Tủ sách TÂM LÝ & KỸ NĂNG SỐNG của chuyên gia tâm lý – thạc sỹ Lý Thị Mai, hội viên Hội Nữ trí thức TPHCM

Chuyên gia tâm lý - thạc sỹ Lý Thị Mai là hội viên Hội Nữ trí thức TPHCM. Bà cũng là tác giả của 38 tác phẩm đã được xuất bản. Nhân dịp Hội Nữ trí thức TPHCM ra mắt Trung tâm Tư vấn hỗ trợ phát triển, bà đã gửi tặng Trung tâm bộ sách CÙNG XÂY MÁI ẤM, xuất bản tháng 3.2017. Bộ sách gồm 14 tập sách tư vấn tâm lý, kỹ năng sống.

Ban Biên tập sẽ lần lượt giới thiệu đến hội viên & độc giả các tình huống tư vấn trong tập 1 của bộ sách CÙNG XÂY MÁI ẤM.

 

1.  KHÔNG NÊN SUY DIỄN

   Thưa cô

      Ba cháu lấy vợ mới. giờ mỗi khi tụi cháu cần xin ba cái gì, dù là tiền học hay tiền mua sắm, ba cháu đều bảo tụi cháu “Các con hỏi cô”. Ba cháu làm vậy có ý gì. Có phải để sỉ nhục và làm khó mẹ con cháu không.

                                                                  Thỏ Ngoc (Đà Nẵng)                                                                                                                                               

Thỏ Ngọc thân mến

   Rất tiếc là ba má cháu phải chia tay nhau, nhưng thôi, chuyện đã xảy ra rồi và bây giờ ba cháu cũng đã có gia đình mới, không ai có thể thay đổi được thực tế này nữa. Vả chăng, với chuyện của người lớn, các cháu không nên tham gia bàn luận làm gì. Điều quan trọng nhất là các cháu hãy sống thật ngoan, hãy học thật giỏi và đừng bao giờ làm cho ba má buồn thêm.

             

Bất cứ gia đình nào muốn có đời sống vật chất bình ổn, nguồn thu phải tập trung về một mối và người quản lý tiền tốt nhất vẫn thường là phụ nữ.

               

   Khi các cháu xin tiền, ba cháu nói “các con hỏi ”, chuyện không xấu như các cháu nghĩ đâu. Thứ nhất, đàn ông không phải ai cũng ưa giữ tiền. Bất cứ gia đình nào muốn có đời sống vật chất bình ổn thì nguồn thu phải tập trung về một mối và người quản lý tiền tốt nhất vẫn thường là phụ nữ nên ba các cháu bảo hỏi vợ mới của ba là bình thường. Thứ hai, các cháu muốn giữ mối quan hệ cha con tốt đẹp, phải luôn biết tôn trọng người vợ mới của ba. Ba các cháu nói hãy hỏi cô nghĩa là ba các cháu tin vợ mới của ba sẽ chân thành giúp ba thực hiện bổn phận nuôi dưỡng các cháu.

   Tóm lại, lời ba các cháu không có ý xấu cũng không phải là lời làm khó hay là lời sỉ nhục các cháu và mẹ của các cháu đâu. Đừng suy nghĩ theo lối suy diễn để rồi tự mình làm khổ mình.

 

2.  ĐỪNG ĐỂ LỠ LỜI VỚI AI

       Kính gửi chị Lý Thị Mai

      Tuy đã ly hôn nhưng vì muốn con có cha có mẹ đàng hoàng nên em vẫn cho các con qua nhà ba chơi vào cuối tuần nhưng con em không muốn qua chơi nữa. Gặng hỏi mới biết vợ sau của anh ấy thường mạt sát, nói xấu em, cho là em không tự trọng, nuôi con không nổi, phải nhờ vả. Vậy em nên nói chuyện với chồng cũ hay với cô ta ? Em có nên cho các con qua gặp bố nữa không ?

