Chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đối phó với thách thức thiên tai

(SGGPO) - Gần 2 tháng qua, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), miền Trung, Tây Nguyên gồng mình trước hạn, mặn. Đợt chống chọi được đánh giá xảy ra sớm và sẽ kéo dài đến giữa năm 2016. Trước những tác động của thiên tai, câu hỏi rất thời sự được các chuyên gia đặt ra hiện nay là thách thức thiên tai tác động như thế nào đến tăng trưởng kinh tế? Việt Nam cần làm gì để đối phó với tình trạng này?

Diện tích lúa trên đất nuôi tôm của người dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Màu chết do nhiễm mặn. Ảnh: T.L

El Nino dài nhất trong 60 năm qua

Theo nhận định của các chuyên gia, ảnh hưởng của hiện tượng El ¬Nino nên mùa mưa năm 2015 đến trễ, kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với trung bình nhiều năm. Điều này chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc. 
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, những năm 1997-1998, Việt Nam từng trải qua đợt El Nino mạnh kỷ lục, cường độ tương đương với đợt El Nino đang diễn ra từ cuối năm 2014, dự báo kéo dài đến giữa năm 2016. Nhưng ảnh hưởng của El Nino đợt này lên tới khoảng 20 tháng, dài hơn hẳn thời kỳ 1997-1998 và là dài nhất trong khoảng 60 năm qua.

Trước tình hình hạn, mặn bủa vây hầu khắp các tỉnh ĐBSCL, đến nay đã có 8 tỉnh, thành trong vùng công bố các cấp độ thiên tai để đối phó. Các giải pháp cấp bách, ứng phó tình trạng hạn mặn đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phươngvà nhân dân trong vùng tích cực triển khai.

Trong chuyến làm việc với một số địa phương tại ĐBSCL chịu ảnh hưởng của khô hạn mặn mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu lãnh đạo địa phương phải quyết liệt ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Trung ương sẽ tạo mọi điều kiện để địa phương thực hiện hiệu quả những giải pháp giúp người dân ứng phó, vượt qua đợt hạn mặn lịch sử này. Tổng Bí thư nhấn mạnh, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, cần chủ động phương án phòng chống, thích ứng cho cả trước mắt và lâu dài, nghiên cứu chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cơ cấu kinh tế phù hợp...

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó và giảm thiếu các tác động của BĐKH. Theo Chương trình về BĐKH, an ninh nông nghiệp và lương thực khu vực Đông Nam Á, BĐKH là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, trong đó Việt Nam là một quốc gia phải chịu ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng ấm lên toàn cầu và nước biển dâng.

Thách thức thiên tai sẽ thúc chuyển mô hình tăng trưởng

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt (Đại học Kinh tế Quốc dân), ở Việt Nam, thiên tai đang ngày càng gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại, từ đó làm mất đi nhiều thành quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Trong giai đoạn 2002-2010, thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi cả nước thấp nhất là 0,14% GDP (năm 2004) và cao nhất là 2% GDP (năm 2006). Tính bình quân trong 15 năm qua, thiên tai đã gây tổn hại khoảng 1,5% GDP hàng năm cho kinh tế Việt Nam.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển thế giới và Đại học Copenhaghen (năm 2012) cho biết, nếu GDP vào năm 2050 của Việt Nam đạt trên 500 tỷ USD thì thiệt hại do BĐKH có thể lên đến khoảng 40 tỷ USD vào năm 2050 – tương đối lớn về giá trị tuyệt đối và có thể giảm xuống nếu Việt Nam có chính sách ứng phó với BĐKH phù hợp và hiệu quả.

Bên cạnh thách thức, theo ông Vương Đình Huệ, BĐKH sẽ tạo cơ hội thúc chuyển mô hình tăng trưởng. Theo ông, quan điểm của Đảng về phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với BĐKH đã được thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 10, 11; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020... Về tổng thể, với cách triển khai và thực hiện tương đối mạnh mẽ trong những năm qua thì những thách thức đến từ thiên tai sẽ sớm chuyển thành cơ hội, tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Những mục tiêu cụ thể đến năm 2020 về ứng phó với BĐKH mà Nghị quyết 24-NQ/TW đề ra như việc chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung… có thể đạt được.

Đồng tình với nhận định này, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng với Việt Nam, đây là thời điểm để Việt Nam thay đổi mô hình tăng trưởng nhằm đạt được sự phát triển nhanh và bền vững. Trong cuộc chiến với BĐKH, Việt Nam cần phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết; khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chủ động thích ứng với BĐKH…

Đức Minh; Thứ bảy, 26/3/2016, 08:22 (GMT+7)

 


Phần mềm giao nhận logistic