Nuôi con học ngành Y ở Pháp

16 giờ ngày 7-7-2020, Trường FAC Medecine Reims bắt đầu mở trang web để thí sinh tìm tên và điểm số. Mười phút sau, điện thoại chị Việt Hà Elodie tại Pháp rung chuông, cậu con trai Schall Friedrich run run thông báo: “Con đỗ Y rồi mẹ ơi!”.

Schall Friedrich

Schall Friedrich

Những năm tháng kiên nhẫn, quyết tâm trộn lẫn cả băn khoăn lo lắng của hai mẹ con, giờ kết tụ thành niềm hạnh phúc như luồng điện chạy khắp cơ thể. Người mẹ Việt ở Pháp này chỉ có thể diễn tả được như thế.

Trên bảng xếp hạng đầu vào của Trường FAC Medecine Reims, Friedrich đứng thứ 118 trên tổng số 1.200 sinh viên thi tuyển sau năm thứ nhất. Chỉ 200 người điểm cao nhất được chọn học tiếp ngành Y. Ngay sau đó, trải qua cuộc thi viết - nói và phỏng vấn bên lề, Friedrich trúng tuyển tiếp một vị trí quan trọng không kém, được giữ lại làm trợ giảng cho CEPSUP - trung tâm luyện thi Y nổi tiếng của tỉnh Reims. Đây là nơi Friedrich đã ròng rã ôn luyện suốt 2 năm để vươn tay chạm tới ước mơ. Từ tháng 8 tới, chàng trai trẻ sẽ chính thức lên bục giảng truyền lại kiến thức, kinh nghiệm và cả lửa đam mê cho thế hệ luyện thi Y tiếp theo. 

Chuyện đào tạo thầy thuốc thì đâu cũng khó, riêng ở Pháp, thí sinh nào trượt Y 2 năm liên tiếp còn bị mất quyền dự thi. Trường không tổ chức thi ngay đầu vào, chỉ nhận hồ sơ thí sinh tốt nghiệp trung học gửi lên để xét, người được chọn sẽ học hết năm đầu mới thi tuyển. Nhưng thi loại năm đầu như thế mới là lúc căng thẳng nhất. Loại nhiều và thẳng tay.

Chị Việt Hà Elodie nhận xét: “Nếu chỉ xét điểm trung học để tuyển thì mỗi trường một cách đào tạo. Trường công khác trường tư, trường chuyên khác trường thường, bảng điểm cũng khác nhau. Xét cho vào ngồi học chung năm đầu rồi thi loại như kể trên sẽ khách quan hơn”. Số thí sinh bị trượt cũng không phải hết hy vọng, họ lại chờ xét điểm để chuyển sang học y tá, dược sĩ.

Cho nên con đường đèn sách theo nghề Y của Friedrich đậm bóng cha mẹ dõi theo, thậm chí đồng hành nhiều giai đoạn. Hai năm cuối trung học, Friedrich bắt đầu theo các khóa prepa - chuẩn bị luyện thi Y khá tốn kém và căng thẳng. Năm đầu chỉ đóng 800EUR cho 80 buổi học, năm sau chi phí lên tới 4.800EUR. Để con hoàn toàn tập trung luyện thi, hàng tuần vợ chồng chị chạy 150km từ nhà đến nơi con trai đang theo học để giúp dọn nhà, nấu ăn.

“Con học vì đam mê” là cách chị Việt Hà Elodie tả cậu con trai thứ hai vừa tròn 20 tuổi. Hầu như bố mẹ không phải nhắc nhở, thúc ép con chuyện học. Từ nhỏ, Friedrich đã biết tự lập thời khóa biểu, ngày nghỉ cũng như ngày đến trường đều được tuân thủ nghiêm ngặt. Học ra học, chơi ra chơi. Tư chất sớm đĩnh đạc. Ấy thế mà khi bày tỏ nguyện vọng học Y, cậu bé vẫn làm bố mẹ băn khoăn. “Phải học hành cực khổ và lâu dài lắm đấy, con theo được không?”.

Chị Hà nhớ mãi câu trả lời của con: “Con học không phải để thi đỗ mà học để đứng tốp đầu”. Từ giai đoạn luyện thi, Friedrich cũng gõ cửa các trung tâm nha sĩ, phòng mạch xin làm quen môi trường, thu thập thêm kiến thức thực tế.

Vợ chồng chị Việt Hà Elodie thuê một studio - phòng trọ riêng biệt cách nhà 150km để con được ở gần trường Y và trung tâm luyện thi, thuận tiện lịch học và lịch trợ giảng từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày.

Ngay khi có kết quả trúng tuyển đại học Y và được làm trợ giảng luyện Y, Friedrich vào bệnh viện đăng ký hiến máu. Cậu cũng khoe với mẹ vừa mua sách dạy nấu món Việt để kết hợp học đọc, học viết tiếng Việt. Trong cuộc phỏng vấn và thi làm trợ giảng cho CEPSUP, Friedrich bày tỏ nguyện vọng học ngành bác sĩ mổ tim 12 năm và mong được về Việt Nam thực hiện giai đoạn thực tập nghề.

HẠNH PHƯƠNG; SGGP Chủ Nhật, 26/7/2020 06:48


Phần mềm giao nhận logistic