                                                                        Anh Thơ (Hà Nam)                                                            

Anh Thơ thân mến

   Việc em cho các cháu qua thăm ba vào dịp cuối tuần là rất nên vì đó là việc hợp đạo nghĩa ở đời. Em không những cho các cháu đi mà còn tạo điều kiện cho các cháu đi, điều đó nhất định sẽ tạo ra dấu ấn sâu sắc trong tình cảm tốt đẹp của các cháu với mẹ nhưng các cháu bỗng không muốn đi nữa, em cũng đừng buồn. Trẻ nhỏ tuy chưa đủ trình độ lý luận cao để phân tích nhưng bù lại, hầu như cháu nào cũng được trời ban cho sự đặc biệt mẫn cảm. Hãy để các cháu tự cảm nhận và chọn lựa theo cách của các cháu. Vai trò của em là giữ thái độ khách quan để hướng dẫn cho các cháu hiểu sự đúng sai. Người vợ sau của anh ta có thể đã thiếu tỉnh táo nên lỡ lời, còn em, khi thấy rõ những lời không hay, tốt nhất là không nên để mình cũng lỡ lời với bất cứ ai.

             

Trẻ nhỏ tuy chưa đủ trình độ lý luận để phân tích nhưng bù lại, cháu nào cũng được trời ban cho sự đặc biệt mẫn cảm. Hãy để các cháu tự cảm nhận và chọn lựa theo cách của các cháu.

              

   Có lẽ em không cần gặp chồng hay gặp vợ mới của chồng. Hãy để anh ấy tự chịu trách nhiệm về mình. Em không nên xúi giục nhưng nếu các cháu tìm cách xa lánh dần, đó chính là hình phạt nặng nề nhất đối với anh ta.

 

   3.  THIÊN HẠ XÌ XẦM KHÔNG ĐÁNG SỢ BẰNG TA XAO ĐỘNG

   Kính gửi chị Lý Thị Mai

   Mẹ của vợ cũ chồng tôi mất, anh về bên ấy cùng cả gia đình lo tang ma, vì bà vốn là cô giáo cũ của anh và nghe nói bà đối xử rất tử tế với anh. Thế nhưng nhìn cảnh đó, bạn bè tôi cứ xì xầm rằng chồng mày muốn quay lại với vợ trước. Lời nói ấy làm tôi rất khó chịu. Tôi phải làm sao với chồng đây. Sắp tới ba vợ cũ của chồng tôi cũng mất và nhà bên ấy sẽ còn kiếm nhiều cớ khác để chồng tôi phải lui tới. Tôi phải làm sao để giữ chồng ?

                                                                      Bích Ngân (Cần Thơ)                                

Bích Ngân thân mến

   Chồng em ly dị vợ là chuyện của quá khứ, chúng ta không cần bàn tới nữa. Sau đó chồng em đã cưới em, đấy là một chọn lựa rất rõ ràng, một quyết định rất minh bạch. Nay, mẹ vợ cũ của anh ấy qua đời, anh ấy về lo tang ma là chuyện bình thường, hơn thế nữa còn đáng khen. Nghĩa tử là nghĩa tận, lẽ ra em nên cùng chồng đường đường đến dự lễ tang mới phải.

               

Dù có cả trăm người xì xầm cũng không thể nào sánh với một lần chính tâm tư của ta bị xao động và hành hạ ta.

      

   Chồng em ly dị vợ nhưng mẹ vợ vẫn cứ là mẹ vợ, ai lại dứt tình một cách lạnh lùng như thế. Chính em cũng xác nhận cụ là người tử tế, đối xử rất tốt với anh ấy, góp phần lo tang ma cho cụ là hợp đạo nghĩa sao em lại khó chịu. Vả chăng mẹ vợ cũ là cô giáo của anh ấy. Tóm lại, anh ấy có quá nhiều lý do chính đáng để đi lo việc tang ma. Dù có cả trăm người xì xầm cũng không thể nào sánh với một lần chính tâm tư của ta bị xao động và hành hạ ta. Nếu em không điều chỉnh nhận thức và phép ứng xử của mình, sớm muộn thế nào chồng em cũng sẽ hụt hẫng về em. Chuyện sau đó diễn ra như thế nào, chắc chắn em đã hình dung được rồi.

          

   4.  ĐẠO NGHĨA CẦN ĐƯỢC ỦNG HỘ

     

   Kính gửi chị Lý Thị Mai

   Cuộc sống của chúng tôi không có gì phàn nàn. Chỉ có một điều khiến tôi phiền muộn anh quá thương nhớ vợ con, những người đã qua đời trong một tai nạn máy bay thảm khốc khá lâu rồi. Anh lập bàn thờ những người thân yêu trên tầng áp mái. Nhiều hôm tôi gặp anh đẫm nước mắt trước bàn thờ vợ con cũ, dù chuyện buồn ấy xảy ra đã lâu. Điều này luôn ám ảnh cuộc sống chung của tôi. Tôi đã khuyên nhủ…nhưng vẫn không cải thiện được.                                                               

