Thiên tình sử vĩ đại nhất mọi thời đại

"Không có Gien-ny Phôn-vet-pha-len thì Các Mác không bao giờ được như thế!" Ê-lê-ô-nô-rơ-mác A-rư-linh, người con gái út của vị lãnh tụ giai cấp vô sản toàn thế giới đã viết về bố mẹ mình như vậy. Hai tâm hồn đồng điệu, tuyệt diệu ấy đã gắn bó cuộc đời cùng nhau, tạo nên một thiên tình sử vĩ đại nhất mọi thời đại.

Nghệ thuật không sao đẹp bằng người tình

Là dòng dõi Nam tước Phôn-vet-pha-len, Gien-ny thuộc tầng lớp quý tộc thần thế bậc nhất nước Phổ (Đức). Ông nội là Tổng tư lệnh của quân đội Phổ. Bà nội thuộc tầng lớp quý tộc cao nhất ở nước Tô-cách-lan. Nhưng ông thân sinh của Gien-ny, Lut-vich Phôn-vet-pha-len khác với số đông những đại biểu của giai cấp mình, là một người có học vấn uyên thâm, lại có tư tưởng phóng khoáng (chính vì vậy, sau này Các Mác đã đề tặng bố vợ tương lai của mình luận án tiến sĩ). Còn bà thân sinh lại là một người đàn bà giản dị, chân thành, dành cả cuộc đời vào việc chăm sóc chồng con.

Ngày 12/2/1814, người con gái yêu quý Gien-ny của dòng họ Phôn-vet-pha-len ra đời ở Dan-xve-đen thuộc tỉnh Rê-na-ni, lên hai tuổi bé Gien-ny theo gia đình dọn đến Tơ-re-vơ. Gien-ny trải qua thời thơ ấu êm đềm như một nàng công chúa với đầy đủ vật chất sang trọng và tình yêu thương của gia đình.

Các Mác và Gien-ny.

Ông Lút-vich Phôn-vet-pha-len, một người có uy tín lớn trong giới quý tộc Tơ-re-vơ, ông là bạn thân của quan cố vấn tư pháp Hen-rích-mác, thân sinh cậu bé Mác. Vì vậy bọn trẻ hai gia đình thường nô đùa với nhau trong khu vườn của gia đình Phôn-vet-pha-len. Sau các trò chơi trẻ con, cậu bé Mác tiếp tục là vị khách thường xuyên của gia đình Vet-pha-len.

Năm lên mười hai tuổi, Mác bắt đầu học trung học, thì Gien-ny đã là một thiếu nữ mười sáu tuổi  kiều diễm, xinh đẹp, được mệnh danh là “Nữ hoàng của các vũ hội”. Sau này, trong một bức thư gửi cho cha, Mác đã phải thốt lên: “Nghệ thuật không sao đẹp bằng Gien-ny”.

Biết bao chàng trai quý tộc vây quanh nàng, các cụ thân sinh cũng muốn chọn một chàng rể trong đám thanh niên giàu sang cho con gái yêu của mình. Nhưng cuộc sống hào nhoáng mà trống rỗng của giới thượng lưu không làm trái tim cô rung động, Gien-ny thờ ơ trước sự săn đón của bọn họ, cô đang chờ đợi, tìm kiếm một tình yêu lý tưởng cao cả, một cuộc sống ý nghĩa hơn, và cô đã cảm nhận điều đó chỉ có được ở người bạn thời niên thiếu thường lui tới gia đình mình là Mác.

Thời gian đi qua tuổi thiếu niên, cũng là lúc Gien-ny và Mác bắt đầu nói với nhau những câu chuyện nghiêm túc về cuộc sống xã hội. Đôi bạn trẻ tỏ ra ngưỡng mộ những nhà tư tưởng lớn đương thời, khao khát những lý tưởng tự do của họ. Sau khi tốt nghiệp trung học, Mác đã tỏ rõ quan điềm chính trị của mình; Gien-ny rất tâm đắc và ủng hộ những quan điểm tiến bộ của Mác. Chính sự đồng điệu về quan điểm lý tưởng cách mạng đã thổi bùng ngọn lửa tình yêu, niềm hạnh phúc của hai người, Gien-ny trở thành người bạn gái vô cùng thân thiết và tin yêu của Mác.

