Đi chợ trời ở Tokyo

Trong guồng quay tất bật của cuộc sống, có lẽ không có gì thú vị hơn là dành một ngày cuối tuần trong tháng để dạo chợ trời ở Tokyo (Nhật Bản) với vài người bạn.

Cũng không khó để lựa chọn điểm đến vì lịch họp chợ đã được đăng trên các trang thông tin cần thiết như ngày giờ, địa điểm diễn ra, bao nhiêu gian hàng, các loại hàng hóa, thậm chí có cả bản đồ hướng dẫn cách đi rất chi tiết. Tùy vào việc người mua muốn chọn đến khu chợ nào và thích những mặt hàng gì. Các khu chợ thường họp vào cuối tuần, địa điểm là tại công viên, khu vực gần các tòa cao ốc có cây cối tỏa bóng mát. Mỗi gian hàng ở chợ có diện tích khoảng 2m², được bài trí đẹp mắt, hàng hóa được sắp xếp trên một tấm ni lông. Ở đây, có các mặt hàng có giá vô cùng rẻ, đồ cũ, đồ mới đều có cả. Các sản phẩm được bày bán ở đây chủ yếu là quần áo, từ hàng hiệu cho đến bình dân, đồ gốm sứ, đồ cổ, đĩa nhạc, sách, vật trang trí hay sản phẩm handmade các loại…

Một phiên họp chợ trời ở Tokyo

Hồi mới sang Nhật, tôi không biết những khu chợ này bởi cứ nghĩ rằng ở một đô thị hiện đại bậc nhất như Tokyo thì chỉ có các khu trung tâm mua sắm hay các đại siêu thị. May là có vài đồng nghiệp “mách nước” chỗ mua những món đồ vẫn còn dùng được với giá phải chăng. Chỉ dạo chợ được vài lần, tôi đã sắm được nhiều món ưng ý, từ đồ trang trí nhà, túi xách và đĩa nhạc. Chợ trời ở Nhật không có cảnh chèo kéo khách hàng, khi đến xem hàng, người bán mỉm cười và nói “xin chào”, vẫn vui vẻ “cảm ơn” khi bạn không chọn được gì. Đồ cũ ở chợ chất lượng vẫn còn tốt. Đi chợ, bạn không bắt buộc phải trả đúng giá mà người bán đưa ra, mà có quyền trả giá và thường thì giá mua ở đây rẻ hơn mua trong các cửa hàng hay siêu thị tới 30%. Với những lao động Việt Nam như tôi hay những em du học sinh, đi chợ trời vừa tiết kiệm được kha khá tiền lại vừa được thư giãn vào cuối tuần. Điểm thú vị là càng gần giờ đóng cửa chợ thì giá sẽ càng giảm. 

Chợ trời tại Nhật bắt đầu phát triển từ những năm 1990, với mong muốn giảm thiểu sự lãng phí tiêu dùng trong xã hội. Nhà người Nhật đa số có diện tích nhỏ hẹp mà đồ dùng như quần áo lại phải mua sắm theo mùa. Thế là cứ vài tháng lại có đồ dư, đem cất thì không biết để đâu nên đành… mang đi bán. Kể từ đó, tại nhiều địa phương của Nhật đã tự hình thành các khu chợ luôn tấp nập người mua kẻ bán vào dịp cuối tuần. Có khi, các khách hàng cũng là những khách du lịch muốn đến chợ để tìm hiểu nét văn hóa độc đáo ở đây. Tuy là chợ trời nhưng cũng có các quy định nghiêm ngặt. Các nhà tổ chức cấm bán hàng nhái, hàng giả và sẽ kiểm tra danh mục sản phẩm trước. 

Tính riêng tại Tokyo có hơn 10 khu chợ trời. Tôi vẫn hay chọn chợ trời Ooi vì đây là chợ trời lớn nhất Tokyo với 600 gian hàng lớn nhỏ và mở thường xuyên vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Tới đây, bạn có thể mua được những món đồ vẫn còn mới, nếu biết mặc cả thì cực kỳ rẻ.

Phạm Khánh; Chủ nhật, 02/4/2017, 10:38 (GMT+7); Nguồn: SGGP Online


Phần mềm giao nhận logistic