Nhật Hà (Bắc Ninh)                                                                     

                                                                     

   Nhật Hà thân mến

   Cần phải khẳng định chồng em là người rất giàu tình cảm, sống có trước có sau và minh bạch trong cách ứng xử. Vợ con anh ấy qua đời vì tai nạn máy bay, tổn thất lớn lao này sẽ mãi mãi in sâu trong ký ức của anh. Việc anh ấy lập bàn thờ vợ con rồi nhiều lúc ngồi trầm tư bên bàn thờ, để mặc cho nước mắt rơi…là biểu hiện đáng quý của đạo nghĩa cao đẹp mà anh ấy thụ bẩm được. Em yêu anh ấy có lẽ một phần cũng bởi đạo nghĩa này.

 

Thắp nhang bàn thờ không phải để tạo sự ấm áp cho riêng ai mà quan trọng hơn, lòng ta sẽ được thanh thản và dù tin là có hay không có hồn thiêng lúc nào ta cũng cảm thấy như chính mình đang được phù hộ.

                   

Giá thử vợ con vừa mất, anh đã lãng quên, liệu em có chấp nhận được không. Thay vì phiền muộn, em hãy chủ động cùng chồng lo chăm sóc bàn thờ, cùng chồng thắp nhang cầu nguyện linh hồn của vợ con anh siêu thoát. Chồng vắng nhà, em là người thay chồng chăm sóc bàn thờ cẩn thận. Làm được vậy, chồng em chẳng những thêm yêu quý mà còn hàm ơn em. Thắp nhang bàn thờ không phải để tạo sự ấm áp cho riêng ai mà quan trọng hơn, lòng ta sẽ được thanh thản và dù tin là có hay không có hồn thiêng, lúc nào ta cũng cảm thấy như chính mình đang được phù hộ.

                     

5.  KHÉO LÉO NHỜ CẬY MỌI NGƯỜI NÓI GIÚP

                          

   Thưa chị Lý Thị Mai

  Vợ sau của chồng tôi chính là cháu gái của tôi, vì thế trong các dịp giỗ chạp, ngày tự, ngày tết không tránh khỏi cuộc gặp mặt tay ba. Hễ mỗi lần gặp mặt là cô ta kiếm chuyện để bóng gió xa xôi, thường là chuyện chồng tôi cho tiền các con. Nhiều lần thấy tôi bỏ về ngang, chồng cũ của tôi năn nỉ xin tôi nhịn cô ấy cho êm chuyện. Tôi rất khó xử. Hoàn cảnh tôi cũng khó khăn nên cần sự cấp dưỡng của ông ấy cho các con ăn học đến nơi đến chốn nhưng nhịn cô cháu mãi chắc có ngày tôi lên huyết áp mà chết. Tôi phải làm sao đây?

Trần Thị Luông (Tp.HCM)                                                             

Trần Thị Luông thân mến

   Hoàn cảnh gia đình của em kể cũng khá đặc biệt nhưng thôi em ạ, chuyện đã như thế rồi, dẫu muốn hay không cũng đành phải chấp nhận. Ở nơi gia tộc gặp gỡ nhau nhân dịp lễ tết mà vợ sau của chồng (cũng chính là cháu gái của em) ứng xử thiếu cân nhắc là sai lầm. Em đừng lo làm gì, bởi những dịp lễ tết gặp gỡ như vậy trên đã có các bậc trưởng thượng cao niên nhìn xuống, dưới đã có bà con trong họ hàng thân tộc trông lên, ai đúng và ai sai, ai tốt và ai xấu…đều được thẩm định một cách tự nhiên.

Trách nhiệm và bổn phận tự nhiên của cha là phải biết chăm sóc nuôi dưỡng con. Làm tốt sẽ được mọi người hoan nghênh nhưng không làm sẽ bị pháp luật can thiệp.

 

   Không cần nói gì nhưng vào dịp thuận tiện nào đó, em nên nhờ bậc trưởng thượng khả kính phân tích cho vợ mới của chồng hiểu là chồng có thể bỏ vợ nhưng cha không thể bỏ con. Trách nhiệm và bổn phận tự nhiên của cha là phải biết chăm sóc nuôi dưỡng con. Làm tốt sẽ được mọi người hoan nghênh nhưng không làm sẽ bị pháp luật can thiệp.     

