các chính giới Pháp, các lực lượng xã hội Pháp, với quốc tế,.. chỉ với một điều kiện thôi, là nước Việt Nam tha thiết mong muốn hòa bình. Cái điều quan trọng hơn cả chiến thắng của cuộc chiến tranh đó là thống nhất đất nước. Và nếu nói cho cùng nữa, cho đến tận ngày hôm nay cái việc bảo vệ nền độc lập đi đôi với toàn vẹn lãnh thổ trong đó có biển đảo vẫn là một mục tiêu của chúng ta”.
Giữa Quảng trời bao la của Ba Đình lịch sử, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh in hình như một cột mốc vĩnh cửu. Trên con đường bão táp dẫn tới cột mốc vinh quang này của đất nước tự do, nhân dân Việt Nam đã phải kinh qua nhiều trận chiến đấu khốc liệt, nhiều sự hy sinh chồng chất, nhiều nỗi gian lao dồn dập; cột mốc vinh quang này được xây dựng chủ yếu bằng quan hệ những con người, bằng nhân cách thanh cao và tỏa sáng của vị lãnh tụ. Những người trên thế giới này có biết bao điều không giống nhau, thậm trí trái ngược nhau về cảnh ngộ, về lý tưởng sống, về trình độ hiểu biết, về xu thế chính trị hay tôn giáo,…nhưng miễn không phải là những kẻ áp bức bóc lột, các thế lực xâm lược và tay sai của chúng thì mỗi người đều có thể thấy ở cuộc chiến đấu của Hồ Chủ tịch, những điều mà mình mong mỏi, những giá trị tinh thần mà mình tha thiết, những mục tiêu mà mình khát khao muốn vươn tới. Và có lẽ mẫu số khát vọng này chính là con đường tự do để những thân sĩ, trí thức, quan lại, danh gia vọng tộc, Hoàng thân quốc thích ở Kinh đô Triều Nguyễn hướng về cụ Hồ, đi theo cách mạng để khẳng định với lịch sử: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.
Nguồn: VTV1 – Cập nhật ngày 22/8/2015
- Lý do chỉ 65 trên 958 giải Nobel được trao cho phụ nữ
- Chưa từng có trong lịch sử, Pháp trở thành nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới sửa Hiến pháp vì chị em phụ nữ nhân dịp lễ 8/3
- Tác giả đoạt giải văn chương Nhật Bản sử dụng AI trong tiểu thuyết, độc giả tranh cãi
- Nhật Bản đóng cửa hơn 8.500 trường học vì dân số già
- Vì sao phụ nữ hiện đại ngày càng ngại kết hôn?
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024