Tại sao không nên đọc sách khi đang đi bộ hoặc ngồi tàu xe?

(SKGĐ) Đọc sách trong khi đang đi bộ hoặc đi tàu, ôtô là một trong những thói quen gây ảnh hưởng tới đôi mắt.

Những chuyển động lắc của xe khiến mắt bạn phải điều chỉnh cho phù hợp để có thể nhìn thấy chữ, từ đó gây căng thẳng cho mắt, khiến chúng ta thấy mệt mỏi và buồn nôn.

TS. Michael G. Stewart (Trưởng khoa Tai-mũi-họng, Bệnh viện NewYork-Presbyterian - thuộc Đại học Dược Weill Cornell, Mỹ) định nghĩa: Chóng mặt do đọc sách khi ngồi trên tàu xe là cảm giác chuyển động của bản thân hoặc môi trường xung quanh trong khi thực sự chúng không chuyển động.Vấn đề là sự thiếu kết nối giữa những gì mắt bạn nhìn thấy với những gì cơ thể bạn cảm thấy, và điều đó có thể gây ra hiện tượng chóng mặt.

Trung tâm cân bằng của con người nhận 3 đầu vào: Thị giác, cảm nhận về vị trí (gọi là sự cảm nhận trong cơ thể) và đầu vào từ tai. “Khi bất kỳ đầu vào nào không có sự đồng bộ thì bạn sẽ cảm thấy chóng mặt, hoặc choáng váng”, tiến sĩ Stewart nói thêm.

Vấn đề đối với việc đọc sách khi đang đi ôtô là tầm nhìn của bạn được cố định vào một vật, nhưng cơ thể và tai trong của bạn lại nhận chuyển động, vì vậy đôi khi có thể gây chóng mặt.

Xung đột cảm giác này gây ra cảm giác buồn nôn, bởi vì lúc này trong não sẽ xuất hiện suy nghĩ rằng bạn đã ăn gì đó độc hại khiến cơ thể bạn có ảo giác.

Mặt khác, khi xe lắc lư bên này bên kia, khiến khoảng cách giữa mắt và sách báo thay đổi, chữ không ngừng biến động, thêm vào đó sự thay đổi liên tục của ánh sáng, muốn nhìn thấy chữ thì phải liên tục điều chỉnh tiêu cự, sẽ rất dễ khiến thần kinh thị giác bị mỏi, có thể gây cận thị, loạn thị.

Ảnh minh họa

Nhị Hà; 2:22 PM | 01/06/2015

 

 

 


Phần mềm giao nhận logistic