     

6.  NGAY TỪ ĐẦU, THÁI ĐỘ CHẤP NHẬN CẦN ĐƯỢC XÁC ĐỊNH

   Tôi phạm sai lầm trong cuộc hôn nhân do thiếu kinh nghiệm và thiếu sự chuẩn bị tốt trước khi cưới. Tôi đã ly hôn 4 năm, có một con gái 6 tuổi (sống với vợ cũ) và tôi dự định đầu năm sau sẽ cưới vợ lần hai. Nhiều người nói kết hôn lần hai sẽ phức tạp và đau đầu hơn do con chung con riêng, tiền chung tiền riêng và ghen tuông, ganh tỵ…Điều này khiến tôi lo lắng. Nhưng phải cưới vợ thôi. Tôi muốn nghe nhiều lời khuyên của các chuyên gia về những gì mình nên làm và nên tránh để có hạnh phúc trong cuộc hôn nhân lần thứ hai (tôi mong là lần cuối cùng). 

                                                                     Nguyễn Hữu Thế (Hà Nội)                                         

 Nguyễn Hữu Thế thân mến

   Hôn nhân (dù lần đầu hay lần thứ hai) bao giờ cũng thi vị, chỉ có những người vội vã và cạn nghĩ đã vô tình hoặc cố ý đem phức tạp vào hôn nhân, khiến cho tình yêu của họ luôn bị ngột ngạt và hạnh phúc phải lầm lũi ra đi. Muốn tránh phức tạp, đôi bên phải nói thật về hoàn cảnh của nhau.

tình yêu chân thành sâu sắc, có đầy đủ ý thức trách nhiệm và bổn phận, có bao dung và rộng lượng, hạnh phúc gia đình nhất định sẽ tràn trề sức sống.

         

   Chỉ khi nào suy nghĩ thật thấu đáo và sẵn sàng chấp nhận nhau lúc đó mới tính đến chuyện kết hôn. Nhưng, nói chấp nhận trong cuộc hôn nhân lần thứ hai không đơn giản chỉ là chấp nhận một con người với tính cách riêng mà còn là vui vẻ chấp nhận tất cả những gì có liên quan tới họ, ví dụ như con cái đã có trong cuộc hôn nhân trước, như những mối quan hệ vốn đã được thiết lập từ lâu. Có tình yêu chân thành và sâu sắc, có đầy đủ ý thức trách nhiệm và bổn phận, có bao dung và sự rộng lượng, hạnh phúc gia đình nhất định sẽ tràn trề sức sống.

          

7.  XỬ SỰ NHƯ THẾ LÀ KHÔNG CÔNG BẰNG

 

   Sau ly hôn, tôi tái hôn, chồng cũ tuy chưa chính thức có tập hai nhưng cũng không ít bạn gái. Thỉnh thoảng anh đón con gái 7 tuổi về chơi dịp cuối tuần và con gái không tránh khỏi việc chạm mặt bạn gái anh. Điều khó chịu là vài lần cháu hồn nhiên kể chuyện cô gái trẻ, hiện đại thản nhiên âu yếm anh. Có lần họ đưa nhau vào phòng riêng, để con gái một mình ở phòng khách. Biết chuyện tôi giận lắm nhưng cũng hiểu mình không nên can thiệp lỗ mãng vào chuyện riêng của anh nhưng phải đề cập thế nào.

                                                                      Bảo Uyên (Tp.HCM)                                                                    

 Bảo Uyên thân mến

   Sự đổ vỡ gia đình là điều không ai muốn và những hệ lụy xẩy ra sau sự đổ vỡ đó còn gây nên không biết bao nhiêu phiền toái cho đôi bên và cho nhiều người nhưng, ai cũng phải chấp nhận trả giá cho chọn lựa của mình. Sau ly hôn, em quyết định lập gia đình mới và dù muốn hay không, cháu bé 7 tuổi cũng phải chứng kiến cảnh mẹ dành tình cảm cho người đàn ông khác chứ không phải ba của mình nữa. Tương tự như thế, khi về thăm ba, cháu bé cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy ba âu yếm người phụ nữ khác chứ không phải mẹ mình như xưa nữa. Tóm lại, em cần xem lại bản thân bởi người ngoài nhìn vào dễ thấy em xử sự không công bằng. Điều quan trọng nhất không phải em nên nói gì với chồng cũ mà nên nói sao để cho con của em hiểu rõ. Đừng nghĩ cháu 7 tuổi chưa biết gì, trong thực tế, tuy chưa sâu sắc nhưng cháu cũng đã bắt đầu hiểu, chỉ khác người lớn ở chỗ cháu chưa biết cách để diễn đạt hết suy nghĩ của mình. Tất nhiên, em có thể trao đổi với chồng cũ rằng cả em và chồng cũ nên chú ý xử sự cho tế nhị. Chỉ trao đổi chứ đừng trách cứ vì trách cứ là không công bằng. 

