Đồng Tháp – Giá trị văn hóa một vùng đất và con người đương đại
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, nếu vi vu trên tuyến cao tốc Trung Lương, rồi theo hướng Tây – Nam khoảng 130 km chúng ta sẽ đến một vùng đất mà từ lâu đã nổi tiếng với hai câu thơ:
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” – Bảo Định Giang.
Câu thơ đã trở thành lời ru đi vào giấc ngủ của triệu triệu trẻ thơ; là điệu hát trong các trò chơi đố chữ của bầy trẻ nhỏ; là điểm hẹn in sâu vào tâm thức bao thế hệ người Việt Nam từ khắp mọi vùng miền của tổ quốc biết đến một cái tên địa danh Đồng Tháp và không ngừng thôi thúc đôi chân muốn một lần được đến thăm vùng đất đẹp như thơ; vùng đất được hình thành và phát triển trong tiến trình lịch sử đấu tranh chinh phục thiên nhiên và chiến đấu chống kẻ thù xâm lược; vùng đất đã hun đúc nên con người nơi đây với những bản lĩnh kiên cường, bất khuất và truyền thống yêu nước, cách mạng; vùng đất của những con người đương đại đang làm đẹp cho đời trên nền tảng của những dấu ấn xưa lấp lánh.
Đồng Tháp hiện có 12 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 49 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 38 loại hình trò chơi dân gian; 44 làng nghề truyền thống, cùng nhiều CLB đờn ca tài tử và các loại hình văn hóa phi vật thể khác như giai thoại truyền khẩu, tên gọi sông rạch, cầu đường địa danh làng ấp, chuyện dân gian,… đang góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng của người dân Đồng Tháp.
Đến Đồng Tháp chúng ta không thể bỏ qua khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là di tích lịch sử cấp quốc gia, vẻ đẹp nơi đây tràn ngập không khí yên bình, uy nghi. Khu di tích được khởi công xây dựng vào tháng 8/1975 và khánh thành vào tháng 12/1977. Đây là một quần thể kiến trúc văn hoá độc đáo, được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 9/4/1992.
Đền thờ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc nằm trong khuôn viên khu di tích
Toàn bộ khu di tích rộng khoảng 3,6ha được chia làm 3 khu vực: khu lăng mộ cụ Nguyễn, nhà sàn Bác Hồ và ao sen. Nét chủ đạo của khu lăng mộ là một màu trắng nổi bật, mang lại cảm giác thư thái nhẹ nhõm cho người đến viếng. Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây trái, hoa cảnh quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về trồng để tỏ lòng biết ơn cụ thân sinh ra vị lãnh tụ - anh hùng dân tộc. Kiến trúc Khu di tích không chỉ độc đáo mà mang nhiều ý nghĩa sâu sắc: Vòm mộ quay mặt về hướng mặt trời mọc với hình cánh hoa sen cách điệu của bàn tay xòe úp xuống; phía trên là 9 con rồng đậm nét dân gian, vươn ra thành 9 đầu hồi, tượng trưng cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn che chở và ôm ấp ngôi mộ người chí sĩ yêu nước.
Đồng Tháp là tỉnh nghèo về tài nguyên khoáng sản, nhưng bù lại có vị trí địa lý nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, do vậy Đồng Tháp có nguồn nước khá dồi dào, nước ngọt quanh năm không bị nhiễm mặn. Ngoài ra còn có hệ thống kênh rạch chằng chịt, với nhiều vỉa nước ngầm ở các độ sâu khác nhau, tạo ra nguồn nước hết sức dồi dào để phục vụ sinh hoạt đô thị, nông thôn và nguồn dự trữ cho sản xuất công nghiệp trong tương lai.
Đồng Tháp nổi tiếng với những ruộng sen hiện diện khắp nơi; ngó và hạt sen trở thành đặc sản của vùng này. Đặc biệt, ở đây có loài sen khổng lồ mà một người trưởng thành có thể đứng được trên lá sen. Diện tích rừng của Đồng Tháp tuy còn khoảng 10.000 ha nhưng được chính quyền và người dân bảo tồn, gìn giữ các loài sinh vật rất đa dạng và đặc trưng của vùng đất phương nam như tràm gáo giồng, ô môi, rắn, rùa, cá lóc, cá linh, cá trèn, cá rô, tôm, cua, trăn, cò, trích, cồng cộc, đặc biệt là sếu cổ trụi. Vì vậy, Đồng Tháp rất thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái, đặc biệt khi mùa nước nổi về là lý do khiến nhiều du khách luôn háo hức đến với xứ sở của loài sen hồng nổi tiếng.
Đến Tp. Cao Lãnh du khách cũng không thể bỏ qua Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, nằm cách trung tâm Thành phố khoảng 15 km, thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng.
Với diện tích 1.700 ha, trong đó có 250 ha rừng tràm; Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nổi tiếng với sự tĩnh lặng và nét đẹp nguyên sơ của vùng ngập nước. Gáo Giồng cũng là tên một loài cây mọc nhiều tại nơi đây, cây có bông trắng, nhìn tựa như trái chôm chôm.
Rừng tràm Gáo Giồng không chỉ đóng vai trò điều tiết dòng chảy của lũ và tạo không khí trong lành cho cả khu vực mà còn trở thành nơi sinh sống của nhiều loài thực động vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi vào Sách đỏ thế giới như chim nhan điển.
