Nô lệ ở vùng chiến

(SGGPO)- Trong khi hàng triệu người đang chạy trốn khỏi cuộc xung đột khốc liệt tại Syria, thì hàng trăm phụ nữ Nepal lại bị đẩy sang đây và buộc phải làm việc như nô lệ. Khi đi, họ chỉ biết bị Damascus đưa đi mà không biết mình bị đưa vào vùng chiến tranh.

“Tôi không biết bất cứ điều gì về Syria. Tôi đã không biết rằng có chiến tranh ở đấy. Các đại lý lao động nước ngoài nói với tôi nơi đây giống như Mỹ”, Gyanu Reshmi Magar, 25 tuổi, người đã được hứa hẹn có một công việc ở Dubai nhưng cuối cùng bị đẩy tới thủ đô Syria kể trên tờ The Guardian. Magar bị đưa sang Syria qua ngã Ấn Độ và được giải cứu về Nepal. Chị cho biết, để về được phải đền cho chủ 6.000 USD.

Chị Magar sau khi được giải cứu khỏi tình trạngnô lệ lao động ở Syria

Theo một nhà ngoại giao Nepal, tình trạng buôn bán phụ nữ từ Nepal đến Syria đang gia tăng mạnh. Năm 2014, ước tính có khoảng 300 phụ nữ Nepal tại Syria và kể từ đó, con số này liên tục tăng lên và hiện nay có thể có đến 500-600 người. Theo nhà ngoại giao này, rất dễ dàng để các tổ chức tuyển lao động ở Damascus tuyển các cô gái đến từ Nepal với chiêu trò lừa các cô đến Dubai với mức lương cao. Nepal không có đại sứ quán ở Syria và Iraq, nhưng theo người phát ngôn của tòa đại sứ Nepal tại Pakistan, đã có khoảng 3.000 phụ nữ Nepal làm việc tại Kurdistan (khu vực thuộc các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria) và cả các vùng chiến sự ở Bắc Phi.

Trở lại với câu chuyện của Magar. Chẳng bao lâu sau khi đến Damascus, chị được đưa đến làm việc cho một gia đình và hoàn toàn bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài. “Tôi đã không rời khỏi căn nhà trong 7 tháng”, chị nói. Lúc đầu, Magar không biết chị đang ở trong khu vực chiến tranh. Magar cho biết: “Khi tôi hỏi gia đình chủ về những quả bom, họ chỉ nói rằng đó là việc đào tạo quân đội”. Nhưng thật may, nhờ truy cập vào mạng internet, chị đã phát hiện ra sự thật. “Tôi phát hiện ra về cuộc chiến Syria thông qua Internet. Tôi sợ, nhưng không thể làm bất cứ điều gì”, Magar kể lại. Cũng nhờ Internet, Magar đã tự giải thoát mình sau khi liên lạc với gia đình ở Nepal thông qua Facebook và Đại sứ quán Nepal ở Ai Cập tìm cách giải cứu chị. Sau 17 tháng, Magar trở về Nepal hầu như trắng tay. “Đôi khi tôi thức dậy, tôi cứ ngỡ mình vẫn còn ở Syria”, chị nói.

Durpada Sapkota, một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Nepal, cho biết, khoảng 25 người lao động trong nước Nepal đã liên lạc với bộ yêu cầu được cứu nhưng điều đó rất khó vì những người này không đi lao động thông qua các kênh chính thức. Hiện tại, Chính phủ Nepal đã bổ nhiệm một bộ phận chuyên về Syria làm việc với Đại sứ quán Nepal tại Ai Cập sẵn sàng giải cứu các phụ nữ Nepal gặp rắc rối. “Syria là cơn ác mộng với tôi”, Magar nói. Chị đã phải làm việc gần 20 giờ một ngày, không có đủ thức ăn và thậm chí không có thời gian để ngủ, lại bị đánh đập nhiều lần.

Magar muốn nhắn nhủ rằng những lời hứa của tất cả các công ty tuyển dụng lao động “ma” đều là giả tạo. Chị kêu gọi bất cứ ai muốn đi lao động nước ngoài phải chắc chắn rằng họ đã nắm tất cả mọi thông tin trước khi lên đường.

Khánh Minh; Thứ bảy, 02/01/2016, 08:05 (GMT+7)

 

 


Phần mềm giao nhận logistic