             

Đừng nghĩ cháu 7 tuổi chưa biết gì, trong thực tế tuy chưa sâu sắc nhưng cháu đã bắt đầu hiểu chỉ khác người lớn ở chỗ cháu chưa biết cách diễn đạt hết suy nghĩ của mìn

 

8.  HÃY ĐỂ THỜI GIAN KHIẾN MỌI CHUYỆN NGUÔI NGOAI  

   Tôi chuẩn bị lấy chồng. Anh đã ly hôn cách đây 5 năm. Biết chuyện anh sắp lấy tôi, vợ cũ liên tục nhắn tin cho tôi với những lời bất nhã như "cô là loại đàn bà lăng loàn và trắc nết, phá vỡ gia đình người ta", dù tôi chỉ mới yêu anh được 3 năm. Thấy tôi không trả lời những tin nhắn nhục mạ, chị ta quay sang nhắn tin nói xấu chồng cũ, bảo anh là thứ đàn ông không ra gì, suốt ngày chỉ biết bám váy vợ, đã vậy còn trăng hoa, trụy lạc, ngày xưa nếu không có chị, anh chỉ là gã nhà quê nghèo nàn, dốt nát. Tôi yêu và tin anh nên không chấp những lời ghen ngược của người đàn bà ấy nhưng anh rất bức xúc. Anh định sẽ gặp và cho chị ta một trận. Tôi lo lắng sợ có chuyện ầm ĩ, xấu mặt với con anh và người than, không biết làm sao để anh bỏ qua cho chị, không biết nên khuyên chị ta thế nào để vừa giữ được phẩm giá, vừa làm cho chị ta nguôi cơn ghen vô lý. 

                                                                          Bích Thủy  (Bắc Giang)

                                                                      

   Bích Thủy thân mến

   Em đã rất đúng khi không thèm trả lời những tin nhắn với lời lẽ khiếm nhã do người vợ cũ của chồng em gửi đến. Em cũng đừng buồn bực làm gì bởi vì chính những tin lời nhắn ấy đã tự tỏ rõ cho em và mọi người biết chồng em quyết ly dị cô ấy là phải. Em cũng rất đúng khi khuyên chồng đừng nổi cơn thịnh nộ với vợ cũ bởi khi có lẽ phải trong tay, không ai dại dột bạo hành. Bạo hành đã sai, bạo hành với phụ nữ lại càng sai hơn nữa.

   Quyết định ly dị là đủ rồi, ai nỡ đánh cho vợ cũ một trận. Nếu chồng em cạn nghĩ làm vậy, người đời sẽ chê cười và tất nhiên sẽ có không ít người sẵn sàng đứng về phía vợ cũ anh ấy và cho rằng vợ cũ của anh buộc phải ly dị vì không chịu nổi tính vũ phu. Em không cần phải khuyên vợ cũ của chồng, hãy để thời gian làm cho cô ấy nguôi ngoai dần. Nếu cô ấy không thể nguôi ngoai cũng có nghĩa là suốt đời cô ấy luôn phải sống trong oán hận. Không tại ai cả. Tại chính cô ấy.   

        

Bạo hành đã sai, bạo hành với phụ nữ lại càng sai hơn nữa.

      

9.  CẦN BÌNH TĨNH SUY NGHĨ THÊM

                                 

   Sau khi vợ qua đời 5 năm, tôi chuẩn bị lập gia đình lần nữa nhưng vợ sắp cưới của tôi mới kết hôn lần đầu, cô ấy nói thẳng không chung với con chồng, bên ngoại của hai cháu cũng đề nghị được tiếp tục nuôi các cháu như 5 năm qua, vì một người dì của các cháu xem các cháu như con và cô ấy cũng quyết định không kết hôn để lo cho các cháu. Thế là, anh chị em nhà tôi phản đối chuyện tái hôn của tôi. Người thân lập luận, muốn tái hôn, hãy cưới luôn cô em vợ, như vậy các con tôi mới được nuôi dạy và trưởng thành trong tình thương gia đình, nếu không, phải gắng  thuyết phục vợ sắp cưới đồng ý ở chung và nuôi con chồng. Tôi không đồng ý cưới em vợ vì hai con trong khi tôi đâu có tình yêu với cô ấy. Tôi cũng không muốn đối đầu hoặc chia tay với cô vợ sắp cưới. Bây giờ, tôi phải làm sao ?