Khi phải xa Tơ-re-vơ để vào trường Đại học Bon, Mác mang theo bao kỷ niệm đẹp về người bạn gái thân yêu Gien-ny. Anh viết cho cha: “Khi con rời nhà ra đi, trước mắt con mở ra một thế giới mới, thế giới của tình yêu - một tình yêu say đắm,...”. Năm sau về nghỉ hè, Mác và Gien-ny đã bí mật hứa hôn vì họ biết rằng thiên kiến của dòng họ Phôn-vet-pha-len và nhất là của xã hội thượng lưu không dễ dàng chấp nhận một chàng sinh viên nghèo, lại mang tư tưởng tự do.

Mối tình vượt lên thiên kiến giai cấp và tỏa sáng mãnh liệt

Vượt qua chặng đường bảy năm trường đấu tranh với những thiên kiến tàn nhẫn, cuối cùng một lễ cưới giản dị khác với tập tục của tầng lớp quý tộc đã được tổ chức vào ngày 19/6/1843 gắn bó cuộc đời hai con người tuyệt diệu với nhau. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Mác và Gien-ny đã nguyện cùng nhau dấn thân, dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản.

Từ thời sinh viên, Các Mác vừa là chiến sĩ cách mạng, vừa là lãnh tụ của “nhóm Hê-ghen trẻ”; đến khi trở thành tiến sĩ triết học, thì ông đã nổi tiếng và là một trong những đại biểu ưu tú của nền dân chủ Đức mới hình thành. Vì vậy ông bị liệt vào số những nhà cách mạng nguy hiểm nhất đối với chế độ của nước Đức lúc bấy giờ. Còn Gien-ny với tư cách là người vợ, thì bà đã toàn tâm, toàn ý gắn bó cuộc đời và tham gia vào các hoạt động của Mác. Sau này, Phô-ri-đrich Ăng-ghen, người bạn chí thiết của hai người đã viết: “Gien-ny không những đã cùng chia sẻ số phận, công việc và cuộc đấu tranh của chồng, mà còn dự phần vào đấy với một trí minh mẫn phi thường và một trái tim nồng cháy”.

Trước sự đe dọa, giám sát chặt chẽ của nhà cầm quyền, Mác mất khả năng hành động. Ông quyết định dời khỏi nước Đức, với mong muốn tìm một đất nước có nhiều cơ hội đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả hơn cho cách mạng. Và với tình yêu chồng tha thiết, không ngại khó khăn gian khổ, Gien-ny Mác đã dũng cảm cùng chồng sang Pháp vào tháng 10/1843, bắt đầu cuộc sống tha hương đầy sóng gió.

Khi họ đến Pháp là một cuộc ra đi tự nguyện, nhưng chỉ ít lâu sau nhà cầm quyền Pháp đã tiếp tay cho Chính phủ Phổ trục xuất vợ chồng Mác, họ phải chạy sang Bỉ. Đến khi cuộc cách mạng 1848 bùng nổ ở châu Âu, không chỉ Mác bị bắt mà cảnh sát Bỉ đã vô cớ bỏ tù luôn cả Gien-ny.

Sau khi được thả tự do, Mác trở về Pari. Tháng 4/1848 Mác cùng Ănghen đến Kioln, tại đây Mác trở thành Tổng biên tập Tờ báo tỉnh Sông Ranh, Cơ quan ngôn luận của phái dân chủ. Năm 1849 Chính phủ Phổ đóng cửa Tờ báo và trục xuất Mác. Gia đình Mác lại đến Pari nhưng chỉ lưu lại 3 tháng vì do có sự can thiệp, Chính phủ Pháp lại trục xuất Mác. Họ lại phải dời sang Luân Đôn (Anh quốc). Từ đó là một cuộc sống lưu vong thật sự, với tất cả những khốn khó cùng cực mà số phận xô đẩy Gien-ny và Mác phải trải qua, có lúc tưởng chừng không gượng dậy được.