Đến Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng bằng xe ô tô hoặc đường thuỷ, du khách có thể lên đài quan sát cao 18 m để được chiêm ngưỡng một màu xanh bạt ngàn của tràm, lúa, năng, lác, từng đàn cò, diệc, cồng cộc, nhan điển và nhiều loài chim khác đi kiếm ăn hoặc về tổ; ngồi xuồng ba lá cùng các hướng dẫn viên trong tà áo bà ba xuyên qua rừng tràm đến sân chim để nhìn và nghe cơ man chim, cò ríu rít.
Nếu du khách là những cặp tình nhân, vợ chồng hoặc đi nhóm 2 người thì có thể đi xe đạp đôi vòng quanh khu sinh thái chỉ với 20.000 đồng, vừa giúp vận động cơ thể, vừa tạo cảm giác thoải mái thư giãn riêng tư. Hoặc du khách có thể thư giãn trong những “căn chòi thủy tạ” vừa đung đưa võng, vừa thả mồi câu cá,…
Đặc biệt, nếu du khách đi vào ngày thứ 7 – chủ nhật sẽ được tham quan chương trình chế biến ẩm thực với nhiều món ăn dân dã. Và chỉ cần một chiếc vé 50.000 đồng, du khách có thể thưởng thức các món bánh khọt, bánh xèo, hủ tíu,…khẩu phần calo tương đương như một bữa ăn chính.
Trước khi kết thúc chuyến thưởng ngoạn, du khách sẽ được dùng bữa cơm dân dã của Đồng Tháp Mười: cá lóc nướng trui cặp lá sen non chấm nước mắm me, cá rô kho tộ, cá linh nấu chua cơm mẻ với bông súng, bông điên điển v.v. Các món ăn càng đậm đà thêm bởi ly rượu nếp pha mật ong tràm. Tất cả đều trong bầu không khí trong lành.
Du khách sẽ thích thú với những mặt hàng thủ công mỹ nghệ rất đặc trưng của vùng sông nước.
Tôi và nhà văn Trầm Hương về Cao Lãnh trong những ngày cuối tháng 7/2015 để gấp rút tìm thêm tư liệu cho cuốn sách viết về dì Nguyễn Thị Lựu – người con gái của quê hương Đồng Tháp anh hùng; bà đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Cuốn sách viết về bà sẽ được Hội Nữ trí thức Tp. Hồ Chí Minh xuất bản vào dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9.
Những cơn mưa như trút nước làm chúng tôi lo lắng sẽ có những trở ngại trong công việc vì thời tiết. Nhưng thật may mắn, chúng tôi được “Thổ địa” - Nhà thơ Hữu Nhân (Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ Đồng Tháp) dẫn đường. Lần đầu tiên quen biết nhưng anh là người rất thân thiện, gần gũi và vô cùng nhiệt tình,…Và điều quan trọng hơn anh là người rất am tường vùng đất Đồng Tháp nói chung và Tp. Cao Lãnh nói riêng, có lẽ vì đặc thù nghề nghiệp nên anh còn có mối quan hệ quen biết rộng. Vì vậy chỉ cần một cuộc điện thoại chúng tôi đã được ông Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Lựu (dù đang đi công tác xa) đã bố trí người tiếp đón, cung cấp tư liệu; và cũng chỉ một tin nhắn, chúng tôi đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thông báo hiện thân mẫu của đồng chí (là lão thành cách mạng Lê Thị Vạn – bí danh Năm Huệ) đang chờ tại nhà riêng để tiếp đón chúng tôi. Đi tới đâu chúng tôi cũng cảm nhận được một tinh thần làm việc trách nhiệm, một thái độ tiếp dân thân thiện, cầu thị. Vì vậy chỉ trong một buổi chiều chúng tôi đã hoàn thành công việc sớm hơn rất nhiều so với kế hoạch dự định.
Đường phố ở Tp. Cao Lãnh thông thoáng, sạch sẽ
Qua những câu chuyện trong hơn một ngày gặp gỡ những con người Đồng Tháp, chúng tôi được biết, lãnh đạo Tỉnh ủy – UBND Đồng Tháp đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Sở Nội vụ Tỉnh triển khai và quán triệt trong cán bộ công chức toàn Tỉnh phải nghiêm túc thực hiện quy định 6 Biết, nhằm thiết thực thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với tinh thần: “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân”; góp phần xây dựng hình ảnh Đồng Tháp, xây dựng chính quyền thân thiện. Nội dung của 6 biết là:
1- Biết cười
2- Biết chào hỏi
3- Biết lắng nghe
4- Biết hướng dẫn
5- Biết cảm ơn
6- Biết xin lỗi.
Có lẽ đây là câu trả lời thật thỏa đáng vì sao trong thời gian qua báo chí nói nhiều đến mô hình đi tuần tra bằng xe đạp của công an Tp. Cao Lãnh; mô hình đang tạo được sự gần gũi, tin cậy của người dân đối với các chiến sĩ công an, nhất là công an khu vực. Được biết, Công an tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình này ra toàn Tỉnh trong thời gian tới.
Khánh Tâm
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12/2024 đến 28/01/2025
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 01/12 đến 18/12/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 21/11 đến 30/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 14/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 31/10 đến 20/11/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 17/10 đến 30/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 3/10 đến 16/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 19/9 đến 2/10/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 29/8 đến 18/9/2024
-
Cẩm nang đi chợ tại chuỗi siêu thị Co.op Mart từ ngày 15/8 đến 28/8/2024