                                                                      Lê Hữu Phước  (Đăk Lăk)                                         

 Lê Hữu Phước thân mến

   Ở đây có mấy vấn đề liên quan rất chặt chẽ nhưng lại hoàn toàn khác nhau. Thứ nhất, nếu cô vợ sắp cưới nhất quyết không cho hai cháu nhỏ của em ở chung là điều rất đáng lo ngại. Phàm đã yêu nhau và quyết định tiến tới kết hôn với nhau, ai cũng phải biết chấp nhận nhau. Chấp nhận mình em chưa đủ, phải biết chấp nhận tất cả những gì liên quan đến em. Nếu cô ấy không đủ đức độ để cùng em nuôi dưỡng hai cháu nhỏ, có lẽ em cần thận trọng hơn trước khi quyết định cưới cô ấy.

       

Phàm đã yêu nhau và quyết định tiến tới kết hôn với nhau, ai cũng phải biết chấp nhận nhau.

 

   Thứ hai, gia đình bên ngoại muốn nhận nuôi hai cháu như trước đây đã từng nuôi, đó là một ý tốt. Em không được lợi dụng nhưng em cũng cần chân thành trao đổi với gia đình bên ngoại để tìm giải pháp phù hợp. Trách nhiệm và bổn phận của em là phải chăm lo hai cháu đến khi các cháu trưởng thành. Em không muốn kết hôn với dì ruột của hai cháu là quyền riêng của em, không ai được phép ép buộc. Kể ra người thân của em cũng có ý định tốt nên em hãy cám ơn họ chứ đừng trách họ. Tất nhiên, cám ơn không có nghĩa đồng ý. Tóm lại em nên bình tĩnh suy nghĩ thêm.

 

10.  CHỚ ĐỂ SỰ ÁM ẢNH CHI PHỐI SUY NGHĨ

          

   Mẹ chồng hình như không thích em bằng vợ của anh và cả bé em vừa sinh hình như bà cũng không cưng bằng con của anh với vợ trước. Ai đến thăm, bà hay nhắc tới con dâu và cháu nội trước với ý so sánh (dù nói nhỏ nhưng em vẫn nghe). Em rất buồn. Khi em nói điều này, chồng em có vẻ không vui. Tự nhiên tôi cũng bị ám ảnh rằng chồng không thương con của em bằng con riêng của ảnh. Em đã cố gắng sống tốt để chiếm được tình yêu thương của chồng, mẹ chồng nhưng em không biết làm gì hơn.  

                          Lưu Thị Kiều Trang (Cần Thơ)                                                                                                                  

Kiều Trang thân mến

   Cuộc sống có vô số hình như nhưng trong gia đình, đừng để sự hình như chi phối suy nghĩ của mình. Em nghĩ gì nếu có không biết bao nhiêu người khác cũng hay nói về em toàn những lời diễn đạt dưới dạng hình như. Ở đời, so sánh là bình thường, mẹ chồng em không phải trường hợp ngoại lệ.

            

Cuộc sống có vô số hình như nhưng trong gia đình, đừng để mọi sự hình như chi phối suy nghĩ của mình.

               

Trong lời tâm sự, chính em cũng so sánh đó thôi. Mẹ chồng tuy có so sánh nhưng quan trọng là bà không có ý chọn lựa. Các cháu vẫn là cháu nội của bà, bà cần biết tính cách riêng từng cháu để cùng vợ chồng em dạy dỗ cho có hiệu quả. Nhiều ít nặng nhẹ tuy khác nhau nhưng mọi người đều có thể bị ám ảnh bởi một sự việc nào đó, nhưng một lần nữa, trong cuộc sống gia đình, em không nên để sự ám ảnh chi phối suy nghĩ và tình cảm của mình. Khi em bị ám ảnh về tình cảm cha con của chồng, em có nghĩ là biết đâu cũng có người ám ảnh về cách ứng xử của em không ? Tóm lại, em không nên để sự hình như và sự ám ảnh vô căn cứ hành hạ mình.


Phần mềm giao nhận logistic