Gia cảnh thiếu thốn, nghèo khổ ở xứ sương mù lạnh lẽo, khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật đã lần lượt cướp đi của họ những đứa con yêu quý khi còn rất nhỏ. “Tôi đã trải qua nhiều cơn bất hạnh, nhưng đến bây giờ tôi mới hiểu được thế nào là một điều bất hạnh thực sự”, Mác đã viết cho Ăng-ghen như vậy. Còn Gien-ny đã ghi vào nhật ký của mình: “Nỗi đau xót của tôi thật vô cùng to lớn!”.

Hạnh phúc là đem hạnh phúc đến cho nhiều người nhất

Nhưng nỗi đau khổ khủng khiếp đó cũng không thể dập tắt được lửa nhiệt tình đấu tranh cách mạng của Gien-ny Mác, cùng với chồng bà làm việc không biết mệt mỏi, vừa bận rộn, lo toan cuộc sống khó khăn của một gia đình đông con, vừa đảm đương xuất sắc nhiệm vụ thư ký cho chồng. Bà chép các bản thảo của Mác, hoặc ông đọc cho bà viết (vì chữ viết của Mác vốn rất khó đọc, ngoài Gien-ny và Ăng-ghen, không ai có thể đọc được). Bà thường đóng góp cho ông những ý kiến rất xác đáng. Hầu như Mác không cho công bố một bản thảo nào khi chưa được Gien-ny xem và góp ý. Bà cũng thường thay mặt chồng giao dịch về bản thảo với các chủ nhà in, nhà xuất bản. Ngoài ra bà còn thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào được giao, ngay cả những nhiệm vụ rất phức tạp, nguy hiểm đòi hỏi sự khôn khéo và dũng cảm.

Gien-ny và con gái Lau-ra.

Chính nhờ vậy, mà ngay cả trong những năm tháng gian khổ nhất, phải sống giữa cảnh bần hàn cay đắng và bệnh tật, gia đình Mác vẫn cảm thấy hạnh phúc, Mác và Gien-ny luôn là tấm gương  mẫu mực đối với con cái. Tình yêu, cuộc sống vui vẻ sôi nổi, vô tư, trong sáng, lòng nhiệt thành cách mạng của cha mẹ đã in sâu vào ký ức các con, ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành phẩm chất, nhân cách của ba người con gái, cả ba đều trở thành những người phụ nữ dũng cảm, những chiến sĩ kiên cường của giai cấp vô sản.

Những năm cuối đời, Gien-ny Mác luôn bị căn bệnh ung thư dày vò, hành hạ đau đớn dai dẳng và ngày một trầm trọng, nhưng tâm trí bà vẫn luôn hướng về cuộc đấu tranh gian khổ của những chiến sĩ cộng sản, bà không được chứng kiến ngày thắng lợi của phong trào công nhân Đức, nhưng bà không chút nghi ngờ vào tương lai thắng lợi của nó. Điều vô cùng cảm phục là ngay những ngày cuối cùng của cuộc đời, biết mình sắp ra đi bà vẫn giữ một thái độ lạc quan yêu đời. “Cho đến khi chết - người con gái út kể lại - mẹ tôi vẫn vui vẻ để xua tan những nỗi lo lắng của chúng tôi”.

Ngày 2/12/1881, Gien-ny Mác từ giã cuộc đời, những lời cuối cùng bà dành cho Mác. Bản thân ông lúc đó cũng đang ốm nặng, hết sức sửng sốt, bàng hoàng phút lâm chung của người bạn đời vô cùng yêu quý. Và không đầy hai năm sau, ngày 14/3/1883, con người vĩ đại ấy cũng theo vợ đi vào cõi vĩnh hằng. Thi hài của ông được đặt cạnh Gien-ny - Người đồng chí, người bạn đời thủy chung, người đã dâng tặng ông niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời.

BBT lược theo Giadinh.net


Phần mềm giao nhận logistic